Người mẹ

Về Việt Nam, tôi may mắn được làm quen với Đoàn Hồng Lê, đạo diễn phim “Người Mẹ”. Đây là phim tài liệu 45 phút mới phát sóng trên VTV8 đã tạo cho tôi ấn tượng mới về những bà mẹ Việt Nam.

Nguyễn Thọ

Bà Nguyễn Thị Đẹp, nhân vật chính của phim, không giống những bà „Mẹ Việt Nam Anh hùng“ mà văn học và điện ảnh cách mạng đã tạo ra ba phần tư thế kỷ qua.

Phim mở đầu bằng cảnh một bà già say mê hát bài „Yesterday once more“ bằng tiếng Anh đặc sệt giọng Việt. Bà Đẹp nhớ lại năm 1969, khi cô gái mới lớn lên đang làm việc cho một ban nhạc của binh lính Mỹ. Bà nhớ đến mối tình với Joe, anh lính trẻ đánh trống trong ban nhạc. Bà từng bị người đời coi là một cô gái hư, theo Mỹ.

Nhưng dù hư hay ngoan, trái tim của con người vẫn rung động. Bất chấp mọi dị nghị, can ngăn, họ yêu nhau. Năm 1972 Joe phải rút về Mỹ. Cũng như bao người lính viễn chinh trên thế gian này, anh không biết rằng người tình đã có mang.

Mẹ và con của ngày xưa

Bé Phương Mai ra đời trong sự nhọc nhằn của bà mẹ trẻ cô đơn. Biến cố 30.4.1975 ập đến khi bé 2 tuổi. Bà Đẹp lo sợ cho số phận của những người đã hợp tác với Mỹ, cho tương lai của đứa con lai. Nhưng vì trách nhiệm với người cha già ốm đau và các em nhỏ đè nặng lên vai, bà không thể ôm con chạy trốn.

Trong không khí hoảng loạn và tuyệt vọng, bà Đẹp quyết định trao bé Phương Mai cho một cô nhi viện thiên chúa giáo để cháu được ra khỏi Việt Nam trong chiến dịch Babylift. Lương tâm người mẹ trẻ luôn cắn rứt vì không biết quyết định của mình là đúng hay sai.

Từ đó bà Đẹp không cưới chồng. Bà ở vậy cho đến nay phần vì phải lo nuôi đàn em, nhưng cũng chủ yếu vì để nuôi hy vọng tìm lại Phương Mai. Từ những năm 80, bà đã gửi thư theo địa chỉ cũ của Joe để nhờ anh tìm lại „Đứa con của chúng ta“. Bà luôn xin lỗi Joe là bà không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của anh. Các bức thư đã quay lại mà chưa hề được mở. Sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, bà Đẹp lại càng quyết tâm tìm kiếm giọt máu của mình. Bà gửi thư lên tận tổng thống Clinton để nhờ ông giúp.

40 năm qua là thời gian mà bà luôn sống trong day dứt: Phương Mai có sống sót được sang Mỹ hay không? Con có được hạnh phúc bởi quyết định ngày đó của mẹ không?

Những nỗ lực tìm kiếm con gái đã giúp bà Đẹp luôn tiếp cận với Internet và bổ túc kiến thức Anh ngữ. Người xem phim không khỏi khâm phục khả năng đối đáp tiếng Anh và cách sử dụng Internet của người phụ nữ bình thường U70 đó.

Công cuộc tìm kiếm của bà Đẹp đã được tiếp sức bởi những người có lòng trắc ẩn như bà Cherie Clark, cựu nhân viên cứu trợ nhân đạo trong chiến dịch Babilift 1975, hay đạo diễn Đoàn Hồng Lê. Cuộc tìm kiếm đó đã giúp bà Đẹp kết nối với một cô gái cũng tên là Phương Mai, cũng là con lai được định cư ở Mỹ. Nhưng cuối cùng, cô không phải là con gái bà. Tuy nhiên việc đó khiến bà Đẹp càng thêm quyết tâm.

Tháng 8.2019, tình cờ một sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ đọc được câu chuyện tìm con của bà. Chàng sinh viên Lê Vũ xúc động bởi mối tình mẫu tử bất diệt đó nên quyết tâm giúp bà Đẹp. Bằng các thông tin bà Đẹp cung cấp, Vũ đã tìm ra ông Joe O’Neal. Nhưng ông đã qua đời năm 2011. Đọc kỹ tin cáo phó, Vũ thấy ông Joe một người con gái tên là Bonnie.

Vũ đã bỏ công sức tìm kiếm cô con gái ông Joe trong rất nhiều cái tên Bonnie. Cuối cùng sự tận tâm của Vũ đã có kết quả. Cô Bonnie O’Neal không ngờ rằng cha mình từng có một người tình và con gái ở Việt Nam. Dù chưa từng biết người chị gái cùng cha khác mẹ, nhưng Bonnie đã sẵn lòng giúp người tình cũ của cha mình. Kết quả là cô đã tìm ra người chị cùng dòng máu có tên là Leigh Boughton Small. Đó chính là bé Phương Mai năm 1975.

Tôi không thể kể về niềm vui của hai mẹ con khi tìm được nhau.May ra hình ảnh mới nói lên hết được. Nhưng điều đáng kể ở đây là lòng nhân ái và sự nhiệt thành của những người liên quan đến câu chuyện.

