Sài Gòn nhậu rượu thuốc!

Theo sự nhận xét của nhiều người, một vài mặt hàng kinh tế đặc biệt sau ngày Việt Nam cởi mở là cà phê và ruợu.

BS Lê Văn Lân

Ở Việt Nam, đi đâu người ta cũng thấy những quán cà phê với bảng hiệu Cà phê Trung Nguyên được tổ chức theo qui mô dây chuyền với khung cảnh trang trí lịch sự có nhạc nhẹ. Cà phê Việt Nam vào hạng ngon bây giờ tung ra thương trường quốc tế với giá cực kỳ rẻ đã làm cho nhiều cà phê của những quốc gia từ xưa nay nổi tiếng như Nam Mỹ bắt đầu nhột nhạt nếu không nói là hơi rúng động trong sự cạnh tranh.

Còn về mặt rượu, Việt Nam không có tham vọng cạnh tranh với ruợu Tàu, rượu Tây nhưng có chủ trương “Ta về ta tắm ao ta” nên nhắm vào sự tiêu thụ nội địa. Du khách Việt kiều hải ngoại về thăm quê hương thấy bày nhan nhản khắp nơi những chai “rượu thuốc” trên những kệ hàng của các phi trường và nhà hàng quốc doanh, và nhất là trong những gian hàng bán lưu niệm phẩm ở các địa điểm du lịch. Người ta thấy khá nhiều chai rượu dán nhãn hiệu bằng tiếng Việt Nam với cái tên hấp dẫn là Ngự Tửu Minh Mạng thang. Cầm chai rượu lên coi kỹ nhãn hiệu, người ta không thấy kê ra thành phần dược liệu nhưng cái huyền thoại về vị vua triều Nguyễn có một khả năng tính dục phi thường sanh ra được 142 con: 78 hoàng nam và 64 hoàng nữ đã khiến người ta cầm lòng không đậu mà bỏ mấy trăm ngàn bạc Việt Nam ra mua! Cái câu chữ nho “Nhất dạ ngũ giao sinh lục tử” đọc lên như câu thần chú tác dụng tưởng chừng hơn mấy viên thuốc ngoại Viagra! Ít ai dám khoe khoang thành tích chăn gối của mình sau khi dùng rượu thuốc Minh Mạng, nhưng một điều rõ ràng nhất là Ngự Tửu Minh Mạng được bán chạy vô cùng, nhất là đối với các vị Việt kiều cao niên về nước cưới những cô vợ nhí!

Một cái tin chính thức được nhà nước Việt Nam công bố trong năm 2002 là dân số nước ta đã lên đến con số 80 triệu người. So với năm 1945, trong tờ hiệu triệu quốc dân khi Việt Nam tuyên bố độc lập, có câu “25 triệu đồng bào”, thì mức gia tăng dân số Việt Nam tăng vượt lên hơn hẳn ba lần, con số hao tổn nhân mạng do chiến tranh khốc hại trong hơn một phần tư thế kỷ đã không ảnh hưởng chút gì với cái đà gia tăng kinh khủng của dân số Việt Nam. Mới đây, dân số thống kê Việt Nam vào năm 1999 là 77. 311.210 người với suất gia tăng tự nhiên theo bình quân hằng niên là 1,42% , sinh suất là 20,8/ 1000, tử suất là 34,8/ 1000. Mật độ dân số là 608 người cho một dặm vuông Anh. Do đó, Việt kiều về thăm nước ai cũng nói là có cảm tưởng như lạc mình trong một “ổ kiến người ta” và nhà cửa cất chồng chất như hang mối. Thành thử, cái khẩu hiệu của chính phủ “kế hoạch 2 con cho mỗi gia đình” trở thành một lời kêu gọi khẩn thiết có vẻ khôi hài với phong trào bồi bổ bằng Ngự Tửu Minh Mạng thang! Tuy nhiên, thực tế thì không phải vậy, lý do người ta tìm mua ruợu thuốc uống không phải để sinh con đàn cháu đống mà là muốn bồi dưỡng sinh lực sau khi cật lực lao động để sinh nhai trong một quốc gia được liệt vào 10 nước nghèo nhất trần gian. Dân Việt Nam phần lớn cần gạo ăn để no bụng hơn là cần rượu thuốc để nhâm nhi. Nhưng biết đâu rượu thuốc cũng cần thiết cho sức khỏe của người dân khi phải cần cù lao động để kiếm miếng ăn nhất là thuốc ngoại rất mắc tiền. Lao động nhiều thì thường gây ra chuyện đau lưng và mệt mỏi, rượu thuốc cần là do vậy chăng! Hay là hoặc giả, hơi men làm cho người dân quên thực tại đắng cay như nạn nghiện rượu rất trầm trọng tại nước Nga và các xứ Đông Âu thời Cộng sản. Không lý gì người dân cả ngày lao động, mỏi cả sống lưng nhức cả vai thế mà mỗi đêm ngũ lục giao có mà chầu ông bà sớm. Thôi ta đành kết luận rằng rượu thuốc Minh Mạng chính là dành cho những cán bộ, no cơm ấm cật, dậm dật vui say!

