Vương Hồng Sển viết tào lao về Tức Mặc Hầu

Vương Hồng Sển thuộc hàng cây đa cây đề của Miền Nam. Ông là nhà cổ ngoạn sành sỏi, từng làm Quản thủ Viện Bảo tàng Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hòa suốt 15 năm (1948-1964), nên những bài viết về cổ vật của ông, nhất là những bài khảo về đồ sứ đều bổ ích và có giá trị cao. Có điều không phải toàn bộ những bài viết về cổ ngoạn của ông đều đúng.

Vinhhuy Le

VỀ BÀI VIẾT CỦA VƯƠNG HỒNG SỂN: “NGHIÊN MỰC TỨC MẶC HẦU CỦA DỰC ĐỨC TÔN HOÀNG ĐẾ”

Tào_lao_bí_đao

tuc-mac-hau

Nghiên mức “Tức Mặc Hầu” của vua Tự Đức

Ở đây, tôi muốn nói đến bài “Nghiên mực Tức Mặc hầu của Dực Đức tôn Hoàng đế”, in trong quyển “Hơn nửa đời hư” (Nxb Văn Nghệ, 1995, tr.524-531). Trong bài viết của Vương Hồng Sển có nhiều lỗ hổng về kiến thức, thậm chí cương ẩu; đã vậy còn khẩu thiệt vô bằng buộc tội Tổng thống Ngô Đình Diệm độc chiếm bảo nghiễn của Tự Đức làm của riêng.

Người gõ bài này chỉ là kẻ hậu học, kiến thức cùn mằn lụn vụn, không hề có ý chê bai hoặc công kích Vương Hồng Sển, sở dĩ phản bác lại ông, là để cải chính một tin vịt mà ông vô tình tung ra; và cũng chỉ phản bác riêng bài “Nghiên mực Tức Mặc hầu” của ông mà thôi.

* * *

NGHIÊN THIỆU TRỊ

Trước khi bàn về nghiên Tự Đức, hãy tìm hiểu qua về nghiên đời Thiệu Trị. Chính sử của ta có trường hợp duy nhất kể về một nghiên mực, vào đời Thiệu Trị. Đó là trong “Đại Nam thực lục chính biên”, xin trích ra đây:

Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2 [1842], mùa đông, tháng 10. (…) Có người đem dâng vua cái nghiên mực cổ. Đo theo thước bây giờ: nghiên dài 7 tấc 8 phân, rộng 4 tấc 7 phân, dày 5 phân, chất rất bền chắc và nhuần mỵ, cách pha chế có vẻ cổ kính mộc mạc, rõ hệt là một tấm ngói âm dương. Người ta nhân hình thế nó mà đục mài thành chỗ đựng nước, chỗ mài mực. Đầu nghiên có bài minh rằng:

其色温潤 Kỳ sắc ôn nhuận

其製古樸 Kỳ chế cổ phác

何以寘之 Hà dĩ trí chi

石渠秘閣 Thạch Cừ bí các

改封卽墨 Cải phong Tức Mặc

蘭臺列爵 Lan đài liệt tước

永宜寳之 Vĩnh nghi bửu chi

書香是托 Thư hương thị thác

Bài này nghĩa là:

Sắc nghiên nhuần mỵ

Cách chế tạo cổ kính mộc mạc

Đặt nghiên vào chỗ nào?

[Đặt vào] gác Thạch Cừ kín đáo

Đổi phong cho nghiên là Tức Mặc hầu

Liệt vào quan tước ở Lan đài[1]

Nên giữ làm của báu mãi mãi

Dòng dõi văn học nhờ ở đó

Sau những câu đó, viết hai chữ “Tô Thức”, khắc hai cái ấn nhỏ có những chữ “Kỳ trân” và “Tàng bảo”. Lưng nghiên khắc một ấn to, có chữ “Thạch Cừ các ngõa”. Lạc khoản đề “Nguyên Phù tam niên, Trọng thu nhật chế” (Ngày Trọng thu năm Nguyên Phù thứ ba [1100] chế).

