Trong Vài Ngày Làm Việc ở Chung Sự Vụ, Trung úy Lan, chỉ huy trưởng Đại Đội Chung Sự, mỗi sáng đi một vòng thăm các trung đội và tiểu đội, các phòng và ban. Ở khắp nơi, nhất là trong khu Nhà Xác, người cựu giáo sư Việt Văn, đương kim chỉ huy trưởng Đại đội, phát cho các quân nhân thuộc cấp dầu Nhị Thiên Đường.
Nguyên Sa

Ngày nào có nhiều, cho mỗi phòng, mỗi ban một chai nhỏ. Những ngày không có nhiều, chai dầu của Trung úy Lan đưa ra được các quân nhân thuộc cấp chuyền tay nhau. Tình bạn, tình đồng ngũ, ở trong Đại Đội độc đáo của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa này hiện ra trong động tác chia nhau chút mùi hương dầu gió. Giống như những nơi khác, người ta hút chung một điếu thuốc, chia nhau một khẩu phần lương khô, mấy viên thuốc sốt rét. Bầu không khí Đại đội có u uẩn mùi tử khí, trong khu vực của Nhà Xác, mùi tử khí không phải chỉ u uẩn mà còn, những ngày oi nóng, nồng nặc vì những xác chết để lâu, dầu Nhị Thiên Đường là một nhu cầu.
Trong đời sống thực tế, Trung úy Lan không cấp phát cho thuộc cấp dầu Nhị Thiên Đường bao giờ. Không cấp phát nguyên chai, cũng không chia sẻ hương thơm. Chính bản thân Trung úy Lan cũng không dùng loại dầu gió đó bao giờ ngoại trừ những ngày đau ốm. Chung Sự Vụ có ông Thượng Sĩ Mùi uống rượu như hũ chìm, và ông không uống lén lút, không uống ngoài giờ làm việc. Ông Mùi uống tù tì ngay trong giờ làm việc, đúng ngay lúc ông thực hiện công tác đặc biệt mà ông được giao phó và mọi người trong đại đội cũng như thân nhân của những tử sĩ lặng yên nhìn ngắm ông Mùi uống rượu một cách vừa e ngại, vừa kính cẩn. Thượng sĩ Mùi ráp những thân người vào những tay chân và những đầu người đã bị chém đứt lìa ra khỏi cơ thể. Ông cần chút men, để phủ lên những xúc động ở trong chính bản thân ông. Tôi không biết trong đời sống thực tế có Đại Đội Chung Sự Vụ nào có ông Thượng Sĩ nào làm công việc nhân đạo này không. Người ta xếp hầm bà lằng những thân xác, chân tay và đầu người vào một quan tài hay sắp xếp lại cho trúng đầu nào, chân tay nào cho thân thể ấy? Tôi tự nêu lên câu hỏi và tôi tự tìm thấy câu trả lời cho Đại Đội Chung Sự của Trung Úy Lan.
Tất cả sự thật là tôi chưa làm việc ở một đại đội Chung Sự bao giờ. Tôi cũng chưa đi thực tập, hay thăm viếng, và tệ hơn nữa chưa nhìn thấy một Đại Đội Chung Sự dù chỉ một lần. Tôi cũng không có kinh nghiệm gì về việc chôn cất tử sĩ. Tôi có quen một vài bằng hữu tử trận. Tôi vẫn nhớ mãi nhà văn Song Linh có tập truyện ngắn có lòng ái mộ đưa tôi đề tựa đã đền nợ nước trên chiến trường. Tôi làm bài “Nguyễn Quan Đại chết ở Khe Sanh” sau khi nghe tin Trung Úy Nhảy Dù họ Nguyễn rất cao, rất trẻ, rất oai hùng đã bỏ đi. Đám tang của quân nhân tử trận làm tôi cực kỳ xúc động là đám tang của vị Trung Úy Thụ, phu quân của cô Chu Thị Hảo, Quản Lý của trường Văn Học. Nhà tôi ở phía sau trường. Đó là đêm 24 tháng 12, đêm Giáng Sinh của một năm trong thập niên sáu mươi, gia đình bằng hữu cùng nhau ăn cơm khi chiếc quân xa chở quan tài có phủ cờ tới nơi. Người ta giao xác của người chồng tử trận cho cô Chu Thị Hảo, không tìm thấy địa chỉ tư gia, người ta tìm đến nơi làm việc. Tôi hướng dẫn những người có nhiệm vụ đưa linh cửu người chiến sĩ về cho thân nhân tới nhà Hảo. Tôi trở lại ngày hôm sau phúng viếng, nhìn thấy người sĩ quan đứng bất động bên quan tài, làm động tác chào kính khi người thăm viếng lễ vĩnh biệt người quá cố, Hảo trong tang chế màu trắng khóc thảm thiết.
