Sinh họat văn học, nghệ thuật miền Nam thập niên 50-63 của giới trẻ

Cuộc di cư 1954 chẳng những đem sức người vào mà còn đem theo cả một « thủ đô văn hóa » theo nó nữa. Những người có sẵn tiếng tăm như các thi sĩ Vũ Hoàng Chương với hành lý đem theo là Thơ Say: Em ơi, lửa tắt bình khô rượu, Đời vắng em rồi say với ai

Nguyễn Văn Lục

Và không thể không nhắc tới Đinh Hùng với Tự tình dưới hoa…Thêm vào đó là những tiềm năng không thể chối cãi được: Mai Thảo và những tên tuổi nối tiếp như Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu, Quách Thoại, Nguyễn Bắc Sơn và cứ thế, cứ thế tiếp nối Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ, Du Tử Lê, Trần Lê Nguyễn, Sao Trên Rừng cũng là Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Anh Tuấn, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Mạnh Côn, Thạch Chương, Nguyễn Nghiệp Nhượng và nhừng nhà văn như Thế Uyên, Duyên Anh, Nhật Tiến. Những nhà văn trên đã cùng vời các nhà văn miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Sơn Nam, Quách Tấn, Nguyễn Văn Sâm, Lê NgọcTrụ tạo thành Văn học miền Nam.

Đã một thời. Đã một tên tuổi. Đã một gia tài văn học.

Chẳng lạ gì Mai Thảo trong số Sáng Tạo số 1, tháng 10/1956 đã mở đầu bằng lời tuyên bố: “Sáng Tạo thay thế cho Hà nội, từ một đô thị miền Nam trở thành thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước. Sài gòn sáng tạo và suy tưởng.” Tiếp theo là những Văn hóa Ngày Nay. Bách Khoa, Hiện Đại, Nhân loại, Văn Học.

Mai Thảo với Sáng Tạo lúc bấy giờ muốn làm mới văn học, chủ trương “một nghệ thuật hôm nay”. Nghệ thuật hôm nay thế nào thì chưa biết, chỉ biết rằng nó mở đường cho Hiện đại, Thế kỷ hai mươi, Nghệ thuật ra đời. Và như trong một cuộc phỏng vấn sau này, 1971, Mai Thảo đã nhìn nhận Tờ Sáng Tạo là của những thí nghiệm và những mở đường. (15)

Nhưng sự có mặt của Sáng Tạo và những nhà văn trẻ vô tình đã đẩy lui một số khuôn mặt quen thuộc những nhà văn, nhà thơ cũ vào im lặng. Họ là những Đông Hồ, Vũ Bằng, Quách Tấn, Thiên Giang, Thẩm Thệ Hà, Tam Lang, Vi Huyền Đắc, Hô Hữu Tường và đặc biệt ngay cả Nhất Linh với tờ Văn Hóa Ngày Nay.

Khi số báo đầu tiên của Văn Hóa Ngày Nay ra ngày 27/6/1958, đã bán được 10.000 số. Sự tò mò háo hức tìm lại Tự Lực Văn Đàn nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng: Vẫn thế. Vẫn như thời 40-55. Không ai ngờ, sau đó, độc giả bỏ rơi Nhất Linh.

Chưa có thời kỳ nào mà Văn nghệ miền Nam nở rộ như thế.

Báo chí:

Có tờ Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận với nhiều cây viết bình luận có tài như Hiếu Chân, Hà Thương Nhân. Sau này có Ao thả vịt, báo Sống của Chu Tử, Thương Sinh, tức Duyên Anh của tờ Xây Dựng. Các báo trên nhấn mạnh vào phạm vi chính trị, về tin tức thời sự thế giới. Các báo của người miền Nam thường chú trọng câu độc giả ở những truyện tiểu thuyết tình cảm xã hội hay tiểu thuyết Chưởng Kim Dung, kiếm hiệp như tờ Sài gòn Mới của bà Bút Trà.


Âm nhạc:

Có Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Thẩm Oánh, Phạm Đình Chương với Ban Hợp ca Thăng Long Hoài Trung, Hoài Bắc,Thái Thanh,Thái Hằng với bản nhạc Được mùa..
Quả thực, đó là giai đoạn văn học được mùa của miền Nam VN.

