Đối với bệnh nhân ung thư, họ hay đi tìm những người có cùng loại ung thư, cùng giai đoạn bệnh xem mọi người theo cách chữa như thế nào, trải nghiệm ra sao?… và họ thường lấy những câu chuyện đó làm quy chuẩn.
TS.BS Phạm Nguyên Quý
Nhận nhiều câu hỏi và chia sẻ từ bệnh nhân ung thư, tham gia đính chính nhiều hiểu lầm về ung thư cũng như điều trị ung thư trong cộng đồng, tôi nhận ra 3 sai lầm phổ biến mà nhiều bệnh nhân ung thư và người thân hay mắc phải.
Bài viết dưới đây sẽ phân tích cụ thể những xu hướng đó kèm theo vài lời khuyên để mọi người lưu ý khắc phục.
Sai lầm do…biết trước
Có một loại thiên kiến hay gặp nhưng khó nhìn ra là dễ tin hơn vào thông tin đến trước. Nói cách khác là “dễ mắc dính với thứ đến trước” (anchoring). Đây là tâm lý chung của con người nhưng sẽ có thể gây ảnh hưởng nặng hơn ở những bệnh nhân ung thư.
Ví dụ, phác đồ thuốc hoá trị hay phương pháp điều trị nào đó có tỉ lệ gặp tác dụng phụ cỡ 1% (tức 100 người bệnh thì chỉ có 1 người bị) nhưng nếu bệnh nhân tìm kiếm qua mạng và bắt gặp câu chuyện về tác dụng phụ nặng TRƯỚC KHI nghe bác sĩ giải thích thì sẽ có tâm lý lo lắng nhiều hơn về tác dụng phụ. Đôi khi, bệnh nhân và người thân còn tổng quát hoá vấn đề, nghĩ rằng cứ hoá trị là kinh khủng tệ hại và sẽ từ chối luôn việc dùng hoá chất khi bác sĩ vừa đề cập đến.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm nhiều người từ chối hoá trị bổ trợ sau mổ, dù có chỉ định để giảm nguy cơ tái phát về sau. Vì thế, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ lưỡng từ nhiều nguồn tham khảo và nên nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa để ra quyết định đúng.
Cũng xin nói thêm rằng xu hướng và năng lực tìm kiếm, xử lý thông tin của bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến khả năng “dính mắc” này. Các trình duyệt hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa cho ra kết quả chính xác về ung thư, gián tiếp làm những thông tin sai về ung thư dễ tiếp cận người dùng hơn. Ngay cả khi một bài viết về thực phẩm chức năng/bổ sung có chữ nhỏ “quảng cáo” bên cạnh, nhiều người vẫn vô tư click vào xem, dẫn đến dễ bị ảnh hưởng trước bởi các thông tin sai lệch hoặc thổi phồng hiệu quả điều trị.
Vì thế, bệnh nhân và người thân cần tìm hiểu kỹ 5 nguyên tắc đánh giá độ tin cậy của bài viết (BOX 1) và cảnh giác với thiên kiến về thông tin tới trước.
Box 1. 5 tiêu chí giúp đánh giá độ xác thực của bài viết
– Tác giả (họ tên, chức danh, chuyên môn,…)
– Nguồn lưu hành bài viết (tên miền, mục đích)
– Ngày tháng cập nhật
– Nội dung bài viết: (Phù hợp kiến thức y khoa; Link tham khảo; Từ ngữ sử dụng)
– Xếp hạng Độ tin cậy
Sai lầm do đánh giá “quyền uy”
Một xu hướng lệch lạc hay gặp khác là “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Ví dụ, nghệ sĩ đẹp trai mặc áo blouse trắng bảnh bao dễ làm người ta tin tưởng hơn và dễ nghe theo hơn. Chưa chắc những điều họ nói là đúng nhưng “Hiệu ứng hào quang” là hiện tượng hay gặp, đã được nhiều nhà nghiên cứu tâm lý cảnh báo.
Bệnh nhân cũng có xu hướng nghĩ rằng người có danh hiệu càng cao thì càng đáng tin. Thật sự thì thông tin và ý kiến đến từ thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, giáo sư danh dự,… có luôn chính xác hơn không? Cần lưu ý rằng điều này chỉ thường đúng khi nói về những kiến thức chung của y học đương đại, trong ngành chuyên môn của bác sĩ đó mà thôi.
Thực tế điều trị các ca bệnh ung thư cho thấy Giáo sư danh dự, hay Giáo sư trường đại học mà chuyên ngành khác vẫn có thể sai như thường. Ngay cả là Giáo sư trong ngành ung thư mà không nắm vững ca bệnh, không hiểu về người bệnh thì lời khuyên có thể không đúng. Một số bác sĩ Nhật Bản còn nói đùa rằng chức danh “Giáo sư danh dự” cũng có thể kèm theo nguy hiểm riêng vì đó là những bác sĩ đáng kính nhưng đã về hưu, khi ít cập nhật kiến thức chuyên ngành thì không thể theo nổi những tiến bộ nhanh chóng của y học.
Bệnh nhân còn dễ mắc sai lầm vì đánh giá quá cao thông tin từ những người đồng bệnh.
