Phạm Duy nhớ Hưng Yên và Dạ Lai Hương

Một ngày thu lạnh năm 1941, tôi ra bến xe để đáp xe hàng về Hưng Yên. Sau khi thua trận trong Thế chiến, chính phủ Laval của Thống chế Pétain được thành lập ở Pháp để làm bù nhìn cho Đức Quốc Xã. Bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam chưa bị lật đổ và được dùng để duy trì an ninh cho quân đội Nhật Bản đang đóng quân tại nhiều nơi trong nước.

Phạm Duy

Hưng Yên

Bây giờ xe hàng chở khách không còn chạy bằng ét xăng nữa mà chạy bằng than. Đằng sau mỗi chiếc xe có gắn một cái lò than với ống khói phun thán khí lên trời. Nhìn anh phụ xế chọc que sắt để khơi lò, tôi bỗng nhớ lại quãng đời công nhân của mình ở nhà máy điện Móng Cái. 

Hưng Yên là một tỉnh lỵ nhỏ không nằm trên những con đường huyết mạch như đường xuống cửa khẩu Hải Phòng hay đường thuộc địa số 1 đi vào miền Trung, miền Nam mệnh danh là đường thiên lý hay đường cái quan. Nhưng trong đoạn đầu của hành trình, chiếc xe hàng với hình thù và tuổi tác của một con khủng long phải dùng con đường Hà Nội – Hải Phòng để tới Bần Yên Nhân. Sau khi đậu lại cho cả tài xế lẫn hành khách nghỉ ngơi, xe chạy tiếp tới Phố Nối rồi rẽ sang một tỉnh lộ chạy về Hưng Yên. 

Hưng Yên là quê quán của nhiều danh nhân và có nhiều di tích lịch sử như đền thờ Đào Nương, tổ sư nghề hát ả đào tại làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ. Như làng Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, quê hương của Nguyễn Thiện Thuật, anh hùng Bãi Sậy (tên chiến khu nằm giữa hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Có đền thờ Trạng Ăn Lê Như Hổ ở xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ. Có đền thờ Phạm Ngũ Lão (ông tổ của tôi chăng?) ở làng Phù Ủng, phủ Ân Thi. Những danh nhân khác gốc gác ở Hưng Yên là Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh… 

Xe hàng đưa tôi đi trong một vùng quê có hơi khác biệt vùng Sơn Tây mà tôi đã biết. Ở đây, ngoài cánh đồng xanh hun hút với lũy tre tím ngát, còn có nhiều rặng cây nặng trĩu những chùm nhãn tròn màu nâu nhạt. Ngay từ lúc đầu tiên tới vùng Hưng Yên nổi tiếng về nhãn này, khi xe hàng ngừng lại dọc đường, tôi đã được thưởng thức thứ nhãn tiến, nghĩa là loại nhãn dành riêng để tiến vua ngày xưa, với quả to, hột bé, cùi giòn… Đồng ruộng cũng có chút thay đổi. Đây đó, chen vào những ruộng lúa là những mảnh đất trồng đay. Nhật Bản ra lệnh cho chính quyền bảo hộ ép buộc nông dân trồng thứ cây kỹ nghệ này và đó là một trong những duyên cớ gây nên nạn đói khủng khiếp vào năm Ất Dậu (1945). 

Sau khi chạy ngoằn ngoèo theo ven sông Hồng, xe hàng tới tỉnh lỵ Hưng Yên. Đi qua con phố ngắn – phố Chợ – là tới phố Bắc Hòa, nơi mẹ tôi và chị Chinh đang ở với anh Nhượng. Căn nhà tỉnh lẻ mà tôi sẽ trú ngụ trong hơn một năm cũng khá lớn, vừa rộng vừa dài và có thêm một căn gác. Tôi được dành cho căn phòng ở cuối nhà, đối diện với cái sân lộ thiên nhỏ. Tại đây, tôi thích ngồi vẽ tranh sơn dầu với đề tài là một khung cửa sổ trông ra vườn chuối rực nắng. 

Trước cửa nhà tôi là những cây sữa rất lớn mà mùi hoa lá là mùi hương của câu hát đêm thơm như một giòng sữa khi tôi soạn bài Dạ Lai Hương. Một đêm Hưng Yên, ngồi trước cửa nhà với mẹ, nói về sự thơm ngát của phố Bắc Hòa trong đêm, tôi gọi đó là mùi dạ lan hương. Mẹ bảo: 

– Con phải gọi là dạ lai hương thì mới đúng! 