Sau khi Phương Mai đặt chân đến Mỹ tháng 4.1975, bà Mary Boughton và chồng đã nhận nuôi bé với tất cả tình thương yêu của họ.Tuy nhiên bà không bao giờ giấu diếm Phương Mai (Leigh Boughton) về nguồn gốc Việt Nam của bé. Bà luôn mong cho con gái tìm lại được mẹ đẻ và đã từng sang Việt Nam để tìm mẹ cho con mình. Giờ đây bà Mary viết thư cảm ơn bà Đẹp đã tặng bà một cô gái tuyệt vời suốt 40 năm qua. Bà nhắc đến các đức tính tốt mà Mai đã được mẹ Đẹp dạy dỗ từ bé. Bà mẹ Mỹ đã đọc bức thư gửi bà mẹ Việt Nam trong nước mắt.

Mẹ và con đoàn tụ

Nhiều người Việt Nam còn nhớ đến tấn thảm kịch của chuyến bay Babylift hôm 04.04.1975, khi chiếc C-5A Galaxy chở trẻ em rơi xuống gần sân bay Tân Sơn Nhất, khiến 155 người tử nạn, trong đó đa số là trẻ em, ngoài ra còn có 5 trong số 17 thành viên phi hành đoàn[1]. Nhưng ít ai biết đến sự hy sinh của những cô gái Mỹ đã tham gia vào chiến dịch di tản trẻ mồ côi chiến tranh này. Họ vượt hàng ngàn cây số sang một xứ sở xa lạ để chăm sóc cho những đứa trẻ khác mầu da, suy dinh dưỡng, đói khát, ghẻ lở. Họ đã tìm mọi cách cứu sinh mạng chúng. Họ đã lập hồ sơ các nhóm trẻ để sau này hy vọng đoàn tụ chúng với cha mẹ đẻ.

Bà Cherie Clark là một bà mẹ như vậy. Toàn bộ các em bé trong chuyến bay ngày 26.4.1975, trong đó có Phương Mai, sẽ chết hết, nếu không có sự can thiệp khốc liệt của bà Clark.

Cho đến lúc về hưu, bà Clark vẫn là người mẹ của các cháu bé châu Phi đói khổ.

Đoàn Hồng Lê cũng là một người mẹ, vì vậy chị cùng bà Đẹp mò mẫm trên Internet, không phải để kiếm một story cho phim của mình, mà để giúp bà tìm lại giọt máu tưởng chừng đã mất.

Là cựu nhân viên VTV, tôi rất hiểu con đường mòn nghệ thuật ở đó: Tận dụng cuộc chiến tranh để giáo lý về chính nghĩa, phi nghĩa, để đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và vạch trần tội ác của bên kia. Vì vậy tôi phục đạo diễn Hồng Lê và nhóm làm phim đã gạt các mục tiêu tuyên truyền ra khỏi câu chuyện có hậu này. Họ chỉ tập trung kể về số phận con người, kể về tình thương giữa những người mẹ, người con Việt Nam và Mỹ.

Tôi biết về những bà mẹ miền Bắc nhiều lần thắt ruột, nuốt nước mắt mỗi khi nhận tin báo tử của chồng con. Họ được gọi là những „Bà mẹ Việt Nam anh hùng“.

Tôi biết về những bà mẹ miền Nam đau xé lòng mỗi khi nhận giấy báo tử của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Họ là những bà mẹ bị lãng quên.

Tôi biết những bà mẹ mất đất, mất con, tù tội ở Thủ Thiêm, Dương Nội, Đồng tâm. Người ta gọi họ là các bà mẹ dân oan.

„Người Mẹ“ của Hồng Lê cho tôi thêm những hình ảnh về người mẹ.

Đó là những bà mẹ có con lai, bị chiến tranh bỏ rơi, là những bà mẹ không chấp nhận số phận, như bà Đẹp.

Và có những bà mẹ Mỹ đã từng cưu mang, nuôi nấng những đưa trẻ mồ côi Việt Nam. Họ cũng là những bà mẹ Việt Nam. Tất cả các bà mẹ này đều không cần tượng nghìn tỷ.

Nguyễn Thọ, Köln 14.03.2020

——–

Tái bút: Có ý kiến cho rằng cô Phương Mai (Leigh) đã vô tình không quan tâm đến việc tìm mẹ. Điều đó không đúng. Phương Mai (Leigh) luôn nghĩ đến cội nguồn:

1- Cách đây 20 năm, Bà Mary-Beth đã cùng Phương Mai về VN, có đến Thủ Đức tìm đến Cô Nhi Viện, nhưng mọi thông tin đều thất lạc

2- Nhiều năm trước đây, Phương Mai (Leigh) đã nghĩ về cội nguồn của mình nên đã gửi mẫu DNA đến Ancestry.com để hy vọng tìm cha, mẹ. Chính nhờ mẫu DNA này mà khi nhận được mẫu DNA của cô Bonnie, Ancestry.com biết ngay rằng Bonnie là chị em cùng cha khác mẹ của Phương Mai (Leigh).- NT

Nguồn : facebook Tho Nguyen “Người Mẹ”

Xem phim “Người mẹ”, đạo diễn Đoàn Hồng Lê


https://vtv.vn/video/phim-tai-lieu-nguoi-me-418383.htm?fbclid=IwAR0KmAaWiqZtP0eGEYst4E1mQ-U60cUZDPlvajUCrBRMNZ0zpCWtlFaUKzo

1 thought on “Người mẹ

  1. Pingback: Muôn có thật, và Một cũng có thật | Vũ Thế Thành

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.