“Ba tòa quan lớn” và tiếng trống kêu oan

Trong dân dã có cụm từ “ba tòa quan lớn” để nhấn mạnh nỗi oan ức lớn cần được bộc bạch nhờ thẩm xét. “Ba tòa” đây tất nhiên không phải “tam tòa tứ phủ” của đạo Mẫu, lại càng không phải tên một xứ đạo Công giáo lâu đời ngoài Bắc, mà là hình thức hội thẩm đặc biệt thời xưa: Tam pháp ty, do các cơ quan chuyên môn cùng phối hợp để thẩm tra trọng án.

Levinh Huy

tam-phc3a1p-ty-3

“Tam pháp ty” là một tiến bộ lớn trong quy chế tư pháp thời phong kiến, nó xuất phát từ Trung Hoa cổ đại, được văn minh Đại Việt kế thừa và phát huy. Trong bài viết này, với kiến văn hạn hẹp và tài liệu ít ỏi, chỉ xin lược phác đôi nét về sự hình thành của “ba tòa quan lớn” cùng cái trống kêu oan, mong được các bậc thức giả soi xét và chỉ dẫn thêm.

Trung Hoa

Chính quyền phong kiến Trung Hoa tuy không có khái niệm phân quyền, nhưng có sự phân công rõ ràng theo chức năng. Việc tài phán đời Hạ do Đại lý tự đảm trách; đời Thương do chức Tư khấu; thời Chiến quốc, ở nước Tấn và Tần có Đình úy, Tề có Đại lý, Sở đặt Đình lý, đều là những chức quan chuyên việc hình ngục. Nhưng đó đều là “Nhất pháp ty”, tức chỉ do duy nhất một cơ quan đặc trách.

Tần Thủy hoàng sau khi nhất thống Trung Hoa, đã cho đặt thêm Ngự sử đài. Cơ quan này ngoài việc kềm chế vua quan lộng quyền xâm hại lợi ích bá tánh, còn cùng với Đại lý tự phụ trách thẩm tra những vụ trọng án, đây là thời kỳ “Nhị pháp ty”.

Sang đời Đường, đặt thêm Hình bộ chuyên việc thẩm định tội danh, định mức hình phạt. Từ đó, định chế Tam pháp ty thật sự hình thành. Tuy mỗi triều đại sau đó có biệt nhãn khinh trọng khác nhau đối với ba cơ quan này, nhưng sự phối hợp thẩm án của Tam pháp ty đã thành tất nhiên trong việc thực thi công lý. Từ Minh – Thanh trở đi, định chế này càng thêm hoàn bị.

Về quy chế mỗi cơ quan: Hình bộ là cơ quan thẩm phán trung ương, kiêm quyền thi hành hình phạt. Đại lý tự chuyên việc thận hình (cẩn thận dè chừng trong hình luật), thẩm tra các bản án do Hình bộ phán quyết nhằm giảm thiểu oan sai. Đô sát viện giám sát việc đề cử, bổ dụng quan lại, đàn hặc bá quan trong triều ngoài nội nếu có việc gian trá bất minh.

Khi có án trọng tử hình, Hình bộ, Đại lý tự và Đô sát viện sẽ cử các ty thuộc của mình để cùng hội thẩm, gọi là “Hội tiểu pháp”. Những người này có nhiệm vụ xem xét tình tiết vụ án, định tội danh, đề xuất hình phạt, kiểm tra việc dẫn điều luật có chuẩn xác không… Sau khi lục vấn, nếu thống nhất ý kiến, các thuộc quan sẽ lập tờ tấu, trình báo lại các trưởng quan của mình. Nếu tiểu Tam pháp có ý bất đồng, ba vị trưởng quan Hình bộ thượng thư, Đô ngự sử, và Đại lý tự khanh sẽ cùng tái thẩm, tức “Hội đại pháp”. Kết quả hội thẩm sẽ do Hình bộ lập gửi Đại lý tự và Ngự sử đài, nếu vẫn còn dị nghị, Đại lý tự và Ngự sử đài phải có công văn phản hồi cho Hình bộ trong vòng 8 ngày, để Hình bộ sắp xếp tái hội Tam pháp. Chỉ khi nào cả ba cơ quan cùng nhất trí mới được định án, lập thành tấu biểu trình hoàng đế thẩm định.