Tôi không biết trong khuôn khổ của một đại đội chung sự có những phòng và ban như phòng bảo tồn di vật, ban thiết quan, ban đào huyệt hay không. Tôi tìm thấy thành ngữ “bảo tồn di vật” nhờ đọc thấy trên một tờ báo loan tin liên hệ đến những di vật của cố TT Diệm như chiếc cặp da, thanh gươm lệnh của người Tổng tư lệnh quán đội được tồn trữ ở phòng Bảo Tôn Di Vật ở Tổng Tham Mưu. Một số những di vật được trả lại cho thân nhân của cố TT Diệm, một số, như thanh gươm lệnh, được lưu giữ trong phòng Bảo Tồn Di Vật vì thuộc về tài sản quốc gia. Bài báo đó tôi đọc trước khi theo học khoa chuyên môn ở trường Quân Nhu. Tôi hỏi sĩ quan huấn luyện về phòng Bảo Tồn Di Vật có phải là một phòng trực thuộc Quân Nhu không? Chung Sự Vụ là một cơ quan thuộc Quân Nhu, vậy phải chăng Bảo Tồn Di Vật cũng thuộc Quân Nhu? Bảo Tồn Di Vật là một phòng hay một sở? Trực thuộc Cục hay trực thuộc một Chung Sự Vùng? Người sĩ quan giảng viên mà tôi nêu lên câu hỏi là một chuyên viên về xăng. Anh thích nói chuyện xăng trên tàu dầu và xăng trong bồn chứa, xăng trong trời nóng và xăng trong trời lạnh. Anh dặn dò chúng tôi thật kỹ càng tàu dầu mang xăng tới không được bơm vào bồn ngay phải chờ hai mươi bốn tiếng. Vì sao? Vì rằng khi tàu di chuyển, xăng lắc lư theo con tàu đi, nhiệt độ của xăng tăng lên, xăng dãn nở, cho nên nếu bơm ngay khi tàu dầu cập bến thì đồng hồ đo cho thấy mình đã tiếp nhận 1 triệu lít mà thật ra chỉ chín trăm ngàn. Rồi thì lấy hàng họ đâu mà đền bù vào mức thiếu hụt? Anh dặn chúng tôi thùng xăng xếp lên nhau bắt buộc phải xếp theo hình kim tự tháp, thùng nằm. Không được xếp đứng vì xếp đứng xăng không đầy sát nắp thùng xăng, những miếng cao su ở nắp thùng xăng sẽ bị nắng làm khô và thùng sẽ có kẽ hở làm xăng bốc hơi. Xếp thùng nằm, nắp thùng xăng ở ngang tầm giữa, chất lỏng táp vào cao su bọc quanh nắp thùng, không sinh ra khe hở, không bị bốc hơi, thùng xếp đè lên nhau theo tư thế nằm thành hình kim tự tháp.
Tôi hỏi sĩ quan huấn luyện môn xăng về chung sự vụ, tôi hỏi sĩ quan huấn luyện kế toán về chung sự vụ, tôi hỏi sĩ quan huấn luyện về quân trang dụng về chung sự vụ. Tôi không thu được câu trả lời nào. Tính cách chuyên môn hoá của môn học, kinh nghiệm của các sĩ quan huấn luyện, không có liên hệ gì tới chung sự vụ làm cho tôi chỉ thu được những câu trả lời mơ hồ, thường là không có trả lời gì cả. Người này khuyên tôi khi nào học đến môn chung sự vụ anh sẽ được cấp phát tài liệu đầy đủ. Người khác cho hay sĩ quan giảng viên về môn chung sự sẽ giải đáp những thắc mắc. Tôi không bao giờ có cơ may gặp huấn luyện viên về chung sự vụ. Khoá huấn luyện của tôi tuy trong chương trình có phần học tập về chung sự vụ nhưng không biết vì lý do gì đã bị bãi bỏ. Một sĩ quan giảng viên cho tôi hay những phần nào không học trên lý thuyết sẽ được học khi đi thực tập trên thực tế. Khoá học Quân Nhu thực ra chỉ có giảng dạy về lý thuyết, không có thực tập nào trên thực tế. Không ai lấy thế làm phiền hà. Người sĩ quan tốt nghiệp được bổ đi kho xăng có cả những năm tháng dài để thực tập với thùng nằm kim tự tháp, với xăng co và xăng dãn nở. Còn Chung Sự Vụ khỏi học, khỏi thực tập không phiền gì ai vì chả có ai có khuynh hướng cảm tình riêng biệt nào với đơn vị này cả. Tôi không hề có ý định, dù mơ hồ, về một cuốn sách loại tưởng tượng hay không tưởng tượng về chung sự vụ cả. Những câu hỏi được nêu lên hoàn toàn bị thúc đẩy bởi khuynh hướng kỳ thú. Trí tò mò là một con sông có nhiều nhánh. Có nhánh trên dòng trôi kết hợp với những con lạch những chất lỏng có nhiều ô nhiễm. Có nhánh được tiếp xúc bởi những dòng tuyệt vời của những con suối trong veo. Nhánh sông của các nhà khoa học không giống những nhánh sông của các nhà thơ Edgar Poe, nhà thơ Thế Lữ. Dòng thơ trong trí tưởng của nhà thơ có nhánh tò mò, có nhánh kỳ thú, có nhánh tuyệt kỹ. Nhánh sông tò mò trong trí tưởng của các nhà khoa học chảy về phía tại sao, tăng cường bởi nhánh chính xác, người văn nghệ chân trời như thế nào hiện ra xán lạn. Tôi cũng bị lôi cuốn nhiều bởi khuynh hướng kỳ thú.
