Loài cá vồ nhỏ mỏi mòn dần trên dòng Mekong

Hôm thứ bảy 5/11/2016, trong chuyến đi Ô Môn, tôi được hạnh ngộ loài cá pangasius sông Mekong được đại học Cần Thơ (1) khẳng định là nhỏ nhất trong loài, với mẫu thu chỉ đến 27cm ở sông Hậu; ở sông Tiền chỉ 23cm.

Ngữ Yên

Pangasius gồm basa, hú, dứa, bông lau, vồ đém, xác sọc và bần/nghệ.

Có lẽ nhỏ xíu theo tiêu chuẩn tìm “em” của nhạc sĩ Trần Tiến (2) mà nó được dân miền Tây gọi thêm cái tên khác là cá tra Xiêm – theo trường nghĩa “dừa Xiêm” chăng? Sản vật miền Tây cực phong phú, lần nào đi xuống tôi cũng thu được vài chút khôn mới.

Cá sát sọc kho quẹt. Ảnh: Tấn Tới

Anh Năm, chủ quán Nhi, con người ít nói tuy biết rành nhiều thứ, cho hay, giá tra Xiêm bữa nay là 80.000 đồng/kg so với cua 40.000 – 50.000 đồng, vồ đém con nhỏ 40.000 đồng và cá hú 45.000 đồng. Ậy, con cá tuy nhỏ, nhưng số má không nhỏ. Thứ cá này, Hai Đoàn, một người dân miền Tây thông thạo sản vật, nói, chỉ ở trong nước sạch, không ở trong nước bạc.

Cá chọn nước sạch làm cho người ta liên tưởng đến Khuất Nguyên với câu trả lời ông lão đánh cá: “Cả đời đục, một mình ta trong; cả đời say, một mình ta tỉnh…”

Có một điều lạ là hai ông quan chọn sống sạch kia – ông Giới Tử Thôi và ông Khuất Nguyên, một chết vì lửa, một chết vì nước – lại chết vào ngày dễ nhớ không hà, 3/3 và 5/5 âm lịch.

Thế là trước khi mùa nước nổi tràn về, xác sọc chắc chắn phải vất vả ngược dòng Mekong, vượt thác Khỏn bên Lào – coi như là về quê ăn tết, chờ đẻ, đợi qua mùa nước đục. Nay mai Lào xây cái đập Don Sahong không xa dưới thác Khỏn.

Thác này là nút điểm các loài cá thiên cư đi từ hạ nguồn ở Campuchia và Việt Nam lên thượng nguồn ở Lào để sinh sản. Để vượt lên thượng nguồn các loài cá dùng các hẻm nước.

Ngay tại thác Khỏn chỉ có vài hẻm nước là cá có thể lội lên được đến thượng nguồn ở Lào, trong đó có hẻm nước Hou Sahong dài 7km từ đảo Don Sahong đến đảo Don Sadam là quanh năm cá có thể lội ngược vượt dòng nước, vì hẻm nước này đủ rộng trong mùa khô và không có thác nào trên chiều dài hẻm so với các hẻm khác (3).

Đường về quê diệu vợi vì đập cao thẳng đứng, chưa tập luyện leo trèo, hẻm nhân tạo không chắc giống tự nhiên, số phận những con cá pangasius nhỏ xíu chắc sẽ như Khuất Nguyên – kẻ không chịu gặp đục quậy lên cho đục thêm – bèn tuyệt diệt.

Nếu tin lời Hai Đoàn, ắt phải là năm nay nước không về nhiều vì còn bắt được xác sọc không thích nước bạc. Nhưng vẫn đang có cá linh dọn lên bàn ăn bữa mừng công của nhà hàng Nhi vào chung kết giải Chiếc thìa vàng, chứng tỏ nước có về.

Chỉ là cá linh không béo ngon như cách đây mấy năm. Vậy phải suy đúng ra là nước có về đã không còn đủ đục, để con xác sọc về quê, để cá linh – cái “bến nhớ” của người miền Tây bao đời nay – không còn béo. Một dấu chấm hết cho nỗi buồn nước nổi Mekong chăng?

Đầu xác sọc hình nón, hơi dẹp bên. Miệng cận dưới, không co duỗi được, rạch miệng xiên. Thân dài, dẹp bên. Cuống đuôi thon dài. Phần lưng của đầu và thân có màu đen ửng xanh lá cây và nhạt dần xuống bụng. Bụng cá có màu bạc trắng ửng hồng. Mỗi bên thân có hai sọc đen chạy theo chiều dọc.

Có lẽ tên cá được gọi theo hai sọc trên mình cá. Nói có lẽ vì những con khác có sọc nhưng đâu có chữ sọc trong tên như cá ong căn chẳng hạn.

Thịt cá xác sọc béo mà thơm tuy rằng nhỏ xíu được xem là món ăn quý đãi khách, vì chỉ có loe ngoe vài con, để không đầy dĩa. Vẽ một miếng cá chấm với nước mắm mặn loại ngon – phải là mắm tử tế nhé, chất ngọt béo thơm của cá được nước mắm cũng ngọt béo thơm cộng hưởng tạo ra một vị ngon cân bằng mà chất.

Bữa cá hôm đó đúng là ăn không dính kẽ răng vì cá ít quá. Cá rồi sẽ Khuất Nguyên, cái ngon miền Tây lại mỏi mòn dần trong những ngày tới. Chung số phận với chúng còn có danh ngư bông lau độc đáo của sông Vàm Nao?

Ngữ Yên

 ———-

(1) Khảo sát thành phần loài cá trơn họ pangasiidae đồng bằng sông Cửu Long, Nguyễn Văn Thường và CTV.

(2) Ngẫu hứng Lý qua cầu, Trần Tiến.

(3) Ian Baird, The Don Sahong dam, Potential Impacts on Regional Fish Migrations, Livelihoods, and Human Health, Critical Asian Studies 43:2  (2011), 211–235.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.