Không chỉ ở trung ương, Tam pháp ty còn được áp dụng xuống tận tỉnh, phủ, huyện. Vd: ở tỉnh, các chức Tổng đốc, Tuần hộ và Án sát sứ sẽ phải cùng hội đồng phúc hạch nếu có trọng án trong quản hạt.

Tam pháp ty chuyên chú truy cầu công lý, hạn chế oan sai, và nhờ đặc điểm bình quyền trong quá trình tranh biện để hội thẩm cũng như kinh nghiệm phối hợp với đồng liêu, qua đó còn đào luyện thêm bản lĩnh cho các đại thần (Trương Đình Ngọc làm Hình bộ Thị lang đời Khang Hy, Lưu Dung và Kỷ Hiểu Phong nhậm chức Tả đô Ngự sử Đô sát viện đời Càn Long, đều là hiền thần lương đống từng tham dự Tam pháp ty).

* * *

Gắn liền với Tam pháp ty tượng trưng cho đèn trời soi xét là trống Đăng văn, dùng để người dân tố cáo oan tình.

Từ đời nhà Chu (1027trCn – 256trCn), đã có cho đặt trống “Lộ cổ” trước công đường, cạnh bên bày mâm đựng đá, gọi “Phế thạch” (Phế là phỗi, một trong ngũ tạng, ý nói viên đá dùng để bày gan ruột), để dân dùng đá ném vào trống 3 lần (tam minh phế thạch) đánh tiếng kêu oan.

Đời Tây Hán (202trCn – 8trCn), qui định mỗi khi có tiếng trống kêu oan, quan chức phải lập tức thăng công đường để thụ lý vụ án.

Đến đời Tống (960 – 1279), cho dựng hẳn một biệt viện đặt trống Đăng văn, gọi “Đăng văn cổ viện”. Từ đó, việc kêu oan được lập thành quy trình chặt chẽ, Đăng văn cổ viện thành địa chỉ chính thức nhận đơn từ khiếu nại của dân chúng. Phàm đơn kêu oan đều phải đệ trình Đăng văn cổ viện, nếu viện này không nhận mới được trình lên “Kiểm viện”, như Kiểm viện vẫn không thụ lý, người kêu oan mới được đến Ngự sử đài để trần tình.

Đời Tống trở về trước, Đăng văn cổ (trống Đăng văn) không chỉ để bày tỏ hàm oan, mà còn được bá tánh gióng lên để đề đạt kiến nghị hoặc phê phán chính sách của triều đình. Sau này, do bọn điêu dân ngày một càn quấy, nên phải đề ra qui định khắt khe nhằm hạn chế những việc không đâu. Thậm chí đời Thanh còn định lệ rằng, hễ ai nổi trống, bất kể đúng sai ngay gian, cứ phải è lưng ra lãnh đủ 30 hèo xong mới được mở miệng kể oan tình. Do pháp luật ngày một kiện toàn, kèm theo những qui định chặt chẽ, nên trống Đăng văn từ đó về sau chỉ còn là hình ảnh tượng trưng, ít người đánh thử.

Việt Nam

Mãi đến thời Nguyễn, chịu ảnh hưởng của “Khâm định Đại Thanh hội điển sự lệ” (gọi tắt là “Đại Thanh hội điển”), triều đình Huế, bắt đầu từ Minh Mạng, mới đặt ra Tam pháp ty. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1832, vua cho lập Đô sát viện, rồi lấy Hình bộ, Đại lý tự và Đô sát viện hợp thành Tam Pháp ty, lỵ sở ty này gọi “Công chính đường”, đặt ở góc Đông Nam kinh thành. Bên trái phía trước Công chính đường cho treo trống Đăng văn.

