Đây là bài đầu tiên trong sách, viết về nội dung lịch sử hình luật Việt Nam. Công bằng mà nói, đây là bài tốt nhất trong Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn (XHVNTLN) với phần viết về thời Lê đầy đặn hơn hẳn các bài sau.
Tô Như
Tức là về bố cục bài viết là ở mức trung bình khá. Tôi đã đọc Loại chí mục “Hình luật chí”, và mục đó đã viết quá tốt, quá chi tiết. Tôi biết rằng Lê Nguyễn (LN) đã rất may mắn khi kế thừa từ những kết quả khảo cứu của Phan Huy Chú. Mặc dầu có bố cục khá, nhưng bài viết của LN lại tồn tại quá nhiều điểm bất ổn, tỷ như những mốc lịch sử hình pháp quan trọng không được nhắc tới, một số bộ luật không được kể ra, và không ít sự kiện mà tác giả viết không đúng.
I. Những điều chưa ổn
1. Luật nhà Đinh
LN viết: “Nhà Đinh tiếp nối nhà Ngô đã ban hành những điều luật hết sức nghiêm khắc để trừng trị kẻ phạm tội như bỏ vào vạc dầu sôi, thả vào chuồng thú cho cọp xé xác.”
Viết như vậy là chưa chính xác, Toàn thư viết: “Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: ‘Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn.’” Như vậy đây là mệnh lệnh mang tính răn đe của vua chứ không phải làm thành luật.
2. Dẫn nguồn thứ cấp
LN viết: “Sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1782-1840) đã viết về Hình thư như sau: “Buổi đầu, trong việc hình ngục, kiện cáo phiền nhiễu, pháp quan câu nệ luật văn, chuộng sự nghiêm khắc, phần nhiều oan uổng sai phạm…”
Trích dẫn không sai, nhưng thông tin của Loại chí là chép lại từ Toàn thư. LN đã bỏ qua nguồn trực tiếp để dẫn từ nguồn thứ cấp, một cách làm hơi dở. Không chỉ ở chi tiết này mà một loạt các đoạn dẫn trong bài từ Loại chí cũng vậy.
Hoặc “24 điều luật phổ biến trong dân” được LN dẫn nguồn trong Việt Nam sử lược thì có nguồn trực tiếp là Thiên Nam dư hạ tập.
3. Không nhắc tới bộ luật triều nhà Hồ
Năm 1402, “Hán Thương định quan chế và hình luật nước Đại Ngu” (Toàn thư, Hồ, 1402).
4. Không nhắc tới bộ Luật thư thời Lê sơ
Loại chí – Văn tịch chí khi nhắc tới thư tịch cổ Đại Việt có chép vê bộ Luật thư, gồm 6 quyển do Nguyễn Trãi sửa định khoảng niên hiệu Đại Bảo (1440-1442) đời vua Lê Thái tông. Tuy không biết nội dung, như từ cái tên sách ta biết rằng đó là một bộ hình luật ra đời rất sớm ở thời Lê sơ.
5. Không nhắc tới Bát nghị
Bát nghị là một điều cực kỳ quan trọng với hình pháp từ thời Lê trở về sau. Người phạm pháp thuộc diện Bát nghị sẽ được miễn trừ hoặc giảm nhẹ hình phạt.
6. Không nhắc tới bộ Quốc triều điều luật thời Lê Trung hưng
Loại chí – Văn tịch chí cho biết bộ này gồm 6 quyển, sửa định và ấn hành ở năm Cảnh Hưng thứ 38, “Đại khái theo luật cũ đời Hồng Đức thời quốc sơ”.
7. Không nhắc tới việc xử kiện và phúc thẩm ở các triều đại
Việc này khác đáng tiếc vì lịch sử pháp luật nước ta, các thời Lý, Trần, Lê sơ đều nhắc tới việc vua hoặc tể tướng đích thân xử kiện.
8. Không nhắc tới bộ luật đầu tiên của nhà Nguyễn
Trước bộ Hoàng Việt luật lệ do Nguyễn Văn Thành làm tổng tài soạn, vua Gia Long đã từng định ra 15 điều luật lệ để xử kiện. Thực lục chép: “Mùa thu tháng Bảy… Định điều lệ kiện tụng. Sai đình thần tham chước hình luật đời Lê Hồng Đức (niên hiệu của Thánh Tông), định làm 15 điều…” (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1802).
