Về miền Trung [đối thoại]

Tôi biết Nguyễn Hưng Quốc ngày anh vừa từ trại tỵ nạn qua, người còn ướt nước biển và đầy muối. Thời ấy, cả hai cùng nghèo, kiếp thuyền nhân cứ đến gần cuối tháng là hết tiền. Nhưng so với trại tỵ nạn và Việt Nam cùng thời thì chúng tôi hạnh phúc.

Trần Vũ

quảng nam

Anh không còn phải ăn dè sẻn để vác gạo dư ra chợ Trương Minh Giảng bán, như anh đã kể: “Boác có mua gộ không, boác?” Còn tôi không còn sợ nghĩa vụ rình rập và lao động thủy lợi mỗi quý. Tuổi trẻ nhăn răng cười. Hồn nhiên và sung sướng. Sao không sung sướng khi có thể uống coca thả giàn, hút thuốc đầu lọc mù mịt và không phải ra Phường đăng ký tạm trú. Hạnh phúc giản dị như những bữa cơm thanh đạm trong căn gác “Tản mạn về thơ, v.v… và v.v…” của anh.

Không khi nào chúng tôi rủ nhau đi ăn hiệu mà cam phận tự nấu nướng. Anh nói anh là người Đà Nẵng, để anh làm cơm Đà Nẵng cho tôi ăn. Tôi chưa biết Đà Nẵng là sao. Nhưng tô cá kho của anh lạ. Đầy nước, giống con cá nục còn đang bơi lội giữa nước kho sánh mỡ, nâu sẫm mà không mặn lắm. Hóa ra người Đà Nẵng kho không kẹo đến cháy nồi như người Bắc mà chan như chan canh. Chị Nguyệt hay làm bún cá kho và thịt xiên ướp sả… Cái món thịt xâu này cũng khác thịt xăm trong Sàigòn, nó từa tựa… thịt chó thui. Rồi Nguyễn Hưng Quốc đi Úc. Buổi trưa đưa anh ra phi trường về, tôi buồn ơi là buồn, tôi chỉ có mình anh làm bạn. Mà anh biến mất ở phi trường. Rồi lục địa Úc xa xôi cách ly chúng tôi.

Trong cuộc đời, có những người mình chỉ gặp họ một chặng đường, rồi vĩnh viễn chia tay. Tôi linh cảm điều này từ khi rời trại Palawan, chẳng bao giờ gặp lại những người đã giúp đỡ mình. Khi máy bay cất cánh, trại Palawan sát phi đạo bị hất bay những mái lều lợp bằng dừa. Tôi chồm lên nhìn qua ô kính, những người bạn đang chạy đuổi theo máy bay đưa tay vẫy. Gương mặt họ còn hét tên tôi tiễn đưa. Bóng họ nhỏ dần rồi mất hút vào trong dải cát vàng rậm rạp phi lao. Trong trại Palawan 4/5 là người Trung. Những người Trung đầu tiên tôi quen biến mất.

