Một độc giả ở Mỹ mới đây gửi cho tôi link đài VOA. Đây là đối thoại giữa bà Trà Mi, biên tập viên đài VOA và ông Nguyễn Văn Tuấn, thạc sĩ Khoa học thực phẩm, California, về “Chất EO trong mì ăn liền gây hại ra sao mà nhiều nước cấm, mà Việt Nam thì không?”. Bài đối thoại này dài 55 phút (Bấm vào link VOA ở cuối bài)
Vũ Thế Thành
Bà Trà Mi cho rằng, chất ethylene oxide (viết tắt là EO hoặc EtO) là chất vô cùng độc hại bị cấm nhiều nơi trên thế giới, nhưng Việt Nam thì không, và cũng không có quy định mức dư lượng tối đa cho phép trong thực phẩm. Mì gói xuất cảng bị trả về và vẫn được tiêu thụ tại Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn nói về chất EtO trong mì gói. Tôi note lại đây vài điểm chính:
- Chất EtO có thể có trong bao bì làm bằng plastic, trong bột mì (nông sản), và gói gia vị.
- Mỹ và châu Âu không cho phép dùng EtO trong thực phẩm (trong đối thoại này hiểu là mì gói), và dư lượng (residue) tối đa cho phép là 0,05 mg/kg ( = 0,05 ppm).
—————————————————————
Dưới đây là nhận định của tôi về bài đối thoại trên.
Ethylene oxide (EtO) được dùng ngành kỹ nghệ dệt, lạnh, plastic, sát khuẩn các dụng cụ y tế… EtO trong điều kiện bình thường ở dạng khí, đã được xác định là chất gây ung thư qua đường hô hấp (hít thở). Trong thực phẩm, EtO dùng để bảo quản nông sản các loại, nghĩa là tác hại qua đường tiêu hóa. Bài này chỉ nói về ứng dụng của EtO trong thực phẩm và luật chơi về an toàn thực phẩm liên quan đến EtO.
Dư lượng EtO trong mì gói đến từ gói gia vị
Trên lý thuyết, dư lượng EtO có thể có trong bao bì, vắt mì và gói gia vị như thạc sĩ Tuấn nói. Chất liệu bao bì phải đạt cấp thực phẩm (food grade), nếu không đã bị “thổi còi” ngay tại Việt Nam chứ không cần tới khi xuất hàng. Bột mì thì VN phải nhập 100%, mà cũng chẳng ai dùng EtO để bảo quản bột mì.
Thành phần gia vị trong mì gói tùy hãng sản xuất, nhưng chủ yếu là bột ngọt, I+G, muối, bột cá, bột thịt, tiêu hành, ớt tỏi… EtO không phải là phụ gia thực phẩm để đưa vào chế biến. Nó được dùng ở dạng khí dung (aerosol), phun vào nông sản như các loại hạt, đậu để diệt khuẩn và nấm mốc. Vì là chất khí, EtO sẽ bay hơi, một số ít còn tồn đọng trong nông sản. Những thứ như tiêu hành ớt tỏi được trồng ở Việt Nam và bán cho hãng sản xuất mì gói ở dạng khô. Nguồn nhiễm là từ đây, từ gói gia vị. Các lô hàng mì gói bị trả về từ EU, Đài Loan đều phát hiện EtO trong gói gia vị. Trong bài này, tôi chỉ đề cập về an toàn thực phẩm xoay quanh chất EtO và gia vị (spices).
Vấn đề không phải là EtO, mà là chất chuyển hóa của EtO
Luật chơi an toàn thực phẩm về EtO mỗi nước mỗi khác, EU khác Mỹ. Trước khi đi vào sự khác biệt này, tôi muốn nói đến các dạng chuyển hóa của EtO mà thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn đã không đề cập trong phần đối thoại. Đây là khoa học cơ bản, tôi xin phép miễn dẫn chứng.
Ngay khi vừa tiếp xúc với thực phẩm, EtO đã chuyển hóa thành những chất sau:
- Ethylen glycol
- Các halogenur gồm: 2-chloroethanol (2-CE) và 2-bromoetanol.