Vua sai đem trình lên chỗ vua ngự, bảo Nội các rằng:

– Đây là cái nghiên cổ Thạch Cừ, các Thạch Cừ[2] nguyên từ Tiêu Hà [đời Hán] dựng ra để chứa sử sách và bản đồ. Đến Tuyên đế năm Cam Lộ thứ 3 (51tr.Cn), họp các nhà Nho giảng Ngũ kinh tức là ở chỗ gác ấy. Từ năm Cam Lộ thứ 3 đến năm Nguyên Phù thứ 3 (1100), đời Tống Triết tôn, Tô Thức được viên ngói ở gác ấy, đem mài thành cái nghiên, tính ra gồm 1.149 năm, trải đến bây giờ lại hơn 740 năm nữa. Vậy thì cái nghiên này xuất hiện từ đời Hán, thành hình ở đời Tống mà trình tiến ở ngày nay. Thật là một vật quý báu của làng văn! Đời trước với sau hơn 2.000 năm, mà nghiên này cùng xuất hiện vào lúc văn minh thịnh trị, há chẳng phải là vật quý báu, được trời đất trân trọng giữ kín, phải đợi thời rồi mới trình bày, mà do trọng đạo sùng văn, đời dẫu khác nhưng của báu chung, tự có cái cơ duyên cùng hợp hay sao? Âu Dương Tu, một danh Nho thời Tống Nhân Tông (1023-1063) có nói: “Vật thường đến với người biết ưa thích”.

Vua lại nói:

– Trong “Ngõa nghiễn phổ”[3]. có chép rằng: “Chỗ di chỉ đài Đồng Tước, người ta chứa được nhiều ngói cổ, đem mài thành nghiên rất khéo, đựng nước đến vài ngày không khô. Đời truyền rằng khi xưa dựng đài này, sai thợ gốm làm bùn thật sạch, lấy vải thưa lọc bùn rồi cho thêm dầu hồ đào vào, trộn để nặn, cho nên khác hẳn với ngói thường”. Nay xem cái nghiên này là di tích ở Thạch Cừ thì ngói đài Đồng Tước[4] há có thể sánh kịp cái vẻ cổ kính chất phác của nó được sao?[5] (Hết trích).

Về nghiên Thiệu Trị này trong Chính biên, Vương Hồng Sển có nhận xét xác đáng (ông đọc qua bản dịch của Nguyễn Thiệu Lâu), như: “Nghiên không có ký niên hiệu nào để dò theo đó mà định tuổi. Mấy câu thơ và bốn chữ Kỳ trân Tàng bảo, và cả con dấu của Tô Thức cũng không đủ đảm bảo, vì bất kỳ ai đời sau, đều có thể khắc chạm lên, và lấy đâu làm bằng?” “Bài thơ và bốn chữ kia không đủ làm kiểu thức (style), nên không thể định tuổi nghiên được”. “Chất liệu của nghiên là một miếng ngói (ngõa) từ đời Hán. Nếu khảo nghiệm theo phương pháp chắc chắn nhứt là thử theo carbone 14, nhưng phương pháp nầy không áp dụng cho nghiên được, vì phải hủy cái nghiên mới thử được, và vì nó là món duy nhứt, thì không thể hủy”. “Đã biết nghiên mực là một miếng ngói, thì sao có chỗ lại nói là làm bằng đá núi Đoan Khê (Đoan Khê thạch)? Thiệt là rắc rối”[6].

Nói gọn lại là tháng đó năm đó, Thiệu Trị được dâng một cái nghiên. Vua cầm lấy, ngó qua xong, liền phán vanh vách đó là… nghiên cổ đã 2.000 năm. Mà vua cũng khéo lắm, lấy ngay Tô Đông Pha làm chứng: ai mà không biết văn gia đời Tống này mắc chứng si mê nghiên mực, sưu tầm hàng mấy trăm nghiên mực để cả đống, nhiều cái chưa dùng tới bao giờ; và khi nổi quạu, ông cũng từng đập không biết bao nhiêu nghiên mà kể[7]. Tức là nếu nghiên này còn thì quả là nghiên cổ và quý, vì là của vua, nhưng đến nay cũng chỉ có niên đại khoảng 200 năm là cùng, chứ không có gì làm chứng là trên 2.000 năm[8].

***

NGHIÊN TỰ ĐỨC

Về nghiên Tự Đức, trong chính sử không thấy đề cập, nhưng đúng là có hiện vật rành rành. Đã từng có người được thưởng thức, rờ rẫm nó qua, mà Vương Hồng Sển là một. Hãy nghe Sển tả lại khi ông được Tôn Thất Đào, quản thủ Viện Bảo tàng Huế đương thời cho xem nghiên Tự Đức, vào năm 1958:

“Tức Mặc hầu vóc lớn và nặng, cỡ hai phần ba miếng gạch Tàu, nhớ độ chừng lối ba tấc Tây bề dài, hai tấc bề ngang, và dầy cỡ ba phân. (…) Về cách chạm trổ thì tuyệt khéo. Nét chạm tinh vi, đá đã trơn bén sẵn, bây giờ thời gian lại ký tên vào đá bằng một màu cổ kính (…). Dưới đáy nghiên là một bài văn ngự chế của đức Dực tôn, đề cao đặc tính của nghiên Tức Mặc hầu. Chữ khắc nổi, mạ vàng lên mặt chữ, sắc sảo không thể tả, tiếc vì tôi chỉ biết mò bằng tay và khen tấm tắc, chớ không biết khen bằng mắt, vì mắt không đọc được chữ nào.

