CHỢ TẾT
Một năm mười hai tháng tôi đi chợ một ngày, phiên chợ tết. Em tôi dặn dò: đừng mua gì nữa, nhà sắm sửa đủ rồi. Tôi thật tình không định mua gì, chỉ đi cho vui lây cái náo nức nhộn nhịp của mọi người trong phiên chợ cuối năm. Người ta nói đông vui như chợ tết mà.
Lý Lan
Ba tôi nói năm nào cũng vậy, chợ nào cũng vậy, có gì đâu mà coi. Thì đúng vậy, phiên chợ sáng ba mươi nào cũng rau trái, cá thịt, bánh mứt, hoa…, có thể thấy năm nay hàng hóa nhiều hay ít hơn năm ngoái một chút, sức tiêu thụ tăng hay giảm đi, do mức phát triển kinh tế trong năm qua cao hay thấp, v.v. Người mua lẫn người bán vội vàng hối hả, cũng có kẻ tự lự lo âu, cũng có người hả hê thỏa mãn, có người cứ luôn tay thu tiền lèn chặt hầu bao, có người nắm tờ giấy bạc mỏng trong tay đắn đo không biết nên ưu tiên mua cái gì.
Năm nào tôi cũng đi chợ tết, như người xưa đi coi hát tuồng, đào kép đã quen mặt biết tên, tuồng tích đã rành rẽ tình tiết lẫn chung cuộc rồi, mà vẫn xem. Chợ tết là cả một sân khấu, nơi đó trong một buổi sáng diễn ra bao niềm hy vọng và ước mơ của một năm trời, cũng như nỗi âu lo và thất vọng sau một một năm trời.
Ngoài rìa chợ thường có những người ở dưới quê lên bán hàng bông. Đậu que, bắp cải, cà chua, dưa chuột, khổ qua… Chị nhà quê khẩn khoản mời mọc: Mua giùm đi, trưa rồi sợ không về kịp chuyến xe chót, con cái đang đợi ở nhà. Bắp cải của chị nhỏ quá, dưa chuột lại đèo. Em tôi đã cảnh cáo rằng nó không thích trò chơi từ thiện, nó nói nếu dư tiền thì cứ đem cho không điều kiện, chứ đừng có đi vét chợ mua những cà sâu cải héo về nhà hành hạ nó dọn dẹp cuối năm, lòng nhân trước tiên là phải thương lấy em mình. Tôi còn đứng ngần ngừ thì một bà cụ mặc đồ nâu sòng nhỏ nhẹ nói với tôi: Xin cô cho chùa ít trái cà. Tôi hỏi ra mới biết bà vãi đi xin đồ cho chùa ăn tết. Chùa ở nơi hẻo lãnh, chỉ có các ni cô với bà vãi, không nằm trong danh mục các thắng cảnh du lịch hành hương nên ít khách vãng lai. Tôi thực sự vui mừng nói: Bà lựa bao nhiêu tùy ý. Bà vãi ngồi xuống, sẽ sàng lượm mấy trái cà dập. Tôi nói: Bà cứ lựa mấy trái tốt, mình mua mà, tôi trả tiền. Bà vãi ngước nhìn chị nhà quê nói: Lựa hết trái tốt rồi cổ khó bán lắm, nhà chùa ăn sao cũng được mà. Tôi hỏi bà cặn kẽ đường đi lên chùa. Chẳng phải tôi đã tặng bà một thúng rau quả dập, mà chính bà đã tặng tôi một câu chuyện hay.
Trưa, chợ tàn, tôi ôm một bó bông vạn thọ về tới nhà, ba tôi rầy: Mua chi bông rẻ tiền, tết nhứt chưng bông héo trong nhà xui xẻo. Em tôi ngao ngán: Lại thấy ai bán ế tội nghiệp mà mua chứ gì? Tôi ôm hoài bó bông trong lòng, nói một sự thật mà biết rằng không ai tin: Bà bán bông thấy tôi đi loanh quanh trong chợ cả buổi, đến trưa xuôi hai tay không đi về, mặt mày trầm ngâm, bà kêu tôi lại cho tôi bó bông này.
