Giáo sư Nguyễn Văn Trung vừa qua đời, ngày 19/10/2022, tại Canada, thọ 92 tuổi. Ông nguyên là Trưởng ban Triết Tây, và có thời gian là khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn.
Vũ Thế Thành

Giáo sư Nguyễn Văn Trung (1930-2022)
Tôi chưa học với gs Nguyễn Văn Trung ngày nào. Chỉ một lần lang thang ở ĐH Văn Khoa, thấy ông đang dạy ở một giảng đường lớn, tôi tạt vào ngồi cuối. Nghe ông giảng Triết Tây chán phèo, chừng 20 phút sau, tôi chuồn ra ngoài..
Nhưng những gì ông viết lại ảnh hưởng lên tôi rất nhiều, nhiều hơn bất cứ tác giả nào mà tôi từng đọc qua bộ sách “Nhận Định” của ông.
Bộ sách “Nhận Định” gồm 6 tập, là tập hợp những bài ông viết từ đầu thập niên 60, viết đủ thứ tưởng như “lặt vặt” trên đời như: Hối hận, Tự tử, Quán rượu,…, và như ông viết trong Lời Mở đầu của sách, đó là “…phản ảnh những chặng đường tìm kiếm suy tư”.
Đó là chặng đường suy tư của một NVT mới ngoài 30 tuổi, rồi ngoài 40. Cho đến năm 1975, ông xuất bản được 6 tập. Em ông, gs Nguyễn Văn Lục nói với tôi, tập 7 và 8 ông viết xong trước năm 75 nhưng chưa kịp xuất bản. Một số bài trong tập 7 và 8 có thể tôi đã đọc trong các tạp chí Văn học trước đó. Ra nước ngoài, ông viết thêm được tập Nhận Định 9 và 10, hai tập sau cùng tôi chưa đọc.
Không phải là ý tưởng hay những suy tư của ông, mà chính cách tiếp cận của ông khi viết những bài trong “Nhận Định” mới thực sự ảnh hưởng đến tôi. Nhũng đề tài ông viết hết sức đời thường, nhưng lại lập luận dựa trên nền tảng triết học. Ông không ngồi suy tư trên bàn viết bên khung cửa sổ, mà đặt tâm trạng của mình trên hè phố, diễn đạt bằng một ngôn ngữ mà thấp thoáng đâu đó là hiện tượng luận, phân tích mọi ngóc ngách như sơ đồ xương cá (fishbone chart), xem còn yếu tố nào liên quan nữa không, đào bới cho bằng hết, rồi đặt tất cả chúng trên bàn để tìm cho ra nguyên nhân gốc rễ, chứ không phải là nguyên nhân biểu kiến.
Nhưng đó là một trí thức NVT chỉ mới đặt chân xuống hè phố lát gạch. Còn tôi, sau năm 75 đặt chân xuống vũng lầy, cùng một chủ đề đó, tôi nhận định khác ông, nhưng cách tiếp cận vấn đề tôi vẫn bị ảnh hưởng bởi ông, cho đến giờ vẫn còn bị ảnh hưởng, nhất là qua những tùy bút mà tôi viết trong hai quyển Sài Gòn Ký ức, và Những thằng già nhớ mẹ. Chỉ khác là tôi viết ngắn, cô đọng, tôi cần đồng cảm từ độc giả cùng thế hệ. Còn NVT, ông viết khúc chiết, phân tích lập luận rành mạch, ông cần thuyết phục người đọc.
Ngoài tập “Nhận Định”, gs Nguyễn Văn Trung còn viết nhiều sách về triết học. Cùng với những sách Triết học khác của các giáo sư Trần Thái Đỉnh, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, Nguyên Sa…ảnh hưởng đến thế hệ trẻ như tôi hồi đó khá nhiều, ở cái tuổi tập tành triết học cho ra…vẻ với triết học hiện sinh, triết học Marx (không dính gì tới Lenin),.. Trong số các tác giả về triết học nói trên, gs NVT diễn đạt dễ hiểu nhất, kế đó là gs Trần Văn Toàn với “Hành trình đi vào triết học”.
Do đó sách triết của gs Trung được giới trẻ đọc nhiều, bị thị phi cũng nhiều, nhất khi là ông “lấn sân” qua phê bình văn học, có khi cả sử và chính trị. Ở sân chơi này, ông cũng dùng những lập luận của triết học để phê bình văn học. Đọc rất mới, và rất lạ so với kiểu cách phê bình trước đó của Vũ Ngọc Phan hay Hoài Thanh, có phần cảm tính nhiều hơn. Tôi không mặn mà gì lắm với phê bình văn học, dù là phê bình kiểu triết học, kiểu hàn lâm hay gì gì đó, rồi ca ngợi từng ngóc ngách hay phang nhau tá lả. Với văn học, văn hay thơ, tôi đọc để cảm nhận cái hay cái đẹp, và để đồng cảm như thưởng thức một bản nhạc…
Nếu các tập “Nhận Định” (từ I – VI) là của một NVT chỉ ngoài 30, ngoài 40, và ngoài 50, một NVT còn đầy chất lãng mạn triết học, hơi hướm thiên tả,.. thì những bài viết sau năm 75, là một NVT nếm vị đắng của đời nhiều hơn, có thời gian ông bị cô lập, và đi tù.
Năm 1993, ông định cư ở Canada, ông đã nhìn lại sự ảo tưởng của mình trong trong loạt bài “Nhìn những chặng đường đã qua” mà tôi đã đọc cách đây khoảng 10 năm trên Talawas và Thông Luận. Lúc đó, là một Nguyễn Văn Trung đã già dặn hơn, một Nguyễn Văn Trung với bài “ Tha thứ và xin được tha thứ”. Một lần nữa, tôi lại học từ ông thái độ tự phản tỉnh đúng sai, mà không biện minh này nọ, một điều mà không phải trí thức nào cũng can đảm nói thẳng ra.
Tôi viết bài này như một lời cám ơn tới GS Nguyễn Văn Trung, người đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều về cách tiếp cận vấn đề.
Dưới con mắt tôi, GS Nguyễn Văn Trung là một trí thức đúng nghĩa – RIP
Vũ Thế Thành
=======================
Sơ lược tiểu sử GS Nguyễn Văn Trung (1930-2022)
- Sanh năm 1930 tại Hà Nam
- Học trường dòng Puginier và chủng viện Hoàng Nguyên trước khi chuyển qua học Chu Văn An, Hà Nội.
- Du học châu Âu (1950-1955), cử nhân Triết ĐH Louvain (Bỉ)
- Năm 1955, dạy trung học Chu Văn An và Đại học Huế
- Năm 1961, trình luận án tiến sĩ về Phật Học cũng tại Đại học Louvain với đề tài: “La Conception Bouddhique du devenir, Essai sur la notion du devenir selon la Stharivanâda.”
- Về nước ông dạy Triết và Văn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Đại học Huế. Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông là Trưởng ban Triết Tây phương, có thời gian được bầu làm Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969).