Năm 1993, khi biên soạn sách Đình Nam bộ – tín ngưỡng và nghi lễ, chúng tôi đặc biệt chú ý đến đình Nam Tiến (số 170, Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh).
Huỳnh Ngọc Trảng

Địa điểm nới có đền Lý Nhơn ngày nay
Dữ liệu ban đầu là Bản khảo sát đình Lý Nhơn, do anh Hồ Tường trực tiếp thực hiện, cho biết đình Nam Tiến vốn có tên là đình Lý Nhơn và đặc biệt hơn hết thảy là bản sắc thần phong “Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân chi thần” do vua Minh Mạng cấp vào năm thứ 5 (1825) cho “Trường Đà các đội, y cựu phụng sự”. Bản sắc thần này đã đặt ra những câu hỏi cần được truy cứu để hiểu về nguồn gốc của ngôi đình.
1. Trước hết, bản sắc thần này có thể coi là sắc thần thuộc loại sớm nhất trong các sắc thần cấp cho đình làng ở Nam Bộ, phần lớn là cấp vào năm Tự Đức ngũ niên. Do đó, tự thân ngôi đình Lý Nhơn này có thứ bậc lịch sử đặc biệt quan trọng ở vùng đất mới phương Nam nói chung, đất Bến Nghé – Sài Gòn nói riêng.
2. Vấn đề thứ 2: Các đội Trường Đà là gì? Theo Đại Nam quốc âm tự vị (xuất bản 1895, Tome I, tr 256) thì “trường đà” là “ghe bầu lớn”. Như vậy các đội Trường Đà vận tải bằng ghe bầu lớn. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726 – 1784) cho biết: “Cơ đội giữ thuyền công Trường đà nộp 7 chiếc”(1) cho chúng ta biết đây là đội vận tải đường thủy của nhà nước thời đó. Theo hương phả làng Cảnh Dương và gia phả họ Phạm, họ Nguyễn, “nhiều thủy thủ Cảnh Dương đã được huy động vào đội ghe Trường Đà chở quân lương cho vua Lê, cho nhà Tây Sơn và vương triều nhà Nguyễn. Đội thuyền này được mang tên là Dương Hòa ban (Cảnh Dương và Lý Hòa)” (2).
Làng Cảnh Dương và làng Lý Hòa là hai làng chuyên nghề sông nước, không chỉ thạo việc đánh bắt thủy hải sản mà còn rất thạo nghề đóng thuyền và vận tải hàng hóa đường thủy. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quí Đôn chép rằng: “… Từ xã Lũ Đăng, đi theo bờ sông, qua các xã Phan Long, Thổ Ngọa, An Bài, Trung Hòa (nay là Mỹ Hòa) qua sông Gianh đến xã Thanh Hà, châu Nam Bố Chính, theo bờ biển chân núi Lệ Đệ, theo bãi cát trắng đến xã Lý Hòa, qua cầu Lý Hòa 138 gian đến thôn Thuận Cô, lại theo bờ biển trảng Đồng Cao, thôn An Lão… đến gặp đường lớn ở Chợ Đón” (3). Điều này chỉ rõ rằng thời Trịnh – Nguyễn phân tranh thì sông Gianh, cửa biển sông Gianh, khúc đường bộ nối liền bến đò sông Gianh và bến đò Đồng Cao – Lý Hòa là đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng. Theo đó, cộng đồng cư dân lẫn thuyền ghe vùng đất này được sung làm thuyền công Trường Đà và từ đó đã thành lệ, kéo dài mãi về sau này. Theo Đại Nam thực lục chính biên (bản dịch, tập 1, tr. 634), năm 1805, vua Gia Long hạ lệnh cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Nam Bình Thuận đăng ký số thuyền, số người các đội Trường Đà để tâu lên; trong đó, Quảng Bình có 10 xã thôn phường: Cừ Hà, Lý Hòa, Thuận Côn, Cảnh Dương, Lộc Điền, Chi Giáp, An Náu Nam Biên, An Náu Bắc Biên, Nội Hà, Để Võng có 138 chiếc thuyền, 1.427 người.
