Chiếc cặp của cha tôi

Mãi đến giờ, hình ảnh căn nhà cũ kỹ ngày còn bé của tôi còn lưu lại trong trí, là bức tường treo một chiếc đĩa tráng men, in hình thằng bé mếu máo, tay ôm cặp, với hàng chữ Pháp ở bên dưới: ‘Đi học nữa hả? Hôm qua đi rồi mà!’

Nguyễn Minh Lê

chiếc cặp

Và ký ức tuổi thơ, cạnh hình ảnh cái dĩa, là đầy những… cặp! Cha mẹ của tôi đều là nhà giáo, cả đời mong con chăm chú đèn sách, rất chăm chút sự học của các con, như Nguyễn Bính:

Nhà ta coi chữ hơn vàng

Coi tài hơn mọi giàu sang trên đời

Ta thường mơ chuyện xa xôi

Mỗi lần ngõ cũ để rơi hoa hoè…

Vì “coi chữ hơn vàng” nên từ bé đến lớn nhà tôi lúc nào cũng có sự hiện diện của cặp. Chưa kể, cả lũ cặp cũ mèm, chất đầy lủ khủ cả nhà, cũng chưa từng bị vất đi. Tính cha tôi ưa sưu tầm, lưu trữ – mà không loại trừ cả hà tiện, không thích vứt bỏ gì cả. Ông khư khư giữ tất cả những gì ông đã sắm.

Cha tôi dễ thương ở chỗ ông lập dị một cách vô tư! Suốt cuộc đời dạy học mực thước mô phạm, có lẽ thú vui ‘phá cách’ nhất của ông là đi du lịch kiểu bụi đời, nói theo kiểu các bạn trẻ bây giờ là ‘đi phượt’! Ba mươi năm trước, hai cha con từng đánh cuộc nhau – và tôi thua to, xem ai ở trong một cái nhà trọ rẻ tiền hơn mà chịu được. Cha tôi thắng con gái vẻ vang vì chỉ tiêu có… 2 đô la Mỹ cho hai đêm ở tít trên biên giới Lạng Sơn. Và thêm một lần khác, đi từ Saigon xuống tuốt luốt tận mũi Cà Mau không tốn đồng nào vì quá giang ghe chở hàng, cứ thế mà đáp chuyến hải hồ lênh đênh cả mấy ngày đêm trên sông nước.

(Có lẽ máu giang hồ vặt của tôi sau này, là thừa hưởng từ cha, trừ chứng say, gì cũng say, car sick, air sick sea sick… Vậy mà số phận đưa đẩy tôi vướng vào cái nghề phải giang hồ ba bữa buồn một bữa, đi khắp chốn, đi vì công việc nên căng thẳng, mệt ra bã, chớ đời nào vui vẻ thoải mái được như cha tôi!)

Quay lại chuyện lập dị đáng yêu của cha tôi, người hầu như chẳng bao giờ quan tâm đến hình thức bề ngoài. Một lần tôi về Việt Nam đúng lúc ông đang loay hoay chuẩn bị ‘đi phượt’. Cha tôi hỏi xin cái ba lô Lancôme cũ diêm dúa từ con gái điệu của ông, cho hết đồ đoàn vào, rồi thản nhiên khoác nó đi ‘lang thang giữa đời ối a biết đâu nguồn cội’! 

Mãi đến nhiều năm sau này, mỗi lần quay về nhà thăm bố mẹ, tôi thấy cái ba lô Lancôme vẫn bền bỉ ở đấy.

Ngày còn bé, một trong những hành trình hiếu kỳ tìm hiểu về bố mẹ của một đứa nhỏ sáu tuổi, là lục lọi xem những tấm ảnh cũ của cha tôi trong tủ. Và trên ảnh, không lúc nào vắng bóng những chiếc cặp. Cha tôi thời sinh viên gầy còm, đứng hiên ngang ghếch chân lên lan can, móc tay vào quai cặp vắt vai trông rất tài tử. Hay ảnh điệu – nói kiểu bây giờ là ‘diễn’, trong học xá, bút cầm tay, cặp lờ mờ trên background đằng sau. Hay ảnh hai người tuổi đôi mươi xúng xính nắm tay nhau, tay kia vẫn xách cặp (Tôi còn nhớ rõ, phía sau ảnh có ghi:  ‘Hai ta…’ và mực viết ngày tháng nào đấy đã nhạt nhoà hồi thập niên 60, mười mấy năm trước khi tôi có mặt trên đời).   

Những chiếc cặp của cha tôi, ngày càng cũ, da sờn, quai đứt. Thợ sửa giày đầu ngõ mừng rơn có cha tôi là mối khách sộp, cứ vá đi vá lại mãi. Lần nào về thăm nhà, tôi năn nỉ sắm cặp mới, ông (già Khốt ta bít) cũng lắc đầu nguầy nguậy. 

Những ngày cuối cùng, trong bạo bệnh, cha tôi vẫn mải miết với tập bản thảo trong cặp. Và những ngày ông vào nhà thương, chiếc cặp cuối cùng trong đời ông, vẫn nhẫn nại đứng chờ trên bàn viết.

Lần vừa rồi về dọn nhà cho mẹ, tôi bồi hồi gặp lại người bạn thuở ấu thơ: chiếc cặp của cha tôi. Tôi ngồi lặng, ngắm nghía những góc cạnh vẹt mòn, tay cầm bóng loáng mồ hôi, và những vết vá dọc ngang là dấu tích hình như từ lần nào đấy bị các bạn đạo chích rạch cặp ghé thăm, chẳng ngờ vớ phải ông giáo nghèo túi chẳng mấy khi có tiền!

Lớn lên, tôi không trở thành nhà giáo như cha tôi hằng mong ước. Tôi làm việc trong một lĩnh vực chuyên môn không dễ dàng & đầy cạnh tranh, sung túc hơn bố mẹ, đời sống hồi đấy không thể gọi là không viên mãn, sao bấy giờ lòng vẫn không vui?

Giờ, sau hơn nửa cuộc đời, mãi đến khi cha tôi đã nằm xuống, tôi mới hiểu, mình không thuộc cái thế giới lấp lánh đấy như mình vẫn nghĩ… Tôi chỉ hy vọng, mình còn nhặt lại được chút ‘giàu sang’ từ nếp sống đơn bạc của nghề giáọ của cha tôi, người có cha mẹ là nông dân ở đồng bằng sông Mekong, người mà ngày ra đi, gia tài để lại cho các con, chỉ là vài tủ sách to và chiếc cặp sờn cũ.

Nguyễn Minh Lê

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.