Lúa nổi (Floating rice) tức cây lúa mùa còn gọi là lúa sạ. Tuy năng suất kém xa lúa cao sản hiện nay nhưng phẩm chất rất tốt do chế độ canh tác hoàn toàn theo tự nhiên nên hạt gạo rất “sạch”, chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitanmin B1, E rất cao nên có tác dụng bổ sung sinh tố cho người sử dụng như một thực phẩm chức năng. Ngoài ra, gạo lúa sạ còn chứa Anthocyanin, một hợp chất hữu cơ có lợi cho tim mạch, mắt, phổi, chống lão hóa… (Internet).
Nguyễn Trường Kháng1
Đây là giống lúa mới (xuất hiện vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Nhưng nguồn gốc của nó từ đâu, có những đặc điểm gì, có tác dụng ra sao đối với môi trường sinh thái. Chúng ta cùng tìm hiểu!

Nguồn gốc và ưu điểm của cây lúa mùa
Tác giả Nguyễn Văn Kiềm (sách Tân Châu 1966, trang 60-61) cho biết (tóm tắt): trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) nông dân miền tây chỉ biết làm ruộng cấy theo lối cổ truyền mà chưa biết canh tác lúa sạ. Hơn nữa, ở miền tây chưa xuất hiện giống lúa mới (lúa mùa). Giống này có đặc điểm là nước lên tới đâu, nó luôn luôn vượt cao hơn mực nước. Vì thế đến mùa nước đổ (mùa lũ từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch) mực nước sông Cửu Long lên quá cao, đồng ruộng ngập như bể cả (từ 1,5 đến 4,5 mét). Lúa cấy không theo kịp nước, bị nhấn chìm. Mùa màng bị thất thu nặng. Đến nổi phải xoay qua làm ruộng gián (?) để kiếm lúa ăn!
Trước viễn cảnh bi quan này làm mất lòng tin của nông dân nên nhiều năm đất bị bỏ hoang!… Chính quyền sở tại phải mua lúa các nơi khác đem về bán lại cho dân chúng (bấy giờ có nhiều nhà ăn toàn bắp hạt, hoặc ăn độn với khoai lang, khoai mì…).
Trong lúc đó có ông Phan Văn Vàng, tục gọi “sếp Vàng” người xã Đa Phước, quận Châu Phú (Châu Đốc) thường năm lên miệt sông lớn (Cao Miên) mua sấu về bán. Đồng thời ông nhận thấy người Miên trồng lúa nổi rất trúng (so với các giống nội địa lúc bấy giờ*) nên ông mua về trồng thử, đến mùa có kết quả khả quan. Thấy vậy, nông dân đua nhau lên xứ Miên mua giống. Không mấy năm, Châu Đốc trở thành tỉnh ruộng sạ!
Từ đó, ảnh hưởng lúa sạ đến vùng Tân Châu nói riêng cho khắp miền Tây nói chung là rất lớn! Trước kia nông dân rất nghèo, nay nhờ canh tác được lúa sạ nên thu huê lợi rất nhiều, cộng với nghề trồng dâu, nuôi tằm và các ngành nghề khác biến nền kinh tế Tân Châu thật trù phú…
Tác giả kết luận: “Ngày nay, người Châu Đốc và du khách thấy con đường chạy ngang qua hý viện Tân Việt mang tên Phan Văn Vàng. Đó là người được ghi công tìm ra lúa sạ và cũng chính là “ân nhân” của nông dân miền tây vậy! (sách đã dẫn, trang 61).
Đoạn tài liệu trên đây, tác giả Nguyễn Văn Kiềm được ông thông phán hồi hưu Đặng Văn Ty cung cấp. Còn theo Địa phương chí tỉnh An Giang (trang 27) thì ghi ông phó tổng ở Đốc Vàng hạ (Long Xuyên. Nay thuộc huyện Thanh Bình-Đồng Tháp) là người tìm ra lúa sạ trước nhất (?).
