Chiều Về Trên Sông

Saigon 1956. Lúc này tôi có thì giờ để sống với thiên nhiên hay đọc sách về tạo vật, thấy thiên nhiên thật là quyến rũ, tạo vật thật là thiêng liêng nhưng không hiểu vì sao tôi thấy tôi buồn mênh mang trong lòng! 

Phạm Duy – Lê Hữu

mekong

Tôi cũng giống như trong bài thơ Chiều của Xuân Diệu: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”… và khi đọc tập Lửa Thiêng của Huy Cận thì thấy lòng mình bao trùm một nỗi sầu da diết. Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp và buồn. Nỗi buồn đó dường như là vô cớ hay siêu hình, nhưng hình như là buồn thương về cuộc đời, kiếp người. Hồn thơ ảo não, bơ vơ đó vẫn cố đi tìm được sự hài hòa và mạch sống trong tạo vật và cuộc đời. 

Tôi soạn nhiều bài ca xưng tụng thiên nhiên và tạo vật, không buồn lắm, có thể nói rằng vui là khác nữa như: Hoa Xuân, Xuân Thì… gọi là Xuân ca. Rồi tới Hạ Hồng, Ngày Tháng Hạ cho những Hạ ca. Thu ca thì có Nước Mắt Mùa Thu, Mùa Thu Chết. Đông ca là Chiều Đông, Mùa Đông Paris, gọi chung là BỐN MÙA CA HÁT. Bài hát có nhiều tình cảm thiên nhiên nhất là bài: 

Chiều Về Trên Sông 

(Saigon-1956) 

Chiều buông trên dòng sông Cửu Long 
Như một cơn ước mong ơi chiều 
Về đâu, ơi hàng cây gỗ rong 
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều 
Buồn tôi không vì sao bỗng dưng 
Theo đò ngang quá giang, thương chiều 
Bởi vì thương nhiều, nên nhớ Tình yêu. 
Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ 
Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ 
Có khi vui lửng lơ, có khi tuôn sầu u 
Bởi vì chiều buồn, chiều về dòng sông 
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán 
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn 
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo. 
Chiều buông trên dòng sông cuốn mau 
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều. 
Về đây bọt bèo muôn khắp nơi 
Vui buồn cho có đôi, không nhiều 
Ngày mai sông về quê mến yêu 
Cho trùng dương cũng theo hương chiều 
Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu. 

Nỗi Buồn Sông Nước 

(Nhà báo Lê Hữu) 

Chiều buông trên dòng sông Cửu Long 

Không phải “chiều xuống” hay “chiều rơi” hay “chiều trôi” mà là “chiều buông”, nghe như màn sương chiều lướt thướt, như vạt áo choàng mềm mại của chiều tà phủ trùm lên một vùng sông nước mênh mông… 

… trên dòng sông Cửu Long 
Như một cơn ước mong, ơi chiều!… 

“Cơn ước mong” ấy đọc được nói ra rành rọt trong những dòng hồi ký phơi trải nỗi niềm của người nhạc sĩ: 

… Tôi nhớ đồng quê, tôi nhớ thiên nhiên vô cùng. Tôi tìm mọi cách để ra đi. Rồi tôi có những buổi chiều ngồi bên dòng sông Cửu Long… để mong được như hàng cây gỗ rong, nghiêng mình (trôi) trên sóng sông yêu kiều. Tôi còn muốn theo đò ngang quá giang, thương chiều… 

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng 
Mênh mông không một chuyến đò ngang… 

Cảm khái bài thơ tả tình tả cảnh sông nước của Huy Cận, nhạc sĩ Phạm Duy soạn ra Chiều Về Trên Sông. Ông viết: 

…Chuyến đi về miền Cửu Long Giang này không kích thích sự tò mò của tôi vì ở trong Nam không có nhiều danh lam thắng cảnh như ở các miền ngoài. Nhưng tôi cũng được sống với cảnh vật của quê hương tôi, sống với những nhánh sông của chín con rồng để chiều chiều, giống như thi sĩ Huy Cận, nhìn ra mình là “củi một cành khô lạc mấy dòng” trôi trên sông mênh mông không một chuyến đò ngang…, để mấy chục năm sau, có bài hát nhan đề Chiều Về Trên Sông… Bài thơ Tràng giang đã từng ám ảnh tôi từ lâu. Nhưng ngồi bên bờ một con sông quê hương, nếu Huy Cận không có một chuyến đò thì tôi lại muốn có một chuyến đò ngang, có lẽ bởi tôi là người luôn luôn sợ ngăn cách. 

