Chỉ làm một con cá suốt to bằng ngón tay út mà tốn khá nhiều thời gian. Nhưng bù lại, ta có một món ăn bao nhiêu năm nay chưa gặp được ở Sài Gòn.
Ngữ Yên
Sáng 27 Tết, ở một chiếu cá nhỏ, tôi chợt sáng mắt khi thấy cô bán hàng có hai mớ cá suốt. Thế là gặp lại món gỏi cá suốt của ba ngày xưa.

Lại quay về những ngày lang thang ở bến cá cũ của Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà vào dịp cuối năm. Mỗi người có một bến để neo một thứ gì đó của mình. Một phần cái lưỡi thèm đồ biển của tôi neo ở bến cá này.
Những ngày cuối năm trời se lạnh, làm mùi cá có vẻ trầm lắng. Nhưng bến vẫn lao xao như mọi buổi mờ sáng quanh năm. Vì đó là bến sinh ký của hàng trăm con người.
Tôi sà vào hàng cá có bán hai mớ cá suốt. Một hạng 7.000 đồng/lạng và hạng kia con nhỉnh hơn 8.000 đồng. Tôi chọn mua nửa ký cá hạng sau. Rồi tiếp tục lang thang xuống sát mé biển. Những đống vỏ nghêu sò vun cao.
Tiếng ồn ào í ới hoà vào tiếng ì oạp của sóng biển. Dường như mấy ngày trở lạnh trời động, không có nhiều cá. Mua thêm vài con cá dò để nấu ngót rồi tôi ra về, để lại sau lưng cái bến sinh ký của nhiều phận đời.
Cá suốt là loài cá nhỏ, nhiều vẩy bạc và có một vạch trắng chạy dọc hai bên hông. Mỗi con to độ ngón tay út và cũng dài bằng ấy. Tiếng Anh gọi nó là old world silversides. Hai phần ba họ nhà cá Atherinidae này sống nước mặn, còn lại sống nước ngọt. Có lẽ món gỏi này chỉ tồn tại từ sự cần cù nhẫn nại của những người dân vùng quê nghèo.
Đem cá về nhà, má và tôi bắt đầu trở lại với cái món ăn mà lâu lắm có lẽ má cũng không có dịp thưởng thức lại: Gỏi cá suốt. Để làm món cá này trước tiên phải dùng ngón tay làm vẩy và ngắt đầu, đuôi từng con một. Sau đó mổ bụng, banh hai bên filet cá và tước bỏ xương.
Thế là giữa hai mẹ con hình thành dây chuyền. Ban đầu cả hai cùng làm vẩy, ngắt đầu, đuôi, cho vào nước ngâm rửa đợt một. Sau đó má mổ bụng cho vào nước rửa đợt hai. Tôi banh hai filet cá và tước xương bỏ vào rổ cho ráo.
Để đừng tốn thời gian chết, tôi mới sai mấy đứa cháu lấy khều móc đi hái me. Cây me trước nhà em trai út tết này lỉu chỉu những trái là trái.
Đứa em đã tử quy tết năm nay là năm thứ hai. Nếu còn, có lẽ mớ trái me ấy là khoản thu nhập còm cõi cho vài xị rượu của một linh hồn đau yếu quanh năm. Me là thức nước chua tốt nhất mà khu vườn cả nhà còn lại để bóp gỏi cá suốt sau khi hai cây chùm ruột bên hông nhà qua đời theo bà nội.
Phải mất gần hai tiếng đồng hồ, hai mẹ con mới làm cá xong. Tôi mới cảm nhận được cái mỏi của sự cong lưng, cái khí vị mẹ con cùng làm cá với nhau nói chuyện xưa chuyện nay, chuyện đông chuyện tây. Năm nay trời ít lạnh nên má không than đau nhức nhiều như mọi năm ở cái tuổi ngoài chín mươi.
Lại nữa, lũ gà của má có một bữa tiệc đầu, ruột, đuôi, xương cá. Chúng nó cũng có dịp ăn tết. Ăn cái món cá suốt cầu hanh thông như trong ý nghĩ của tôi.
Mấy bữa trước ở Sài Gòn, ngoài đường sách, chỗ ông bạn Phạm Hoàng Quân ngồi “cho chữ dán dưa” trong một buổi sáng vắn vỏi, tôi chỉ xin như để tỏ lòng tri ngộ mấy chữ “cốc ca” (google) và kiểm thư (facebook), nên có lẽ món cá cầu hanh thông này là hợp lý cho bữa ăn cuối năm.
Món gỏi đơn sơ chỉ cần bóp tái bằng nước me vườn nhà, trộn rau mùi, hành tây. Đã đủ dậy lại mùi hương dọc chiều dài thuở sống ở quê nhà.
Gà có được bữa ăn tất niên nhưng đất ruộng ở đây không có. Đất không được nghỉ tết như con người, mà đáng lý giờ này đã được nghỉ. Vì năm vừa rồi hạn một nửa diện tích quê nhà phải bỏ hoang. Đứa em làm ruộng lặn lội ngoài đồng suốt từ hai mươi tết.
Khi đã vào lại Sài Gòn, tết mỏn, tôi mới nghe nó nói mồng bốn mới hết việc đồng. Một đứa em khác ba bữa cuối năm phải hùng hục đi giao đá cho các nhà hàng. Nhà chỉ còn tôi, má và dĩa cá suốt chờ người về cùng chia sẻ niềm ước hanh thông cả năm mới bằng cá suốt.
Rồi tôi xách xe chạy đầu làng cuối xóm, kiếm bạn. Mãi đến mười rưỡi có một người bạn đến. Mười một giờ thêm một người bạn học cũ. Mấy đứa em đúng ngọ mới có mặt.
Buổi chiều cuối năm sau sự chờ đợi lê thê do quạnh vắng lại trôi trong chốc lát khỏi cái không khí sum vầy đầm ấm.