Viện Pasteur ở thuộc địa

Cái tên Pasteur làm nhiều người liên tưởng đến bệnh dại và Viện Pasteur với việc chữa trị bệnh này. Sự thật là việc chữa lành bệnh này là một trong những phát kiến vẻ vang của nhà bác học.

Gabrielle M. Vassal (Nguyễn Nam Huân dịch)

Viện Pasteur Nha Trang

Viện Pasteur Nha Trang

Thực vậy, nhờ ông, hàng ngàn người đã thoát khỏi cái chết khủng khiếp nhất. Nhưng chúng ta đừng quên ông còn nghiên cứu về rượu vang, về bệnh của tằm, phát kiến về sự suy nhược của vi trùng, và những vắc – xin chủng ngừa bệnh than. Ông còn là nhà sáng tạo ra những phương pháp mới mẻ và là người khuyến khích những tìm tòi mang đến những thành tựu xuất sắc thay đổi diện mạo các ngành sinh học và nhất là y khoa. 

Theo chân Pasteur, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã có những khám phá lớn lao khác. Đáng kể là các ông Roux, Metchnikoff, Koch, Lister, Laveran và Ross, Calmette. Chúng ta có thể kể thêm ông Yersin, một trong những học trò đầu tiên của Pasteur. Sau nhiều năm làm việc tại Viện Pasteur ở Ba-lê, Yersin sang Viễn Đông. Khi ông ở Bắc Kỳ, bệnh dịch hạch nổ ra tại Hương Cảng và Quảng Châu (1894). Chính phủ Pháp phái ông sang đó đang lúc đã có hàng ngàn người tử vong. 

Bác sĩ Yersin liền thiết lập một phòng thí nghiệm nhỏ và bắt tay vào công cuộc nghiên cứu ngay. Điều khiến ông chú ý là trong khi đi thăm nơi ăn chốn ở nghèo khó của người bản xứ, ông thấy rất nhiều chuột chết. Người ta cho biết từ trước đến giờ sự kiện loài gặm nhấm chết nhiều luôn luôn xảy ra trước mỗi trận dịch. Ông liền quan sát mẫu máu của chuột thì thấy vi khuẩn gây bệnh của chuột và người bản xứ đều cùng một loại. Từ trong hạch bệnh, ông tách ra một con vi trùng và sau đó ông nuôi nó. Chủng ngừa mẫu nuôi cấy đó cho chuột cống và chuột nhà, ông thấy chúng nhanh chóng nhuốm bệnh ngay. Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch như thế đã được tìm thấy. Bác sĩ nghiên cứu thêm để xem vật trung gian lây bệnh từ chuột qua người và sau đó xác định vật đó chính là con bọ chét, một thứ bọ thấy rất nhiều ở vùng khí hậu viêm nhiệt. 

Nhưng phòng thí nghiệm nhỏ lúc đầu này làm việc không xuể. Phải vay mượn một số ngân khoản để thành lập tại Đông Dương một Viện nghiên cứu mới để nghiên cứu thêm về bệnh dịch và bào chế thuốc chủng ngừa. Viện Nghiên cứu của Bác sĩ Calmette ở Sài Gòn khá nổi tiếng không thích hợp cho việc thiết đặt thêm chuồng trại để nuôi thú lớn dùng cho việc chế huyết thanh. Khi được cấp ngân khoản, Bác sĩ Yersin phải đi kiếm một địa điểm dựng nên trạm thực nghiệm. Là một trong những người thám hiểm tiên khởi vùng Trung kỳ, Bác sĩ Yersin biết khá tường tận vùng Đông Dương. Ông đã phát hiện ra cao nguyên Lâm viên, nếu như nó không quá xa và khó đi lại thì đây là một địa điểm lý tưởng. Vì thế nó phải tọa lạc bên bờ biển nên ông chọn Nha Trang, một làng chài lưới nhỏ, nằm bên bờ vịnh nổi tiếng là đẹp, rất thích hợp về mọi mặt. Đây là một nơi khí hậu tốt, chung quanh có đồng cỏ, bò ngựa lại nhiều và nằm ngay trên tuyến đường tàu thủy Sài Gòn-Hà Nội qua lại hai tháng một lần. 