GIAO THỪA
Tôi dặn em tôi chừng nào giao thừa đánh thức tôi dậy, rồi tôi đi ngủ. Khi tôi thức, em tôi giật minh thức theo. Đồng hồ chỉ đúng 12 giờ đêm trừ tịch. Không phải tiếng pháo đồng loạt rộ lên khắp thành phố đánh thức tôi dậy như mọi năm. Mà chính sự im vắng và làn hương trầm đánh thức chúng tôi. Ba tôi đang cúng giao thừa. Món cúng bất di bất dịch bao năm, có thể bao đời, là món chè bột báng nấu đường ngọt ngay. Tròn trịa, đông đúc và ngọt ngào. Cúng xong ba tôi đi chùa, tôi bắt chước người xưa khai bút. Hồi nhỏ trong lòng cũng hăm hở khai bút đầu năm lắm, nhưng thường không biết viết cái gì, ngồi ngáp chừng hai chục cái trước trang giấy rồi đi ngủ. Lớn lên có kinh nghiệm rồi, biết chuẩn bị sẵn một đề tài, tới lúc khai bút chỉ việc viết ra mà thôi.
Nhưng rồi tôi nhận ra cái kinh nghiệm lúc đã lớn rồi là một kinh nghiệm dở. Đêm giao thừa cặm cụi viết cái truyện hay bài thơ mình đã nghĩ từ trước, khiến tôi uổng phí bao nhiêu giây phút giao thừa thiêng liêng cho công việc “chép” nhảm nhí ấy. Thực tế là những cái tôi viết trong những trường hợp đó không có cái nào hay hết. Tôi trở lại là tôi hồi mười mấy tuổi, đêm trừ tịch một mình ngồi trước trang giấy trắng, nghĩ lan man đủ thứ chuyện trên đời, nhớ đến tất cả những người mình từng biết, những việc mình từng làm hoặc không làm, để mặc cảm xúc tràn lai láng, rồi cất tờ giấy hãy còn trắng tinh, hiểu một điều đơn giản rằng có những điều trong đời không nhất thiết phải viết ra.
MỒNG MỘT
Đường đi lên chùa phải qua đò. Nam thanh nữ tú ở ngoại thành lũ lượt qua đò vô thành phố chơi xuân. Nên đò vô thì đông ken chật chội, còn đò ra thì vắng vẻ, chỉ có tôi với hai ông bà già. Đò không đợi thêm vì cần qua gấp bờ bên kia để đón khách. Lên bờ tôi gần như chạy ngược chiều với dòng người trực chỉ hướng thành phố. Đường càng lúc càng gồ ghề, cuối cùng xe tôi hư. Người sửa xe bên đường hỏi xe hư như thế nào. Tôi nói tôi đâu biết. Ông là thợ sửa xe mà. Ông làu bàu mùng một gặp người nói giọng xóc hông như vậy thì xui cả năm, ông không thèm sửa, biểu tôi dắt xe đi chỗ khác chơi. Tôi mắc cười quá, vừa dắt xe đi vừa cười. Ông kêu lại hỏi tôi cười cái gì, từ đây đến hết con đường này gần 5 cây số, ông bảo đảm không có chỗ nào khác sửa xe, tôi tính dắt xe đi đâu mà cười?
Trong khi ông già sửa xe, tôi ngồi trong cái chòi lá uống nước. Trên vách bằng ván ép có mấy dòng chữ viết bằng than củi. Đại khái như Hai Cụt thiếu 4000đ, Ba Ngón nợ 5000đ, v.v. Có một câu cùng nét chữ nhưng có vẻ được viết một cách nghiêm túc: Việc đời như nước sông trôi, chuyện qua rồi không có cách gì níu lại được.
Tôi trả tiền và hỏi đường đi tiếp. Ông già hỏi đi hỏi lại chùa gì, cam đoan là đi theo con đường tôi miêu tả thì không đi tới cái chùa nào hết. Tôi nói có lẽ chùa của ni cô với bà vãi nên ông không biết. Ông cười khà khà rằng nếu có một cái chùa toàn ni côi với bà vãi mà ông lại không biết sao? Tôi vẫn đi, hai bên đường những luống đất trơ ra màu nâu đen vì rau cải và hoa đã bị hái bán trước tết. Xa xa những cây so đũa đứng phất phơ. Hàng rào dâm bụt nhà ai nở hoa đỏ thắm, thỉnh thoảng lại gặp một cái ao bông súng nở tím ngát.
Khi tôi quay trở lại bến đò, ngang qua chỗ ông già sửa xe, ông hỏi tôi có gặp chùa không, tôi cười. Đi thì đến, tìm ắt gặp. Ông hỏi ở đâu. Tôi cười, đâu biết nói ở đâu. Qua sông, nắng tắt bên kia bờ rồi. Về nhà tôi viết dòng chữ đầu tiên của năm mới:
Ngày xuân đi chơi vui quá.
