Câu chuyện về thần Thành Hoàng đình Phú Nhuận

Không biết từ ngày xưa, thuở nọ nào đó, đình làng Phú Nhuận thờ Maha Cẩn làm thần Thành hoàng. Vị thần này được các thế hệ dân làng sùng tín đến nỗi năm Tự Đức ngũ niên (1852), triều đình đã cấp một sắc thần “Bổn cảnh Thành Hoàng” như nhiều đình làng khác mà dân chúng cứ một mực xác tín rằng đạo sắc đó là vua cấp cho Maha Cẩn.

Huỳnh Ngọc Trảng

đình phú nhuận

Đến nay, tại hương án Hội đồng ở đình vẫn còn bảo lưu một bài vị có khắc dòng chữ: 

“Sắc Maha Cẩn Thành Hoàng Đại vương chi thần. Nguyên tặng Phổ hậu Chánh trực Hựu thiện chi thần. Hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phỉ ưng cảnh mạng miễn niệm thần hưu khả gia tặng Phổ hậu Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần”

Chính cái tên của thần quá lạ nên ai cũng thắc mắc rằng: Maha Cẩn – thần là ai? Rõ ràng ông thần đã theo đoàn lưu dân Thuận Quảng, nói rộng ra là Trung bộ – cộng đồng cư dân đã từng sống và chịu ảnh hưởng văn hóa tín ngưỡng Chăm vào đất phương Nam; nhưng “Maha” là “Lớn” là “Đại” và “Cẩn” là âm từ tên gọi vị thần Chăm nào? Lại nữa, cũng rất rõ ràng đây là vị thần rất được sùng tín vì thấy ông ngự ở nhiều nơi: 

– Ở Phú Sơn (Cai Lậy, Tiền Giang): “Tả vị kinh đô phủ huyện Cẩn Maha Thành Hoàng đại vương chi Thần” 

– Ở đình Mỹ Hạnh Tây (Cai Lậy) “Maha Cẩn hiệu Kỷ Tín Đại vương tôn thần” 

– Ở đình An Hội (Gò Vấp), Giao Long (Bến Tre), Phú Tân (Châu Đốc): “Ma Khẩn Thành Hoàng Đại vương tôn thần” 

2. Công việc truy cứu theo hướng sách vở: nào là Kỷ Tín bên Tàu là ai, rồi thì Cẩn, Khẩn phải chăng là “Ma Khẩn” tức hải quái “Makara” hoặc là “Khẩn-Nala” (Kinnar / Sanskrit) một trong thiên long bát bộ của nhà Phật… đều dừng lại ở mức tồn nghi vì chẳng có cơ sở lịch sử văn hóa nào để minh chứng thuyết phục. Thế rồi, đến lễ Kate năm nọ ở Phan Rang gặp được nhà Chăm học Sử Văn Ngọc tôi bèn gạ gẫm để coi “Cẩn / Khẩn” có can hệ gì với chư vị thần thánh Chăm chăng. Chuyện từ ông Pô Klong Girai đến xứ Pân-tu-ràng-cà (Phan Rang) đến mẹ xứsở / Pô Inư Nagar mà đọc chính xác theo giọng Chăm là “Pô Nư Cành”. Nói theo giọng Chăm thì nghe ra từ gì cũng có dấu huyền, ấy thế mà các học giả phiên âm ra chữ quốc ngữ Latinh thì chẳng thấy thanh huyền đó. Đến đây thì tôi quyết thầm trong bụng là “Cẩn / Khẩn” chính là Cành – tức cách độc âm hóa của người Việt tên nữ thần Pô Nư Cành. 

Giả định này cũng tờ mờ và rồi, khi thấy tận mặt chữ “Pô Nư Cành” trong sách Vai trò âm nhạc trong lễ hội Chăm Ninh Thuận của tác giả Hải Liên (Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1999) thì chứng cứ “khẩu thiệt” đã coi là tạm đủ. Gọi là tạm đủ vì để minh chứng cho cái giả thiết Cẩn / Khẩn là do từ Cành thì phải viện đến các dữ liệu lịch sử văn hóa xưa cũ… dài dòng, thậm chí đến thời Lý thời Trần. 