Khi chúng tôi tới Nha Trang vào năm 1904, ngôi nhà chính của viện sắp sửa hoàn thành. Tầng lầu có một thư viện, ba phòng thí nghiệm một cho Bác sĩ Yersin, một cho chồng tôi và cái thứ ba dành cho thú y sĩ. Tầng dưới có phòng thao tác, phòng trích huyết với máy nhiệt áp và lò nung. Bên cạnh máy sản xuất nước đá còn có phòng nhiếp ảnh, phòng tồn trữ huyết thanh. Ngoài ra còn thấy có chuồng khỉ, chuồng bạch thử, chuột; và sau rốt, chuồng nhốt các thú lớn. Các chuồng nhốt ngựa và bò không thuộc dạng chữa trị, chỉ phục vụ cho nhân viên của viện thì nằm riêng ra một nơi. Việc bào chế huyết thanh chống bệnh dịch ở người và bò đòi hỏi thú vật với một số lượng đáng kể khó có thể nuôi chăn tại Nha Trang, một nơi toàn đất cát và thảm thực vật rất nghèo nàn. Vô trong sâu mới kiếm được cỏ cho thú ăn. Đó là lý do tại sao người ta đặt trạm chăn nuôi thú vật tại đảo Hòn Tre và tại Suối Giao1

Suối Giao hay là “Nhượng địa của Yersin”, theo tên gọi trên các bản đồ, là một sở đất rộng, cách Nha Trang mười tám cây số, do chính quyền thuộc địa cấp riêng cho Bác sĩ Yersin. Lúc đầu, nơi đây người ta trồng thuốc lá, cà phê, cây cô-ca, từ cây này người ta trích ra chất cô-ca-in. Ngày nay, cây cao su (Hoeuvea bresiliensis) được trồng khắp nơi và đã thu gặt được rồi. Mấy năm gần đây, hơn một tấn cao su quí giá này đã được thu hoạch. Sống ở đồn điền này có hai gia đình người Âu: ông Perrin đặc trách chăn nuôi và trồng trọt các loại cây ngắn ngày; ông Vernet trông coi cây cao su. Nhiều phòng thí nghiệm lớn đã được lập nên để nghiên cứu cây cao su và các ứng dụng công nghệ của nó. Qua đó Bác sĩ Yersin cho thấy ở Trung kỳ chỗ nào người ta có thể khai khẩn trồng trọt những giống cây mới, hầu làm giàu cho đất thuộc địa này. 

Trái với Nha Trang, khi hậu Suối Giao rất độc. Về phương diện này, người An Nam biết khá rõ nên việc mộ phu có khó khăn. Mãi đến những năm gần đây, người Âu cũng mắc bệnh giống người bản xứ cho đến khi người ta dùng lưới ruồi muỗi bằng kim loại che các lối ra vào nhà ở. Trong khi người Âu và gia đình họ không còn mắc bệnh sốt rét nữa, người An Nam tử vong nhiều vì thiếu cách ngăn ngừa muỗi đốt. Ngày nay, người ta đều biết sốt rét do muỗi gây ra. Chúng ta biết có nhiều giống muỗi gây bệnh nặng, nhẹ khác nhau. Nhưng nguy hiểm nhất, phải kể đến muỗi anopheles ở Suối Giao có rất nhiều. Muỗi rất cần nước để đẻ trứng và sinh trưởng. không đi xa khỏi môi trường sống này, muỗi không thể sống nơi không có nước. Thế nhưng, khó có thể lấp hết những vũng chứa nước. 

Nha Trang có vẻ như thứ nào cũng đóng góp vào chuyện trừ khử muỗi cả: đất toàn cát, cây cỏ thưa thớt, không có ao tù, đồng ruộng cận kề, lại xa khu dân cư bản xứ. Chỉ cần che phủ các giếng nước và trải một lớp dầu hỏa lên mặt vũng nước đọng cũng đủ rồi. 