THƯ VIẾT Ở SÀI GÒN
H. thân mến,
Hứa về đến Sài Gòn là viết thư ngay cho H. mà rồi loay hoay đến nay đã tháng tận năm cùng. Biết là H. nhớ Sài Gòn lắm, nhưng mình ở đây riết rồi không biết chọn cái nào để kể H. nghe. Có lẽ bắt đầu từ nơi tụi mình gặp gỡ: ngôi trường mình học chung suốt 7 năm, cùng nhau đi qua tuổi dậy thì đến tuổi thành niên. Hôm 22/11 vừa rồi có buổi họp mặt ba thế hệ Áo Tím – Gia Long – Minh Khai, mình về trường cũ, xăm xăm đi ra thư viện tìm lại con bé trốn học giờ Lý ra đây đọc sách; đọc sách nhưng mắt mơ màng theo cánh bướm vờn quanh chùm hoa sứ trắng, tâm hồn lảng đảng như mây trôi dưới đáy hồ bơi, tập tễnh làm thơ đăng giai phẩm xuân.
H. nhớ những ngày các anh chị trường khác đem báo xuân qua trường mình bán không? Giờ chơi sân trường rợp xanh bóng lá ngợp trắng tà áo dài lượn bay. “Con đường cái quan” chạy giữa sân trường xuất hiện những nhóm nữ sinh vây quanh những nam sinh mồm mép dẻo quẹo như con gái và những cô gái thì táo tợn hơn con trai! Trên ngực áo họ đeo phù hiệu trường Chu Văn An, Petrus Ký, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Mạc Đỉnh Chi… Trong tay họ là những quyển giai phẩm xuân và những tấm thiệp xuân, tất cả đều là “tác phẩm” của họ và bạn bè. Dĩ nhiên trường mình cũng bày ra – thế áp đảo rõ rệt – giai phẩm xuân của mình. Bao giờ mình cũng chấm báo xuân mình nhất, phải không?
Năm nay ban liên lạc cũng ra mắt một tập san, cũng có mấy cô nàng đứng “trấn” ngay lối ra vào khua môi múa tay, chỉ khác là những người nay dừng lại châm chọc trước khi mua, tính trẻ lắm cũng non bốn mươi tuổi rồi. Lật sơ qua bỗng gặp lại những cái tên quen thuộc quá, cô Điệp, thầy Bạch… ngày xưa từng dạy mình lớp đệ mấy đó. Và những cái tên khác, ghi chú trong ngoặc là Cựu nữ sinh Áo Tím, hoặc Gia Long 1963 – 1970, hoặc đơn giản là Đệ thất 5/ 1958. Nhìn quanh sân trường lần nữa, thấy bạn bè mình không còn áo trắng như mây, mây trắng đã hóa thành tóc bạc của thầy cô rồi.
Đứa học trò cũ ôm bó hoa đến tặng cô giáo, trò thì đã thành mẹ, thành bà nội bà ngoại, cô giáo vẫn là cô. Tiếng người điều khiển chương trình léo nhéo “Cô kí đầu nó một cái đi cô. Hổng thuộc bài sao mà …” Chợt nhớ hồi đệ thất, đệ lục, trả bài Nhị thập tứ hiếu đọc thuộc làu làu, mà bây giờ chỉ còn nhớ lõm bõm. Có Lão Lai Tử hình như bảy chục tuổi, trước mặt cha mẹ cứ đùa chơi như trẻ thơ, lại còn giả té, giả khóc cho cha mẹ dỗ dành. Một người khác, tên gì quên rồi nè, cũng đã già mà còn bị cha đánh đòn, khóc rống lên thảm thiết; hỏi sao ông lớn đầu mà khóc to vậy, ông nói dạo trước cha đánh đòn đau lắm, nay cha đánh không nghe đau nữa, biết là sức cha đã yếu rồi…
H. nhớ giàn hoa ti-gôn ở sân thể thao không? Bên kia bức tường là con đường Trương Định chạy giữa đôi hàng cây sao, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, bỗng có một ngày lá hè nhau rụng hết, để lộ mảnh trời bàng bạc mây loa lóa nắng. Đó không phải là ngày “hôm nay tôi đi học” vào cuối thu, mà là một ngày chớm hè tụi mình thấp thỏm đi thi. Kỳ thi khó nhất trong đời học trò của tụi mình là thi vào đệ thất Gia Long, phải không? Con đường này mình “đã đi lại lắm lần, nhưng sao hôm nay bỗng lạ.” Ngôi trường nhìn từ ngoài vẫn y vậy, chỉ có hàng cây sứ trông khẳng khiu chứ không rậm rạp như thuở tụi mình đi lượm hoa. Cảnh quan khu vục quanh trường không thay đổi nhiều như ở trung tâm thành phố.