Rồi tôi cũng về Đà Nẵng. Sống chết cũng phải trở về quê nhà một lần. Tôi tự hứa như vậy. Rồi tôi trở về nhà. Rồi tôi đi Đà Nẵng. Cảm giác lạ lùng của ngày đầu tiên, là xứ này, là xứ của bê thui. Đâu đâu cũng bê thui, bê tái chanh, tiết canh bê, lòng bê… Người Đà Nẵng ưa ăn bò, tôi nghĩ vậy. Buổi tối đi dọc đại lộ thênh thang lộng gió mát, hai bên đường là những quán lẩu bò. Những mắt cá chân con bò, đôi khi là đầu gối ninh mềm, bầy trên mâm. Nhưng nhiều nhất vẫn là bê thui. Tôi hỏi người bạn địa phương: “Tại sao tụi mi ăn bò con uổng quá vậy, không đợi nó lớn lên cho nhiều thịt?” Tên bạn hất hàm: “Đợi nó lớn, thằng khác bắt mất! Xứ này ăn chắc mặc bền…” Rồi hắn phá ra cười: “Xứ nghèo vậy chớ ăn sang.” Chúng tôi cùng cười. Cảm giác thứ nhì, là ở Đà Nẵng, mọi người hối hả. Đi đứng, buôn bán, thồ xe, làm gì cũng nhanh. Giống như họ gấp gáp. Nguyễn Hưng Quốc cũng có tật gấp gáp. Tôi nhớ anh luôn thục mạng chạy mua gạo, tắm cho con, hay vội vã cái này, nhanh nhanh cái kia. Hóa ra, anh mang trong mình chất hối hả Đà Nẵng. Hình như, vì trong một thời kỳ dài thành phố này sắm vai “chỗ tạm”. Người ta đến rồi đi. Người Bắc vào, dừng chân một lúc rồi lại lên đường xuôi Nam. Người Nam ra, nghỉ một lúc rồi tiếp tục ra Huế. Đà Nẵng cũng còn là trạm tiếp cư lớn của bao đợt tản cư, di cư, chạy loạn từ khắp mọi miền trong chiến tranh. Khiến không có gì trường kỳ, khiến thẩy đều tạm bợ. Người ta không sống lâu ở Đà Nẵng, phải vào Huế học, phải vào Sàigòn hay lên Đà Lạt học, tuổi trẻ cũng nhanh chóng di cư. Tất cả biến nhanh khỏi Đà Nẵng. Ngày xưa, chắc là vậy. Nên người Đà Nẵng có cái tất bật, thục mạng so với người Huế rất tĩnh, rất lặng, rất chậm rãi, từ tốn.

Tôi thích Quy Nhơn ở sự trầm mặc êm đềm. Tuy Hòa ở sự yên lặng ban trưa không tiếng động. Và Đà Nẵng ở sự thênh thang rộng rãi từ đồi núi, biển cả, đến phố phường đều thênh thang. Chạy xe không chán.

Khác Vũng Tàu, Mũi Né mà biển thường bị che khuất bởi khách sạn, hàng quán, biển Đà Nẵng mở ra mênh mông trước mặt. Mở ra sự mênh mông gần sát, vì biển sát phố. Mà không bị chắn. Đứng từ trong nhà nhìn ra, biển kín tầm mắt. Các bãi Mỹ Khê, Mỹ An, Non Nước đều dài rộng, bát ngát.

Tắm ở Đà Nẵng là một hạnh phúc. Cát mịn như bột rây. Cát trắng như làn da bánh cuốn của một thiếu nữ. Bãi lài, không đá ngầm, không vỏ sò, nên mịn êm. Không nhờn nhờn rong rêu. Dẫm chân xuống, như dẫm chân lên lụa. Ở Nha Trang, chỉ có Dốc Lết là so được, còn bãi chính dọc đường Trần Phú quá sâu, bước một hai bước, là… chìm lỉm. Mà ở Nha Trang, sóng ngầm giật rất nguy hiểm. Ở Mỹ An một vài quán bán cầu gai. Nguyên một đĩa cầu gai mổ sẵn vắt chanh hăng hăng. Cầu gai trong Sàigòn rất hiếm, phải từ Nha Trang trở ra mới thấy bán, mà cũng không thường xuyên. Ăn rồi lên Ngũ Hành Sơn ngắm toàn vịnh Non Nước, ngồi ở bục đá mà vua Gia Long hay Minh Mạng đã ngồi, đếm từng núi Ngũ Hành, trước khi vô thăm chùa, chụp tấm hình bên cạnh thùng Công Đức có viết tiếng Anh: Put money in the box…

Tôi đi dọc phố Ngô Gia Tự tìm ngôi nhà của gia đình bà bác họ mà ngày di cư vào Nam ở lại Đà Nẵng không vào Sàigòn. Tôi không tìm ra, vì xây cất và tái quy hoạch làm bức ảnh cũ và địa chỉ cũ không còn trúng. Gia đình bà bác họ dời đi đâu mất. Thôi thì ghé ăn tô mì Quảng. Phải ăn mì Quảng vào giấc xế trưa mới thấy thật hợp. Ăn tô mì Quảng nguội, độn bắp chuối, chan chút nước dùng sền sệt lên những cọng mì mập thu lu vàng nghệ, thấy mát.