Ở Suối Giao, vấn đề tỏ ra rắc rối hơn. Chẳng những có ruộng lúa, kênh rạch, nó còn có đầm lầy không thể nào tát cạn hay đổ dầu lửa được. Phải dùng cách khác. Muỗi anopheles chỉ đốt vào buổi chiều và ban đêm cho nên tránh hai khoảng thời gian ấy. Khốn thay chúng ta không thể bắt những người tha phương cầu thực, dù họ là người giữ gìn vệ sinh kỹ lưỡng nhất, phải dùng cơm tối lúc năm giờ chiều để phải chui vào mùng lúc trời vừa sập tối. Cách hợp lý nhất là dùng lưới ruồi che phủ các lối ra vào nhà. Cách này không chắn gió lại ngăn trở ruồi muỗi xâm nhập. Cần phải phổ biến phương sách này. Sẽ tránh chẳng những được các mũi đốt rất khó chịu mà còn ngừa được chứng sốt rét, một căn bệnh khủng khiếp nhất của vùng nhiệt đới. 

Tùy theo nhu cầu của phòng thí nghiệm, một số bò sẽ được chở xuống Nha Trang. Mấy con vật này không thể bị trích huyết quá thường xuyên. Xong chuyện, chúng được chở về Suối Giao để phục hồi. Bò sữa dành riêng cho nhân viên cần phải thay luôn vì giống này cấp rất ít sữa khi con nghé tới ba tháng tuổi. Tối đa mỗi con cho không quá một lít sữa mỗi ngày. Lại thêm chuyện vắt sữa cũng hơi lọng cọng. Người An Nam không uống và cũng không cho con họ dùng. Cho nên phải dạy họ cách vắt và phải để mắt theo dõi công việc của họ. Họ không thấy cần thiết phải dùng đồ chứa thích hợp hay là cần phải rửa tay sạch sẽ. Hầu hết mấy con bò muốn đến gần, lắm khi phải buộc bốn vó chúng lại. Đàn bò nuôi trên đảo Hòn Tre, không ai chăn, hầu như trở lại trạng thái hoang dã. Khi cần mang sang Nha Trang, đưa chúng lên tàu không phải chuyện đơn giản. Đến khi đưa chúng lên bờ, phải sử dụng mưu kế của người An Nam: cách bờ chừng một cây số, người ta xô chúng xuống nước, để đến khi lên bờ chúng đã mệt đứ đừ hết cả. 

Chồng tôi là vị thầy thuốc đầu tiên ở Nha Trang. Dĩ nhiên người Âu ở đây phải khoái lắm nhưng người An Nam, bệnh tật của họ khoa học rất chú ý nghiên cứu thì lại lưỡng lự không muốn mang bệnh đến cho ông cứu chữa. Thoạt kỳ thủy, ông chỉ chữa trị những trường hợp ngặt nghèo, thập tử nhất sinh các ông lang An Nam và Tàu đã chịu bó tay. Nhưng một sự thay đổi đã xảy ra. Một ngày kia, mấy người dân chài Cửa Bé khiêng vô bệnh xá một người thợ bạn, máu me đầy mình, vết thương khá nặng. Đêm qua đi đánh cá, như thói quen, mỗi buổi sáng, anh ta nhảy xuống nước để kéo lưới lên. Bám theo cái phao bằng ống bương, anh ta cùng các thợ bạn khác kéo lưới vào bè thuyền. Bất thần, mọi người kinh hãi thấy một con cá mập khổng lồ lội đuổi theo đám cá cùng đụng phải giàn lưới, bàng hoàng, nó thẳng góc quay ngược lại, bỏ ngang qua hai người thợ bạn nhưng lại phóng tới người thứ ba và táp chân người này. Anh chàng không may kia vùng vẫy dữ dội trong khi bè bạn trên thuyền chứng kiến cảnh tượng, miệng kêu la sợ hãi. Con quái vật nhả mồi rồi bơi đi mất. Nhưng hàm răng kinh khiếp của cá mập đã hoàn thành công tác. 