“Khúc trên đầu của cái nghiên thì chạm nổi hình một cổ tùng, gốc ngoằn ngoèo trông thật già, già không biết đến mấy trăm năm (…). Kế bên gốc tùng chạm một cổ đình, cổ đình nầy vừa là một tiên động tuyệt khéo, trên nóc trổ từng miếng ngói đều đặn y như vẽ bằng máy chớ không phải vẽ bằng tay, gốc tùng và cổ đình vẫn nửa tỏ nửa che khuất trong lùm mây, mây đây mà rõ lại không phải mây, đó là lớp yên hà ráng đỏ khói lam của một cảnh tiên rất khác với cõi trần tục.

“Phần dưới cái nghiên, sát chưn cảnh tùng đình, là một bể con khoét sâu trong mặt nghiên, biến thành một vũng xinh xinh, dùng để chứa nước cần dùng trong việc mài mực. Giữa cái bể tí hon ấy có một cù lao đủ sức lớn để chứa chỗ đứng cho tám vị tiên ông đang chùm chùm nhau lại, và hình như đang chăm chú ngắm nghía thưởng thức một bức tranh cổ, mà mỗi ông tiên tranh nhau nắm một chéo nhỏ, xem tuồng tranh nầy quý giá lắm, nên phải thận trọng từng ly từng tý trong khi chiêm ngưỡng làm vầy.

“Còn chung quanh cái nghiên, vẫn có chạy một đường hồi văn kiểu chân muỗi (đây là mượn danh từ chuyên môn của Pháp mượn lại trong danh từ Trung Hoa, Pháp gọi en pattes de mouche, tuy gọi làm vậy, theo tôi chỉ tàm tạm được, vì tôi thấy chân muỗi chân ruồi vẫn chưa mịn và sớ to hơn những nét chạm li ti nầy). Cả hồi văn và bức chạm tiên ông ngắm tranh nói nãy giờ, dành làm khuôn viên cho một khoảnh chạm khuyết, đó là mặt chính của nghiên mực, phẳng lỳ và trơn tru, chiếm trọn phần nào còn lại của mặt nghiên.

“Khi mới xem, nhứt là khi không để ý, thì chẳng thấy gì là đặc sắc. Nhưng khi tôi định thần và nhìn kỹ lại, khi ấy tôi mới khám phá ra: tuy chỗ mài mực nầy xem dường bằng phẳng, nhưng vẫn có bảy tám chỗ u lên cao, xem lạ lạ; y như nốt mắt cá, mắt cây trên mặt gỗ, trộng cỡ đầu chiếc đũa, sắc lại dợt, bạch hơn màu đá ở chung quanh (…). Nhờ hỏi thăm và tra cứu lâu hoắc, sau nầy tôi mới rõ đó là những túi nước (poche deau) huyền bí của nghiên Tức Mặc hầu, theo sách Trung Hoa gọi đó là Cù dục nhãn, nôm na là mắt chim cù dục.

“Bây giờ tôi cầm nghiên mực, nắm chặt cả hai tay vì sợ rủi ro, tôi xem trước xem sau, xem trên xem dưới, xem cùng khắp, nhưng mắt phàm tài dốt, tôi không thấy có đặc điểm nào khác lạ với những nghiên mực đá mà tôi từng thấy bấy lâu. Bất quá nghiên nầy khéo hơn, nét chạm tinh vi hơn, chỉ có thế thôi.

“Tôi vừa định hoàn lại ông Đào, nhưng ông biết ý, nói nho nhỏ vào tai tôi: Đâu, cụ thổi mạnh một hơi vào coi nào. Tôi vâng lời, nâng nghiên mực lên gần sát mặt, và thổi một hơi dài lên chỗ mài mực. Thổi rồi, tôi giựt mình, hết sức ngạc nhiên, vì dưới ánh sáng mặt trời rọi vào chỗ tôi đứng, tôi thấy hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một lằn mống ngũ sắc, đang từ từ chạy lên chạy xuống trên mặt nghiên, rồi vụt biến mất sau khi rà sát vào mặt nghiên.