Đề tài “Sài gòn nhậu rượu thuốc” theo tôi nghĩ là một điều lý thú cho quí vị độc giả trong dịp xuân về, vì nó phản ảnh một đặc thù văn hóa bắt nguồn từ một truyền thống lâu đời của dân ta. 

Nhìn lại lịch sử, ta thấy dân ta rất ưa chuộng dùng thuốc bắc. Điều này đã phản ảnh rõ ràng trong những câu thơ của cuốn truyện nôm Trinh thử tương truyền viết vào đời Trần:

Tìm thầy Biển thước lập phương, 
Mã đề, Qui bản, Sà sàng, Lộc Nhung 
Nhân sâm, Liên nhục, Mật ong, 
Pha cao Hổ cốt, Ban long luyện hoàn. 
Bổ trong ngũ nội đã an. 
Vợ chồng lục vị, thập toàn uống chung. 

 Thuốc bắc được dùng dưới nhiều hình thức bào chế như cao, đơn, hoàn, tán nhưng đặc biệt là ngâm rượu mà uống lai rai gọi chung là dược tửu. Cái câu “Tửu năng dẫn huyết” đã tự nó giảng nghĩa về sự công dụng của ruợu trong vai trò dung môi cho thảo dược. Dân ta uống rượu thuốc hàng ngày trước khi ăn cơm cho ngon miệng và cho tiêu hóa. Hoặc là trước khi đi ngủ cho ngon giấc như câu châm ngôn “Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà”! Thù tiếp bạn bè và nhất là vào dịp Tết, có rượu thuốc để thưởng xuân âu cũng là truyền thống của dân ta. Nguyễn Công Trứ lúc còn hàn nho, anh hùng vị ngộ thế mà ngày Tết ngoài vài chiếc bánh chưng lèo tèo, cũng không bỏ qua món rượu thuốc:

 Tết nhất năm ni ai nói nghèo, 
Nghèo mà lịch sự đố ai theo 
Bánh chưng chất chật chừng ba chiếc, 
Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu! 

 Trong thời Pháp thuộc, hiểu được tâm lý dân Việt Nam, hãng rượu Pháp Du Bonnet đã tung ra Ruợu bổ Kinh-ki-na bán chạy như tôm tươi trong những dịp bán chợ Tết để người ta mua về để lễ quan hay biếu dâng cha mẹ. Máy phóng thanh cứ ra rả hát bài nhạc quảng cáo sau: “Mời quí ngài hãy uống mau lên… Rượu uống ngon lại càng bổ huyết…! Đúy bòn … Đúy bòn… Đuy-bon-nê!”

Bây giờ, thì đương nhiên rượu ngoại vẫn được chuộng như dân Việt Nam lại có phong trào trở về nguồn “Ta về ta tắm ao ta” nên có bán ra thị trường những chai rượu bổ “gia truyền”. Qua danh từ “gia truyền”, người ta cảm thấy một cái gì huyền bí mà những kiến thức về khoa học thực nghiệm hiện đại phải đứng bên ngoài “kính nhi viễn chi”, chớ nhào vô mà phân chất để thất bại. Chữ “gia truyền” cũng đồng nghĩa là “của gia bảo”, từ nhiều đời được giữ kín chỉ dành riêng cho con cái cháu chắt trong nhà, người ngoài thì xin đừng thắc mắc gì cho lòng khô cạn vì đó là một ân huệ mà bỗng nhiên may mắn mình chỉ bỏ ra một số tiền tương đối nào đó mà mua được. 

