Nhớ về thầy Cung Giũ Nguyên (2)

Thầy Nguyên có nói về cô Diệu Trang. Thầy và chồng cô Trang họ Hồng vốn cùng một họ với nhau. Về sau nhà thầy đổi sang họ Cung (共) – bỏ bộ thủy trong chữ Hồng (洪). Thầy nói nửa đùa nửa thật (khó phân biệt được vì cái tánh khí đó của thầy): có lẽ e rằng sau này người ta nói nhà tôi có bà con với Hồng Tú Toàn.

Cung giũ Nguyên 2

Trần Công Khanh

Cũng như thầy từng kể về “lịch sử” trở thành giáo sư Triết trường Võ Tánh của ông. Hồi mới qua nhận giải thưởng quyển tiểu thuyết “Le Fils de la Baleine” trở về Việt Nam, ông kể: “Có nhiều tiền quá mà không biết để làm gì mới vào tiệm sách Khai Trí biểu nó đó bán cho một thước sách triết về chưng trong nhà chơi. Rồi về sau Võ Tánh (Nha Trang) thiếu thầy Triết, ông Thanh tra trung học từng ghé nhà chơi nhớ tôi có nhiều sách triết, nghĩ rằng tôi giỏi triết, mời dạy. Ờ dạy thì dạy.” Ca này tôi cũng không biết thật hay là đùa. Thời thầy Nguyên dạy Triết, học sinh đang dùng bộ sách giáo khoa của Cao Văn Luận. Có chỗ không hiểu họ đem lên hỏi thầy Nguyên, thầy cũng không hiểu. Thầy hứa khi đi chấm thi ở Huế sẽ nhờ ông Luận giảng giùm rồi về giảng lại… Ông nói riêng với lớp tôi: “Ổng viết trật lất, thầy ra Huế nói với ổng, ông cười huề, vì ổng viết mà ổng cũng không hiểu luôn.”

Thầy Nguyên lại là một cây về Phân Tâm học. Nhất là Phân Tâm học của Sigmund Freud. Ông này lại nằm trong môn Tâm Lý học của thầy Võ Doãn Nhẫn – giáo sư Triết sáng giá của Nha Trang thời đó. Bọn con trai con gái học đến động lực chính của con người là “libido”, đứa nào đứa nấy đủ điều thắc mắc để hỏi thầy Nhẫn. Thuở xưa học Triết không phải chép bài, vì đã có quyển giáo trình in roneo của thầy giáo phát cho từng đứa thu tiền in. Hỏi có cần tham khảo thêm không. Thầy Nhẫn nói ngoài tiệm sách có mấy bộ nữa như Vĩnh Để, Trần Bích Lan, ai thích tác giả nào thì mua tác giả đó về tham khảo.

Không phải chép bài nên mới có thời gian để giơ tay, để hỏi. Libido được học sinh nặng lòng chiếu cố. Khi giảng đến các phase của libido – phase buccale (khoái lạc đường miệng), phase anale (khoái lạc đường hậu môn), phase génitale (khoái lạc đường cơ quan tình dục), thầy phải dừng lại ở phase anale để nhắc đến từ “kê gian”. Và để nói rằng thật ra các phase không phân ra rạch ròi như Freud đưa ra – buccale còn nhỏ, anale lớn lên một chút và génitale sau dậy thì. Thầy Nhẫn đá trái banh qua cho thầy Nguyên: “Ai thắc mắc về ‘kê gian’ thì hỏi thầy Nguyên”.

Thầy Nguyên nói vòng vèo về chuyện con gà cồ của thầy bị “hy sinh” vì làm nghĩa vụ “gươm lạc giữa rừng huê”. Rồi thầy hỏi có em nào chưa thấy gà đạp mái? Thấy hết rồi phải không? Đó là “kê gian”, còn gọi là phase anale, yêu theo kiểu gà. Thầy cũng giải thích thêm hiện tượng hút ống pipe của thầy là luật bù trừ ngày xưa thầy bị mẹ bỏ bú sớm không thỏa mãn được phase buccale… Sợ bị hỏi thêm thầy chơi nhạc cụ điêu luyện của mình – đánh trống lãng: “Thôi hãy quay lại với những con cừu của chúng ta”, thành ngữ của Pháp trong trường hợp này có nghĩa là: Hãy quay về môn Pháp văn của chúng ta.