“Ông Đào cười, rồi bảo tôi lấy ngón tay quệt thứ trên nghiên, quả đầu ngón tay tôi ướt đẫm những mực, không khác tôi đã nhúng vào mực do ai mài sẵn hồi nào không hay. Mà chớ chi nghiên đá nầy nông nước, ẩm ướt tỷ như đá mài dao, đá bùn, thì đâu có chi là lạ. Đàng nầy trước khi tôi hà hơi vào, thì rõ ràng cục đá vẫn khô ráo cho nên tôi cầm nó mà không bẩn tay, thế mà tại sao khi có chút hơi cầm thực thổi vào để mượn sức, thì tức khắc bảy tám chỗ cù dục nhãn kia bèn thi hành phận sự, và nương đà hơi thở của tôi mà tiết ra đủ số nước cần thiết để làm cho có mực, ít nào cũng đủ cho một người hối hả, xoe tròn ngọn bút, vét tém đủ mực để lão lạo vài hàng, nguệch ngoạc một chữ ký hay thảo lược một câu thi vừa mới nghĩ ra.

“Ô, sướng quá, thần bí quá, và quý hóa quá! Trong thời buổi chưa chế tạo ra cây bút chì, cây viết bi Atomic chưa sanh, các loại bút máy chưa ra đời, Waterman, Parker, Sheaffers chưa có, người nào có dưới tay một nghiên mực có phép lạ như vầy, lại không lấy nó làm quý và tự mình hãnh diện làm sao? Phong Tức Mặc hầu thật đáng!” (Hết trích).

Nghiên Tự Đức này rõ ràng không phải cái nghiên đời Thiệu Trị. Nghiên Thiệu Trị dài 7 tấc 8 phân, rộng 4 tấc 7 phân, dày 5 phân; bề ngoài cổ kính mộc mạc (cổ phác). Còn nghiên Tự Đức dài ba tấc, rộng hai tấc, dầy cỡ ba phân (chỉ bằng nửa nghiên Thiệu Trị); được chạm khắc Bát tiên, cổ đình, và lão tùng tinh xảo.

Có một chỗ tương đồng, là cả hai nghiên đều được đương kim hoàng đế phong cho tước là Tức Mặc hầu. Vậy ta tìm hiểu về tước phong này đã, bằng cách dạo qua… văn hóa Tàu, cho biết.

TỨC MẶC HẦU

Bút-nghiên-giấy-mực được người Trung Hoa gọi chung “văn phòng tứ bảo”. Chữ “Văn phòng” đây, không phải là… office, tuy có thể dịch ra Anh ngữ làm vậy. Nghĩa gốc của Văn phòng 文房 khi xưa vốn dùng chỉ nơi cất giữ, quản lý thư khố quốc gia. Do đó Tứ bảo được người xưa phong hầu, và là phong cả bốn, không chỉ mỗi cái nghiên.

Tứ bảo dùng trong thư khố quốc gia, tất phải thuộc hàng cực phẩm:

Thời Ngũ đại Thập quốc, đó là bút Gia Cát (của họ Gia Cát chuyên sản xuất bút lông ở Tuyên Châu, huyện Đan Dương – nay thuộc tỉnh Chiết Giang); mực Lý Đình Khuê (một nhà chuyên chế tạo mực, ở Thiệp Châu – nay thuộc tỉnh An Huy); giấy Trừng Tâm Đường (xưởng làm giấy do Lý Dục, Hậu chủ Nam Đường lập ra theo công nghệ riêng); và nghiên Long Vỹ (làm bằng đá lấy ở núi Long Vỹ thuộc sơn mạch Huỳnh Sơn ở tỉnh An Huy).

Từ đời Tống trở về sau, Văn phòng Tứ bảo là: Hồ bút (bút do Hồ Châu thuộc Chiết Giang sản xuất); Huy mặc (vẫn là mực Huy Châu, An Huy); Tuyên chỉ (giấy ở Tuyên Châu, An Huy); và Đoan nghiễn (nghiên ở Đoan Châu, nay là thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông).

Tứ bảo được chễm chệ nơi thư khố quốc gia, nên không chỉ là những sản phẩm chất lượng cao, mà còn đài các thanh kỳ trong kiểu dáng. Các văn gia thi sĩ Trung Hoa cổ đại vốn rảnh quá, nhân đó bèn hý hước phong cho chúng tước hầu, thành “Văn phong Tứ hầu”:

Bút là Quản Thành hầu: văn hào Hàn Dũ đời Đường có viết bài tản văn “Mao Dĩnh truyện”, kể chuyện Mao Dĩnh bị đại tướng Mông Điềm bắt khi chinh phạt nước Sở. Nhà họ Mao chuyên nghề làm bút lông thỏ nên Dĩnh được Tần Doanh Chính trọng đãi. Mao Dĩnh vậy là nhờ cây bút mà làm nên sự nghiệp, được Doanh Chính phong Quản Thành hầu.