Cám ơn mẹ vô cùng! 

Thành phố Hưng Yên bé bằng cái lỗ mũi. Nhưng cũng có một phố Khách là phố thương mại nằm trong tay người Tàu. Người Tàu cũng có cửa hàng lớn ngay phố Chợ, chẳng hạn chú Dzùng có cô con gái đẹp tên là Sâm, người mà tôi sẽ gửi cho nhiều lá thư tình. Khu hành chánh gồm có tòa sứ, các dinh tuần phủ, thương tá, chánh án nằm chung quanh hồ bán nguyệt là nơi nên thơ nhất của tỉnh lỵ. Hồ bán nguyệt đẹp không thua Hồ Gươm là mấy. Tôi thường ngồi đây để nhớ ngày còn bé tỉ tì ti. Đi thêm một quãng đường ngắn là hết tỉnh, có nhà Cercle nằm cạnh con sông nhỏ chảy ra sông Cái. Tòa án (là nơi tôi sẽ làm việc) xây cạnh bờ đê, trường học với sân vận động (là nơi tôi sẽ trổ tài điền kinh) cũng gần đó… 

Sống ở tỉnh nhỏ là dễ có bạn. Và có rất đông bạn chứ không phải chỉ có vài ba người như khi còn ở Hà Nội. Lúc đó, lũ thanh niên 20 tuổi ở Hưng Yên đều thất nghiệp, ăn bám vào cha mẹ, hằng ngày tìm tới nhau ngồi đánh cờ tướng, đi đá bóng hay ra cuối tỉnh để thi bơi trên sông Hồng. Tôi đã biết bơi và bơi giỏi là khác sau những ngày đi tắm ở hồ Quảng Bá và được chiêm ngưỡng thân hình hấp dẫn của hoa hậu Hà Nội. Hoặc dạy nhau hát những bài ca cải cách và bài ca Nhật Bản với lời Việt. 

Tôi thường đánh cờ với Hoàng Thư, đánh boxe với Tiết Lương Đức tức Đức “đen”, họa đàn mandoline với Quynh, một người đáng lẽ phải trở thành nhạc sĩ vì đã soạn nhạc ngay từ lúc đó. Lê Vy, đồng tác giả với tôi trong bài Con Đường Vui hãy còn là cậu bé con nhưng đã biết thổi saxophone rồi. To con và ồn ào nhất trong đám là Ưng, kẻ sẽ đi lính heitai cho Nhật và hay trở về nhà khoe với bạn bè cây kiếm Nhật đeo lủng lẳng bên hông. 

Tại phố Khách, có anh bạn là Phan Tại, họa sĩ mầm non và đạo diễn kịch chưa có việc làm, lúc nào cũng ngậm pipe và trầm ngâm. Ở cùng phố với Phan Tại là Học Phi, người sẽ theo cách mạng và tham chính một thời gian. Bạn của tôi lúc đó còn là Thiệp đá bóng, người bị Pháp bắn chết tại Hải Phòng vào năm 46 và Thận, sĩ quan thiết giáp sau này của miền Bắc. Đó là chưa kể Lê Ninh, con ông thượng tá Lê Cẩn, sau này là sĩ quan trong Cục Quân cụ của quân đội Sài Gòn và Lê Hồng Giang, Lê Duy Kỳ, những con trai của ông bà Tuần phủ Lê Đình Trân, hai bực phụ mẫu chi dân sau này là cha mẹ nuôi của tôi.

Ôi đẹp thay những ngày tôi 20 tuổi ở tỉnh nhỏ Hưng Yên! Cùng với bạn bè, tôi hay tới trước cây bàng ở tòa án để dùng súng cao su bắn rơi những trái bàng. Rồi chia nhau ăn những quả bàng ngọt như đường. Hay tới gốc đa nhà Cercle để hái búp đa rồi thổi thành những quả bóng nhỏ. Hoặc rủ nhau mua sách học tiếng Nhật. Học chào: Konichiwa . Học cám ơn: Arigato . Riêng tôi, ca sĩ mầm non, học cách xưng hô: Watasi wa ongakusen = tôi là nhạc sĩ… Nhưng ngoại trừ Ưng ở phố Khách, chúng tôi không thích làm việc với Nhật, dù cũng khoái khi thấy Nhật da vàng bắt nạt Pháp da trắng quá trời. Nhưng chúng tôi rất thích hát những bài Nhật như Mori No, Kohan No Yado . Lúc đó bài Thu Trên Đảo Kinh Châu vừa được Lê Thương soạn ra với một âm giai Nhật Bản và lập tức được chúng tôi hát luôn mồm. 