Khuynh hướng kỳ thú trong Thế Lữ hiện ra cả trong tâm sự của con mãnh hổ buồn phiền lẫn trong Vàng và Máu. Bài thơ mở đầu của Lửa Thiêng, Huy Cận, cũng như tập thơ Điêu Tàn, Chế Lan Viên, có những đám mây kỳ thú. Thật nhiều trong Mê Hồn Ca của Đinh Hùng với những Bài Ca Man Rợ, Những Hướng Sao Rơi, Kỳ Nữ… Vài Ngày Làm Việc ở Chung Sự Vụ và Giấc Mơ là những cơ hội bùng lên của khuynh hướng kỳ thú. Khuynh hướng đó, những ngày tháng ở Quân Nhu, thúc đẩy tôi nêu lên những câu hỏi, thúc đẩy tôi tìm hiểu. Khuynh hướng đó thôi thúc mạnh có dấu vết sức mạnh được nuôi dưỡng bởi thực tế. Kể từ năm 1963, tôi dọn về đường Phan Thanh Giản, số nhà 322, phía sau lưng Trường Văn Học. Trường học được xây lên trên một miếng đất trống, trước kia là nơi xưởng cây của bà Đào. Tôi không nhớ họ của bà chủ sở cây này, nhưng nhớ tên bà là bà Đào. Tôi nhớ bà nói tôi trông già hơn tuổi. Trông tôi và Nga không ai nghĩ là hai vợ chồng. Trường xây cất dưới sự điều khiển của Nga với sự giúp sức của nhà thầu khoán Đoàn Văn Chi, thuộc về hàng cậu của tôi vì cậu Chi là em họ của mẹ tôi. Trước khi trường xây xong tôi cư ngụ ở đường Pasteur, căn nhà mang số 118, trông sang bộ Giao Thông Công Chính. Dọn về căn biệt thự ngay sau trường Văn Học rất cần thiết cho chúng tôi vì nhu cầu làm việc. Khi trường học xây cất tôi chỉ xuống coi công trường một vài lần và trong thời gian ngắn. Dọn về Phan Thanh Giản, chỉ trong vài ngày tôi “khám phá” ra những người hàng xóm kỳ thú của tôi. Đi từ ngoài đường Phan Thanh Giản vào, nhà đầu tiên ở phía bên trái là nhà của những ký giả ngoại quốc, có những ký giả như David Halberstam, đối diện với nhà tôi, căn bên mặt, tính từ ngoài đường vào. Hai căn nhà bên trong, căn kế bên nhà David Halberstam là nhà Đại tá Hổ, về sau thành tiệm ăn Đại Hàn, căn trong bên mặt, là căn nhà đòn. Xe đòn được để trong sân. Có cả xe đòn chạy bằng động cơ nổ và xe đòn do ngựa kéo. Ngày nào có khách dùng xe ngựa, người ta dắt ngựa tới đây từ sớm, tiếng chân ngựa khua trên nền đường xi măng trong con hẻm vắng, yên tĩnh, làm thành những tiếng động khác lạ trong buổi sớm. Khi chiếc xe thắng ngựa đi ra, là giờ học sinh tới trường chỉ còn nghe thấy tiếng reo vui, đùa nghịch, trêu chọc của những học sinh to hơn vui hơn khoả lấp tiếng ông Giám Thị hét lớn không được chọi phấn, không được chọi phấn.
Phải chăng hình ảnh thường nhật của những chiếc xe đòn nơi tôi đã sống làm cho Chung Sự Vụ vừa được nhắc tới như một cơ quan của Quân Nhu trong bài giảng mở đầu khoá về những cơ sở của Quân Nhu lập tức thành khối nam châm thu hút. Tôi nêu những câu hỏi. Tôi chờ đợi tới ngày có bài giảng về Chung Sự Vụ, ngày đi thực tập ở Chung Sự Vụ. Những chờ đợi của tôi không được thoả mãn. Đại Đội Chung Sự của Vài Ngày có phòng Bảo Tồn Di Vật, có có ban Thiết Quan, có Trung đội Đào Huyệt, có trực thăng tải hàng, bao phủ bởi bầu không khí có hương vị dầu Nhị Thiên Đường, có ông Thượng sĩ Mùi ráp lại những tử thi bị chặt rời, Chung Sự Vụ là một cơ quan có thật, thật sự trực thuộc Quân Nhu, nhưng Đại Đội Chung Sự của Trung úy Lan là một sản phẩm Hoàn toàn tưởng tượng.
Nguyên Sa
Nguồn: trích Hồi ký Nguyên Sa