Buồn tôi không vì sao bỗng dưng 
Theo đò ngang quá giang thương chiều 

Câu hát này, theo tôi, là câu hát hay nhất trong bài. Nỗi buồn sông nước những muốn “quá giang” theo đò ngang trôi đi trong chiều. Hình ảnh con đò lênh đênh trên sóng nước là hình ảnh rất quê hương Việt Nam. Bài thơ Tràng giang gửi gắm nỗi niềm của Huy Cận: “Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”… Ca khúc Chiều Về Trên Sông ký thác tâm sự của Phạm Duy: Bể sầu không nhiều nhưng cũng đủ yêu… 

Cũng là nỗi buồn sông nước, nhưng hai người hai nỗi niềm tâm sự. 

Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông 

Bởi vì người buồn người ra ngắm dòng sông. Người thả trôi theo dòng nước những phiền muộn âu lo, những hệ lụy của đời sống. 

Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ 
Mơ gì đây? Biết có phải là mơ… 
Ngày mai sông về quê mến yêu 
Cho trùng dương cũng theo hương chiều… 

Nỗi niềm hoài hương cũng theo sông theo biển chảy “xuôi về miền quê lai láng”, như trăm suối ngàn sông đều đổ ra biển cả, như mạch nước xuôi về nguồn, như dòng máu chảy về tim, như chiếc lá rụng về cội. 

Nốt nhạc cuối rướn lên, như lời giải bày thiết tha. 
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán… 
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn! 
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo!… 
Nốt nhạc cuối lại rướn lên, đọng lại, nghe ray rứt, não nuột. 
Có khi vui lững lờ – Có khi tuôn sầu u 

Vui thì lững lờ như nước trôi, mây trôi. Buồn thì dào dạt như mạch suối tuôn tràn. 

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”, dòng sông thì mênh mông bát ngát, lòng người thì mênh mang vời vợi như câu thơ Huy Cận. “Sóng gợn”, buồn cũng gợn. Chiều trôi, mây trôi, nước trôi… Bóng chiều quạnh quẽ phủ trùm lên một vùng sông nước lặng lờ. 

Cảnh “chiều buông trên dòng sông Cửu Long” có thể gặp ở bất kỳ cảnh trời rộng sông dài nào chứ chẳng phải riêng gì sông Cửu Long. Cảm giác vui lững lờ, buồn dào dạt ấy có thể gặp ở bất kỳ cảnh chiều nào trên bến sông. Nghe những bài hát như thế cần chút tĩnh lặng, cần nhắm mắt lại, để nghe chiều đi lặng lẽ, nghe nỗi buồn trôi đi chầm chậm và nghe… 

Chiều buông trên dòng sông cuốn mau 
Thương đời thương lẫn nhau ơi chiều… 

 Sự đồng điệu Đông-Tây

Nguyễn Ngọc Sơn, một sinh viên đi học ở Nga 

Tại Moscow nơi tôi đang là một nghiên cứu sinh về luật học, tôi được may mắn quen và chơi thân với Stive Nopve, một sinh viên gốc Ukraina, con trai một giáo sư âm nhạc tại nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky. Trong nhiều lần đến chơi và sống với gia đình của cậu bạn, tôi cũng được nói chuyện nhiều với giáo sư. Vì hợp nhau và vì muốn giới thiệu những giá trị văn hóa của người Việt qua nhiều giai đoạn, tôi giới thiệu với ông nhiều CD nhạc giá trị mà tôi có của nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy. Có lẽ bài hòa tấu đầu tiên mà ông nghe của nhạc Phạm Duy là bài Chiều Về Trên Sông do nhạc sĩ Duy Cường hòa âm. Ông chăm chú và đòi nghe lại nhiều lần… Ông ngạc nhiên lắm, ngạc nhiên và thích thú như đang ngồi nghe gió trên sông Vonga, trầm ngâm như đang lặng lẽ đứng ngắm những con sóng trên dòng sông trong một mùa thu lãng mạn… 

