Món quà Giáng sinh

Tôi thích truyện ngắn của O. Henry, thích từ hồi tiểu học với những mẩu lược truyện. Lớn hơn thì đọc bản dịch đầy đủ, và khi cao hứng đọc nguyên bản tiếng Anh. Hễ vớ thấy truyện của O. Henry là đọc. Đó là thuở còn đi học.

Vũ Thế Thành

Món quà giáng sinh

Truyện của O. Henry đậm chất nhân bản, văn phong đơn giản, cô đọng và thường kết thúc bất ngờ. Ông viết cả vài trăm truyện ngắn, có vẻ như mọi mảng đời trong cõi nhân gian này đều được ông đưa vào truyện.

Có lẽ do cuộc đời của Henry trôi nổi, làm đủ mọi nghề, từ làm báo, chơi nhạc, dược tá, vẽ kỹ thuật, đầu bếp, kiến trúc, kế toán nhà băng… Tiếp xúc với đủ hạng người, từ quan tới dân, giàu tới nghèo, sang tới hèn, rồi có thời gian ông ngồi tù nữa. Chính thời gian trong tù, ông bắt đầu viết truyện ngắn, kiếm tiền nuôi đứa con gái mồ côi mẹ. Đời phong trần thì chất liệu sống cũng được ông đưa vào truyện cùng với văn phong độc đáo cô đọng thì truyện không hấp dẫn sao được.

Tôi đọc O. Henry nhiều, nhưng tình tiết mỗi truyện lại nhớ chẳng được bao nhiêu. Có hai truyện ngắn của ông gây ấn tượng mạnh nơi tôi, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Chiếc lá cuối cùng” và “Món quà Giáng Sinh”.

Mùa Giáng Sinh đang đến, tôi nói về câu chuyện “Món quà Giáng Sinh”.

Truyện “ Món quà Giáng Sinh”, theo nguyên tác có tựa đề là “The Gift of the Magi”. Hiểu được từ “Magi” thì sẽ hiểu vì sao O.Henry là đặt tựa đề cho truyện là “Món quà của các Magi”

“Magi” trong tiếng Anh để chỉ ba nhà chiêm tinh tư tế đã đến thăm chúa Giêsu vừa được hạ sinh tại Bethlehem (nay thuộc Palestine). Họ là những người tài cao học rộng, được chọn làm chủ tế nghi thức tôn giáo, và cũng là cố vấn cho nhà vua.

Theo Phúc Âm, những nhà chiêm tinh này xem tinh tú, và đoán biết, đấng cứu thế, sẽ là vua Do Thái sau này, vừa hạ sinh tại Bethlehem. Họ đến từ phương Đông (nhìn từ Palestine, có lẽ ở Ba Tư, Iran ngày nay) mang theo những quà tặng quý giá nhất, vàng, hương liệu và mộc dược, nhìn lên trời, theo tinh tú dẫn đường, tìm đến Bethlehem để chiêm bái hài nhi.

Người Ki tô giáo tin rằng, đây là lần đầu tiên Chúa hiển thị hay mặc khải cho dân ngoại đạo (không theo Do Thái giáo) biết sự ra đời của Đấng Cứu Thế. Hàng năm các Kitô hữu kỷ niệm sự mặc khải này, và gọi là lễ Hiển Linh (Epiphany), hay còn gọi là lễ Ba Vua (tôi không hiểu vì sao các nhà chiêm tinh lại biến thành vua).

Như vậy, món quà của ba nhà chiêm tinh không chỉ có giá trị vật chất, mà cao hơn nhiều, đó là giá trị tinh thần, nếu không muốn nói là linh thiêng.

Truyện “Món quà Giáng sinh” của O. Henry kể về đôi vợ chồng trẻ rất nghèo, đã tặng nhau món quà giáng sinh, mà tác giả gọi đó là món quà của những nhà chiêm tinh (magi) mang đến dâng lên Chúa hài đồng. Món quà của đôi vợ chồng nghèo đó có giá trị tinh thần, linh thiêng vượt xa giá trị vật chất.

Tình nghĩa dễ tìm trong đói nghèo hơn là trong nhung lụa, và chắc gì đã tìm thấy trong những màn cầu hôn lung linh quý phái.

Vũ Thế Thành

Đọc “The Gift of the Magi” (Món quà Giáng sinh), bản dịch của Thân Trọng Sơn

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.