Hai nguồn thông tin trên đều có căn cứ nên chúng ta có thể nghĩ rằng cả hai người nêu trên đều là những “ân nhân” tìm ra giống lúa sạ đầu tiên! Từ việc làm này đã tạo ra “bước ngoặt lịch sử” cho nền nông nghiệp lúa nước ở miền Nam, vì đã chuyển từ lúa gián, lúa cấy năng suất thấp kết quả bấp bênh sang giống lúa sạ có đặc tính “nổi” theo nước lũ, cho năng suất khá ổn định, mang tính sản xuất hàng hóa nên sau đó miền tây góp phần quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho cả miền nam lẫn miền ngoài!
Theo một số nghiên cứu, cây lúa mùa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo: vượt theo lũ rồi đơm bông, kết hạt.
Như vậy, cây lúa mùa đã được nông dân trồng cách nay trên 100 năm theo phương pháp truyền thống, không phân bón, thuốc hóa học. Thường gieo sạ khoãng tháng 4 âm lịch… “cây lúa tự ngậm sương mà nẫy mầm, rồi phát triển.
Nước lên tới đâu, lúa vươn lóng vượt lên trên mặt nước” (nên gọi là lúa nổi).
Ngoại lệ: có một vài năm, lũ về sớm lại lên hỗn, lúa vươn lóng không kịp đành bị nhấn chìm! Những năm như vậy người ta gọi là “lụt” (mùa lụt 1978 là một ví dụ).
Lũ lên bình thường, cây lúa mùa có thể vươn dài từ 5 – 7 mét cho năng suất ổn định nên xứng danh là cây lương thực chủ lực.
Lúa mùa nổi có nhiều giống khác nhau: Nàng tây, Nàng đùm, Nàng son, Nàng rừng, Nàng phượt, Tàu binh, Chệt cụt… rồi nếp rằn, nếp Cô ba… Trồng lúa mùa thu lợi nhuận khá cao nhờ chi phí rất thấp. Phần lớn dựa vào thiên nhiên. Kỹ thuật trồng lúa thật đơn giản:
Đầu tháng 3 âm lịch, dù có mưa hay không, nông dân vẫn cày đất (bằng trâu, bò) mãi về sau mới có máy. Xong, đem lúa giống sạ đều, lan khắp mặt ruộng đã được cày. Đợi mưa xuống, hạt nảy mầm. Vùng có nhiều chuột (đồng lớn), sau khi sạ xong người ta bừa dập che hạt lúa giống không cho chuột cắn phá. Một đôi trâu, bò cày cho 5 ha đất phải mất cả tháng. Các chủ có nhiều ruộng phải thuê nhiều đôi trâu, bò cày để xuống giống kịp thời vụ. Các địa chủ chỉ phát canh thu tô. Nông dân không có ruộng phải thuê đất với giá bình quân 1 giạ cho mỗi công đất. Sau khi đóng tô cho chủ điền nông dân còn lãi để nuôi gia đình và làm vốn đầu tư cho vụ sau (năm tới).
Tháng 4 âm lịch, mưa đã vào mùa, lúa mạ đã lên xanh rì. Đến mùng 5 tháng 5 nước sông Cửu Long bắt đầu “quay” (nước đục ngầu do lũ mang phù sa về) rồi lên dần cho tới khi ngập cả cánh đồng châu thổ. Mùa nước nổi đã bắt đầu!
Lũ theo kinh, mương vào nội đồng bồi đắp phù sa và dẫn nhiều tôm cá vào đồng ruộng, sinh sôi nẩy nở! Cây lúa chỉ sử dụng chất màu mỡ trong nước lũ rồi đơm bông kết hạt.
Một nông dân ví don: “Lúa mùa cứ gieo xuống rồi giao cho TRỜI chứ mình không tốn công gì hết!” Thật chẳng sai!
