Nhớ về thầy Cung Giũ Nguyên (3)

Trong lớp có cô C. từng bị “tai nạn” phụ nữ – mà không có Bạch Tuyết bạn đường – ngay trên ghế nhà trường trong giờ lớp thầy Nguyên. Thầy yêu cầu cả lớp không được làm “dư luận viên” vụ này. Rồi điều một bạn cùng lớp chở C. về nhà. Lúc này thầy lấn sân môn đạo đức học của cô Diệu Trang. Thầy chỉ nói: “Các em cố giữ thái độ sao cho C. nó vẫn tiếp tục đi học hoặc không đổi trường. Đừng tạo mặc cảm cho bạn.”

Trần Công Khanh

Cung giũ Nguyên 3

Về chính trị dường như thầy Nguyên có quan điểm riêng, không giống ai. Một thời ông thường được mời đi diễn thuyết, thấy ông người Huế, các câu hỏi về “Gia đình trị Ngô Đình Diệm” được hỏi như cơm bữa. Ông trả lời: Sao mình không nhìn dưới góc độ gia đình yêu nước, ai cũng tham gia chính trường.

Sau tin chiếc tàu Lý Thường Kiệt bắn chìm một tàu Trung Quốc trong trận đánh xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà đồng minh Mỹ chọn thái độ “im lặng là vàng”, bọn học sinh hôm sau có giờ lớp thầy Nguyên mới hóng. Thầy ôn tồn kể: “Tôi với ông X. (ông này có tiệm bán cà phê bột đối diện nhà thầy Nguyên trên đường Hoàng Tử Cảnh) cãi nhau đánh nhau. Tôi đập bể của ổng một cái ấm sứ, ổng cũng đập bể của tôi một cái ấm đất. Nhưng tôi có mỗi cái ấm đất để nấu nước, còn ổng còn tới chín cái ấm sứ.” Thôi hãy quay lại với những con cừu của chúng ta.

Có lần, thầy kể, ông được ngồi trên xe tướng hai sao để đi diễn thuyết. Ông ngồi ló mặt ra ngoài xe cho mọi người trông thấy “Thằng Nguyên này đi xe tướng chớ đâu phải giỡn!”. Tánh cách châm biếm của ông tôi học được nhiều lắm. Về sau vào đời, tôi nhiễm một phần cái tánh cách đó. Tôi nhớ lại thầy Nguyên hay dùng đầu gối của ông như một người bạn để nói chuyện khi ông phật y về cuộc thoại với ai đó mà không hài lòng.

Kim Kiểu, sanh viên Pháp văn II một hôm than với thầy Nguyên: “Sao em chán quá thầy ơi!” “Thì tự tử đi!” “Cách nào thầy?” “Xe cán, nhưng đừng nhảy vào xe chở thầy cô, lật xe tội thầy cô” (Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải có xe 16 chỗ chở thầy cô đi dạy riêng). Thầy Nguyên chuyên tấn công vào mặc cảm của học trò. Ông nói vậy vì Kim Kiểu vô địch mập ở trường năm đó.

Về Công giáo, ông viết bài cho báo bị phản ứng dưới dạng “chủ nghĩa giáo sĩ trị”. Sau đó ông không viết nữa. Ông có ghi lại suy nghĩ của mình trong “Câu chuyện ngành Tráng”. Ông viết thư cho Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, ông chỉ tiết lộ một phần bức thư và thư trả lời của Cha Thuận trong cuốn “Câu chuyện ngành Tráng”. Nhưng khi nói, tôi lại nghe khác: Tôi có nói với Đức Cha Thuận khuyên ông Thiệu từ chức và nói toạc ra cho bàng dân biết, để họ chuẩn bị tinh thần. Ông cho biết thay vì trả lời ngài tặng cho ông món quà lưu niệm gì đó, tôi không còn nhớ.

Tôi hai lần bị đuổi ra khỏi lớp bởi hai giáo sư – một ở lớp 12, một ở lớp Pháp văn I, Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải Nha Trang. Trong giờ luận lý học, tôi tranh cãi với cô Diệu Trang về việc xếp loại triết gia René Descartes. Theo một quan điểm nào đó, cô biểu Descartes chủ phái bẩm sinh. Tôi cãi ông là nhà toán học sao bẩm sinh được? Em không nghe cô, em ra khỏi lớp. Tôi ra khỏi lớp kèm theo câu lầm bầm ngu ngốc của thời tuổi trẻ: “Đúng là không nên cho đàn bà dạy Triết!” Nhưng các giáo sư ngày xưa đều không có arrière-pensée (tư tâm). Thầy Nguyên là người xin cho tôi trở lại lớp 12 giờ triết môn luận lý học của cô Diệu Trang.

