Thuyền về cửa sông

Cửa sông Cái Nha Trang là một cửa sông đẹp nhất Khánh Hòa. Đẹp vì phong cảnh, đẹp vì mức độ an toàn. 

Quách Giao

Cửa sông Cái Nha Trang bên kia cầu Trần Phú. Ảnh: T.L.

Sông Cái Nha Trang phát sinh từ nhiều nguồn như nguồn Gia Lai, nguồn sông Múa, Gia Lê cùng gặp nhau tại Thạch Trại. Tên sông được ghi vào sử sách là sông Phú Lộc (Đại Nam Nhất Thống Chí). Còn có các tên là sông Cái, sông Cù và sông Nha Trang. Cảnh đẹp của sông Nha Trang đã đi vào văn thơ Khánh Hòa: 

Lưỡng ngạn vi lô trường đáo hải 
Tứ biên hoàng diệp dục vi thu 

(Trắng lợp đôi bờ lau tới biển 
Vàng bay bốn phía lá gieo thu) 

Trong cuốn Xứ Trầm Hương, Quách Tấn đã mô tả trước đây: “Cửa sông mở từ xóm Bóng sang thấu Hà Ra. Giữa sông không có nổng Cồn Dê. Từ Ngọc Hội nước chảy thẳng xuống biển chứ không phân lưu như hiện nay. Bến Trường Cá Phường Củi ăn sâu vào tận chân núi Trại Thủy, chùa Hải Đức và núi Gành, chùa Kim Sơn, nước lênh láng như biển. Mùa nắng cũng như mùa mưa, không lúc nào, không khúc nào có thể lội qua được”.

Ngày hôm nay nối hai bờ sông có ba nhịp cầu Xóm Bóng, Trần Phú và Hà Ra. Giữa dòng sông dọc theo đường quốc lộ IA nhà cửa nối liền san sát. Cửa sông Cái trước rộng mênh mông nay chỉ còn một vùng sâu rộng lại phía ngoài cầu Trần Phú. 

Thuở trước muốn ngắm cửa sông, du khách leo lên Tháp Bà phóng tầm mắt nhìn ra cửa biển Cù Huân. Cửa sông giao liền với biển màu xanh thắm, lô nhô sóng bạc. Từ cầu Xóm Bóng vượt qua chòm đá Chữ lô nhô giữa dòng sông dòng nước sông Cái hòa nhập vào lòng đại dương mênh mông. Mùa mưa lũ sắc nước bạc của mưa nguồn đem phù sa nhuộm vàng vịnh Cù Huân chập chờn muôn sóng bạc. 

Hôm nay chỉ cần đứng trên cầu vòng Trần Phú, du khách tha hồ tận hưởng cảnh nước sóng mênh mông của cửa sông Cái trong mùa bão lụt. 

Tại cửa sông, dòng nước bạc từ nguồn đổ xuống ào ạt chảy ra biển khơi, sôi réo dưới chân cầu. Ngoài khơi những cuộn sóng đổ vào bờ. Sóng và nước lũ gặp nhau nơi cửa sông. 

Nơi cửa sông Cái nơi dòng lạch và bờ đã hiện hữu những con sóng lớn tự trùng dương tràn vào. Nơi mép bờ những con sóng cao cuồn cuộn, những chỗ lạch sông sâu thì những con sóng nhỏ ào ạt. Đứng từ bờ nhìn ra, trông thấy sóng tưởng chừng như nhẹ nhàng song khi ở tại chỗ mới thấy được sóng cuồng nộ đến bực nào. 