Khi kéo người bị thương lên thuyền, máu chảy rất nhiều vì vết thương quá lớn. Người An Nam tìm mọi cách để cầm máu. May thay, máu cầm được. Họ vội vàng khiêng về làng, tới chỗ cơ quan y tế chính của người bản xứ. Ở đó họ bảo không cách nào cứu sống được người bị thương vì trước đây người thầy thuốc An Nam đã từng thấy nhiều trường hợp tương tự, không có trường hợp ngoại lệ nào, nạn nhân mất nhiều máu thì không chóng thì chầy, ông đoan quyết, cũng sẽ toi mạng. Ông tin rằng vết cắn của cá mập cũng như cọp cắn đều là trù yếm siêu nhiên. Thế nhưng người làng vẫn để người bất hạnh lên cáng và khiêng tới bệnh xá cho chồng tôi khám. Vết thương lớn để lộ xương ống chân ra, gân đứt lòng thòng, bắp chân rách nát, máu chảy lênh láng. Phải chữa gấp. Chồng tôi lấy dây cao su buộc chặt, chuẩn bị cắt chỗ đùi chân. Người An Nam chưa bao giờ nghe ai nói có chuyện cắt chân cho nên họ mất hết hồn vía. Một bà già chạy tới ôm chân chồng tôi, miệng kêu gào: “Xin bác sĩ cứu giùm con tôi nhưng xin đừng cưa chân nó!” Bà ấy nhất định không nghe lời trấn an của bác sĩ, tiếp tục khóc lóc và rên xiết. Sự việc như thế xem cũng là một hiện tượng lạ vì người An Nam, dù có đối diện với cái chết, họ bao giờ cũng giữ nét mặt thật thản nhiên. Vì đây không phải là lúc để lòng mình trở nên mềm yếu, chồng tôi cho người đưa bà ta đi chỗ khác và hỏi ý kiến nạn nhân để cho ông cưa chân. 

Trong lúc đó, mấy người y tá “mới học nghề chưa được bao lâu” phạm rất nhiều lỗi lầm. Một anh nhét bông tẩm thuốc mê vào mồm người xấu số, suýt làm nghẹt thở; người khác dùng tay trần sờ miếng bông đã khử trùng. Người ta phải cho họ đi ra ngoài và lấy người khác điền vào. Dù vậy cuộc giải phẫu cũng kết thúc mỹ mãn. Tôi tới bệnh xá đúng lúc chung cuộc. Tôi chờ cơm đã hai giờ đồng hồ! Nghĩ là chồng tôi đang ở bệnh xá, tôi liền đích thân tìm đến. Qua cánh cửa mở, tôi trông thấy một nhóm người bu quanh bàn mổ trên đó có một người ở trần mình vấy đầy máu. Chồng tôi bảo việc đã xong, chút nữa tôi có thể vào xem được. Nhưng điều đó càng làm tôi lánh xa hơn. Đây là lần đầu tiên tôi đến gần chỗ giải phẫu và nhìn một tí đã thấy rùng mình. Tôi thật kinh ngạc trước vẻ mặt trầm tĩnh, tự tin của chồng tôi. Tôi quá xúc động nên không thông cảm sự thỏa mãn người ta tự nhiên cảm thấy khi cứu được một mạng người. Một lúc sau người ta khiêng người bệnh về giường nằm. Tôi đến thăm anh ta. Một thanh niên mới hai mươi tuổi! Giường nằm không có gối, không có nệm. Nó chỉ có một manh chiếu trên tấm ván dài; một manh chiếu để nằm không đi lại trong nhiều ngày! Nhưng giường người An Nam thì chỗ nào cũng như thế cả. Khi người bệnh thức tỉnh, chúng tôi về 

nhà. Tối cùng ngày, sau khi ăn cơm xong, tôi theo chồng trở lại thăm các người bệnh lần cuối cùng. Hai người đàn bà có mặt bên giường người vừa mới được giải phẫu: một người là bà mẹ nay đã hết khóc, còn người kia là vợ anh ta. Anh đã có gia đình vậy mà anh chối là không có. Mẹ anh cũng nói thế để người ta đừng khiến người vợ đến để hỏi ý kiến trước khi giải phẫu. 