Sự chuyển hóa EtO thành những chất trên gần như trọn vẹn, dư lượng EtO còn lại không đáng kể, thậm chí âm tính. Đây là thực tế vì vài doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu (nông sản) cho hãng mì gói đã cho tôi xem phiếu kết quả phân tích và hỏi, vì sao EtO âm tính mà vẫn bị “thổi còi”. Lý do là còn dư lượng chất 2-CE.
Trong số các chất chuyển hóa từ EtO thì, chất 2-chloroethanol (2-CE) chiếm đáng kể, và là chất bị “chiếu tướng” nhiều nhất khi kiểm tra mì gói. Chất 2-Chloroethanol trong các tài liệu của EPA còn được gọi là ethylene chlorohydrin hay glycol chlorohydrin.
Khi đem mẫu phân tích EtO, phải phân tích đủ 3 loại: EtO, 2- Chloroethanol và ethylene glycol (còn chất 2- bromoetanol thường chỉ ở dạng vết, không đáng kể).
Đến đây thì có sự khác biệt giữa Mỹ và EU khi thể hiện trên bảng phân tích,
- Với EU, 3 chất trên (EtO, ethylene glycol và 2-CE) được cộng lại và quy thành EtO (dù EtO âm tính). EU sẽ “tính sổ” dựa trên tổng số này.
- Với Mỹ, 3 chất trên, phải thể hiện kết quả riêng biệt.
Quy định của EU về chất EtO
EU không cho phép dùng EtO trong khử trùng nông sản. Mức dư lượng tối đa cho phép tùy vào loại thực phẩm.
Trong gia vị (với mì gói, hiểu là bột nêm), mức dư lượng mà EU cho phép siêu thấp, theo hướng zero tolerance, không vượt quá 0,1 mg /kg (gồm EtO và các chất chuyển hóa từ EtO như đã nói ở trên). Không phải là 0,05 mg/kg như thạc sĩ Tuấn nói. Mức MRLs 0,05 ppm là áp dụng cho herbs). European Spice Association
Quy định của Mỹ về chất EtO
Hoa Kỳ cho phép dùng EtO để sát khuẩn gia vị (spices) và thảo mộc (herbs). Trong dự thảo đánh giá rủi ro chất EtO, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cũng công nhận rằng, dư lượng EtO hầu như không còn khi người ta tiêu thụ gia vị, chỉ còn chất chuyển hóa từ EtO là 2-CE và ethylene glycol. FDA (US) ước tính khoảng 32% spices và herbs ở Mỹ được sát khuẩn bằng EtO hàng năm.
https://www.epa.gov/ingredients-used-pesticide-products/ethylene-oxide-eto
Mặc dù được phép dùng, Mỹ có quy định mức dư lượng EtO tối đa được phép (MRLs) có trong gia vị, và phải thể hiện riêng biệt 3 chất : EtO, 2-CE và Ethylene glycol (chứ không cộng chung như quy định của EU), nhưng chủ yếu là hai chất EtO và 2-CE. Với gia vị, Hoa Kỳ quy định mức dư lượng tối đa như sau:
EtO : 7 mg/kg, và 2-CE : 940 mg/kg .
Nếu tổng cộng hai chất này (tương tự như quy định EU) sẽ là 947 mg/kg
Như vậy, với gia vị, Mỹ quy định mức dư lượng EtO “ xả láng” nhiều hơn gần chục-ngàn-lần so với quy định của EU (0,1 mg).
https://www.law.cornell.edu/cfr/text/40/180.151
Còn các nước khác thì sao?
- EU cấm dùng EtO làm chất khử trùng trong nông sản từ năm 2002. Năm 2003, Úc theo chân EU, cấm dùng EtO. Và mới đây là Đài Loan và Campuchia.
- Hoa Kỳ và Canada cho phép dùng EtO để sát khuẩn spices và herb (khô), kèm mức dư lượng tối đa cho phép. Mức dư lượng quy định này cao hơn rất nhiều lần so với EU.
- Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) cũng cho phép dùng EtO, và không có ngưỡng giới hạn.
- Tiêu chuẩn Việt Nam đi theo Codex, nên cũng không giới hạn EtO. Dù vậy, ý kiến cá nhân của tôi, VN cũng nên đưa ngưỡng giới hạn cho EtO, nếu không đủ nhân lực và tài lực để làm nghiên cứu, khảo sát thì có thể dùng mức MRLs của Mỹ (Hình như Bộ Y tế VN cũng đang soạn thảo vấn đề này).