Mực: tích lấy từ Tòng Tư hầu Dịch Nguyên Quang truyện 松滋侯易元光傳 do Văn Tung đời Đường soạn. Đại ý nhân cách hóa mực Tàu: mực sản xuất ở vùng sông Dịch là thứ mực tốt nhất, nên họ của mực là Dịch; mực lại tài giỏi, tuy đen đúa nhưng bóng loáng sáng sủa, tên nó ắt phải là Nguyên Quang; mực tuy là chất lỏng nhưng có khí tiết; nên phong cho làm Tòng Tư hầu.

Giấy: cũng Văn Tung, viết Hảo Điền Tự Chử Tri Bạch truyện 好田寺楮知白傳. Vỏ cây dó (Chử 楮) có thể dùng làm giấy, nên giấy có họ là Chử; giấy lại trắng tinh, nên tên nó là Tri Bạch; chữ Chỉ 紙 là giấy, đồng âm với Tự 寺 (là dinh thự của quan lại), và giấy ví như thửa ruộng cho nhà văn canh tác; nên phong là Điền Tự hầu.

Nghiên: Văn Tung lại viết Tức Mặc hầu Thạch Trung truyện 即墨侯石虛中傳. Nghiên làm từ đá, nên có họ Thạch; do rỗng ở giữa nên có tên Hư Trung; và đá ở Tức Mặc làm nghiên là tốt nhất; nên phong Tức Mặc hầu.

Về địa danh Tức Mặc, đừng lầm với thôn Tức Mặc ở ngoại thành Nam Định, Bắc Việt  – là nơi phát tích của triều Trần[9]. Tức Mặc đây là tên cổ của thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông bên Tàu. Ở phía đông Tức Mặc đó, có đảo Điền Hoành, đá ở đây có màu đen thẫm, lại mịn màng trơn bóng như ngọc, gõ vào có tiếng ngân trong trẻo; đẻo làm nghiên cực kỳ thích hợp. Loại đá đen này bị khai thác đã cạn kiệt, đời nay nếu có một nghiên bằng đá đen Tức Mặc thời Tống – chỉ cần nghiên vô danh thôi, không cần phải đồ ngự dụng – cũng đáng là món dị bảo.

Trong thơ văn các đời của Tàu thường xuất hiện những mỹ hiệu trên của Văn phòng Tứ hầu[10]. Còn ở bên ta, dù không thông hiểu điển tích, thì khi nghe cái nghiên được gọi Tức Mặc hầu, ắt ai nấy có thể đoán ra đó là một biệt danh. Ngặt nỗi ba chữ “Tức Mặc hầu” trong cả hai trường hợp nghiên Thiệu Trị và Tự Đức đều được thốt ra từ kim khẩu đức thánh thượng; thành thử khiến nhiều người ngộ nhận, cho rằng hai vua đã phong hầu tước cho cái nghiên, mà không biết đó vốn mỹ hiệu có sẵn của bất kỳ cái nghiên nào.

ĐỘC ĐÁO CỦA NGHIÊN TỰ ĐỨC

Điểm độc đáo của nghiên Tự Đức mới thiệt nhiệm màu, và thuở nay chỉ mới có Vương Hồng Sển nói tới: ấy là khỏi cần châm rượu mài mực, chỉ cần hà hơi vào là bảo nghiễn tươm ra mực, đủ viết tới mấy hàng chữ!

Tôi cho rằng chỗ này Sển đã phóng bút quá đà, khiến một bài viết nghiêm túc trở thành thể văn truyền kỳ. Bài về nghiên Tự Đức của ông in trong quyển “Hơn nửa đời hư” xuất bản năm 1995, sau chuyến chiêm ngưỡng “Tức Mặc hầu” gần 40 năm. Kỷ niệm đó trở thành diệu kỳ và mãnh liệt, ông rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao; ngòi bút té ra bị hồi ức điều khiển, chứ không phải do lý trí nữa…

Chuyện “hà hơi ra mực” đó là có thật, làm thử với bất cứ nghiên mực cũ nào đều sẽ thấy mực khô đọng trong nghiên hình như trở nên bóng loáng, sờ vào càng rõ ràng hơn, vì có mực dính đầu ngón tay. Ấy là vì mực Tàu (vốn được mài bằng rượu pha với nước ấm) có đặc tính dễ tan chảy nếu gặp hơi nóng. Tuy nhiên, thứ mực tan ra đó chỉ vừa đủ bám ngón tay, tuyệt không thể tươm ra ròng ròng bằng vào hơi thở xôi thịt của phàm nhân.