Ông nói với tôi: “Lạ quá, trong dòng nhạc này có âm hưởng của nhạc cổ điển châu Âu, nhưng lại mang phong cách phương Đông rõ nét. Từng giai điệu và những điểm nhấn trong âm vực, âm hưởng đầy hoành tráng của nhạc cổ điển, vững chắc như những rừng cây nhưng thiết tha như những cơn gió, điều này chỉ có trong nhạc cổ điển châu Âu. Bên cạnh đó, cách luyến âm, chuyển đoạn lại rõ nét âm nhạc của phương Đông…” 

Ông nghe ở đó có hơi thở của người Á Đông với những điệu cười và những cơn bão nhiệt đới… 

Thật thú vị, tôi vui lắm vì lúc này tôi mới hiểu rằng trong âm nhạc không hề có sự cách biệt về ngôn ngữ và dân tộc, một nhạc sĩ người Việt đã rong ca hơn nửa thế kỷ trước, một ông giáo già người Nga Xô Viết chính hiệu, thế mà chỉ với một nhạc phẩm, họ dường như đã nghe được tiếng nói của nhau, hiểu được những cảm nhận của nhau. Ông giáo già đánh giá rất cao sự sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Duy. Sự kết hợp Đông và Tây trong giai điệu và trong nhạc lý đã tạo cho nhạc phẩm một sức sống vượt không gian, tạo nên sự sáng tạo trong phong cách của nhạc Phạm Duy. Ông giáo già vui lắm, vì ông tìm được sự đồng điệu của người phương Tây và người phương Đông trong Chiều Về Trên Sông

Ông nói: “Con sông dù ở đâu cũng là dòng nước… cũng cuốn trôi những gì ngăn cản nó, cũng réo rắt tiếng gió và cũng tạo nên những khoảng trống trong không gian. Nhạc Phạm Duy đã vẽ lên được điều đó, đã làm cho người hưởng thụ dù ở phương Đông hay phương Tây đều cảm nhận được cái cảm giác đó của chính Phạm Duy bằng giai điệu trong lòng mình”. 

Tôi chợt bừng tỉnh, bài hát này được sáng tác mấy chục năm về trước mà bây giờ tôi nghe vẫn hay. Có một buổi chiều đứng bên Cửu Long Giang, tôi cũng nghe trong gió tiếng nhạc hoành tráng của thiên nhiên, trong tiếng của dòng chảy có âm vang vài trăm năm của cha ông mà nhạc phẩm đã truyền tải… Không nói đến ca từ, chỉ nói đến cảm giác mà Chiều Về Trên Sông đem lại cho người nghe cũng đã thấy được giá trị hiện đại của nó. 

Người bố giáo sư của bạn tôi đã dạy cho tôi biết rằng: một nhạc phẩm mà không mang hơi thở của hiện đại thì không thể dùng dàn nhạc Tây phương để hòa nhạc được. Ông cho rằng Chiều Về Trên Sông sẽ là một nhạc phẩm tiêu biểu qua mọi thời đại của Nhạc Việt Nam. Và để hòa âm nó, người ta phải kết hợp cả nhạc khí phương Tây và phương Đông mới nói hết được ý nghĩa và nội dung của nó. Sự cao vút trong âm hưởng và sự réo rắt trong giai điệu đòi hỏi điều đó. Nó xuất phát từ tự nhiên và tính nhân bản của con người nên nó luôn hiện đại cho dù thời gian nó ra đời đã qua. 

Phạm Duy – Lê Hữu

(Saigon 2003) 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.