Trong chuyến về Việt Nam, tôi tình cờ đi ngang một cửa hàng chuyên bán rượu thuốc gia truyền ở đường Trương Minh Giảng. Con đường này xưa có tên Pháp là Eyriod de Vergnes, tiếng Việt bình dân gọi “Ai vô rồi quẹt”! Mới thoạt nhìn những thẩu ruợu thuốc, thì “Ôi cái phút ban đầu tôi ngó được, Nghìn năm chưa dễ để tôi quên”! Ba con rắn hổ mang cổ bạnh ra được phơi khô nhồi bông được trưng ra trong tư thế muốn chồm phóng ra tấn công. Một luồng ớn lạnh chạy suốt sống lưng tôi. Trên cái kệ nhiều tầng, gần mười mấy thẩu thủy tinh khổng lồ đậy nắp nhựa đỏ đựng bao nhiêu thứ kinh khủng! Thẩu rượu có nhãn hiệu Cửu Xà ngâm chín loại rắn gì thì tôi không rõ, nhưng những khúc rắn khoang trắng khoang đen cuộn tròn làm tôi nổi gai ốc cùng mình. Có lẽ rắn càng độc thì thuốc càng công hiệu chăng? Tôi thấy hai thẩu ngâm rắn hổ mang, một thẩu ngâm một con hổ mang thật lớn chung với nhiều thảo dược được nhãn hiệu quảng cáo là Khu Phong Hoạt Lạc _ Trị: Phong thấp kinh niên. Đau khớp, tê da thịt! một thẩu thì ngâm chung rắn với bìm bịp tắc kè, quảng cáo về công hiệu còn thần kỳ hơn chai ngâm một rắn, giá cả bán theo đơn vị từng “xị” đương nhiêu cao hơn. Thẩu rượu “Hải mã Nhân sâm” thì ngâm những con cá ngựa chung với củ nhân sâm giống hình dáng người ta, công hiệu: Bổ thận tinh, Đau nhức khớp, Bồi bổ cơ thể. Kế đó là thẩu “Lộc Nhung Nhân sâm”, công hiệu: Bổ thận sinh tinh, Đau lưng nhức mỏi, Bồi dưỡng nguyên khí, mỗi xị bán 15.000 đồng. Còn thẩu Nhân sâm Tam thất bên cạnh thì ghi lại đem lại sức mạnh sinh lực, phục hồi sức khỏe cho người ốm dậy, phụ nữ sau khi sanh; hoạt huyết thông kinh mạch, mỗi xị: 10.000 đồng! Nếu tính theo một $US dollar ăn một triệu rưỡi đồng Việt Nam thì giá mỗi xị chỉ tương đương khoảng trên dưới một dollar Mỹ! Nhà hàng đã sinh lợi theo kiểu cò con, rượu bán từng xị nhưng bán hoài hàng ngày vừa túi tiền cho công nhân lao động, khi nào rượu trong thẩu cạn thì họ lại đổ thêm rượu mới mà ngâm thêm để tiếp tục bán. Chúng ta đừng thắc mắc về dược tính của những rắn, tắc kè, bìm bịp, lộc nhung, nhân sâm, tam thất… Một giáo sư y khoa Pháp có nói rằng mục đích của nền y khoa áp dụng trong thực tế không phải hoàn toàn “chữa bịnh” mà nhắm đến tác dụng chủ yếu là “chữa bịnh nhân”. ( Le but pratique de la médecine n’est pas traiter les maladies mais plutôt traiter les malades).

Vừa rồi, tôi được một người bạn biếu cho một ve Rượu Cao Hổ Cốt “chính hiệu” mua khi vào thăm dinh Độc lập cũ. Theo nhãn hiệu thấy ghi rằng: Đặc trị công hiệu: Đau xương – Đau lưng – Nhức mỏi chân tay – Phong tê thấp khớp – Thần kinh tọa – Gai cột sống – Vôi hóa cột sống – Mạnh gân cốt bổ dưỡng toàn thân. Dung lượng chai rượu khoảng đâu nửa chai xá xị là cùng, được đóng trong chai thủy tinh dẹp có gắn nắp bọc giấy kim nhũ. Cái khác biệt lớn của chai rượu quốc doanh này là trên nhãn có ghi chế theo giấy phép của bộ Y Tế và giá cả là 150 ngàn đồng nghĩa là 10 dollars Mỹ, vì nhắm vào sự bán để moi túi tiền của các du khách để thâu ngoại tệ.

Nói chung về công hiệu của dược phẩm, khi người ta chưa có phương tiện khảo sát thực nghiệm của khoa học thì công hiệu của thuốc men phần lớn dựa vào kinh nghiệm và nhất là vào tâm lý của người dùng. Linh tại ngã, bất linh tại ngã. Hay là do ta tin tưởng, không hay cũng là do ta tin tưởng mà thôi. Một khi người ta đã tin thì rắn, tắc kè, bìm bịp và những quái quỉ gì chăng nữa cũng là những thần dược. Còn nhân sâm theo tín lý về dược thảo Á Đông chính là một quí dược đa năng (Panax ginseng). Hiện nay, ngay tại Âu Mỹ, bên cạnh những thuốc được chính thức công nhận ghi vào dược điển cầu chứng của nhà nước, vài công ty ma cũng ném ra thị trường vài thứ thảo dược lấy từ rong biển quảng cáo là đa-năng-dược (panachée) trị đủ chứng bịnh từ đau khớp, đái đường, cao cholesterol, cao huyết áp, đến cải lão hoàn đồng, bất lực sinh lý, nên bán chạy vô cùng nhưng với cái giá không rẻ và phải uống một liều từ 3 đến 6 tháng. Thành ra, so với ruợu thuốc tại Việt Nam thì những thuốc này cũng chẳng có khoa học gì hơn. Ôi, đúng là không có gì lạ dưới ánh mặt trời, dù ở Đông hay ở Tây phương. 

BS Lê Văn Lân

Nguồn: thư viện https://tieulun.hopto.org/

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.