Xem tranh Thân Trọng Minh

Ông Thân Trọng Minh là họa sĩ. Nghề tay mặt của ông là bác sĩ, nghề tay trái là văn sĩ, thi sĩ… Khoảng hơn chục năm sau này, ông trở thành họa sĩ dù không theo học trường lớp hội họa nào. Dù là họa sĩ “tự phát”, nhưng tranh ông cũng được triển lãm bên Tây bên ta đủ cả.

Vũ Thế Thành

Nghề nghiệp của TTM gắn liền với nhiều chữ “sĩ”, nhưng tôi chưa nghe nói ông có ý định trở thành giáo sĩ.

Tôi không có chút kiến thức gì về hội họa, nên xem tranh Thân Trọng Minh, tôi chẳng hiểu gì cả.  Có lần ông nói với tôi: tranh moa vẽ, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Phát biểu “bất cần” này là sự khích lệ lớn lao với tôi: Xem tranh TTM, hiểu (theo) ý Vtt.

Người vẽ bạt mạng, người xem cũng (hiểu) bạt mạng. Tôi nhận ra rằng, “chủ thể” to tướng mà ông vẽ có vẻ như là cái bẫy, để con mắt hút vào thì dễ sa chân vào cái…sự đời. Chẳng hạn, trong một bức tranh sơn dầu, ông vẽ cái đầu người thiệt bự, nhỏ hơn một chút là con chim bồ câu. Nhưng tôi chỉ chú ý tới đầu con rắn nhỏ xíu phía trên đầu người, bên cạnh là ký hiệu, mà dưới con mắt bụi bặm của tôi có vẻ như là con số 35. Sau này tôi mới biết đó là chữ Phạn: OM, diễn tả trạng thái hài hòa, siêu thoát.

Tôi viết quyển “ Ẩm thực ven đường Huế”, đưa bản thảo nhờ ông góp ý. Ông nói, moa sẽ đọc dưới con mắt nghệ sĩ. Tôi phản ứng ngay, anh hãy đọc dưới con mắt người Huế, dù là người Huế xa quê. Ông đưa nhiều ý kiến khá hay, giúp tôi hiểu (người) Huế hơn. Chuyện vãn ở quán café,  nhân tiện ông gửi tôi xem vài bức tranh của ông, mà theo ông, liên quan đến ăn uống. “Toa thích tranh nào thì đưa vào sách”.

Tôi chọn ra đây hai bức tranh sơn dầu của ông để “luận” dưới ánh sáng của cái gọi là “Xem tranh TTM, hiểu (theo) ý Vtt”.

TTM.G-01_Ca va Banh Mi_son dau_80x80cm

Bánh và cá (tranh Thân Trọng Minh)

Bức tranh thứ nhất, ông đặt tên “Bánh mì và Cá”. Chỉ cần nghe cái tựa, không quá khó với tôi để biết ngay, ông mượn chuyện Kinh Thánh “Năm cái bánh và hai con cá” để truyền tải điều gì đó. Hầu hết tranh TTM đều có màu tối, nhưng tranh này hơi sặc sỡ màu sắc, nào bánh mì, cá, ớt, dao thớt… Tôi nhìn bức tranh hồi lâu, nhấp một hớp cà phê, nói: “Tranh này là cháu nội Thân Trọng Minh vẽ”. Ông im lặng. Tôi không biết ông đang nín thở hay đang nín cười.

Bức tranh thứ hai, có tên “Cá thức tỉnh”. Con cá không bao giờ nhắm mắt vì nó không có mí mắt, nhưng cá vẫn lúc thức lúc ngủ như con người. Nói cách khác, cá ngủ không nhắm mắt. Khi cá ngủ, nó phản ứng rất chậm, nhưng lúc thế này cá rất dễ trở thành “bạn thân” của ngư phủ. Có lẽ vì vậy mà TTM cảnh giác “cá thức tỉnh”? Nhưng đó chỉ là “hình tướng”.

TTM.G-16_Ca Thuc Tinh III_son dau_60x50cm

Cá thức tỉnh (tranh Thân Trọng Minh)

Theo thói quen xem tranh TTM, tôi không chú ý đến con cá, mà để ý đến mấy thứ lặt vặt chung quanh cá: hộp đựng tranh bút rỗng tuyếch, cây đèn dầu, và một hộp nhỏ hình chữ nhật mà tôi đoán là hộp mực (màu). Chẳng lẽ chỉ có một màu? Bút cọ đâu? Vứt (mẹ) hết đi để vẽ cuộc đời bằng con mắt à?

Ông TTM nói với tôi, cái hộp đó là gói thuốc lá Craven A. cái bớt đen tròn là đầu Con Mèo. Tôi thở dài, vẽ kiểu này thì Hoàng tử Bé của Saint Exupéry mới hiểu nổi! Tôi định hỏi, vứt (mẹ) luôn hộp quẹt à?, nhưng kềm lại được. Ông mồi thuốc bằng ngọn đèn dầu.

Dù hiểu đó là gói thuốc hay bình mực, đến đây nếu quy chiếu vào con cá và ngọn đèn dầu thì có thể cảm nhận được ý tưởng của TTM. Và biết đâu, “cảm” được luôn ý tưởng trần tục khi xem tranh của Vtt.

Bìa Huế 7 a

Ông Thân Trọng Minh có dạo được mời Viện Đại học Đà Lạt (trước 75) mời thỉnh giảng dạy môn Tâm Sinh lý. Triết lý giáo dục của đại học này là Thụ Nhân (trồng người). Ông TTM kể với tôi, khi vào giảng đường, câu đầu tiên ông nói với sinh viên: “Trước khi thụ nhân phải thụ tinh”.

Tôi quán triệt cái trước cái sau của hai chữ “thụ” này khi xem tranh Thân Trọng Minh. Và tôi chọn “Cá thức tỉnh” làm trang bìa cho sách “Ẩm thực ven đường Huế” của tôi.

Đừng ai hỏi tôi, quán triệt thế nào, vì sao chọn tranh này. Tôi sẽ bắt chước ông Thân Trọng Minh trả lời, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Vũ Thế Thành

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.