Dân chúng ai có điều oan khuất thì đến nộp đơn ở Công chính đường. Tam pháp cử các ty thuộc đến nhận đơn từ vào các ngày mùng 6, 16 và 26 âm lịch mỗi tháng. Ngoài ba ngày này có đủ mặt viên chức cả 3 cơ quan, còn thì các ngày khác, tam pháp thay nhau cử thuộc quan luân phiên túc trực.

Khi có người kêu oan, Tam pháp ty có nhiệm vụ hội đồng thẩm xét, nếu khi định tội, là hình phạt đánh roi, trượng thì Tam Pháp ty lập tức cho chấp pháp ngay tại sảnh Công chính đường.

Nhằm ngăn ngừa việc kêu oan vô lối, cứ hễ ai đến nổi trống Đăng văn đều phải chịu phạt đóng gông trước 10 ngày, sau đó lại bị đánh 100 roi rồi mới được xem xét. Và nếu kêu chuyện không đáng hoặc vu cáo thì phải chịu tội theo quốc pháp, kẻ xúi giục kêu oan cũng phải chịu phạt.

Đến 1880, Tự Đức qui định thêm cho việc tái thẩm, nếu có việc khiếu kiện kêu oan xin xét xử lại một vụ án, trước hết người khiếu kiện phải đệ đơn lên ty cai quản trực thuộc, nếu ty cai quản không nhận xét, hoặc xét xử không công minh, thì mới được kiện lên thượng ty và Tam pháp ty. Nếu trái qui định này, khiếu kiện vượt cấp, thì bất kể đúng sai đều phải phạt 100 trượng.

Đến thời thuộc Pháp thì thể chế Tam pháp ty bị bãi bỏ, việc hình luật và thẩm án phải theo luật pháp do Pháp đặt ra.

Tam pháp ty nhà Nguyễn có quyền hạn rộng rãi của tòa án tối cao, được phép thẩm tra xét xử và định tội từ hoàng thân quốc thích đến bá quan trong triều ngoài nội, cứ y theo pháp định mà phán quyết, nên đã góp phần không nhỏ trong việc tảo trừ tệ quan tham lại nhũng, buôn gian bán lận, sách nhiễu dân lành.

Tam pháp ty triều Nguyễn đã phát hiện cũng như minh oan cho nhiều vụ án. Ở đây, chỉ đơn cử vụ nổi tiếng nhất, liên quan đến Thủ khoa Nghĩa:

Bùi Hữu Nghĩa có thời gian trấn nhậm phủ Trà Vang (tức Trà Vinh ngày nay). Thuở trước, Nguyễn Ánh bị giặc Huệ truy đuổi, thường bị thiếu hụt quân lương, người dân Kh’mer ở rạch Láng Thé thuộc Trà Vang đã quyên góp rất nhiều, lại có những kẻ nghĩa dũng tòng quân quyết theo đánh giặc. Cảm ơn nghĩa ấy, khi lên ngôi, vua hạ chiếu miễn thuế thủy lợi cho dân Kh’me rạch Láng Thé. Sau, có bọn Hoa kiều lo lót cho tổng đốc Trương Văn Uyển và viên bố chánh tên Truyền để được thu thuế thủy lợi ở Láng Thé.

Dân đen lên khiếu kiện, Nghĩa phê rằng: “Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của Thế tổ (tức Gia Long) ban cho dân Thổ (Kh’mer), nay ai nhỏ hơn Thế tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao!”

Tri huyện đã cứng đầu đá đểu thượng quan, dân Kh’mer lại bộc trực kiêu hùng. Nhận được lời xử ấy, dân Láng Thé bèn rủ nhau phá đập của Hoa kiều. Một trường huyết chiến đã xảy ra, khiến 8 người Tàu tử vong. Nhiều người Kh’mer bị bắt, Uyển và Triều khép luôn Bùi Hữu Nghĩa vào tội chủ mưu lạm pháp sát nhân. Nghĩa bị kết tội tử, chờ ngày hành hình.

Người phối ngẫu của Nghĩa là bà Nguyễn Thị Tồn, nhận thấy chồng bị oan khuất, bèn không nề nguy hiểm khó khăn, khăn gói lặn lội ngàn dặm từ Biên Hòa ra tận kinh đô Huế để gióng trống Đăng văn, đệ đơn kêu oan cho chồng. Nhờ đó, vụ án được Tam pháp ty hội thẩm xử lại, Bùi Hữu Nghĩa thoát khỏi án tử hình.