9. Không nhắc tới thu thẩm
Thu thẩm được biết tới như một kỳ phúc thẩm mỗi năm một lần với các tội tử hình, được lập ra ở thời nhà Nguyễn. Tới mùa thu, bộ Hình dâng danh sách các phạm nhân phải tội chết nhưng được cho “giam hậu” (giam lại chờ qua kỳ Thu thẩm). Vua sẽ xem kỹ từng trường hợp để ra quyết định phạm nhân nào đáng xử tử ngay, phạm nhân nào có thể được khoan hồng. Đây là một nét đẹp trong hình pháp nước ta, không nhắc tới thì thực đáng tiếc.
10. Tam ban triều điển
Đây không phải là luật, hoàn toàn không liên quan tới hình pháp. Không hiểu sao LN lại đưa vào nội dung bài viết.
11. Trống Đăng văn
Đánh trống kêu oan đã trở thành một thành ngữ của Việt Nam, liên quan đến việc khiếu kiện, luật pháp. Tiếc là LN đã không nhắc tới trong bài viết của mình.
II. Những điều chưa đúng
1. Bộ luật sớm nhất
LN viết: “Vào thời Trưng vương (thế kỷ thứ nhất), một đoạn văn trong sách Hậu Hán thư của Trung Quốc chứng tỏ rằng người Việt đã có một nền tảng pháp luật riêng biệt…”
Thực ra thì từ thời Nam Việt vương của họ Triệu thì nước Nam Việt đã có hình pháp rồi. Thời Ai vương, vua và Thái hậu xin nội phụ nhà Hán, bởi vậy “bỏ hình phạt cũ thích chữ, cắt mũi, dùng pháp luật nhà Hán như các nội chư hầu” (Toàn thư, Ngoại kỷ, 112 TTL).
2. Quốc triều hình luật
LN viết: “Năm 1230, nhà Trần cho soạn sách Quốc triều hình luật”.
Thông tin này không đúng, thực chất năm 1230, nhà Trần “khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thông chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển” (Toàn thư, Trần, 1230).
3. Tội chặt bàn tay
LN viết: “[Luật của Lê Thái tổ] đánh bạc thì chặt bàn tay 5 phân, đánh cờ thì chặt bàn tay 2 phân.”
Không rõ LN căn cứ sách nào để viết, và ông có suy nghĩ về những thứ mình chép không, ví dụ bàn tay mà chặt 5 phân thì nghĩa là gì? Tôi ước tính 5 phân thì phải cỡ nữa lòng bàn tay rồi, chặt mất thì còn gì là bàn tay nữa? Ở đây là chặt đốt ngón tay, tội đánh bạc chặt 5 đốt, tội đánh cờ chặt 2 đốt.
4. Xao lãng luật lệ
LN viết: “… họ Trịnh ở phương bắc và họ Nguyễn ở phương nam bận đối phó nhau nên xao lãng việc củng cố sinh hoạt xã hội thông qua luật lệ.”
Không biết LN dựa trên nghiên cứu nào mà đưa ra kết luận như vậy. Thời Lê Trung hưng có rất nhiều lần thay đổi, bổ sung luật, đặc biệt liên quan tới quy trình xử kiện. Loại chí ghi nhận các năm 1654, 1659, 1665, 1674, 1676, 1687, 1694, 1717, 1718, 1719, 1721, 1729, 1734, 1777, triều đình có các điều chỉnh về việc xét xử kiện tụng. Ngoài ra, Lê Trung hưng cũng là triều đại ban hành nhiều sách về hình luật nhất từ trước đến giờ, có thể kể tới Quốc triều điều luật (1777), Khám tụng điều lệ (1778).
5. Chúa Trịnh Tạc bỏ phép dùng tiền chuộc tội
LN viết: “Đến đời chúa Trịnh Tạc (1657-1682), quy định về việc dùng tiền chuộc tội bị bãi bỏ”.
Điều này là sai. Nội dung thay đổi luật năm 1663 chỉ là “những phạm nhân nào không được dự vào bát nghị, đều phải theo hình luật đã luận tội nặng hay nhẹ mà thi hành, không được phép chuộc” (Cương mục, quyển 33, 1663). Nghĩa là không bỏ hoàn toàn lệ dùng tiền chuộc tội mà là giới hạn phạm đối tượng được chuộc tội.