Ở Hưng Yên, tôi được sống rất gần gũi với tuồng, chèo mỗi khi có gánh hát tới kiếm ăn ở tỉnh này. Ngành sân khấu cổ truyền đang tới kỳ mạt vận. Gánh hát nào cũng ế khách, kép hát nào cũng nghiện ngập. Mẹ tôi được coi là nhà Mạnh Thường Quân hạng nhất của họ. Không những mẹ đi coi hát luôn luôn để ủng hộ tinh thần và vật chất cho các gánh hát nghèo, mẹ còn mời đào kép về nhà ăn ở nữa. Tôi đã học cách đánh trống chèo với kép Tư Liên, học cách vẽ mặt với hề Phẩm. Tôi được ngồi ăn cơm với tổ sư của ngành hát chèo Văn Minh là Nguyễn Đình Nghị ngay từ lúc đó, trước khi làm việc với cụ tại Liên khu IV (Thanh Hóa) vào năm 1949. Và cùng với bạn bè, chúng tôi tổ chức những buổi ca kịch, trong đó tôi trổ tài hát nhạc cải cách hay nhạc ngoại quốc lời Việt. 

Khi còn ở Hà Nội, tôi chưa đủ tuổi để đi hát cô đầu. Tại Hưng Yên, vì không có tiền nên lũ thanh niên thất nghiệp thường đi ké với người lớn tới xóm ả đào ở Nam Hòa. Cô đầu Trần Thị Đào rất đẹp và hát rất hay. Nhưng không đứa nào trong lũ thanh niên túi rỗng sờ được lông chân của cô. Để giải quyết chuyện ấy, chỉ còn cách tán mấy cô bán hàng rong, như chị bán bánh giò ban đêm chẳng hạn. Thỉnh thoảng vào lúc nửa đêm, khi nghe thấy tiếng rao hàng từ xa xa, tôi rón rén mở cửa ra phố dắt chị bán bánh giò lớn tuổi hơn tôi vào phòng. Thật là liều lĩnh vì mẹ tôi nằm ngủ ở ngay nhà ngoài. Quen mùi, cứ vài ngày tôi lại nghe tiếng ồ ồ của chị ta, rao đi rao lại: Giò nóng đây! 

Trong đám thanh niên vô công rồi nghề chỉ biết chim gái, rong chơi và ca hát như vậy, tôi là kẻ may mắn nhất. Tôi có công việc ngay sau khi về tỉnh này chừng ít lâu. Một người anh họ xa, anh Ninh, làm lục sự tại tòa án đem tôi vào làm thư ký. Hằng ngày, ngoài việc đánh máy những bản án luôn luôn bắt đầu bằng câu: Attendu que…, cùng với một thư ký khác tên Xương, tôi thay mặt ông lục sự nhận tiền đút lót của những người đi hầu tòa, dù là bên nguyên hay bên bị. Tôi chứng kiến những chuyện cười ra nước mắt, khóc ra nụ cười ở một nơi có nhiều hài kịch hay thảm kịch sống động còn hơn là những vở tuồng trên sân khấu. Thấy vẻ mặt lo âu của những người vô phúc nên phải đáo tụng đình, thấy ông Chánh án Vũ Đại to béo như hộ pháp, bệ vệ ra ngồi trên bục, chưa hỏi cung bị can hay chứng nhân mà đã biết xử án ra sao. Vì ngài đã nhận đồ vi thiềng rồi ạ! Cho nên ông chánh án thường ngủ gật bên cạnh hai ông thẩm phán và lục sự. 