Người bệnh phục hồi sức khỏe. Toàn tỉnh nhanh chóng hay tin và nói nhiều về việc cứu chữa này. Chẳng những người An Nam chưa từng thấy ai bị cá mập tấn công mà lại được chữa trị lành bệnh mà còn có chuyện họ không tin người ta có thể cưa chân dễ dàng như vậy. Ông bác sĩ thành ra người nổi tiếng, bệnh nhân kéo đến đông đảo. 

Người An Nam là những bệnh nhân vô kỷ luật. Nhiều người giải phẫu chưa cắt chỉ khâu đã bỏ về nhà; người khác thì bỏ trốn đúng vào lúc cần trợ giúp nhất. 

Một đêm nọ, chúng tôi thảo luận tìm cách kiếm một cái chân gỗ cho một người cụt chân đang dùng rất thành thạo đôi nạng được người ta cấp cho. Sáng hôm sau, anh ta biến đâu mất. Chỉ cần một đôi nạng cũng đủ cho anh ta chạy trốn rồi! Chúng tôi chưa khi nào tin rằng một người cụt một chân có thể trốn nhanh như thế! 

Thế nhưng trong số những người bệnh ra đi không một lời chào cũng có những người khác quay trở lại biếu cho chồng tôi những món quà cảm tạ: vài buồng chuối, vài chục trứng. Có một lần tôi thấy một bà lão lụm cụm đứng trước cổng vườn nhà. Áo quần rách rưới và đầu tóc rối bù chứng tỏ bà lão nghèo lắm. Tôi định mang cho bà một ít thứ thì bà lão nói một tràng dài tôi không hiểu bà muốn nói gì và trao cho tôi một món quà: hai quả trứng gà! 

Tôi đã nói là người bản xứ rất dị đoan. Họ dành cho ông bác sĩ nhiều điều bất ngờ. Có lần một nhân viên bệnh xá ngã bệnh. Vì đây là một nhân viên rất tốt nên chồng tôi sáng chiều tới thăm trong hàng mấy tuần liền. Sau đó anh ta hết sốt và yên ổn hồi phục. Thế mà một đêm kia tôi theo chồng đến thăm thì trong nhà tôi thấy có rất đông người. Phòng người bệnh gần như tối om, chỉ trừ trên bàn thờ mấy ngọn đèn cầy leo lét cháy soi sáng một bức tranh vẽ ông Phật. Chúng tôi bước đến bên giường người bệnh. Hôm nay lần đầu tiên chúng tôi thấy anh ngồi dậy và anh tỏ ra linh hoạt hơn lúc thường: đôi mắt sáng quắc, mặt đỏ bừng. Anh giải thích cho chúng tôi biết chút nữa sẽ có một lễ cúng tạ do một vị sư nổi tiếng nhất vùng làm chủ lễ. Nay mắt đã quen với cảnh nhá nhem, chúng tôi có thể quan sát rõ bàn thờ. Ngoài những lọ hoa thường thấy, còn được bày những vại nhỏ đựng rượu, những rổ nhỏ hoa quả, mấy con gà rô-ti, vịt nướng, và một con heo quay nhỏ. Vị sư là một người lớn tuổi, tóc ngắn, màu muối tiêu. Ông vận áo dài thụng lụa màu xanh lục. Khi thì ông uốn éo thân mình hai tay chuyển động theo, khi thì ông đứng im như pho tượng, khấn cầu. Sau cùng, theo dấu ra hiệu của nhà sư, người ta trao cho ông một cái lọ nước. Ông đưa lọ lên miệng, ngụm một miếng và một cách thật trang trọng ông phun tả hữu lên cả hoa quả, gà rô-ti. 

Sau việc này, sinh hoạt trong phòng trở lại bình thường – có nghĩa là lễ đã hoàn tất. Cảnh ồn ào vào thay thế cái im lặng cung kính ban nãy. Vị sư cởi hết đồ trang phục lễ cúng, mặc lại bộ áo quần thường ngày. Bước ra cửa ông nói nhỏ điều gì đó với người bản xứ đứng gần và mấy người này vội bước tới bàn thờ, mang hết hương hoa trà quả, gà rô-ti, heo vịt quay, đi thành hàng ra khỏi nhà. 