Như vậy, hiện nay chỉ có EU, Úc, Đài Loan, Campuchia là cấm dùng EtO trong bảo quản nông sản.
Nói như bà Trà My và ông Nguyễn Văn Tuấn rằng, EtO là chất vô cùng độc hại bị cấm nhiều nơi trên thế giới là không đúng.
Đôi dòng kết luận
Chất EtO gây ung thư qua đường hô hấp đã được xác định, không có gì để bàn thêm. Nhưng chất EtO có gây ung thư qua đường tiêu hóa hay không là vấn đề còn tranh cãi.
- EU phân loại chất EtO là chất gây ung thư (qua đường tiêu hóa) vào nhóm IB (có bằng chứng trên động vật, nhưng không có bằng chứng ở người).
- Còn chất chuyến hóa từ EtO là 2-chloroethanol (2-CE), thì vài thí nghiệm cho thấy có thể gây hại cho gen, nhưng không có bằng chứng gây ung thư ở động vật và người. Đó là lý do vì sao ở phần trên, tôi nói chất 2-CE đang bị “chiếu tướng”.
- Năm 2020, EU xếp luôn chất 2-CE có rủi ro như EtO luôn cho… tiện. Châu Âu xưa nay vẫn chơi bài “giết lầm còn hơn bỏ sót”.
Người Mỹ thực tế, cần bằng chứng cụ thể hơn là chỉ dựa vào thí nghiệm trong phòng lab.Chất EtO đã dùng ở Mỹ cả 70-80 năm nay, phun vào nông sản thì dư lượng EtO hầu như không còn. Dư lượng chủ yếu là chất 2-CE thì lại chưa có bằng chứng có thể gây ung thư, nên Mỹ quy định về EtO thông thoáng hơn. Cũng thực tế, giới y tế Mỹ biết rõ, EtO chính là sát thủ lợi hại nhất đối với Salmonella, loại vi khuẩn mà theo CDC (US), mỗi năm gây ra khoảng 23.000 ca nhập viện, và 450 ca tử vong ở Mỹ.
Quy định về an toàn thực phẩm mỗi nước khác nhau là chuyện thường, không thể căn cứ vào đó để đánh giá nước này quy định ngặt hơn, nước kia lỏng lẻo hơn để tôn vinh hay lên án. Đơn cử một thí dụ mới đây thôi. Đó là vụ tương ớt Chinsu dùng chất bảo quản benzoate bị cấm ở Nhật. Việt Nam xuất qua đó, đã bị thu hồi sản phẩm. Nhưng châu Âu và Mỹ lại không cấm dùng benzoate trong tương ớt, kể cả Việt Nam. Chẳng lẽ nói Mỹ và EU cẩu thả về an toàn thực phẩm hơn Nhật Bản?
Báo chí trong nước cũng muốn làm to chuyện EtO trong mì gói, đã đưa tin đầy ẩn ý qua vụ mì gói bị trả về từ Đài Loan, Campuchia… rồi. Cơ hội câu view mà, nhưng vẫn còn “ám ảnh” vụ nước mắm thạch tín nên mới chỉ lăm le thế thôi. Còn các KOLs trên mạng xã hội thì khỏi nói, kiến thức khoa học zero, nhưng hùng hổ phán xét làm hoang mang người tiêu dùng trong nước. Hồi Sài Gòn bị lock down vì dịch Covid, nhân viên y tế trực đêm ngày ở nhà thương toàn là ăn mì gói không đấy.
Nhưng VOA thì khác. VOA là đài Tiếng nói Hoa Kỳ, BTV Trà My và thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn là công dân Hoa Kỳ (gốc Việt), làm việc và sanh sống tại Hoa Kỳ thì lẽ ra phải hiểu rõ về quy định an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ. Xin hai vị cho biết, có trường hợp nào mì gói xuất cảng từ VN sang Hoa Kỳ bị trả về vì lý do EtO không.
Bà Trà My của đài VOA và thạc sĩ Tuấn phát biểu về chất EtO trong mì gói như thế là điều đáng tiếc.
Vũ Thế Thành
=====================
Bài Đối thoại về mì gói ethylene trên đài VOA