Sau này, trong bài văn tế vợ, Nghĩa nhắc lại chuyện bà Tồn kích cổ Đăng văn với những lời thống thiết chen lẫn tự hào về người phối ngẫu gan trời của mình:

Nơi kinh quốc mấy hồi trống dóng, biện bạch này oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng;

Chốn tỉnh đường một tiếng hét vang, hẳn hoi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều mất vía.

Thay lời kết

Tam pháp ty là một bước tiến bộ đáng kể trong nghành tư pháp, tuy không tránh khỏi những hạn chế nhất định, nhưng định chế này đã góp phần hạn chế, triệt tiêu việc độc đoán chuyên quyền của Hình bộ, giúp dân lành khi chẳng may chịu điều oan khuất vẫn giữ được lòng tin vào sự nghiêm minh của luật pháp.

Từ khi có đảng anh minh trường trị, nhất thống giang hồ, nhân dân cả Trung Hoa lẫn Việt Nam đều được thấm nhuần ơn mưa móc, không còn phải chịu những bất công cay đắng cơ cực, mọi sự đều được đảng sắp đặt và an bày giúp cho, người công dân thanh thản thoải mái hưởng thụ sự tồn tại về mặt vật lý của mình trên thế gian và tự do ca tụng công đức của đảng.

Riêng ở Việt Nam, ngành tư pháp được đặc biệt chú trọng và hoàn chỉnh ngay từ trong trứng, được xem là thuộc hàng đầu của thế giới. Nếu không có vài vụ án oan lẻ tẻ, và báo giới đừng lôi ra, thì việc xét xử ở ta tuyệt đối không có oan sai, chốn nhân gian thành tuyệt cảnh thiên đường, khắp chốn hoan ca vui hưởng thời thịnh trị đệ nhất cổ kim.

Tam pháp ty và trống Đăng văn hoàn toàn không cần thiết trong chế độ ta, mọi bản án lớn nhỏ đều đã và sẽ được tòa án độc lập công minh xét xử theo sự chỉ đạo của đảng tài tình, trong dân gian vĩnh viễn không còn oan khuất, ngoại trừ vài trăm dân oan khiếu kiện càn quấy bất chấp kỷ cương.

Ấy vậy mà không hiểu nghĩ sao, gần đây có viên thái thú lại tái phục hiện cái trống Đăng văn thời xửa xưa qua hình thức công bố số điện thoại riêng. Chẳng biết lợi ích hơn thiệt đúng sai thế nào, bậc hiền thần có đủ thời gian và công sức để xóa hàng ngàn tin nhắn rác hay chăng, nhưng quả thật việc này đã tạo được bội thu cho nhà mạng, góp phần thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển vượt trội trong mấy ngày liền.

Tiện đây, tuy chỉ hơi liên quan, cũng dám xin phóng tác luôn một chuyện từ tiếu lâm Trung Hoa cổ đại:

Chuyện kể rằng, xưa có gã nọ chẳng may gặp phải án oan, bèn nhắn tin cho tổng trấn để cầu cứu: “Xin đại lão gia cứu giúp, nếu không kẻ tiện dân này chết chắc!”

Thượng quan bèn an ủi và khuyên rằng: “Còn nước còn tát, chớ vội nản lòng tin ở chế độ, nào đã chắc chắn là ngươi phải chết đâu mà đã bi quan sớm vậy. Ngày mai, hãy thử chửi cha hoàng thượng để đánh động dư luận xem sao”.

Anh chàng nghe lời, liền pốt lên Fây một xì-ta-tút ngắn gọn: “Tổ cha thằng hoàng thượng”. Lát sau, y nhận được còm-men của quan tổng trấn: “Ừ, được rồi đó, giờ thì mầy mới thiệt là chết chắc nghe con!”

LeVinh Huy

Nguồn: Levinhhuy

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.