Trung Hoa vốn là xứ lạnh, ngày xưa viết chữ, thường có cái cực là mực bị đông đặc rất nhanh. Đối phó tình trạng đó, người ta phải đặt nghiên trên bếp lò; khốn nỗi nếu quên canh chừng để quá lửa, có khi nghiên đá bị nứt bể hồi nào. Lần hồi, các văn nhân tìm ra một thứ đá ở huyện Hấp (An Huy) giữ nhiệt rất tốt; “Hấp nghiễn” từ đó thành trứ danh. Về sau, lại phát minh đồ sứ Tử Sa giữ nhiệt tốt hơn. Ngoài ra, họ còn sáng chế đủ loại hộp đựng nghiên đặc biệt, có chứa nước nóng bên dưới để ủ hơi.

Nói chung, nhiều phương cách đã được áp dụng suốt hơn 2.000 năm qua, nhưng chưa hề nghe nói có thứ nghiên nào ngậm sẵn mọng nước, chỉ đợi mình hà hơi vào là tươm mực ra đầy nhóc. Thiệt là khó hiểu! Kiểu này, người đời mong gì tìm ra được cái nghiên nào đúng như ông mô tả? Hoặc tệ hơn, bất kỳ tay cha căng chú kiết nào cũng có thể khoe là tối qua, mình vừa thưởng thức… cả một nghiên Tức Mặc hầu!

NGHI ÁN NGÔ ĐÌNH DIỆM ĐỘC CHIẾM “TỨC MẶC HẦU”

Trước Vương Hồng Sển, đã có vài người viết về nghiên Tự Đức, trong số đó có Ngô Đình Diệm. Bài viết của Ngô Đình Diệm được Vương Hồng Sển nhắc đến không chỉ một lần (nhưng tuyệt không trích dẫn chữ nào). Sển nhắc tới bài của Diệm chỉ cốt nhấn mạnh, cho rằng Ngô Đình Diệm từ xưa đã dòm ngó cái nghiên của vua Tự Đức.

Bài của Diệm viết bằng Pháp ngữ, tựa đề “Chiếc nghiên mực của vua Tự Đức”, đăng trên tập san Đô thành hiếu cổ vào tháng 9-1917[11]. Đây là bản dịch bài minh được cho là của vua Tự Đức khắc chạm dưới đáy nghiên và bên ngoài hộp đựng nghiên. Cần lưu ý: khi viết bài báo này, Diệm chỉ mới 16 tuổi, còn là học sinh trường Hậu bổ (trường Hành chánh công, do Pháp lập để đào tạo công chức bản xứ). Ông mới chỉ chú nhóc học trò, tất nhiên không thể tận mắt ngó thấy cái nghiên của vua (vốn được cất kỹ trong hoàng cung); sở dĩ ông có được bản chữ Hán bài minh để mà dịch ra, chắc chắn chỉ là do nhờ ai đó chép lại cho[12].

Chỉ bằng mỗi chứng cớ là bài báo của ông Diệm, sau này ông Sển đổ cho Tổng thống Diệm là đã si mê cái nghiên cổ của vua Tự Đức từ khuya. Tới đây, ta mới thấy Sển vì ghét Diệm mà thành kém sáng suốt trong nhận định. Khi nói về nghiên Thiệu Trị, ông bàn thật công tâm, mạch lạc, khoa học; nhưng khi tả nghiên Tự Đức, ông lại khoa trương, thần bí hóa thêm, gán cho cái nghiên điều kỳ diệu, qua đó làm nặng tội thêm cho Ngô tổng thống. Mà nào ông có chứng cớ gì cho cam, chỉ toàn nghe lời đồn mà thôi[13]. Sển buộc tội Tổng thống Diệm thế này đây:

“Về ông tôi nói chuyện đây, cho đến ngày ông chết, tôi thấy ông đi đâu cũng na một nón nỉ cũ trên đầu và một gậy mây cầm tay (gậy và nón nầy nay về tay ai?). Trọn đời, ông làm như không màng đến của cải (nội bộ hạ ông vơ vét cũng đủ chết cha dân), thế mà ông đam mê chi cái nghiên mực đá, nghĩ cũng lạ thật. Sau tôi nghiệm ra, đó là nghiệp chướng.

“Tôi không cần hài tên ông, nhung ai còn giữ bộ tạp san Đô thành hiếu cổ Huế, sẽ thấy tập năm 1917 có một bài Pháp văn khảo về nghiên mực của vua Tự Đức. Lúc nhỏ, ông học trường Hậu bổ ở Huế, và để cho người biết danh, ông viết bài văn nầy đây, ông dịch lại kỹ càng những bài thi chạm trên hộp đựng và trên nghiên mực, và kê khai rành rọt những loại đá quý mà người Trung Hoa dùng để làm nghiên mài mực, trong các loại đá ấy, có một thứ lấy từ trong núi Đoan Khê là tốt nhứt. Nhưng nào phải mỗi viên đều quý. Trong số vạn ức triệu nghiên Đoan Khê thạch, thỉnh thoảng mới gặp một nghiên mầu nhiệm như nghiên Tức Mặc hầu, và cái nghiên nào có cù đục nhãn, thì là ngọc chớ không kể là đá nữa.