Rồi tôi còn được nhòm qua lỗ khoá vào một buổi trưa hè, thấy người vợ trẻ của một can phạm nằm ngửa trên bàn giấy để “đút lót” ông thẩm phán tên là Thừa bằng cái tiết hạnh của mình, vừa “đút lót” vừa dẫy dụa và rên ầm ầm, làm tung toé giấy tờ của người đại diện luật pháp. Thấy những người làm cách mạng thứ thiệt bị xét xử như những tên cướp. Thấy những kẻ cướp thực sự bị xét xử rồi về sau lại thấy họ tự khoe là nhà cách mạng! Ngán ngẩm nhất là thấy ông anh lục sự Ninh, béo lùn và đầu hói, ban ngày quát mắng lũ dân đen đi hầu tòa bằng giọng nói thét ra lửa mửa ra khói, chiều tối về nhà lại tiu nghỉu như mèo cụp đuôi trước cơn thịnh nộ không duyên cớ của bà vợ rất dữ. 

Đi làm tại tòa án với số tiền lương là 12 đồng một tháng, tôi đã tự sắm cho mình một bộ đồ Tây mùa hè màu trắng. Nhưng tôi không tiếp tục làm cái nghề nha lại này sau nửa năm nếm mùi công lý màu đen đó. Vả lại tôi đang được ông Tuần phủ Lê Đình Trân yêu thích giọng hát của mình khi tôi vào dinh để chơi với hai người con trai. Rất chiều chồng, bà Trân liền xin mẹ tôi cho tôi làm con nuôi để – gọi là – dạy học cho lũ con nhỏ. Trong thực tế, bà muốn có tôi trong dinh để làm một thứ cô đầu hát cho ông chồng làm quan đầu tỉnh này. Lúc đó người Nhật đem vào Việt Nam hai bài hát thịnh hành là Hà Nhật Quân Tái Lai (Bao Giờ Chàng Trở Lại) và Shina No Yoru (Đêm Trung Hoa). Tôi rất thích bài Hà Nhật Quân Tái Lai với lời Việt của Văn Chung: 

Đi chớ để hình bóng 

Cùng vết thương ở trong lòng… 

Không cứ gì ông Tuần phủ Lê Đình Trân, ai nghe tôi hát bài này cũng phải mê cả. Qua những buổi nhạc hội, tôi đã nổi tiếng là hát hay tại nơi tỉnh lỵ bé nhỏ này. Đây là lúc tôi đã bị Thần Âm Nhạc ám ảnh và tôi đang được ru hồn bằng những bài thơ mới của Huy Cận. Đúng như Hoài Thanh viết về thơ Huy Cận: “… có người sẽ bảo thơ Huy Cận già. Già vì buồn, già vì hay kể lể những chuyện xa, những chuyện xưa. Nhưng trong đời người ta, còn có tuổi nào hay buồn hơn tuổi hai mươi? Còn có tuổi nào vẩn vơ hơn?” Lúc đó, trong giới thi ca, chưa có lối ngâm thơ theo kiểu tao đàn và nếu yêu bài thơ nào người ta thường ngâm lên theo giọng bồng mạc, sa mạc hay theo điệu ả đào… Riêng về phần tôi, với tuổi hai mươi, vì thích những bài thơ buồn vẩn vơ của Huy Cận vừa được in ra trong tập Lửa Thiêng rất phù hợp với sự thất tình vớ vẩn của mình nên tôi đã tập tọe “hát” những bài thơ đó lên theo lối của tôi. Tức là tôi phổ nhạc đấy! Tôi chọn hai bài: 

Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung 
Có ai đàn lẻ để tơ chùng 
Có ai tiễn biệt nơi xa ấy 
Xui bước chân đây cũng ngại ngùng… 

(Nhớ Hờ)

Bỗng dưng buồn bã không gian 
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u 
Nai cao gót lẫn trong mù 
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về… 

(Thu Rừng) 

Hát hai bài thơ trên đây, đối với tôi, là sự tập tành phổ nhạc. Tôi chỉ thành công 20 năm sau với thơ Huy Cận khi tôi phổ nhạc bài Ngậm Ngùi. Tuy nhiên lúc đó tôi lại thành công khi phổ nhạc bài thơ Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính. 