Lần thứ hai tôi bị đuổi ra khỏi lớp Thầy Quỳnh – họ gì thú thiệt là quên – dạy môn “Le Français rénové” (sửa lưng phương pháp thụ động của G. Mauger. Học sinh Việt Nam đang học bộ sách giáo khoa “Ngôn ngữ và văn minh Pháp” của ông này). Giờ đó, thầy Quỳnh đang nửa giảng nửa đọc cho sanh viên chép bài. Tình cờ ông đi ngang qua bàn cô Thái Đức (hoàn toàn không có nói lái), lớp trưởng. Nhìn vào vở cô, ông buột miệng: “Cô này được sạch sẽ. Tôi cũng mau mắn: “Thưa thầy, cô đó là bạn em, mỗi năm cổ tắm có một lần!” “Anh ăn nói vậy hả, đi ra khỏi lớp!” Tôi lủi thủi đi ra. Thầy Nguyên – đương kiêm giáo sư hướng dẫn lớp Pháp văn I – dắt tôi xin cho vào lại lớp thầy Quỳnh. Hết giờ thầy Quỳnh, đến giờ thầy Nguyên, ông lấy cho chúng tôi xem một tấm hình cũ của thầy Quỳnh đang khoanh tay trả bài. Thầy nói một câu: “Nó kêu tôi bằng thầy nhưng nó là học trò của vợ tôi!” Chẳng lẽ ông muốn đính chánh về cái “made in” của thầy Quỳnh?

Lần tôi sốc nhất là câu mở đầu bài diễn văn khai giảng Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải Nha Trang niên khóa 1974-1975. Người được cử đọc diễn văn là Giáo sư Cung Giũ Nguyên: Người ta nói, học cho lắm tắm cũng ở lỗ… Có lẽ đó là một “mánh lới” gây chú ý cho cử tọa. Toàn trường ồ lên. Lúc đó ông mới nói về chuyện học, chuyện không học. Học cái gì không học cái gì. Ông kể: Có một ông thầy võ ẩn cư ở khu vực trên núi Tháp Bà. Môn sinh nghe tiếng ông theo học đông lắm. Họ kháo nhau là ông giỏi võ. Thầy Nguyên cũng khăn gói xin đầu làm môn sinh. Có hôm, thầy vừa tới nhà sư phụ, thấy vợ sư phụ đang xách chổi rượt sư phụ. Thầy kết luận: “Thế là tôi bỏ học. Tôi không thể học môn đó.”

Cung Giũ Nguyên là một ca tự học sáng giá – một tấm gương tày liếp cho sự may mắn của tôi khi được tùng học với ông. Ông từng nói, vì e nó chê bọn văn chương không biết gì về toán, nên đã bỏ lên ở ẩn ở Đà Lạt hai năm để chỉ tự học toán và tiếng Anh. Có ông bạn, học trên tôi một lớp, chê: “Thẩy viết tiếng Tây thì hay, nhưng văn tiếng Việt của thẩy dở ẹc”. Lúc đó, tôi không đọc được Cung Giũ Nguyên nhiều nên không tranh cãi. Năm 1975, tôi nghe thầy nói còn hai quyển viết dở bằng tiếng Anh và một quyển bằng tiếng Pháp. Nhưng không biết là những quyển gì. Đầu những năm 2000, tôi có dịp liên lạc lại với thầy qua email. Lúc này, hơn 90 tuổi, thầy thao tác computer như là phương tiện viết lách sành sỏi. Sau đó ít lâu thầy báo phải đi mổ mắt và sau nữa bác sĩ cấm thầy đọc sách, đọc màn hình… Thầy qua đời ở tuổi 100 không đúng như có lần học trò từng chúc thầy sống lâu trăm tuổi, thầy nửa đùa nửa thật: cấm các em dùng giới hạn trăm tuổi cho thầy. Hôm thầy mất, tôi khóc cho thầy được một bài trên Sài Gòn Tiếp Thị. Lúc đó trí nhớ còn long lanh, bài báo lại bị giới hạn. Bây giờ trí nhớ điêu tàn, không còn nhớ nhiều chi tiết trong thời gian sống với thầy để ghi lại…

Trần Công Khanh

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.