3. Sự hội nhập của nữ thần Mẹ xứ sở Pô Nư Cành (Pô Inư Nưgar / Pô Inư Nagar) Chăm vào hệ thống thần linh Việt thấy chính thức vào năm 1069, sau khi Lý Thánh Tông nam chinh trở về đã rước vị nữ Thần vốn là “tinh của đại địa Nam quốc” (hiểu là Chiêm Thành) từ vùng biển Hoàn Hải về thờ ở làng An Lãng (thuộc Kinh đô Thăng Long) và sắc phong mỹ hiệu “Hậu Thổ Địa kỳ nguyên quân”.(1) 

Lần hội nhập này, vị nữ thần Chăm hầu như bị mất đi danh tính mặc dù sau đó khoảng 200 năm vẫn còn bảo lưu một số thuộc tính nguyên ủy. Ở lần hội nhập sau, vào đời Trần có phần khác hơn. Thần tích được gán cho sự kiện lịch sử: Năm 1279, Mông Cổ đánh bại nhà Tống ở Nhai Sơn, Thái hậu và các công chúa đã nhảy xuống biển tự vận. Tử thi của họ đã trôi dạt vào cửa Cờn (còn gọi là Càn Hải / Cần Hải, ở xã Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, Nghệ An) được dân chúng an táng và dựng am lá để thờ: “Phàm như ra lộng vào khơi, dân chài lưới hoặc làm nghề chở thuyền biển thường đến cầu khẩn ở đền”. Năm 1312, Trần Nhân Tông đem quân đánh Chiêm Thành qua cửa Cờn, đêm nằm mộng thấy nữ thần hiện ra bảo rằng: Mình được Thượng đế cho làm thần Biển và xin ra ứng giúp vua. Sau khi thắng trận, Trần Nhân Tông trở về sai hữu ty “lập đền thờ, bốn mùa cúng tế” và phong là: “Đại Càn quốcgia Nam Hải tử vị thánh nương”. Năm 1469, Lê Thánh Tông trên đường nam chinh cũng đi qua cửa Cờn và vào cầu đảo ở đền. Thắng trận trở về, nhà vua cũng cho tu sửa đền. 

Thần tích tập hợp nữ thần đền Cờn chép trong Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái và các sách khác (Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nam Việt dư địa chí, Nghệ An – Hà Tĩnh sơn thủy lục…) có những tình tiết dị biệt. Ở đây, dẫn các tình tiết cơ bản như trên, nhằm lưu ý rằng tên gọi cửa Cờn / Càn Hải / Cần Hải là xuất phát từ việc ở đây có một ngôi đền thờ nữ thần biển, gọi là Cờn / Càn / Cần mà nguồn gốc là Pô Nư Cành. Đến đây chúng ta đã nhận ra sự biến âm từ Cành ra Cờn / Càn / Cần và bóng dáng của Nư Cành” trong mỹ hiệu “Đại Càn quốc gia Nam Hải… (Lưu ý Pô có nghĩa tôn xưng là Ngài, Đấng, Đức. Có thể được tôn xưng là Đại; hoặc bắt nguồn từ tên gọi đầy đủ “Yàng Pô Inư Nagar Taha: Thần Mẹ xứ sở vĩ đại / lớn). Rồi sau này, “Đại Càn” được các thầy lễ, nhất là tăng sĩ Phật giáo tái phiên âm theo sở trường “Hán – Phạn” của mình thành Maha Cẩn hay Ma Khẩn(2). 

4. Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương là tập hợp thần linh biển được thờ tự phổ biến ở miền Trung và miền Nam, đặc biệt là ở các cộng đồng cư dân chuyên nghề biển và sông nước. Ở nhiều địa phương, tập hợp “tứ vị thánh nương” được thờ tựnhư thần Thành Hoàng của đình làng với nhiều mỹ tự khác nhau. Đặc biệt một số nơi như Bình Tây (Chợ Lớn), Phú Hòa, Tân An (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) hay Vĩnh Thanh Vân (Rạch Giá) đã nhập “Đại Càn thánh nương” với thần cá voi là Nam Hải cự lộc ngọc lân tôn thần. Điều này có lẽ bắt nguồn từ việc cả hai đều là thần bảo hộ ngư dân ở vùng biển Nam Hải. 

Từ Nghệ An, Đại Càn… thánh nương cũng theo các hải đoàn đi ngược ra Bắc và thấy được thờ ở các địa phương thuộc vùng Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Kiến An, Hà Nam. Tại đây ngoài thần hiệu chúng ta đã nêu còn có danh hiệu “Tứ vị Hồng Nương”. Tại Nam Định, Đại Càn thánh nương có khi bị đồng nhất với Mẫu Thoải (Mẫu Thủy) – nữ thần thống quản thủy phủ. Nam Định là cái nôi của tín ngưỡng thờ tử phủ (trong đó có thủy phủ) nên việc nhập nhằng này có thể xảy ra. Có điều đáng lưu ý là trong hệ thống giọng hát chầu văn của tín ngưỡng thờ Mẫu miền Bắc và cả chầu văn Huế có một giọng điệu đặc trưng gọi là giọng Cờn (có nhiều thể loại). Đây là bằng chứng cho thấy mối quan hệ từ tập tục tín ngưỡng và hình thức diễn xướng nghi lễ của đền Cờn đối với tục thờ Mẫu ở miền Trung và miền Bắc (5). 

Nói chung sự hội nhập của nữ thần Chăm Pô Nư Cành vào hệ thống thần linh / tập tục tín ngưỡng Việt là trường hợp đặc biệt quan trọng. Ở đó, không chỉ là mức độ mà còn ở cách thức hội nhập – tiếp biến. Ở mỗi con đường hội nhập khác nhau, tại mỗi tọa độ địa lý – lịch sử cụ thể luôn tạo nên những hiện tượng văn hóa – tín ngưỡng đặc thù, biểu hiện xu hướng và cách thức tiếp biến văn hóa đậm dấu ấn lịch sử văn – xã riêng. Câu chuyện dài dòng về lai lịch của vị thần Thành Hoàng đình Phú Nhuận này là một ví dụ nhỏ, rất nhỏ chỉ ra rằng chúng ta còn nhiều ẩn số trong việc giải đáp các bài toán tìm về nguồn cội văn hóa dân tộc.

 Huỳnh Ngọc Trảng

Nguồn: Huỳnh Ngọc Trảng, Sài Gòn – Gia Định, ký ức – lịch sử văn hóa. Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2018

Chú thích:

1. Xem thêm Huỳnh Ngọc Trảng “Từ nữ thần Pô Inưgar đến Bà chúa Xứ, Tạp chí Thế giới sách, số 2, 11, 1995. 

2. Xem thêm Huỳnh Ngọc Trăng, “Sự hội nhập của nữ thần Chăm Pô Inư Naga vào hệ thống thần linh Việt, Nguyệt San Giác Ngộ, số 36, 37, 1999.

3. Tham khảo các Từ điển Phật học: 1) trường hợp kinnara (một trong thiên long bát bộ) được âm là khẩn nala hoặc Cẩn nala; 2) Gandhra (một trong tám loài chúng sanh) được âm là Căn thật bà / kiểu thật bả; 3) Kantara được âm là Cản trắc mã (ngựa căn trắc / ngựa kiểu trắc)… 

4. Xem Huỳnh Ngọc Tràng – Trương Ngọc Tường. Đình nam bộ xưa nay, Nxb Đồng Nai, 1993, tr. 66-71. 

5. Xem nhiều tác giả: Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996, tập 1, tr.78; Nguyễn Hữu Thông, Tin ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2001, tr. 194. 

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.