Các đời chúa sau, sử nhiều lần chép về việc cho chuộc tội này, có thể liệt kê như sau:
– Năm 1669, sử chép việc chúa muốn làm chính sự trở nên tốt đẹp hơn, liền ra 18 điều, trong đó có “Các thứ tiền chuộc tội và tiền phạt mà chưa thu được tiền tha miễn cả” (Toàn thư, Lê, 1669).
– Năm 1732, vì trong nước nhiều giặc giã nên triều đình muốn thi hành ân xá để phủ dụ dân, hạ lệnh “phần thuế tô và dung đều được xá cho hai phần mười; Thanh và Nghệ về tiền nhà trạm và tiền cửa đình; tứ trấn và ngoại trấn về tiền nộp để chuộc tội còn bỏ thiếu chưa nộp; đều được miễn xá” (Cương mục, q38, 1732).
– Đến thời chúa Trịnh Doanh, năm 1752, Phạm Đình Trọng trình bày bốn mối tệ với chúa, trong đó có “Thu tiền phạt chuộc tội thêm làm nhiễu dân” (Cương mục, q41, 1752)
– Năm 1758, vì hạn hán mất mùa nên triều đình lại “miễn tiền gia tô và tiền chuộc tội còn bỏ thiếu từ lâu” (Cương mục, q42, 1758).
– Năm 1764, chúa đặt các chức quan ở mỗi phủ để thu thuế và “tiền nộp chuộc tội còn thiếu lại” (Cương mục, q42, 1764).
– Đời chúa Trịnh Sâm, năm 1767, chúa lên ngôi nên muốn lấy lòng dân, bèn “tha tiền thuế thiếu từ các năm trước và tiền chuộc tội” (Cương mục, quyển 43, 1767).
Nghĩa là luật pháp vẫn đang cho phép người có tội được chuộc bằng tiền. Việc tiếp tục cho dùng tiền chuộc tội còn được ghi rõ trong Loại chí:
“Huyền Tông, năm cảnh Trị thứ 3 [1665], định lệ tạ phạt trong việc xử kiện: về án lớn mà xử không đúng thì xử biếm 1 tư, cho nộp tiền chuộc như sau: nhất phẩm chuộc 100 quan, nhị phẩm 75 quan, tam phẩm 50 quan, tứ phẩm 30 quan, ngũ phẩm 25 quan, luc thất phẩm 20 quan, bát cửu phẩm 15 quan; về án nhỏ mà xử không đúng thì xử phạt: xã trưởng và phủ huyện 5 quan, Thừa [ty], Hiến [ty], Đề lĩnh, Trấn thủ, Cai đạo 15 quan, Ngự sử [đài] 20 quan.”
6. Bộ luật Gia Long ra đời năm nào?
LN viết: “Tháng 7 AL năm 1812, bộ luật hoàn tất gồm 22 quyển, cộng 398 điều”.
Viết vậy không quá sai, nhưng vô nghĩa, bởi vì phải tới năm 1815 thì bộ luật này mới được khắc in và ban sách ấy cho ra khắp cả nước và quy định “Từ nay xét xử ngục tụng, hết thảy y theo luật điều mới ban, không được trái vượt” (Thực lục, đệ nhất kỷ, 1815)
7. Bộ luật nhà Nguyễn thay đổi không đáng kể
LN viết: “Đến các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, có một số thay đổi không đáng kể trong bộ Hoàng Việt luật lệ như chỉ dụ về tài sản của người vô tự (không con) hoặc chỉ dụ về khế ước điểm mại (bán đợ) và khế ước đoạn mại (bán đứt) vào năm 1839…”
Không rõ LN căn cứ vào đâu để kết luận bừa như vậy. Cũng như các bộ Hình luật những triều đại trước, nghĩa là một bộ luật ra đời nhưng không hề bất biến. Nó luôn được sửa đổi và bổ sung để hợp với các điều kiện xã hội. Triều Nguyễn cũng như vậy, Hoàng Việt luật lệ được bổ sung và ngoài các luật lệ trong sách ra thì còn có các nghị định được ban hành dưới các đời vua sau. Nghị định đã trở nên một thành phần quan trọng của luật pháp mà triều đình luôn đề cập, sử dụng khi xem xét án tụng hoặc rà soát luật lệ. Từ nghị định, triều đình sẽ thêm thành các điều luật bổ sung. Điển hình như Quốc triều chính biên toát yếu viết về việc vua Tự Đức nghe trong dân có tục đua nhau ăn mặc xa xỉ, lễ hôn chưa đúng, liền truyền bộ Lễ xem xét và bàn định.