3. Như vậy, các đội Trường Đà là những đội “ghe bầu lớn” nhận nhiệm vụ vận tải thuộc nhà nước phong kiến trước đây. Ở các tư liệu dẫn trên, chúng ta thấy có đơn vị thuộc làng Lý Hòa (Quảng Bình) luôn có mặt trong các đội Trường Đà. Vậy thì phải chăng khu vực thuộc bến Vân Đồn, quanh đình Lý Nhơn, là trú xứ của đội Trường Đà gốc làng Lý Hòa?
Một đoạn trong bài phú Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (sáng tác hồi đầu thế kỷ XIX) ghi rằng:
… Dưới Bến Nghé hát lẳng lơ giọng con đò con rỗi;
Trên tàu voi ca khủng khỉnh tiếng thằng mục thằng nài.
Trọ trẹ dưới sông: quân Huế kéo neo hò hụi;
Xi xô inh đường cái: khách già rao kẹo ối chao ôi! (4)
đã cho phép chúng ta hình dung về việc các thành viên của đội Trường Đà gốc Huế đang hò hụi kéo neo dưới sông Bến Nghé. Ở đây, “quân Huể” là cách gọi chung cho người Bình Trị Thiên theo cách gọi “truyền thống” của người dân vùng đất phương Nam và mặt khác, hò hụi là điệu hò lao động phổ biến cho xứ “ngoài nớ” – đặc biệt là Quảng Bình (5). Nói cách khác, đình Lý Nhơn hẳn là cơ sở thờ tự cá Ông Nam Hải, thần bảo hộ cho cộng đồng cư dân chuyên nghề sông nước, ở đây là các đội Trường Đà mà cụ thể là đội Trường Đà gốc dân làng Lý Hòa (6).
4. Nói tóm lại, dù giả thiết nêu trên có đúng hay không thì đình Lý Nhơn / Nam Tiến là một di tích lịch sử có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Tên gọi và bản sắc thần là chứng tích của hoạt động vận tải đường thủy, liên quan đến biển và hải đảo của một thời quá vãng. Mặt khác, đình Lý Nhơn còn là nơi thờ tự Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo Kết quả khảo sát sơ bộ đình Nam Tiến của Phạm Đức Mạnh (Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học) và Trần Hồng Liên (Trung tâm nghiên cứu Dân tộc học – Tôn giáo) thì trong các di vật của đình có một “Bài vị bằng gỗ đã mục nát, còn ghi dòng chữ Hán: Thống suất Lễ Thành hầu Thượng đẳng thần” (7).
Như chúng ta biết, năm 1698, vua Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Kỷ lục để cai trị, nha thuộc có hai ty Xá Lại để làm việc; quân binh thì có cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Nói cách khác, Nguyễn Hữu Cảnh là người đã chính thức sáp nhập vùng đất mới phương Nam vào bản đồ nước Việt và đồng thời thiết lập bộ máy hành chính – cai trị trên vùng đất này. Ông được thờ tự từ Biên Hòa đến An Giang, riêng ở vùng đất nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh thì dường như đình Lý Nhơn là nơi thờ tựông duy nhất của cộng đồng người Việt). Chính điều này đã xác lập nên giá trị lịch sử – văn hóa thượng hạng của đình Lý Nhơn.
Huỳnh Ngọc Trảng
Nguồn: Huỳnh Ngọc Trảng, Sài Gòn – Gia Định, ký ức – lịch sử văn hóa. Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2018
Chú thích:
1. Lê Quí Đôn, Phủ Biên tạp lục (bản dịch), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.241.
2. Trần Hoàng, Sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền làng biển Cảnh Dương, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2009, tr. 55. Xem thêm “Cảnh Dương chí lược”, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Binh, 1993, tr. 32.
3. Lê Quí Đôn toàn tập, Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1997, tập 1, tr. 101.
4. Sài gòn d’autrefois, Trương Vĩnh Kỳ chép ra quốc ngữ và dẫn giải, bản in Nhà hàng G.Gulland et Martion, Sài Gòn, 1882.
5. Xem Trần Hoàng, sđd, tr. 78.
6. Chú ý: Ở Thành phố Hồ Chí Minh, tại huyện Cần Giờ có một làng Lý Nhơn. Đây là ngôi làng tọa lạc bên bờ sông Xoài Rạp, tức có thể có nguồn gốc từ cư dân Trường Đà Lý Nhơn.
7. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học: Một số vấn đề khảo cổ học ở Miền Nam Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1997.
8. Nguyễn Hữu Cảnh được cộng đồng Minh Hương thờ ở đình Minh Hương Gia Thạnh, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.