Như đã nói ở trên, tôi được ông Tuần phủ Lê Đình Trân yêu thích giọng hát và bà Trân đã xin mẹ tôi cho tôi làm con nuôi. Tôi bỏ việc làm tại tòa án và vác thân tới ăn ở trong dinh thự của ông bà Tuần phủ Lê Đình Trân. Đã vui vì có thêm một người mẹ nuôi rất yêu thương mình, tôi cũng không buồn rầu vì phải xa mẹ ruột, ngày nào mà tôi chẳng ghé về phố Bắc Hòa thăm mẹ. Tôi còn vui mừng hơn nữa khi bỗng nhiên có một người cha. Dù là cha nuôi. Rất may cho tôi, ông Tuần phủ Trân không phải là hạng quan lại mà tôi ghét thầm. Ông gầy gò và hiền lành, không nghiêm khắc với dân và không nịnh Tây, rất vui tính, yêu âm nhạc và thích đánh cờ tướng. Tôi được ông yêu hơn lũ con ruột vì tôi thỏa mãn hai sở thích của ông. Mỗi ngày tôi phải hát cho ông nghe bài Hà Nhật Quân Tái Lai ít ra là ba, bốn lần. Khi đánh cờ thì ông thua tôi là chuyện dễ hiểu, nhiều khi tôi phải giả vờ thua để ông khoái chí. 

Trong nhà có đầy con cái – một nửa là con bà Hai, em ruột của bà Cả, đã qua đời – nhưng bà Trân đối đãi với tôi như con ruột. Tôi chưa hề được ai “hầu” tôi như bà Tuần phủ này. Bà lo cho tôi mọi sự như cơm ăn, áo mặc, tiền tiêu. Bà Trân ham làm lắm. Thấy bà vợ quan thân hình đẫy đà cầm chổi quét nhà, tôi thường tranh nhau với “bà lớn” trong việc dọn dẹp nhà cửa. Tôi học được ở mẹ nuôi sự chịu khó, sự cần mẫn để sau này hễ làm bất cứ một công việc gì, tôi cũng phải làm cho đến nơi đến chốn. Những con ruột của ông bà Trân được dạy dỗ kỹ lưỡng, đều là những người lịch sự và ngoan ngoãn. Không có ai tỏ ra mình là con quan, kể cả hai cô con gái lá ngọc cành vàng. 

Một người làm quan, cả họ được nhờ. Đúng như vậy! Những người giúp việc trong dinh toàn là có họ hàng với ông bà Trân. Khi thấy thân nhân trong gia đình này thương yêu nhau, nâng đỡ nhau thì tôi chạnh lòng nghĩ tới tình cảnh anh em nhà mình. Trong số người làm có bác Thủ, anh họ của ông Trân, 40 tuổi rồi mà vẫn chưa có vợ. Mắt toét, mũi to, môi dầy và đỏ choét vì ăn trầu, thân hình béo tốt, hằng ngày bác Thủ chỉ phải lo việc châm điếu thuốc lào, đấm lưng, bóp chân cho ông em Tuần phủ. Bác thích đùa nghịch với chúng tôi lắm. Để khoe sức khỏe như vâm của mình, mỗi lần đi tiểu là bác gọi tôi và Giang ra coi. Thận của bác khỏe đến độ bác có thể vén cái thắt lưng xanh lên, vạch cái quần ống chùng ra, đứng ở trên hè đái vọt ra tận giữa đường cái. Đái xa tới bốn, năm thước là ít… Phục bác quá! 

Tôi ở chung phòng với Lê Hồng Giang, chia sẻ với Giang những cuộc chơi thể thao, đàn hát. Có thân hình lực lưỡng và giọng hát khỏe, Giang sau này đi học lớp huấn luyện thanh niên ở Phan Thiết và sẽ lấy tên là Phạm Thành khi tập tễnh muốn làm ca sĩ như tôi sau ngày cách mạng thành công. Cách mạng tháng Tám tới vào năm 45 mà gia đình ông bà Trân không bị hề hấn gì trong khi nhiều người làm quan phải “trả nợ” thì đủ biết bố mẹ nuôi của tôi không bị liệt vào loại cường hào, địa chủ gian ác. Ngoài ra, người con trai thứ của ông bà Trân là sĩ quan Việt Minh Lê Tôn Hy đã hi sinh tại Trương Xá, Hưng Yên vào thời điểm thực dân Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam. Hơn nữa, trong gia đình ông bà còn có người con rể tên Trần Văn Khang, vị giáo sư to béo dạy Sử và nổi danh vì những hoạt động văn nghệ ở Trường Bưởi, là người đã đi theo Việt Minh từ lâu. 