Thế rồi “bộ Lễ lấy luật lệ và nghị định trong năm Minh Mạng thứ 8 và 19 tâu lên…” Như vậy Toát yếu đã để lại một đầu mối khá rõ ràng về việc vua Minh Mạng có đặt thêm luật lệ và nghị định. Lần giở Đại Nam thực lục Đệ nhị kỷ, ta sẽ thấy thời Minh Mạng từng có một lần bổ sung lớn Hình luật. Đó là Chín điều luật phạm gian.
Năm Minh Mạng thứ 8, vua dụ bộ Hình rằng các điều luật “Phạm gian mà hòa gian và điêu gian” xử trượng quá nhẹ, nên muốn đình thần đặt luật nặng thêm. Kết quả là Chín điều luật được bổ sung và cho thi hành ngay trong tháng Bảy năm đó. Trong đó, hình phạt cao nhất đẩy lên mức xử chém bêu đầu, xử giảo. Các điều luật này về sau được gọi là các nghị định năm Minh Mạng thứ 8.
Sang tới thời vua Tự Đức, năm thứ 28, vua tiếp tục cho đình thần bàn nghị để biên vào luật, “tra luật lệ phạm gian gồm 34 điều, châm chước định khoản nào theo luật, khoản nào theo lệ, lần lượt kê ra tâu lên chờ chỉ quyết định. Trong đó có 21 điều theo nghị Minh Mệnh năm thứ 8; 2 điều theo nghị Tự Đức năm thứ 10. Còn thì đều theo luật lệ cũ mà làm.” Vua y cho (Thực lục, đệ tứ kỷ).
Về nghị định năm Minh Mạng thứ 19, nó được nhắc lại ở thời vua Thiệu Trị, về thể lệ quan viên cao cấp để tang. Như vậy có lẽ nội dung nghị định liên quan tới lời tâu của bộ Lại về châm chước điển lệ nhà Minh, Thanh để đặt ra điển lệ phong tặng ông bà cha mẹ quan viên văn võ. Việc này không liên quan đến Hình luật. Ngoài ra thời vua Tự Đức, nhắc tới nó về việc “việc hạn chế về phục dụng, về hôn thú”. Căn cứ vào luật và nghị định, vua Tự Đức ban hành quy chế bổ sung về phục dụng của quan viên và dân thường; Lễ nghi về tang tế, việc Lễ lạt ở hương đảng và cả việc sính lễ giá thú. Việc này cũng không liên quan tới Hình luật.
8. Xét xử tại trung ương
LN viết: “Việc xét xử tại trung ương do các cơ quan thuộc bộ Hình thụ lý”.
Câu này sai hoàn toàn với quy định pháp lý thời Lê và Nguyễn. Thời vua Minh Mạng, năm 1832 đặt ra Tam pháp ty để lo việc kiện cáo ở kinh. Cụ thể: “lấy ba nha của Hình bộ, Đô sát viện và Đại lý tự, gọi riêng là Tam pháp ty, rồi tìm đặt làm dinh thự ở góc đông nam trong Kinh thành” (Thực lục, đệ nhị kỷ, 1832).
9. Thí vua Hiệp Hòa
LN viết: “nhà vua [Hiệp Hòa] đã gặp ngay viên quan Ông Ích Khiêm đứng chờ sẵn, tay bưng cái khay trên đặt một thanh đoản kiếm, một chén thuốc độc và một vuông lụa. Sau một thoáng ngần ngừ, vua Hiệp Hòa bưng chén thuốc độc uống cạn (có tài liệu chép khác, cho rằng nhà vua kháng cự, bị đè xuống, đổ thuốc độc vào miệng”.