Các ca sĩ dạo ấy, ngoài ban Hợp ca Thăng Long, có Thu Hương, Lệ Thanh, Thanh Thúy hát cho phòng trà Đức Quỳnh ở đường Cao Thắng. Tiếng hát Anh Ngọc gần như mỗi ngày trên đài phát thanh Sài gòn. Tiếng hát Thanh Thúy được coi là giọng ca ma quái nhất. Thanh Thúy nổi tiếng một thời với bản Phố buồn của Phạm Duy. Hoàng Thái Linh, tức Nguyễn Văn Trung đã dành hẳn một bài trong cuốn Nhận định 1 và trong tạp chí Hành Trình số 1, 1964 với bài viết: Ảo ảnh Thanh Thúy. Bài viết như một tố cáo xã hội phòng trà: “Thanh Thúy đã chỉ được tiếng, được thích như một người đàn bà biết gợi những nỗI buồn giả tạo của một xã hội giả tạo, một xã hội giả vờ quên thực tế, quên sự nghèo khổ bất công ở ngay bên lề đường, cạnh cửa ra vào phòng trà, tiệm nhảy, quên tiếng súng bom đạn bắn giết đằng xa, ngoài kia và coi sự giả vờ đó là thật” (16 )

“Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em.
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm, đường về nhà em tối đen.”

Ca nhạc miền Nam phát triển theo nhịp sống của đài phát thanh và nhất là các phòng trà. Ở mỗi phòng trà quy tụ một số ca sĩ. Và nhiều người trong đám họ danh tiếng nổi lên từ các phòng trà đó. Và cũng nhiều bài hát được phổ biến qua các phòng trà.

Phạm Duy là người thông thạo lãnh vực này hơn ai hết. Theo ông, có nhà hàng Văn Cảnh xuất hiện một số ca sĩ như Minh Trang, Thái Thanh, Anh Ngọc, Mộc Lan, Tâm Vấn, cặp Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm. Rồi những tên phòng trà như Đức Quỳnh, Trúc Lâm, Tabarin, Bacara, Tự Do, quán Anh Vũ góp mặt.
Những ca khúc được ưa chuộng cũng từ các phòng trà này mà ra như Tiếng sáo thiên thai, Phố Buồn, Mùa thu Paris.

Những nữ ca sĩ nổi tiếng cũng từ đây mà ra như Lệ Thanh, Kim Chi, Thu Hương, Thanh Thúy, Kim Vui, Thanh Lan, Lệ Thu nổi tiếng qua bài Ngậm ngùi.

Một thế hệ ca sỉ trẻ nữa tiếp nối ra đời sau thời ông Diệm và nhất là khi người Mỹ có mặt đông đảo ở Việt Nam. Với Jo. Marcel, Julie Quang, Ngọc Chánh, Thanh Lan …Trong đó có hai phòng trà nổi tiếng nhất là phong trà Khánh Ly, “nữ hoàng chân đất” với các tình khúc Trịnh Công Sơn.

Phòng trà Đêm Mầu Hồng với ban Hợp ca Thăng Long, với tiếng hát Thái Thanh. (17)
Nhìn để thấy ra rằng sinh hoạt phòng trà chỉ là cái sân sau, hay mặt trái của chiến tranh miền Nam. Đó là nơi chốn phù du mà người ta đến đó để quên phiền, trút bỏ lo âu, đế để quên tiếng bom đạn, quên những cái chết ngoài mặt trận. Đó là một hình thức phản chiến bằng tình cảm, bằng ru ngủ.

Và cũng không phải tất cả giới thanh niên trí thức thành thị đều phải có mặt ở đó.

Không, ngàn lần không. Một thiểu số rất nhỏ những kẻ có tiền, đêm đêm tìm quên lãng trong thuốc lá, càphê, trong ánh đèn mầu ma lực, trong tiếng hát rên siết, hay thì thầm của Thái Thanh hay Khánh Ly.
Tiếng hát ấy thì chiến tranh ấy. Một thứ chiến tranh ác liệt và một thứ ru ngủ êm dịu. Hai thứ đó cần đến nhau trong cuộc chiến này.

Phạm Duy nhận xét cũng không sai. Đó là nhạc ma túy, nhạc thở dài.

Bên cạnh không khí phòng trà, có những điều vui vẻ, có những dấu hiệu đáng mừng, tươi mát. Đó là ban Việt Nhi do nhạc sĩ Nguyễn Đức thành lập của đài phát thanh Sài gòn.

Đó là các nữ ca sĩ mầm non, tuổi học trò, ngây thơ và trong sáng, tươi vui và lành mạnh. Xuất phát từ ban Việt Nhi sau này có rất nhiều tên tuổi đều bắt đầu bằng chữ PHƯƠNG như Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm. Ngay cả Thanh Lan, hồi còn trẻ cùng hát cho Ban Việt Nhi.

Đây là điểm son của đài phát thanh Sàigòn và một sự trân trọng đối với nhạc sĩ Nguyễn Đức.