Lúc tôi ở Hưng Yên, trong nước đang có phong trào thể thao do chính quyền bảo hộ đưa ra để thu hút thanh niên. Đại tá Ducoroy được Phủ Toàn quyền giao cho trách nhiệm tổ chức phong trào này. Một trường đào tạo huấn luyện viên thể dục gọi là ESEPIC (Ecole Supérieure D’Education Physique De L’Indochine) được thành lập ở Phan Thiết. Thanh niên Việt Nam tốt nghiệp ở trường này sẽ ăn lương ngạch gardien de la paix tức là lương của một Cò (commissaire) Tây. Lê Ninh và Lê Hồng Giang rủ nhau đi học trường ESEPIC. 

Chính quyền trong tỉnh cũng huy động thanh niên tham gia phong trào thể thao, thể dục. Thầy giáo Nhượng (anh tôi) được giao việc thành lập đội đá bóng và đội điền kinh. Chiều chiều hai đội kéo tới sân vận động tập luyện. Tôi được dịp trổ tài chạy nhanh và nhảy cao, cái thú điền kinh mà tôi đã luyện tập và thành công ở sân vận động SEPTO. Sau đó, hai đội thể dục thể thao được phái đi khắp nơi để lôi kéo các thanh niên nông dân. Lê Ninh, Lê Hồng Giang tốt nghiệp ở Phan Thiết trở về điều khiển hai đội “lực sĩ” này. Hai chiếc xe hàng đưa chúng tôi đi biểu dương tinh thần thanh niên. 

Thế là tôi có dịp được biết phong cảnh và con người ở những huyện, phủ trong tỉnh Hưng Yên mang tên Ân Thi, Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Phù Cừ… kể sao cho hết. Và tôi được thăm viếng các đền thờ các danh nhân gốc Hưng Yên. Được đi vào vườn ổi, vườn táo, vườn nhãn ở Văn Miếu, đền Mẫu hay những đình làng. Được coi mấy trăm pho tượng trong chùa Chuông, tượng bụt đã đành là có nhưng cũng có cả tượng ông quan, tượng người thợ cày, tượng anh nông dân bắt ếch, tượng kẻ tù tội đeo xiềng đeo xích… 

Tôi còn đi thăm Phố Hiến, một cửa khẩu được thành lập từ thế kỷ XVI, theo Văn Thạch viết trong báo Tri Tân vào năm 1942, là một nơi phồn hoa đô hội, có hàng nghìn nóc nhà san sát xen lẫn với các lâu đài nguy nga, dân cư đông đúc, phố xá sầm uất lại thêm có tàu to thuyền lớn ra vào luôn luôn, hàng hóa đổ lên bến tấp nập . Phố Hiến ngày xưa phồn thịnh đến độ có câu xưng tụng: Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến . Tên phố Bắc Hòa, nơi gia đình tôi ở, đã có từ thế kỷ XVI. Nhưng nay Phố Hiến chỉ còn là một bãi cát bồi có lác đác mấy tòa miếu cổ và vài ngôi mộ có tấm bia ghi tên người Hòa Lan, Pháp và Tàu. Bây giờ tôi được biết vì sao trong số rau đậu mà tôi ăn hàng ngày có thứ gọi là đậu Hòa Lan. Người Hòa Lan đem hột đậu sang trồng ở đây từ hồi mới có Phố Hiến. 

Trong phong trào thể thao, thể dục, người Pháp còn tổ chức cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương (Tour D’Indochine) giống như đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour De France) ở chính quốc. Cuộc đua xe đạp thu hút dân chúng ghê lắm. Suốt dọc con đường cái quan, cuộc đua tiến hành với hàng trăm cua-rơ Nam, Bắc tham dự, tới đâu cũng được dân chúng kéo nhau ra coi. Báo chí rầm rộ theo dõi cuộc đua. Trong làng báo đã có những ký giả thể thao đầu tiên là Trọng Thìn, Thiệu Võ. Các cua-rơ đã được ban cho những cái tên rất kêu. Cua-rơ miền Nam lao xe như bay xuống đèo là Phượng hoàng Lê Thành Các. Cua-rơ miền Bắc, Vũ Văn Thân là anh hùng leo dốc. 