Không biết “tài liệu chép khác” mà LN muốn nói là tài liệu nào và nguồn tài liệu về việc thí vua Hiệp Hòa của LN là đâu. Xin chép lại đoạn viết trong Thực lục:
“Lúc bấy giờ, vua sai thái giám là Trần Đạt đem tờ chiếu nhường ngôi, yêu cầu lui về chỗ phủ cũ. Hai người [Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết] giả cách nhận lời, sai Tôn Thất Thạ đem võng đưa vua cùng phi tần nội cung cho về phủ cũ (ở địa phận xã Phú Xuân). Nhưng mật dặn riêng Ích Khiêm, Văn Đễ trực trước ở ngoài cửa Hiển Nhân, đón đường sai đưa vua đến nhà Hộ Thành, cho uống thuốc độc giết đi. Lúc bấy giờ những phi tần đã cho về trước để hộ vệ đưa vua. Khi đến đấy, Ích Khiêm, Văn Đễ cho thuốc độc vào nước chè dâng lên, vua không chịu uống. Văn Đễ ra lạy khóc khuyên rằng: “Vua tôi đến lúc biến không thể làm thế nào được.” Vua nói rằng: “Ta lại không được bằng Thụy quốc công à?” Còn lần chần không uống. Ích Khiêm bèn đem nước chè ấy đổ vào miệng vua. Lập tức phát lên như người phải gió. Một lúc lâu Trần Xuân Soạn ra truyền nói rằng: Nếu để chậm quá sẽ phải tội nặng, lập tức lấy tay bóp họng vua lè lưỡi, lồi mắt ra, rồi vua mới chết. Đến lúc đưa vua về phủ, thấy chỗ cổ họng vua sưng như cái cung giương lên, ai cũng thấy làm lạ. Ích Khiêm, Văn Đễ vào bảo rằng: “Lãng quốc công đến đấy đã uống thuốc độc chết rồi.” (Thực lục, đệ tứ kỷ, 1883).
Cái chết của vua Hiệp Hòa được chính sử chép lại rất rõ, không hề có tam ban triều điển, không hề có rượu độc mà do Ông Ích Khiêm đổ nước chè pha độc rồi Trần Xuân Soạn bóp cổ tới chết.
10. Án lăng trì chủ yếu dành chống lại các giáo sĩ Cơ Đốc?
LN viết: “Hình phạt này [lăng trì] được thi hành nhiều nhất dưới các thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, chủ yếu chống lại các giáo sĩ truyền bá đạo Cơ Đốc”.
Không biết LN đã làm thống kê chưa, hoặc căn cứ vào đâu để kết luận như vậy. LN dẫn ra được một ví dụ về án lăng trì giáo sĩ Marchand (tức Cố Du). Thực ra án lăng trì chủ yếu là dành cho các tội danh phản loạn. Có thể liệt kê:
Thời Gia Long: Lê Văn Hoán, Nguyễn Văn Thuyên (1817).
Thời Minh Mạng rất nhiều, tạm liệt kê vài chục cái tên: Lý Khai Ba (1823); Nguyễn Đức Khoa và Vũ Tiêm (1823); Nguyễn Đình Cúc (1823); Nguyễn Trọng Giao (1824); Ma Kiền, Ma Bi (1826), Hoàng Đình Bành, Nguyễn Đức Trường (1827), Lý Công Đồng (1828); Trần Tứ, Đỗ Bảo (1832); Lê Duy Lương, Lê Duy Nhiên, Lê Văn Lận, Phạm Doãn Dũng và Hoàng Kim Thịnh, Đỗ Viết Trai, Bùi Văn Thuận, Hoàng Công Bá, Hoàng Văn Thông, Trần Khắc Doãn, Đào Duy Phước, Lê Văn Nhiếp, Hoàng Văn Sương, Nguyễn Văn Nguyên, Hoàng Kim Lượng (1833); Nguyễn Khắc Thước, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Chân, Quách Ngọc Khuyến, Nguyễn Văn Trịnh, Trần Đình Tam, Nguyễn Văn Sương, Trần Văn Cảm, Triệu Văn Triệu (1834); Lưu Trọng Huyền, Lưu Trọng Liêu, Nông Văn Nghiệt, Nông Văn Hải, Nguyễn Thế Thọ, Nguyễn Thế Liễu, Nguyễn Thế Khôi, Bế Nguyễn Thục, Xạ Căn, Nguyễn Văn Thừa, Nguyễn Văn Nguyên (1835)… Cao Lăng Nê (1839)…
Thời Thiệu Trị: Lê Văn Khoa, Lâm Sâm (1841); Nguyễn Văn Nhàn (1843); Phan Hữu Phú và Vũ Gia Hội (1844); 10 người bọn Nguyễn Hữu Chính (1847).