Nếu bây giờ H. đứng ở bến Bạch Đằng nhìn quanh chắc ngỡ ngàng lắm, dù mắt H. không lạ gì nhà chọc trời bên Âu Mỹ. Ngay như mình chỉ đi xa chưa đầy nửa năm, trở về vẫn bỡ ngỡ bâng khuâng. Hôm kia ăn tân gia nhà chị bạn ở bên kia cầu chữ Y, mình trèo lên sân thượng căn nhà cao nhất xóm của chị nhìn về phía trung tâm thấy lạ lẫm quá. H. có thể hình dung đường chân trời thành phố bắt đầu hao hao giống … một đô thị nào đó ở Mỹ, lô xô nhà chọc trời.
Con hẻm về xóm cũ của H. phía đường Trần Hưng Đạo đã được tráng xi măng, hình như hẻm nào cũng được “nâng cấp” như vậy, nhưng mỗi trận mưa lớn đổ xuống thì lòng hẻm lại hóa thành sông y như xưa. Con nít trong hẻm, còn đông hơn tụi mình ngày trước, vẫn lóp ngóp lội nước tắm mưa, đùa giỡn la hét điếc con ráy.
Đầu hẻm vẫn mấy món hàng rong H. thích: chè thưng táo soạn, cháo huyết, bò bía, gỏi khô bò, bột chiên, có thêm mấy món bún riêu, bánh cuốn. Hôm qua có một “Tây balô” ghé ăn bột chiên của chú Hai, khi trả tiền y nhứt định không chịu trả năm ngàn mà chỉ trả ba ngàn như hai đứa học trò ngồi chung bàn. Nó phân bua bằng tiếng Anh với hai đứa học trò là nó không thích bị đối xử phân biệt, và chớ có thấy người da trắng là tìm cách trấn lột, sẽ không ai đến xứ này du lịch nữa đâu. Chú Hai nói khi làm dĩa bột chiên cho thằng Tây đó, chú có đập thêm vô một cái trứng, bột cũng cho nhiều hơn, vì chú thấy nó là Tây mà nếm món bình dân của mình, chú muốn “nâng chất lượng” hàng hóa, tiền nào của nấy, dĩa của nó đáng năm ngàn đồng chứ có phải chú đòi quá đâu. Nhưng gã Tây balô không biết nghe tiếng Việt, đã phủi đít đi mất rồi. Chú nghe nói tuổi trẻ phương Tây bây giờ thích đi du lịch balô để tìm hiểu những nền văn hóa khác, nhưng chắc là cái văn hóa thâm thúy của chú Hai sẽ không được họ hiểu, thậm chí còn bị một ít đồng bào vì mặc cảm tự ti dân tộc mà mắng cho. Tại sao một cuốc xích lô chở người mình thì năm ba ngàn, nhưng chở Tây thì hét lên mười ngàn? Bởi vì Tây nó bự gấp đôi, có khi gấp ba người mình, chở nó phải đạp mệt lắm chứ bộ?
Kể H. nghe chuyện này chạnh nhớ câu H. nói chưa muốn về nước vì không thích bị “kỳ thị” là Việt kiều. Có nhiều chuyện ở xứ mình nhưng ngoài tầm tay của mình, mình đâu biết nói sao. Xưa nay Sài Gòn vẫn là nơi người tứ xứ đổ về, và người từ nơi này cũng đã đi khắp xứ. H. cũng như mình vốn không phải dân Sài Gòn chánh gốc. Ba má mình hồi chiến tranh tản cư ở miền Đông xuống, nhà H. ở miền Tây giạt lên, sau này người trụ lại kẻ tiếp tục ra đi, nhưng H. cũng như mình đều nhận Sài Gòn làm nơi thương nhớ. Biết H. nhớ Sài Gòn là nhớ con hẻm thuở ngây thơ cởi truồng tắm mưa, nhớ con đường đi học lạc trong lá sao rụng bất ngờ, nhớ ngôi trường định hình tính cách và nuôi dưỡng tâm hồn mình thời thiếu nữ, và nhớ, có lẽ, bờ sông của lần hò hẹn ban đầu…
Nỗi nhớ đó mình không đi xa cũng nhớ. Gởi H. mấy cánh mai vàng nở sớm. H. nhớ không, bông mai vàng năm cánh là huy hiệu của trường mình, tụi mình từng mang trên ngực áo suốt thời thiếu nữ vô tư.
Nguồn: Lý Lan, Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 1999