Mùa lũ, lúa nổi bềnh bồng giữa mênh mông trời, nước… Gió thổi qua, sóng lúa nhấp nhô chạy xa tít tận chân trời. Nên có thơ rằng:
“Sóng lúa lượn xanh, cánh cò bay lã
Nước ngập tràn đồng bao la mênh mông
Ký ức về những tháng năm êm ả
Giăng lưới, câu trên đồng ruộng thỏa lòng”.
(Mai Dương – 1969. Thơ học trò)
Cơm gạo lúa mùa có màu ửng hồng nấu nồi cơm cho ráo, ăn với khô cá sặc rằn hoặc với hạt đậu phộng rang muối sẽ có cảm giác ngọt lừ cả miệng! Nghe nói, con nít thiếu sữa mẹ, người ta lấy nước cơm gạo lúa mùa (màu đỏ cám) pha với đường cho uống cũng nuôi được! Ngày xưa sữa bò rất hiếm nên rất đắt đỏ, nhà nghèo không mua nổi để nuôi con!
Trước 30-4-1975 ở ĐBSCL có khoảng 500 ngàn ha lúa mùa, chủ yếu ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Đến nay đã chuyển đổi lên 2 vụ rồi 3 vụ/năm nhưng cũng cò một số ít nông dân còn gieo trồng lúa mùa như muốn lưu lại món quà quý mà ông bà đã để lại! Vì là hàng hiếm, chất lượng lại cao nên sản phẩm làm ra đều được bao tiêu với giá ưu đãi có lợi cho nông dân!
Nguồn lợi thứ hai từ đồng lũ:
Đó là nguồn lợi to lớn từ thủy sản (xưa gọi là thủy lợi) trong môi trường sinh thái đất ngập nước có cây lúa mùa phát triển cùng với các loài thực vật thủy sinh. Một bài hát có đoạn:
“Ô kìa một đám rong rêu
Cỏ cây chen chút lêu bêu rắn rùa…”
(Tô Thanh Tùng-Tháp Mười quê hương tôi)
Đầu mùa lũ, các loại thủy sản theo các kinh, mương vào nội đồng sinh sôi nẩy nở rồi lớn lên trong đó. Thời gian này người ta gọi là lúc nông nhàn (tạm gác việc trồng trọt) quay sang việc đánh bắt thủy sản để kiếm sống dưới rất nhiều hình thức: Giăng lưới, giăng câu, đặt lờ tôm, lọp tép, đặt trúm bắt lươn… đơn giản nhất mà ai cũng làm được là câu cá với cần câu trúc và một số mồi (kiến cánh, kiến bầu, tép…) để câu cá nhằm cải thiện bữa ăn cho gia đình, có dư đem bán bớt…
Khi lũ bắt đầu rút (tháng 10 âm lịch) tôm cá tập trung xuống kinh mương để ra sông. Đây là vụ đánh bắt quan trọng nhất trong năm gọi là “mùa cá ra”. Cũng là một nguồn lợi to lớn bên cạnh việc thu hoạch lúa mùa mà thiên nhiên hàng năm đã ban tặng cho người dân vùng châu thổ Cửu Long!
Sau 1975, dân số cả nước tăng cao, đặc biệt là sau trận lụt 1978 đã nhấn chìm toàn bộ lúa mùa ở miền tây, tình trạng thiếu lương thực lâu nay lại trở nên trầm trọng. Rất nhiều hộ dân, bếp ăn tập thể được trợ cấp “bo bo” (gạo lúa mì) để ăn độn.
Trước tình hình đó, Nhà nước đã mạnh dạn chủ trương bao đê, tăng vụ (làm 2 vụ rồi 3 vụ lúa/năm, trồng lúa cao sản (Thần nông). Chẳng bao lâu đã cung cấp đủ lương thực cho quốc dân cả nước rồi tiến tới xuất khẩu. Ngày nay cây lúa mùa gần như mai một! Việc khai thác thủy sản trên đồng lúa suốt mùa nước nổi cũng đã trở thành chuyện ngày xưa.
Nguyễn Trường Kháng