Điện ảnh:

Hãng phim Đông Phương của Đỗ Bá Thế được coi là hoạt động mạnh, vì có hợp tác với Trung Tâm điện ảnh. Ngoài ra còn có hãng Tân Việt của Bùi Diễm, Alpha của Thái Thúc Nha. Các cuốn phim sôi nổi một thời là: Chúng tôi muốn sống, Ngày mai trời lại sáng. Cuốn phim Người đẹp Bình Dương được nói đến nhiều chỉ vì lý do đơn giản là người ta chú ý đến sắc đẹp lộng lẫy của cô Thẩm Thúy Hằng. Người ta nói đến cái ‘mông’ Thẩm Thúy Hằng. Cái mông ấy chẳng bao lâu sau được một ông tiến sĩ ở Mỹ về khuân đi đâu mất. Cũng giống như cái nốt ruồi của nữ ca sĩ Thanh Lan được ông Cao Xuân Vĩ bê về làm của riêng.

Kỹ thuật còn non kém, hình ảnh còn chưa đạt, nhưng tôi còn nhớ lại không khỏi bồi hồi cảm xúc khi xem phim Chúng tôi muốn sống. Tài tử Lê Quỳnh diễn xuất hay, nổi tiếng từ phim này. Sau này, các anh em miền Bắc cho biết, phim Chúng tôi muốn sống chưa thấm thía gì với sự thực trong thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Rồi có đạo diễn Hoàng Anh Tuấn Ở Pháp về, Nguyễn Long, Hoàng Vĩnh Lộc. Nhờ những đạo diễn trên mà phim ảnh Việt Nam có mặt tại các Festivals về điện ảnh ở Đông Nam Á.

Và như lời nhận xét của Phạm Duy: “Phải công nhận việc xây dựng Trung Tâm Điện Ảnh là một công trình lớn của chính quyền Ngô Đình Diệm vì đây là nơi đào tạo những chuyên viên điện ảnh đầu tiên.” (18)

Thời ông Diệm, Trung tâm điện ảnh chủ yếu làm những phim tài liệu, phim thời sự, trong nỗ lực phục vụ cho quần chúng. Tôi còn nhớ, khi đi xem phim, trước khi vào phim chính, thường có những khúc phim thời sự nói về nông thôn, về sinh hoạt dân sự vụ. Coi cũng thích thú lắm vì được hiểu biết thêm về sinh hoạt nông thôn Việt Nam.

Thời TT Ngô Đình Diệm có lập ra Trung Tâm Điện Ảnh và Câu lạc bộ Văn hóa và từ Trung Tâm này đã tạo ra những đạo diễn và diễn viên nổi tiếng như Đoàn Châu Mậu, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Long, Lê Quỳnh, Kiều Chinh.

Mặc dầu vậy, trong suốt 20 năm điện ảnh miền Nam, có khá nhiều người trẻ thiết tha với điện ảnh, nhưng kết quả thật quá khiêm tốn. Phim Việt Nam không cạnh tranh nổi với phim ngoại quốc.

Giới trẻ như chúng tôi đã một thời mê say những phim ngoại quốc. Các phim xã hội như Người ăn cắp xe đạp (le voleur de bicyclette), Kẻ đánh giầy (Sciucia) của đạo diễn Vittorio de Sica và nhất là Con đường (La Strada) của đạo diễn Fellini. Hay những phim Nhật như Địa ngục môn (Rashomon, một trong 10 phim vĩ đại nhất thế giới).

Ngành Hội Họa: Cũng vậy ngành hội họa chỉ là một bộ môn nghệ thuật biệt đãi dành cho một thiểu số người có khả năng thưởng ngoạn. Hai nhà trường về hội họa, một ở Gia Định, một ở Huế chỉ nhằm đào tạo các nhân viên giảng huấn trong các trường Trung học. Một vài tên tuổi thế hệ đầu tiên như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Hoàng Tích Chu rồi tiếp theo với Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Trung Tín, Trần Lương, Trương Tân và thế hệ trẻ ở miền Nam như Nguyễn Trung, Duy Thanh, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Lê Tài Điển, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Đỗ Quang Em, Thái Tuấn, Bé Ký, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung vv…

Và những bất ngờ đến ngạc nhiên: Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nguyễn Đồng, một giáo sư triết. Họ đều là những họa sĩ cả đấy.(19)

Bộ môn Kịch: Đến bộ môn kịch cũng không khá gì hơn, nếu không nói là trong 20 năm đó, nó thoi thóp sống. Người ta nhắc đến Vũ Khắc Khoan với Thần Tháp Rùa, Thành Cát Tư Hãn, Những người không chịu chết và vở kịch Thằng Cuội. Hồi còn sinh viên, tôi đã được coi vở kịch Thành Cát Tư Hãn và múa vũ Trấn Thủ lưu đồn. Tất cả đều do một tay anh Đinh Ngọc Mô, lúc đó còn là sinh viên, đồng học với tôi, đạo diễn. Nhìn cái phong cách tổ chức, lòng hăng say và tài đạo diễn cũng như đóng kịch của anh thật đáng nể lắm. Kể là hay. Kể là đặc biệt. Tiếc thay cho cái tài của Đinh Ngọc Mô.

