QA- Atttp (1): Gạo lứt nhiễm arsenic có đáng ngại không?

Trong chương trình “Khỏe & Vui” của BSA (Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN), tôi đã trả lời một số phản hồi của khán giả trong bài nói về gạo lứt và da gà. Nay note lại thành bài và sẽ post dần để bạn đọc dễ theo dõi hơn.

Vũ Thế Thành

Hỏi:  FDA ra quy định mới rồi chú ơi, là gạo lứt thì Asen phải dưới 100 ppb mới được cho trẻ ăn. Gạo lứt đa số 160-200ppb. Nên các bạn ăn gạo lứt lâu dài không tốt đâu. Cháu đọc nghiên cứu asen đó rồi.

Trả lời: Đây là câu hỏi hay, chứng tỏ bạn đọc này chịu đọc tài liệu. Chỉ có điều bạn chưa hiểu rõ về luật chơi an toàn thực phẩm nên có phần băn khoăn.

Cách nay hơn chục năm, báo chí bên Mỹ làm ầm ĩ vấn đề gạo nhiễm arsenic (thạch tín). Người tiêu dùng phát hoảng khi thấy báo chí so sánh dư lượng arsenic trong gạo lứt nhiều gấp mấy chục lần so với nước uống. Cơ quan an toàn FDA (Mỹ) phải “miễn cưỡng” vào cuộc để trấn an dư luận. FDA khảo sát các loại gạo, kể cả gạo lứt trên thị trường Mỹ. Kết quả arsenic trong gạo và gạo lứt chẳng có gì đáng ngại.

Arsenic có ở trong các loại đá trầm tích, nước ngầm. Gạo có mức arsenic cao gấp chục lần so với các loại ngũ cốc khác vì cây lúa được trồng trong ruộng nước.

Gạo trắng, gạo dài, gạo ngắn, gạo lứt…đều có, kể cả gạo hữu cơ cũng không thoát. Đã dính tới đất đai, dính tới nước thì gạo nào cũng thế. Gạo lứt (brown rice) có mức cao hơn gạo xay xát vì nó còn vỏ cám.

Mức ADI của arsenic được hiện nay được giới khoa học đồng thuận là 0.015 mg/kg thể trọng.

ADI (Acceptable Daily Intake ) là lượng ăn vào mỗi ngày chấp nhận được. Có thể hình dung thế này cho dễ hiểu, một người nặng 60kg, có thể tiêu thụ 0,90mg arsenic trong một ngày thì chấp nhận được.

Hiện nay, mức quy định arsenic trong gạo là 200 ppb (= 0,2 mg/kg gạo). Thanh niên như bạn (giả dụ nặng 60kg), mỗi ngày ăn được chừng 250g gạo là nhiều. Trong 250g gạo này có dư lượng arsenic là 0,05 mg arsenic. Còn khá xa so với mức ADI là 0,90mg.

Các cơ quan FDA và USDA (Bộ Nông Nghiệp HK) đều có sẵn data về từng loại sản phẩm tiêu thụ ở thị trường Mỹ. Và họ thừa biết vụ arsenic mà báo cnhi1 làm ầm ĩ là chuyện câu view, cây đè điện giật. Đó là lý do vì sao tôi nói, FDA (Mỹ) “miễn cưỡng” nhập cuộc.

Còn với gạo lứt cho trẻ em thì đúng là FDA quy định gắt hơn, dưới 100 ppb arsenic.

Thật ra quy định này không chỉ dành cho gạo lứt (vì trẻ con đã ăn biết ăn gạo lứt đâu), mà là áp dụng cho tất cả loại bột (kể cả bột gạo lứt) hay sữa formula dành cho bọn trẻ infant.

Trong tiếng Anh, từ “infant” để chỉ trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Cơ địa của bọn baby này rất “nhạy cảm” với arsenic thành thử mọi thức ăn dành cho chúng đều quy định rất gắt.

Tóm lại, ăn gạo lứt thì không cần phải lăn tăn gì với arsenic, kể cả ăn gạo lứt dài hạn. Vấn đề là gạo lứt rất dễ bị mốc, dễ bị hư hơn so với gạo xay xát do gạo lứt còn lớp cám. Khi mua, nên mua gạo lứt mới. Và không nên mua trữ quá nhiều.

Vũ Thế Thành

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.