Đối với nhiều bệnh nhân ung thư, những người đã chữa khỏi bệnh, đã vượt bệnh thành công có vị trí đặc biệt và thường có tiếng nói “uy lực” hơn. Đây cũng là một trong những lý do làm nhiều người bị ảnh hưởng bởi các loại “kinh nghiệm điều trị” như ăn thêm cái này, kiêng cữ cái kia hoặc dùng thêm sản phẩm bổ trợ nọ. Mặc dù việc tham gia các hội đồng bệnh thông thái đang được khuyến khích để người bệnh có thêm nơi trải lòng và để giao lưu trao đổi kinh nghiệm, nhưng cần hiểu rằng mỗi câu chuyện kể chỉ có giá trị tham khảo vì đó chỉ là hành trình của một người cụ thể, chưa chắc áp dụng được cho trường hợp khác.
Là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, tôi thường khuyến khích bệnh nhân chia sẻ vấn đề họ đã gặp và cách họ đã sử dụng để vượt qua và chỉ nên dừng lại ở đó. Bệnh nhân không nên mạnh miệng khuyên bảo người bệnh khác phải làm thế này, làm thế kia thay cho lời khuyên của nhân viên y tế.
Sai lầm do…”gần gũi”
Đây cũng là xu hướng chung của chúng ta: Dễ tin theo lời người thân cận hơn là người xa lạ.
Đối với bệnh nhân ung thư, họ hay đi tìm những người có cùng loại ung thư, cùng giai đoạn bệnh xem mọi người theo cách chữa như thế nào, trải nghiệm ra sao?… và họ thường lấy những câu chuyện đó làm quy chuẩn.
Hiệu ứng này sẽ càng mạnh hơn khi bệnh nhân được gặp gỡ người đồng bệnh trực tiếp hoặc trực tuyến để nghe chính người trong cuộc chia sẻ. Trong những cuộc giao lưu đó, nếu “diễn giả” mạnh miệng, tự tin trả lời luôn câu hỏi của bệnh nhân thì những câu trả lời đó lại càng gây ấn tượng sâu đậm trong trí óc.
Dẫu biết rằng việc ra quyết định điều trị thường phải theo bằng chứng khoa học, với các số liệu cụ thể giúp cân nhắc giữa hiệu quả tiềm năng và nguy cơ tiềm tàng, vẫn còn ít người bệnh quan tâm tới cách tiếp cận này.
Đối với các bác sĩ, một phương cách điều trị khả thi giúp bệnh nhân chữa lành với cơ hội trên 85% trong khi đi kèm với nguy cơ biến chứng tầm 1% thì bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân theo điều trị vì họ đã thấy rất nhiều người hưởng lợi từ tiếp cận đó.
Trong khi đó, nếu bệnh nhân đã gặp một người bị biến chứng (nhất là khi nghe kể chi tiết) thì họ sẽ dễ từ chối chữa trị vì không còn nhìn con số 1% đó một cách trung lập nữa.
Hiện tượng này còn được gọi là sai lầm do quyết định dựa trên thông tin dễ lấy hoặc dễ nhớ (availability heuristic). Chúng ta thường đưa ra phán đoán dựa trên các sự kiện mới xảy ra xung quanh và những lời truyền miệng từ bạn bè hay Internet. Mặc dù cách làm này có thể giúp ra quyết định nhanh, tiết kiệm thời gian nhưng nó lại tiềm ẩn nguy cơ sai sót do thiên kiến, không dựa trên logic.
Cũng xin lưu ý thêm là gần đây còn có một số bệnh nhân “thêm mắm muối” trong câu chuyện của mình để kết hợp bán thực phẩm chức năng hoặc các phương pháp không có bằng chứng khoa học. Có người chữa lành bệnh là nhờ phương pháp chính thống (phẫu thuật, hoá trị, xạ trị,…) tại bệnh viện nhưng họ lại giấu đi, chỉ kể câu chuyện thành công như là hiệu quả của sản phẩm muốn tiếp thị. Thậm chí có người còn giả vờ làm bệnh nhân ung thư trong đường dây bán hàng mà những người bệnh và gia đình không thể phát hiện.
Tóm lại, những sai lầm của người bệnh ung thư thường xảy ra do mắc dính vào những sự kiện xảy ra xung quanh mình mà quên đi cái nhìn khách quan của khoa học. Theo xu hướng sử dụng mạng xã hội và thiết bị di động, những sự kiện hiếm có, xảy ra tình cờ (không theo nguyên tắc xác suất thông thường) đang lan tỏa nhanh rộng và làm người ta lung lạc nhiều hơn cần thiết. Vì cuộc sống ngày nay rất khó cắt đứt những ảnh hưởng từ Internet. Do đó, bệnh nhân và người thân nên trang bị kiến thức và kỹ năng cho mình để sử dụng Internet thông minh hơn, song song với tăng cường nhận thức về nguy cơ mắc thiên kiến khi tiếp cận thông tin về chữa trị ung thư cũng như các căn bệnh khác.
TS. BS Phạm Nguyên Quý (Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren)
Nguồn: Lotus.vn