Anh cũng là người sau này điều khiển chương trình Đố vui để học trên đài truyền hình của Việt Nam.

Chúng ta hãy đặt mình vào bối cảnh thời đó, sơ khởi, mầy mò, học mót, học lỏm Vậy mà Đinh Ngọc Mô làm cho chương trình hấp dẫn đến lạ Suýt păng đến nghẹt thở. Độc giả nào đã có coi chương trình này có thể cho mọi người biết, điều tôi nói có sai không? Chắc là không quá. Đinh Ngọc Mô tự nhiên như chỗ không người, diễn xuất như thật làm khán thính giả nể phục.

Chương trình Đố vui để học là một trong những chương trình thu hút khán giả của đài truyền hình Sài gòn. Chương trình Hot lắm. Rất tiếc nay còn đâu? Chỉ thấy những cô cậu diễn xuất mất tự nhiên, vụng về và đôi khi vô duyên nữa.

Truyền hình Việt Nam sở dĩ có được là do món quà của TT Johnson tặng cho Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ sau khi dự hội nghị Thượng đỉnh Honolulu về. Sau 1975, Đinh Ngọc Mô bạo bệnh và chết ở Montréal, Canada. Chết rất trẻ. Chân ướt chân ráo đến xứ người, anh đã lo tổ chức các hội diễn Văn Hóa cổ truyền trong các dịp tết đầu năm như múa Trấn Thủ lưu đồn. Mong là con cái cụ Đinh Bá Hoàn đọc bài này như một tưởng niệm một thanh niên trí thức trẻ đã sớm ra đi.

Sau này, Vũ Tiến Thủy cũng cho biết ở trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas, anh đã cùng với chính tác giả Vũ Khắc Khoan đóng vở Thành Cát Tư Hãn, trong đó, anh đóng vai Sơn ca.

Những người trẻ có lòng với văn hóa nghệ thuật không thiếu và xin được vinh danh họ.

Trước 75, có một số vở kịch của các kịch tác gia như Samuel Beckett, Eugene Ionesco được dịch ra trên giấy. Nhưng kịch chỉ chính thức là kịch khi ta được diễn, được xem, được chứng kiến cái không khí kịch, sống thực trên sân khấu. Nhưng những vở kịch trên giấy chẳng bao giờ chúng có cái cơ may được diễn thành kịch trên sân khấu.

Những vở kịch của Doãn Quốc Sĩ như Trái cây đau khổ, Nhật Tiếnvới Người kéo màn, Trần Lê Nguyễn với Quán nửa khuya, Bão thời đại, Phan Tùng Mai với Người mua mộng. Có bao giờ có được cơ hội trình diễn trên sân khấu chưa?

Đó cũng là bi kịch của kịch của miền Nam Việt Nam. Và nó chẳng khác gì cái vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Ngồi đó để mơ, để tưởng về một Hằng Nga chẳng bao giờ xuất hiện.


Người ta cũng nhắc đến Dương Kiền, Lưu Quang Thuận, Thao Thao và lâu đời hơn cả có Vi Huyền Đắc với vở Kim Tiền. Tác giả Minh Khôi nhận xét:” Ít ra điều này cũng cho thấy kịch nghệ vẫn là một thiếu vắng lớn trong sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng Việt ngoài nước.” (20)

Nguyễn Văn Lục (trích “Hai mươi năm giới trẻ miền Nam Việt Nam”)

======


(15) Xem Văn Học VN thế kỷ 20, Nguyễn Vy Khanh , trang 52.
(16) Trích Ảo ảnh Thanh Thúy, Hoàng Thái Linh trong Hành Trình, số 1, 1964.
(17) Trích Hồi ký Phạm Duy, trang 249-251.

(18), (19)Trích Hồi ký Phạm Duy, thời phân chia Quốc Cộng, trang 174
Xem Triển lãm Hội họa Paris-Hà nội- Sài gòn của Thụy Khuê, Hợp Lưu, trang 215, số 41/1998
(20)Trích Sân khấu kịch nghệ Việt ở hải ngoại, Minh Khôi, trong Hợp Lưu, trang 12, số 41, tháng 6,7 /1998

1 thought on “Sinh họat văn học, nghệ thuật miền Nam thập niên 50-63 của giới trẻ

Leave a reply to vuthethanh Cancel reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.