Ở Đà Nẵng cái gì cũng bự, cũng to, cũng nhiều, nhưng xuống đến Hội An, cái gì cũng bé, cũng nhỏ, cũng li ti, cũng ít. Khác nhau một trời, một vực. Đà Nẵng tân thời, Hội An cổ kinh. Đà Nẵng thoáng đạt, Hội An thu hẹp. Cả cách ăn uống cũng khác. Ở Hội An dường như tỉ mỉ. Món bánh bột hoa hồng, món bánh gì như há cảo, rồi cao lầu đầy tinh vi. Nhưng cao lầu ăn xong vẫn làm như còn thiêu thiếu cái gì, chưa đã, còn thèm một thứ gì khác. Bước chân ra khỏi hiệu bán cao lầu, trông thấy hiệu phở ghi “chính gốc Lý Quốc Sư”, mừng quá! Hóa ra là thiếu… chất đạm. Thức ăn ở Hội An thanh cảnh, trong lúc ở Đà Nẵng ngồn ngộn. Chỉ cách 20 hay 30 cây số, mà khác. Tôi chưa có khả năng phân biệt Quảng Tín, Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Quảng Trị. Quảng nào đối với tôi cũng là Quảng. Nên tôi gộp tất cả các Quảng vào hai chữ “miền Trung”, như tôi gộp hết Quy Nhơn, Bình Định, Tam Kỳ, Bồng Sơn, Sa Huỳnh cũng vào “miền Trung”. Vào một chữ “Trung” mà mình ưa. Vào một giọng Trung mà mình thấy lạ. Ưa vì cảnh vật đẹp. Ưa vì thức ăn ngon. Ưa vì chiếc lưng cong của đất nước hữu tình. Miền Trung là đất của tình cảm.

Thật lâu không liên lạc với Nguyễn Hưng Quốc. Rồi tình cờ nhận mail anh thông báo viết blog. Vào trang web đài VOA đọc bài anh viết, thấy anh kể chuyện đi bán gạo ở chợ Trương Minh Giảng, thấy tức cười, khi anh chép lại câu nói: “Cháu có bô gộ.” Câu nói của anh lúc xưa, đem tôi trở về với những chuyến đi xa ngoài Trung mà đã lâu tôi không trở lại. Tự nhiên, cũng nhớ mình hồi ghé Sơn Trà, bà chủ quán nói gì mà mình không hiểu, phải hỏi đi hỏi lại… Rồi nhớ tới u già, u hay kêu ‘‘cậu Vụ.’’ Có khi u nói u Quảng Nôm, lắm lúc u nói u Quảng Ngãi vì hình như u cũng không biết rõ lai lịch gốc gác của mình, do u rời quê sớm. Nhưng, nhiều nhất, u hay nói u là Quảng Nam. Chắc vì u có kỷ niệm. U nói vậy thì tin vậy.

Tôi ra Trung, về thăm quê u, ước ao phải chi u còn sống, để đi cùng. Chắc u sẽ xúc động lắm. Đứa trẻ u ẵm bồng trên tay nay đã trở về, và đi thăm quê u. Đi thăm quê của u già có bàn tay xương xẩu, sầu héo, thường gãi lưng cho mình suốt đêm khuya. U ngồi ở đi-văn, phe phẩy quạt nan nhè nhẹ, và gãi chầm chậm khoảng lưng trần đang lên sởi của đứa bé sắp thiếp ngủ.

– Bao giờ u về quê?

– U ở đây với cậu.

– Sao u không về quê? U có quê không?

– Quê u chiến tranh. U ở đây trông cậu…

Mấy chữ “Cháu có bô gộ” của Nguyễn Hưng Quốc làm tôi nhớ u già. Và nhớ miền Trung quê u mà tôi đã đi thăm. Hai chữ miền Trung đầy thương mến vì tình thương của u dành cho tôi còn đọng trong hai chữ “Trung phần” này. U cũng nói… “bô gộ.”

Trần Vũ

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.