Nghệ sĩ La Thoại Tân (1937-2008)

Có một người vẫn say mê với loại nghệ thuật thưởng thức bằng “tai” này là La Thoại Tân. Ông nói: kịch phải là kịch nói. Người thính giả chỉ nghe mà tưởng tượng ra chi tiết mới là điều kỳ thú. Hàng tuần, ông có một giờ vào tối Thứ Ba, chương trình “Lúc Không Giờ”, diễn những vở kịch nói do ông sáng tác. 

Quỳnh Giao (ca sĩ)

Nghe tin nghệ sĩ La Thoại Tân vừa mất, người viết thấy bàng hoàng dù không cùng một môi trường sinh hoạt với ông và chưa bao giờ bước chân vào lĩnh vực kịch nghệ hoặc điện ảnh. Vì vậy, bài này được viết trong tinh thần biết ơn của một khán giả.
Nói đến La Thoại Tân, người ta thường nhắc đến như một tài tử điện ảnh, kiêm kịch sĩ tên thật là Phạm Văn Tần.

La Thoại Tân (1937 -2008)

Quả thật, khởi đầu ông là một tài tử điện ảnh, xuất hiện cùng Thẩm Thúy Hằng trong cuốn phim “Người Ðẹp Bình Dương”. Cả hai lập tức nổi tiếng và trở thành những tên tuổi lớn của buổi bình minh điện ảnh Việt Nam. Ngày ấy, vào đầu thập niên 50, điện ảnh Việt Nam chỉ mới phôi thai, nên đóng xong một phim thì đào kép cũng nghỉ chơi dài hạn. Cho nên sau điện ảnh cả La Thoại Tân và Thẩm Thúy Hằng đều bước qua sân khấu kịch nghệ.

Một điều không may cho chúng ta là trong các bộ môn nghệ thuật sân khấu, thoại kịch có thể là bị lép vế nhất, nếu so với các ngành như hát bộ, hát tuồng, hay chèo cổ và cải lương sau này. Lý do có thể là vì sức thu hút của nghệ thuật ca hát mà dân ta có sở trưởng hay vì thoại kịch là một bộ môn tương đối mới mẻ hơn, xuất hiện về sau.

Sau khi Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước vào năm 1954 thì ngành kịch nghệ của Việt Nam đã có khởi sắc. Trong Nam lúc bấy giờ đã có những ban kịch hoạt động đều đặn, và có chương trình hàng tuần tại các đài phát thanh, nhất là làn sóng điện của đài phát thanh Sài Gòn. Tuy còn bé, người viết bài còn nhớ những buổi chiều tan học về cả nhà quây quần bên máy radio để nghe ban kịch Dân Nam của cặp Anh Lân và Túy Hoa, chúng tôi say mê theo dõi truyện kịch do Vân Hùng, La Thoại Tân, Anh Sơn, Hoàng Cầm diễn đọc. Giờ này, người viết vẫn còn nhớ giọng Nam đặc biệt nũng nịu và dễ thương của Túy Phượng và tiếng nói trong trẻo của Túy Hồng…

Cùng với làn sóng di cư từ Bắc, một số văn nghệ sĩ tên tuổi đáng kể vào Nam, và bắt đầu cho thời toàn thịnh của ngành kịch nói. Các tên tuổi như Vi Huyền Ðắc, Thiếu Lang, Vũ Khắc Khoan, Trần Lê Nguyễn, Ðinh Xuân Hòa, Vũ Ðức Diên, Mỹ Tín, Lê Văn, Minh Ðăng Khánh… là những người sáng tác hay dựng kịch bản. Một số kịch sĩ từ Bắc vào gồm có cặp Phạm Ðình Sĩ-Kiều Hạnh, Anh Tuấn, Hoàng Nam, Xuân Dung (kiêm cả tài tử điện ảnh) Tường Vi… cũng khiến thoại kịch sinh động hẳn trên các làn sóng điện.

Vào thời ấy thì ngoài sinh hoạt với các đài phát thanh, các nghệ sĩ còn có cơ hội diễn xuất trên sân khấu trong những chương trình chúng ta gọi là phụ diễn văn nghệ, theo kiểu attraction của Tây, trước giờ chiếu phim. Lúc bấy giờ tuy còn nhỏ, người viết vẫn được đi theo mẹ để xem hát, xem kịch.

Nghệ sĩ thời ấy thật sự là đa năng đa tài vì làm một lúc nhiều việc, vừa hát, vừa đóng kịch!… Trong số những người “đa dạng” ấy có thân mẫu là Minh Trang.

Ngồi ở dưới mà xem mẹ đóng kịch vui với chú Ngọc Bích thì phải ôm bụng mà cười. Có một hôm mẹ đóng vai gì đó mà phải mượn con búp bê của mình để bế. Ðến cuối vở thì Anh Tuấn giằng lấy con búp bê, đòi “trả con cho tôi!” Thế rồi có đứa trẻ ngồi dưới la lên: “Của con mà!!!” Khán giả được một dịp cười hả hê trong một đoạn đáng lẽ là bi kịch… May là khi về không bị mẹ la.