Tôi không thích cuộc đua xe đạp nhưng thích môn đánh boxe lắm. Mua cả đôi găng để so tài với bạn bè. Luôn luôn theo dõi hoạt động của nền võ thuật được gọi là quyền Anh này. Võ sĩ đầu tiên của Việt Nam là Tộ, người miền Nam, được gọi là vua đấm. Cùng thời với Tộ là Đặng Trần Thường, người miền Bắc, chịu đòn rất giỏi. Một võ sĩ tên Vũ Văn Ổn thì quảng cáo là có Gồng Trà Kha. Trong trận đánh ở Quy Nhơn với một võ sĩ xuất thân là phu gạo tên Đặng Hồ Khuê, biết rằng không hạ được địch thủ, võ sĩ Gồng Trà Kha xin hòa với võ sĩ Khuê để giữ danh dự. Ở Hưng Yên vào lúc đó chúng tôi mê đánh boxe nhưng chỉ theo dõi các cuộc đấu qua báo chí. Có được coi đánh boxe bao giờ đâu? Làm gì có cái thú như bây giờ, được lười biếng nằm coi chương trình TV với Mike Tyson đấu với Larry Holmes, trong đó bất cứ một cú đấm quan trọng nào cũng được cho chiếu chậm lại (instant replay, slow motion) để mình coi cho sướng mắt! 

Một niềm vui sướng rất lớn lao cũng đến với tôi trong những ngày ở Hưng Yên này. Từ Trạm Chôi ở Sơn Tây, vì không còn cách nào để sống được nữa, vú tôi về Hưng Yên với gia đình tôi. Đã có vú già suốt đời ở với chúng tôi rồi, vú Cẩn chỉ phụ việc vú già một thời gian ngắn rồi ban ngày vú đi làm thợ dệt cho một xưởng vải nhỏ, tối đến vú về ngủ ở nhà tôi. Tôi lại được sống bên người vú sữa mà tôi rất thương yêu. Dù đã hai mươi tuổi rồi, tôi vẫn ôm vú mỗi khi từ dinh Tuần phủ trở về thăm mẹ. Trời đất ơi! Tôi có tới ba người mẹ trong một lúc à? Mẹ đẻ thì hiền lành, chừng mực; vú nuôi thì nhẹ nhàng, kín đáo; mẹ nuôi thì sôi nổi, rộn ràng… cả ba người này chắc chắn đã ảnh hưởng vào tôi. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao, trong số những kỷ niệm ở khắp mọi nơi tại những chân trời góc biển xa gần, tôi thương nhớ những ngày ở Hưng Yên nhất! 

Rồi một ngày kia, Tuần phủ Lê Đình Trân được thăng quan tiến chức, trở thành ông Tổng đốc và được bổ đi làm việc tại Kiến An. Tôi chào tạm biệt mẹ đẻ và vú nuôi rồi leo lên xe ô tô đi về sống tại nơi đồng chua nước mặn với ông bà Trân. Về sau, thỉnh thoảng tôi cảm thấy hơi buồn vì đã bỏ hai người mẹ nghèo để đi sống với người mẹ giàu sang hơn. Nhưng tôi không hối hận vì lẽ giản dị là tôi học được ở bà mẹ nuôi khá nhiều điều bổ ích. 

Kiến An cũng nhỏ bé như Hưng Yên nhưng đời sống ở đây buồn như chấu cắn. Ngoài niềm vui êm ả trong gia đình ông Tổng đốc tại một tỉnh lỵ an tĩnh một cách lạ thường, tôi chỉ có thêm một cái thú là cùng với Lê Hồng Giang, Lê Duy Kỳ leo lên xe đạp đi tắm biển Đồ Sơn. Có khi còn đi xa hơn nữa, vào tận bãi biển Sầm Sơn trong Thanh Hóa.

Tôi giã từ Hưng Yên để theo cha mẹ nuôi về Kiến An. Tôi có tạt về Hưng Yên một lần, rồi chẳng bao giờ trở lại vùng quê có nhiều kỷ niệm đẹp này nữa.

Phạm Duy

Nguồn: Phạm Duy nhớ, Nxb Trẻ

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.