Hiểu thế nào về liệu pháp miễn dịch mới chữa lành 100% ung thư?

Hôm nay cộng đồng mạng háo hức chia sẻ loạt tin bài về thành công của điều trị miễn dịch mới mang tên dostar.limab có thể chữa khỏi 100% ca bệnh ung thư trực tràng. Đây quả là tin RẤT VUI cho cộng đồng bệnh nhân ung thư, nhấn mạnh niềm tin rằng khoa học vẫn đang tiến bộ hằng ngày để tìm ra các phương pháp mới cải thiện chất lượng điều trị cho người bệnh.

TS.BS Phạm Nguyên Quý

ảnh 4

🍁Tuy nhiên, có một số điểm QUAN TRỌNG mà mọi người cần lưu ý để không “vơ đũa cả nắm” là liệu pháp miễn dịch nào cũng tốt.

1. Nghiên cứu này là Pha 2, tiến hành trên 12 bệnh nhân (không nhiều!) ung thư trực tràng giai đoạn II-III.

2. Những bệnh nhân này có đặc điểm chung đặc biệt là suy giảm khả năng sửa chữa DNA (Mismatch Repair – Deficient, MMR-D), liên quan tới Hội chứng Lynch. Đây là nhóm được biết từ trước là RẤT NHẠY với thuốc Ức chế Điểm kiểm soát Miễn dịch (Immune Checkpoint Inhibitors) nhưng chỉ chiếm 10-15% tổng số ca bệnh ung thư đại trực tràng.

3. Thuốc sử dụng là dostarlimab, một kháng thể đơn dòng kháng PD-1, thuốc mới trong nhóm thuốc Ức chế Điểm kiểm soát Miễn dịch, truyền 3 tuần 1 lần trong vòng 6 tháng. Sau thời gian này mà còn khối u thì bệnh nhân sẽ được Hóa xạ trị➡Phẫu thuật. Nếu hết khối u hoàn toàn thì khỏi phải làm các phương pháp này.

🍁Như vậy, đây là tình huống ung thư trực tràng TIẾN TRIỂN TẠI CHỖ với Điều trị TIÊU CHUẨN HIỆN NAY là Hóa xạ trị bổ trợ Trước mổ sau đó là phẫu thuật cắt bỏ trực tràng. Tỉ lệ bệnh nhân sống KHÔNG TÁI PHÁT ở mốc 3 năm là 77% theo nhiều nghiên cứu pha 3 (trên số lớn người bệnh) trước đây.

🍁Nghiên cứu mới này thực sự ấn tượng vì dostarlimab đã làm khối u biến mất hoàn toàn ở 100% người tham gia và bệnh nhân không phải phẫu thuật nữa! Tại thời điểm báo cáo tháng 5 rồi, không có ai bị tái phát sau 6-25 tháng theo dõi.

Ngoài ra, không có tác dụng phụ nghiêm trọng (hơn cấp độ 3) nào được ghi nhận.

🍁Tóm lại, chúng ta có quyền hi vọng những nghiên cứu tiếp theo (trên nhiều bệnh nhân hơn) sẽ khẳng định kết quả tốt đẹp này để thuốc dostarlimab sớm được đưa vào sử dụng đại trà theo hệ bảo hiểm cho bệnh nhân K trực tràng (bệnh nhân khác thì…chưa biết).

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng CHỈ MỘT NHÓM bệnh nhân ung thư trực tràng đặc thù (cụ thể là MMR-D, thường được đánh giá chẩn đoán qua hóa mô miễn dịch khối u) mới có thể kỳ vọng vào hiệu quả cao này. Ngoài ra, thuốc cũng còn rất mắc nên không biết khi nào người Việt Nam chúng ta mới được tiếp cận?

Dù sao thì cứ tin vào ngày mai để cố gắng hết ngày hôm nay mọi người nhé!

TS.BS Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa, BV TW Kyoto Miniren

Nguồn: Y học Cộng đồng

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.