Vào năm 1958, có cuộc thi trình diễn kịch rất lớn, năm đó kỳ nữ Kim Cương lãnh giải nhất trong vai nữ chính. Minh Trang được giải nhì trong vở kịch “Ngày Mai Trời Lại Sáng” của Ðinh Xuân Hòa…

Tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, một lớp dạy về kịch nghệ ra đời năm 1960 với giáo sư là nhà văn kiêm kịch tác gia Vũ Khắc Khoan. Lớp học của ông đã đào tạo nhiều tên tuổi về sau như Trần Quang, Bích Thủy (em Bích Sơn, và cháu Bích Thuận), Hà Bắc, Huy Cường… Vũ Khắc Khoan không chỉ dạy học trò diễn xuất, mà còn tổ chức những buổi diễn kịch trang trọng và thành công tại các trường đại học ở Sài Gòn và Ðà Lạt…

Khi đang theo học lớp nhạc pháp của giáo sư Hùng Lân, học trò trường nhạc chúng tôi được xem “miễn phí” những buổi tập dượt vở “Thành Cát Tư Hãn” của các anh chị bên ngành kịch nghệ, và hàng tuần còn mục kích nhà văn Vũ Khắc Khoan ngồi nghiêm trang, đôi mắt sáng rực với mái tóc bạc rối bời của ông trông hệt như một con hùm xám! Ðám học trò diễn xong, đến cạnh ngồi nghe ông giảng giải, gật gù… Những kỷ niệm rất đẹp của thời ấu thơ.

Khi Việt Nam bắt đầu có truyền hình thì ngành kịch nghệ phát triển thêm nữa.

Sau khi cơm nước xong, tối tối khán thính giả ngồi trước máy ti vi xem Huỳnh Thanh Trà, Bảo Ân, Hoàng Long, Bích Thủy, Tú Trinh, Kim Tuyến diễn kịch.

Và khi kịch diễn phát triển thì ngành kịch nói… từ từ chìm trong quên lãng.

Nhưng có một người vẫn say mê với loại nghệ thuật thưởng thức bằng “tai” này là La Thoại Tân. Ông nói: kịch phải là kịch nói. Người thính giả chỉ nghe mà tưởng tượng ra chi tiết mới là điều kỳ thú. Hàng tuần, ông có một giờ vào tối Thứ Ba, chương trình “Lúc Không Giờ”, diễn những vở kịch nói do ông sáng tác. 

Ngoài phần viết, diễn, La Thoại Tân còn chọn nhạc rất hấp dẫn và thích hợp cho từng vở. Vì phần lớn là loại kịch dựng trên cốt truyện trinh thám kinh dị, nên nhạc ông chọn có không khí hồi hộp, rất “suspense”, rất Hitchcock!

Thời điểm toàn thịnh của loại kịch nói mà La Thoại Tân là người thực hiện và cổ võ kéo dài cho đến 1975.

Ra hải ngoại, mỗi lần có dịp sinh hoạt trình diễn trên cùng sân khấu và được gặp La Thoại Tân, người viết thường hỏi lại về chuyện xưa hay ngành kịch nghệ hiện nay, thì thấy ông rất buồn.
Làm sao không buồn khi ông phải trở thành một người diễn “hài” thay vì là một kịch sĩ đúng nghĩa? Tại hải ngoại, làm gì còn người viết kịch, dựng kịch và còn khán thính giả xem kịch cho ông diễn?

La Thoại Tân là một nghệ sĩ rất thông minh và trí thức. Quỳnh Giao biết ông giỏi ngoại ngữ từ trước 75. Ông ham đọc sách, theo dõi tin tức, sinh hoạc của các ngành, và là một người vẽ hí họa rất có tài…

Khi được tin ông mất tại Los Angeles ở tuổi 72, người viết hơi giật mình vì thấy La Thoại Tân còn quá trẻ.

Lý do là ở Việt Nam, dù quen biết nhau, người viết vẫn nghĩ rằng khi mình còn bé, ông đã là một tài tử nổi tiếng. Nay mới biết là ông vẫn còn “trẻ”, trẻ hơn bao nhiêu người. Mấy năm sau này, ít gặp ông, cũng như ít thấy ông qua những sinh hoạt văn nghệ, nhưng không nghĩ là ông lại sớm từ giã bạn bè như vậy.

Nghe tin ông mất, cũng như bao lần nghe tin những người trong giới văn nghệ lần lượt ra đi, thấy lòng mình chùng xuống…

Quỳnh Giao

source: Nguoi Viet online

Xem hài kịch La Thoại Tân giả gái

4 thoughts on “Nghệ sĩ La Thoại Tân (1937-2008)

  1. Trong bài này có đề cập đến tài tử HUY CƯỜNG. Huy Cường sau 1975 còn ở lại và mất vì tai nạn xe gắn máy (?). Huy Cường có đóng phim chung với Trần Quang, Tâm Phan. Tác giả có thông tin gì thêm về Huy Cường? Xin cám ơn.

    Like

  2. Trước 1975, La Thoại Tân có chương trình 45 phút chuyện vui là tiền thân của TRONG NHÀ NGOÀI PHỐ sau này trên HTV.

    Like

  3. Bài này có 2 điểm không đúng:
    1- Ngày trước gọi là “thoại kịch” chứ không gọi là “kịch nói” như sau 75
    2- Chương trình Lúc Không Giờ là của ông Lê Hoàng Hoa làm, cả kịch bản và đạo diễn
    La Thoại Tân làm chương trình “45 phút chuyện vui”. Chắc tác giả nhầm với chương trình này

    Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.