“Đối với ai có tánh hiếu kỳ, muốn biết thêm về nghiên mực lạ nầy, tôi xin khuyên nên tìm đọc bài khảo cứu công phu của ông và của một tác giả Pháp tên E.Gras, đều in trong tập san Đô thành hiếu cổ Huế (bulletin des Amis du Vieux Huế) năm 1917.

“Khi ông lên tột phẩm nấc thang danh vọng, thì có người ở Huế biết chỗ nhược của ông, và để củng cố địa vị cho mình, bèn ôm nghiên mực vào Sài Gòn tấn cống. Tôi biết chắc việc ấy, vì từ năm 1959 đến năm 1962, mấy lần ra Huế, tôi hỏi thăm thì ngoài ấy nói với tôi Tức Mặc hầu đã vào Nam. Và ngày nay ý muốn của tôi là muốn sao nếu nghiên mực nầy hết duyên nợ với Viện bảo tàng Huế, thì nó phải được thu hồi cho về ở Viện bảo tàng trong nầy, mới là xứng nơi xứng chỗ.

“Phải nói tôi theo dõi viên ngọc Tức Mặc hầu, và theo bén gót như bóng với hình. Sau khi dinh Gia Long bị công phá, ông bỏ chạy, kế bị giết vào hôm sau. Nghiên mực cũng mất tích luôn từ đó. Tôi cứ phăng dò mãi, tuy vẫn tìm chưa ra manh mối đích xác. Sau ngày đảo chánh, ai nấy lo mất nước mất nhà, tôi lại lo mất nghiên mực. Tôi hỏi khéo ông quản gia có phận sự gìn giữ đồ vật của dinh Gia Long, ông nầy trả lời, ông chẳng bao giờ nghe thấy điện có nghiên mực nầy.

“Tôi không ngã lòng, day qua mượn ông nhạc gia của quản gia hỏi chắc chú rể, ông cũng đinh ninh một hai ông không biết. Hỏi mãi, có người đưa ra thuyết: hay là nghiên mực có cánh, đã bay tuốt qua La Mã, qua Paris, hoặc mụ em dâu ác ôn đã ôm bán quách cho nước ngoài rồi.

“Kịp đến tháng 9 năm 1964, tôi cũng bị cho ra rìa, thôi làm quản thủ công nhựt Viện bảo tàng nơi vườn bách thảo. Nhưng tôi không thôi theo dấu nghiên mực quý đã bị ai lấy mất từ trong dinh Gia Long.

“Trước năm 1975, có một người trẻ, xưng là học trò cũ của tôi, nói nửa úp nửa mở rằng nghiên mực Tức Mặc hầu chưa ra ngoại quốc, vẫn còn ở lẩn quẩn đâu đây, hoặc vùng Sài Gòn, hoặc còn trong nước không xa, và ở thẳng tay một người nọ và nghèo lắm túng lắm, chức vị nhỏ lắm, nhưng va không khứng lìa ngọc Tức Mặc hầu. Tôi đã ráng hết sức, hỏi thêm gì người ấy cũng không nói nữa, nên hôm nay đành nói tách bạch ra đây, những ai có lòng với văn hóa, biết bảo tồn quốc túy, hãy cứu vớt nghiên mực khỏi bước lạc loài” (Hết trích).

Tội quá! Diệm viết bài đăng báo thì bị ông cho là viết vì muốn cho đời biết danh; vậy còn ông, cũng viết báo, là nhằm mục đích gì? Và tuy khẳng định mình “theo dõi viên ngọc Tức Mặc hầu, và theo bén gót như bóng với hình”, nhưng thiệt ra đó chỉ là theo dõi… tin đồn, theo một bóng ma Tức Mặc hầu trong cốt chuyện do ông tự dựng nên.

Nghe tin ngoài Huế báo là nghiên đã mất thì ông tin liền, và xác định luôn là ông Diệm đã chiếm làm của riêng; chừng chính tai ông nghe người quản lý khẳng định trong dinh Gia Long không có nghiên đó, ông lại nghi ngờ, ông nhờ vả ông già vợ người ta lục vấn chàng rể; không có được thông tin đúng như mình muốn nghe, ông hậm hực giận cá chém thớt, chửi lây bà Trần Lệ Xuân là “mụ ác ôn”, rồi đoán bậy là bả đã ôm cái nghiên ra nước ngoài!