Ngoài khơi các con thuyền đánh cá đã quay trở về. Đến cửa sông, thuyền như dừng lại. Có đôi chiếc như trở mũi nằm ngang. Từ bờ nhìn ra tưởng chừng như thuyền đang neo chờ giờ xuất phát. Thì ra các thuyền đang chuẩn bị cho chuyến vượt sóng vào cửa sông để vào bờ. Tại dưới cửa sông nước lũ cuồn cuộn chảy mạnh đổ ra biển. Trên cửa sông từng đợt sóng lớn ào ạt đổ. Bên dưới có một dòng thác lũ ngược ra biển cả và bên trên lại có một sức mạnh thác đổ xô vào lòng sông. Hai lực lượng thác lũ này gặp nhau tại cửa sông. Thuyền lớn nên bên dưới chịu sự cuốn trôi theo dòng lũ còn phần trên thì chịu sức cuốn lôi của sóng cả. Sóng cả nơi cửa sông rất nguy hiểm. Từ biển ào ạt chạy vào cửa sông. Đến nơi thì bủa xuống tạo một sức mạnh xô vào đầu sông rồi cuốn mạnh trở ra biển hợp với nguồn lũ thành một sức mạnh xô thẳng ra biển. Nếu thuyền nương sóng mà vào thì khi bị sóng bủa mạnh, thuyền đang ngon trớn lao vào dòng sông thì gặp ngay sức rút về biển khi sóng bủa xong thì thuyền để bị lật ngang và chìm theo làn nước. Nếu thuyền đang cưỡi sóng thì khi sóng bủa, mũi thuyền chúc xuống, lái thuyền chổng lên cao khiến bánh lái và chân vịt hổng khỏi mặt nước. Thuyền rất dễ bị sóng đánh nằm ngang và chìm ngay xuống nước. Cho nên muốn vào cửa sông tất cả các thuyền cần phải nằm chờ đúng dịp mới chạy vào được. Một là chờ dịp cửa sông vắng sóng. Khi đó mặt nước lặng yên chỉ còn còn có dòng nước lũ. Thuyền sẽ ngược nước mà tăng tốc chạy vào. Hai là phải chờ đúng dịp có 3 con sóng liên tiếp với nhau từ biển chạy vào cửa sông. Khi có ba con sóng này liên tiếp cùng nhau thì con sóng đầu khi vào đến cửa sông bủa xuống tạo thành một lực rút mạnh ra biển. Lực này sẽ bị lực bủa của con sóng thứ hai bủa xuống hóa giải để cùng nhau hợp với lực bủa và rút của con sóng thứ ba làm cho các lực đẩy, hút, chảy trở thành một trở lực yếu hẳn đi. Như vậy sẽ có một thời gian và một không gian yên lặng để thuyền dễ dàng vượt qua. 

Dựa theo kinh nghiệm này, các tài công cho thuyền chạy chậm vòng vòng theo sóng nước (tục gọi là quần) để quan sát những con sóng đổ vào cửa sông. Khi biết chắc chắn là sau bao lần sóng bủa thì có một đợt sóng ba, tài công đón đúng vòng để hướng mũi thuyền thẳng góc với con sóng thứ ba rồi tăng tốc chạy thuyền. Khi ấy, vì tăng tốc nên ống khói thuyền phun đặc khói đen và tiếng máy gầm rú đinh tai nhức óc. Thuyền vụt chạy như muốn lao mình vào ba đợt sóng trước mũi nhưng không bao giờ dám vượt lên trước mà chỉ chạy cho kịp con sóng thứ ba. Khi sóng lặng, thuyền vẫn tăng tốc rồi lặng im như một tiếng thở phào sau cơn mệt nhọc. Qua khỏi cửa sông thuyền lại nổ máy chạy bình thường hướng vào bến đậu. Một đôi chiếc thuyền nhỏ chạy quanh trong cửa sông chuẩn bị cứu vớt những ngư dân chẳng may gặp nạn. 

Người dân làm nghề đi biển thường gặp nạn trong những giờ phút ra khơi hoặc trở về tại các cửa sông khi mùa biển động. Những tài công có kinh nghiệm cũng đã từng có đôi lần bị chìm thuyền, lội bộ vào bờ.

 Bên cửa sông có dựng miếu thờ ông cá voi để làm yên lòng những thuyền cá ra khơi. Tại cửa sông thì thường có các thuyền máy nhỏ bơi quanh quẩn trong thời gian thuyền về để kịp ứng cứu người lâm nạn.

Trên cầu Trần Phú đôi cụ già đứng tựa thành cầu như đang ngắm cảnh thuyền vượt sóng, trò chuyện với nhau về tay lái của từng chiếc thuyền. Cách quần sóng, vượt sóng của từng tay lái các cụ như thuộc nằm lòng. 

Nắng lên cao, thuyền về chỉ còn đôi chiếc, các cụ chào nhau trở về nhà thanh thản cùng với gia đình.

Quách Giao

Nguồn: Quách Giao, Cá tắm nắng. NXBHội Nhà Văn, 2012.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.