Nghe kể và thấy hình chụp cảnh câu cá biển trên “phây” coi bộ hấp dẫn, tôi ngỏ ý muốn theo những chuyến câu cá ấy, ông bạn Thế Hùng bèn đồng ý. Nhưng hôm ấy chỉ câu được có mỗi… cái quần rách, bù lại biết được con cá chang vàng qua ông bạn câu giỏi có biệt danh Tía Ô, bạn của Thế Hùng.
Ngữ Yên
Số là hồi Tết vừa rồi về quê, trời gió biển động, cá ít, chỉ thấy các tấm trải ngay dưới đất của những người bán cá ở Bến Cá Tân Mỹ bán nhiều cá bè, loại to ngang, mình có ánh vàng. Mấy cô bán cá chào mời: cá này ngon lắm. Giá cá không rẻ gì dù là ở ngay bến cá: 170.000đồng/kg. Quả là ngon thiệt. Thịt cá chiên lên thơm, chắc. Chấm mắm sống nhà thùng càng đậm đà thêm vị ngon. Có mắm ngò càng ngon hơn.

Nhưng ăn ngon mà chẳng hiểu làm sao tôi lại quên mất tên cá. Có lẽ vì cá bè có quá nhiều thứ, nào bè chang, bè xước, bè cu, bè cam, bè lão, bè diễn, bè quịt,… Chẳng biết còn bè gì nữa không. Tôi đem tấm hình chụp mớ cá hỏi Thế Hùng – một “bợm câu biển” của xứ Hội An. Anh ta nhìn một lát nói bằng giọng Quảng Nam: “Đó là các choang voàng”. Thì hay vậy. Mãi đến buổi đi theo chân dân câu ra biển, gặp dân câu – được mệnh danh là chì nhất vùng – biệt danh là Tía Ô do máu me gà đá, anh ta mới giải thích thêm: loại cá này ở đây chỉ bắt bằng câu giăng. Phải là mồi tôm sắt hoặc tôm tít chúng mới ăn.
Theo ông bạn này, cá chỉ có câu, vì chúng ở những nơi nước sâu 20-30m, lại chảy xiết, vây không hiệu quả. Cá càng lớn càng mắc tiền. Một đêm bắt chừng hai con là đỡ lắm rồi. Nó còn có tên là cá bè quịt, đầu gù gù. Cỡ cá chục ký vài triệu một con.
Cá mà Tía Ô mô tả hoàn toàn không giống tin báo chí hồi nửa đầu tháng ba đưa tin về mẻ cá, có báo gọi là bè quịt, có báo gọi là bè vàng, được bắt bằng lưới vây hơn cả trăm tấn. Giá cả cũng không lấy gì làm mắc, 50.000đồng/kg, thua xa con cá chang vàng tôi mua ở chợ cá Tân Mỹ, Vạn Giã. Xứ mà mới đây tôi mới biết tên được ghép từ hai cái cửa sông đổ ra vịnh Vân Phong – cửa Vạn và cửa Giã, theo Xứ Trầm Hương của Quách Tấn.
Nói chung, các loại cá bè thịt đều ngon. Con càng lớn càng ngon, nhiều người nói vậy. Nhưng thực tế không hẳn vậy. Yên này có lần nghe có người quảng bá con bè diễn, mà phải là con bè diễn ba gang, đem cho gái mới kiếm được vợ:
Anh câu con cá diễn ba gang,
Đem lên Hòn Gió1 thăm nàng,
Bệnh tình mau mạnh, kết đàng nghĩa nhân.
Nhưng khi kiếm ra con cá diễn chừng một gang rưỡi ở chợ Bình Điền, ăn thử thì thấy không lấy gì ngon lắm – một phần vì Bình Điền xa biển chăng? Hoặc phải cỡ ba gang mới chắc thịt, mới ngọt cháo, nàng mới chịu… đèn như “điển cứu” của ca dao đã ghi nhận.
Ngược lại con chang vàng hôm Tết trong lúc sục sạo thêm thông tin, đối chiếu hình ảnh thấy nó hơi giống con snub-nosed dart trên trang web Bộ Nông nghiệp và Thủy sản của bang Queensland, Úc, nhưng da không vàng đều như thế, mình bè bề ngang như thế. Cỡ hơn một gang đã thấy thiệt đã. Thịt cá chiên như trên đã kể, ngon chắc đã đành, thịt nấu chua càng ngon hơn. Cỡ cá bớp nấu chua chỉ đáng hàng râu ria.
Lần về quê mới nhất, mùa biển không động mà thấy cá nào cũng mắc, tôi nghĩ chắc cá ngày càng hiếm đi. Cá ngân cả trăm ngàn một ký, trong khi cá hố – thứ cá mà ngày xưa chẳng được trọng vọng gì cho lắm, loại hai ký một con đã 160.000 đồng/kg. Định mệnh ngon của cá hố con mình bằng bàn tay là đem về khứa thịt, muối với muối hột giã ớt, đem phơi chừng một nắng. Sau đó chiên lên. Ngon thiệt hết biết. Còn bình thường thịt chẳng có làm gì ngon. Và tôi coi như may mắn đã mua được con cá hố hai ký, muối phơi một nắng đem về Sài Gòn cho vào ngăn đá để ăn cũng được vài ngày.
Ngữ Yên
———
Chú thích
(1) Một hòn núi ở Phú Yên.