Thời Tự Đức: Tôn Thất Thiều, Phạm Xích (1851); Trần Trường, Hoàng Ngọc Quang (1852); Đào Trí Phú (1854); Lý Mân, Hoàng Ngại, Thị Cát (1855); tên Xuyên (1858); Lê Duy Hòa, Lê Duy Đạo, Lê Duy Cự, Lê Duy Uân. Đào Mỹ, Hồ Thành, Cao Bá Nhạ Cao Bá Phùng, Đỗ Lệnh Hựu (1859); Nguyễn Văn Viện (1864); Tạ Văn Phượng, Nguyễn Đình Ước, Lê Bá Đức, Vy Xuân, Phan Văn Khương (1865); 13 người đám Trưng, Trực, Hòa, Quý (1866); Nguyễn Văn Nhuận (1874); Hoàng Anh (1875); Nguyễn Đình Huân (1876); Trương Thập (1877); Lô Văn Nhâm (1880).
Trong các trường hợp trên, chỉ trừ vụ tên Xuyên (1858) là liên quan tới đạo Thiên Chúa, còn lại hơn trăm án lăng trì đều do tội phản nghịch hoặc ngỗ nghịch (con giết cha mẹ, em giết anh, vợ giết chồng) và các tội danh này đều được ghi rõ là tội cực hình (tức lăng trì) trong luật. LN đã không tham cứu lịch sử để đưa ra kết luận vội vàng. Thậm chí trường hợp mà LN đưa là ví dụ như Cố Du cũng không phải do hoạt động truyền bá đạo mà ông ta bị lăng trì vì mưu phản cùng Lê Văn Khôi, tương tự như trường hợp Cao Lăng Nê (1839).
III. NẾU LÀ TÔI
Cổ luật Việt Nam đã có các bộ sách tuyệt vời của tác giả Vũ Văn Mẫu (Dân luật khái luận, Cổ luật Việt Nam thông khảo,…) Để viết tốt hơn một chuyên gia đầu ngành hiển nhiên là không thể, nên việc khả dĩ nhất ta có thể làm được là lược lại nội dung trong các tác phẩm ấy kết hợp với việc tra cứu các bộ sử và viết thành một dạng bài tổng hợp, cốt sao độc giả có cái nhìn khái quát về Hình luật Việt Nam từ Lý tới Nguyễn.
Thêm nữa, mặc dù luật pháp đã có các quy định cụ thể, nhưng song song đó là các ngoại lệ dành cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Đã viết về hình luật thì không thể thiếu các điều khoản khoan miễn này. Và bên cạnh đó là các hình thức tương tự như phúc thẩm, giám đốc thẩm thời nay, nó cho ta biết rằng triều đình phong kiến cũng coi trọng nhân mạng, họ không dễ dàng ra phán quyết tử hình một con người.
IV. Tiểu kết
Cổ luật vừa là một chủ đề dễ viết, lại vừa là chủ đề cực kỳ khó viết. Với nội dung điểm qua lịch sử các bộ cổ luật từng tồn tại, chỉ cần tra cứu Toàn thư, Cương mục, Loại chí là tương đối đủ. Nhưng muốn viết sâu hơn về nội dung các bộ luật thì cần kiến thức căn bản rất vững. Bài viết của LN đã không đạt được cả hai yêu cầu này.
Về lịch sử hình pháp, LN bỏ sót rất nhiều mốc lịch sử, nhiều bộ hình thư được ban hành, cũng như không đề cập các điều căn cốt tạo nên một hệ thống tư pháp của hai triều đại Lê và Nguyễn.
Về nội dung các bộ luật, LN chỉ đưa ra các nhận định mơ hồ và không có dẫn chứng. Tỷ như so sánh luật (Hồng Đức và Gia Long) với bộ luật các triều đại Trung Quốc, tác giả chỉ nói rằng “mô phỏng”, nhưng mô phỏng như thế nào, mô phỏng những gì và cải biến ra sao thì tuyệt nhiên không nói đến. Tôi tin rằng LN chỉ nhắc lại những điều người ta thường nói (ví dụ nhắc lại nhận định của Vũ Văn Mẫu) chứ ông không thực sự nắm được vấn đề này. Nguồn: Sách “Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn (của tác giả Lê Nguyễn) sai như thế nào?
Tô Như