Những việc xảy ra đại loại như vậy cũng có những mặt khôi hài làm cuộc sống dễ chịu hơn. Thế nhưng, đôi khi có những cái dễ làm nản lòng ghê gớm! Một bệnh nhân bỏ trốn về nhà là chuyện khá phiền hà, nhiệt độ ghi sai lạc, mẫu xét nghiệm vi trùng chưa nghiệm xem kết quả đã bị một người trợ tá mang đi rửa sạch, một con vật thí nghiệm theo dõi hàng bao tháng nay, bỗng biến mất, chưa kịp mổ tử thi xét nghiệm thì mấy lao công đã mang đi chôn và lại rắc cả đống vôi lên trên – đó là những chuyện thật bực mình! Có nhiều người An Nam đủ khả năng học thành những nhân viên phòng thí nghiệm thông minh và khéo tay, nhưng cũng có một vài người vì lười lĩnh nên thành láu cá, làm bao nhiêu cuộc thí nghiệm tối hảo trở thành công toi. Đối với một nhà nghiên cứu kiên trì, dù gì đi nữa, mọi khó khăn trở ngại có trên đời này cũng chỉ là để được khắc phục mà thôi. Dưới vòm trời nhiệt đới này, để gặt hái kết quả, có khi chúng ta cần phải có lòng kiên trì, lòng kiên nhẫn lớn lao hơn khi chúng ta làm việc bên trời Âu. 

Viện Pasteur Nha Trang đã hoàn thành nhiệm vụ cứu giúp nhân thế như bao viện Pasteur ở các vùng thuộc địa khác qua nỗ lực giải thoát con người khỏi bệnh tật lâu nay ngăn cản bước tiến các xứ vùng nhiệt đới: thành công đạt được là chỉ dấu một tương lai huy hoàng. 

Bàn thờ đã bị dọn sạch. Lúc đó, người thanh niên vừa khỏibệnh quay lại nói với chúng tôi: “Fini malade. Maintenant bonze guérir moi!…” rồi anh ta nói nhỏ: “Lui, manger tout” monsieur

 Khi chúng mới đến, vùng đất gọi là “vườn” bọc quanh nhà chúng tôi cũng chẳng khác bãi biển: đất thì khô và toàn cát là cát. Công việc đầu tiên là đi lên làng nằm bên bờ sông để mua đất bồi. Thuyền nhỏ chở cát về đâu đó, chúng tôi vạch ra lập-lăng3sẽ đắp lên những gò nổi đa dạng và lối mòn uốn éo uyển chuyển. Nhưng khi thực hiện, mọi việc không phải là dễ dàng. Người lao công chúng tôi thuê không hề có kinh nghiệm về vườn tược theo kiểu người Âu. Trồng trọt, đối với trí hiểu biết của anh ta, chung qui là trồng lúa. Cho nên anh đắp các gò nổi theo mô hình ruộng lúa. Anh dùng đất sét đắp các đường viền cao, mùa hè giữ được nước mưa và mùa mưa, ngăn không cho đất trôi đi. Thế nhưng trông không mấy mỹ quan. May thay sau đó chúng tôi tìm được một giống cây lá đỏ, phát triển rất nhanh, nhờ đó nó che lấp mấy đường viền xấu xí này đi. Đủ để khỏi phải di chuyển các gò nổi và đỡ phải cãi cọ với anh ta về phương pháp làm đường viền. Vừa quay lưng đi, anh ta đặt các luống hoa vào nơi chúng tôi dự định. 

Gabrielle M. Vassal (Nguyễn Nam Huân dịch)

1. Tức địa danh Suối Dầu, cách T.P Nha Trang 15 km trên QL 1 đi về hướng Sài Gòn. 

2. Hết bịnh rồi! Ông ấy ăn hết mọi thứ.

3. Plan, bản vẽ, họa đồ. 

Nguồn: Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước, Nxb Hội Nhà Văn

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.