*

Quyển “Le Fils de la Baleine” được Nguyễn Thành Thống – một cựu học sinh Sao Biển – dịch sang tiếng Việt là “Kẻ thừa tự Ông Nam Hải”. Quyển sách được dịch với sự góp ý của tác giả lúc thầy Nguyên còn tại thế. Cuốn sách (bản tiếng Đức – “Der Sohn des Walfischs”) từng được thầy đem giới thiệu với chúng tôi vào hai giờ Văn phạm Pháp văn lúc tôi học năm nhứt Viện Đại học Cộng đồng Duyên Hải Nha Trang. Tôi còn nhớ thầy giải thích từ “fils”: cá voi không có fils mà chỉ có baleineau… Tại sao nhơn vật ưng nuôi cá vàng chỉ dụng tay trái? Tay phải mắc thủ dâm…

*

Kiến thức thầy Nguyên có vẻ như khó dò. Năm 12C Lê Quý Đôn, tôi thường được thầy biểu lên bảng chép bài cho các bạn chép vào vở. Nhìn chữ tôi viết nghiêng, đều đặn, thầy nói: “Gia đình anh này khó khăn lắm đây, giáo dục gắt gao. Ảnh lại chỉ làm ra vẻ tuân thủ.” Lúc đó tôi mới nhớ lại một câu mình viết trong cái bài tập bữa hôm nghe giảng về cô đơn: tôi sinh ra mà không được tham khảo ý kiến. Thầy phê: “Cộng sản”. Tôi chẳng hiểu mấy, nhưng còn lạ thầy lạ trò nên không hỏi lại.

Không chỉ coi chữ viết của tôi. Thầy nhìn vào vở của cô Ng. và nói thẳng: “Em phải tập viết lại. Viết như vậy mai mốt chắc đi làm gái.” Tôi có mượn vở Ng. coi và thấy cô ấy viết một phần ba đầu của dòng chữ nghiêng, một phần ba giữa dòng chữ đứng và một phần ba cuối dòng chữ ngữa.

Có một cô học cùng lớp hình như tên là Hạnh mới đầu năm đã có vẻ lắm lắc, nói chuyện trong lớp. Thầy Nguyên phán một câu: “Em này tướng chết yểu. Thầy có thể dung túng cho em.” Mấy đứa con gái khác nhao nhao: sao biết thầy, sao biết thầy? Đằng sau lưng cô ta có một nốt ruồi. Bọn con gái: đâu? Đâu? Rồi đè Hạnh ra kiểm tra. Bọn con trai cũng đâu? Đâu? Ăn theo. Quả là có. Bọn con gái: sao biết thầy? sao biết thầy? Thầy cắt đứt tình huống: “Cổ đi tắm biển tôi thấy!” Cả lớp đứt chớn, lặng phắc… Ai cũng biết là ông không nói thật trong vụ này.

Trước đó có một ca thầy Nguyên phán “chết yểu” đã xảy ra thiệt. Cô gái ấy là con ông chủ một tiệm thuốc Bắc trên đường Độc Lập. Thầy Nguyên từng nói cô sẽ không bị chết yểu nếu không lấy chồng sớm. Trước khi chúng tôi vào lớp 12C không lâu cô gái bị anh rễ bắn chết tại nhà cha cô. Bọn con gái rét liền. Đứa nào cũng mong thầy phán một quẻ xem hung kiết ra sao.

Thầy Nguyên lúc cao hứng cũng thường coi tướng và chỉ tay cho một số cô. Để tránh điều tiếng, ông có lần kết thúc bằng một câu: “Cầm tay mấy cô xong, tôi phải đi rửa tay… Vậy mà có em hỏi tôi mình tắm biển gần thằng Đại Hàn (ngày xưa dân miền Nam gọi người Hàn Quốc là Đại Hàn), lỡ tinh trùng của nó có bơi trúng mình không… Hỏi vậy mà cũng hỏi!”

Về sau khi dựng lại quyển “Câu chuyện ngành tráng” của thầy Cung Giữ Nguyên, tôi mới biết ông nghiên cứu về tướng số nhiều. Chương VI “Tánh khí”, ông nói rất đậm về khảo tướng và dẫn nhiều nguồn từ cổ chí kim. Có lần ông từng nói: “Mỗi người đều có phần đầu nhìn từ sau tới khác nhau. Tôi nhìn và có thể nhớ ngay người ấy là ai nếu đã thấy qua.” Tôi chịu, vậy là ông cũng giống ông giữ xe ở 81 Trần Quốc Thảo, Sài Gòn. Giữ xe khỏi cần lấy giấy, ông nhớ mặt khách hết. Nhưng ông sau nghe nói tiền sử là an ninh… Vào đây uống bia nhiều lần, tôi chưa từng lấy giấy giữ xe lần nào.

Trần Công Khanh

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.