Nói thiệt, lối hành xử của ông trong vụ này quả là cổ quái, hệt như ma đầu Đinh Bất Tứ trong tiểu thuyết Kim Dung: độc ý cô hành, bất chấp lý lẽ.

Để rồi sau này, có thêm một “học giả” uyên bác khác, là ông Nguyễn Đắc Xuân, cũng hùa theo phụ họa. Ông này gọi tưng Vương Hồng Sển bằng thầy, đặng càng mạnh miệng vu cáo Tổng thống Ngô Đình Diệm độc chiếm và làm thất lạc quốc bảo Tức Mặc hầu. Tôi nghiệm ra, cái này là nghiệp chướng, do Sển gây ra[14].

KẾT LUẬN

Cái nghiên mà Vương Hồng Sển gọi “Tức Mặc hầu của Dực tôn hoàng đế”, đúng ra nên gọi là nghiên Tự Đức, y như cách đặt tựa đề bài báo của Ngô Đình Diệm (để phân biệt với nghiên Thiệu Trị chép trong Đại Nam thực lục). Nghiên Tự Đức kể về niên đại thì không cao lắm so với những nghiên cổ của Tàu, nhưng về mặt tinh thần thật đáng quý, vì là đồ ngự dụng của ông vua văn chương đệ nhứt nước ta, có thể sánh ngang danh giá với viên gạch từng sưởi ấm Nguyễn Ái Quốc ở Paris!

Nghiên Tự Đức không còn, đó là mất mát lớn cho di sản văn hóa Đại Việt. Đã vậy, ngày nay muốn tìm lại bảo nghiễn ấy sẽ càng khó khăn thêm, vì những miêu tả dị thường của học giả Vương Hồng Sển.

Và chỗ đáng buồn là Vương Hồng Sển vốn bậc lão trượng đáng kính của văn hóa Miền Nam, vậy mà trong bài viết “Nghiên mực Tức Mặc hầu”, ông lại suy diễn theo tư tâm, dẫn tới kết luận hồ đồ, góp phần tung tin thất thiệt bôi nhọ Tổng thống Ngô Đình Diệm…

Vinhhuy Le (Facebook)

_________

[1] Lan đài 蘭台: từ thời Chiến quốc, nước Sở đã có lập viện tàng thư trong cung điện, gọi Lan đài. Sang đời Hán cũng theo đó xây cất Lan đài trong nội cung, do chức Ngự sử Trung thừa nắm chưởng quản. Để phòng hỏa hoạn, Lan đài của Hán được cất bằng tường đá, kiểu thạch thất. Ban Cố (năm 32-92) thời Đông Hán từng đảm nhiệm Ngự sử Lệnh đài, đứng đầu sử quan, và soạn bộ Hán thư trong Lan đài này. Vì vậy, đời sau còn dùng chữ “Lan đài” để gọi sử quan.

[2] Thạch Cừ các 石渠閣 (còn gọi Thạch các): khi Lưu Bang công phá Hàm Dương diệt nhà Tần, Tướng quốc Tiêu Hà thu thập toàn bộ thư tịch và bản đồ của Tần. Sau khi Hán lấy được thiên hạ, Lưu Bang cho xây Vị Ương cung ở kinh đô Trường An, đồng thời cũng cho cất tòa Thạch Cừ ở phía bắc cung Vị Ương, dùng làm nơi tàng thư của hoàng thất, gọi Thạch Cừ các (Cừ nghĩa là to lớn). Đời Tây Hán (206tr.Cn-9s.Cn) thì Thạch các là nơi trữ thư tịch; qua Đông Hán (23-220) thì là Lan đài.

[3] Ngõa nghiễn phổ 瓦硯譜: tức Tây Thanh nghiễn phổ 西清硯譜, gọi tắt Nghiễn phổ, là sách khảo về các loại nghiên. Do Càn Long lệnh cho 8 Đại học sĩ soạn, danh họa Môn Ứng Triệu phụ trách vẽ hình minh họa.

[4] Đồng Tước đài 銅雀臺: sau khi đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo cho xây cất đài này (hoàn thành năm 210) tại Nghiệp Thành (nay thuộc Hàm Đan, Hà Bắc), để phô trương danh vọng. Đời sau, có lẽ vì ảnh hưởng bởi giai thoại cho rằng Tháo mê gái, xây đài Đồng Tước đặng đợi bắt hai chị em Đại Kiều, Tiểu Kiều là người đẹp của Đông Ngô. Nhưng cũng nhờ vậy mà đài được lưu danh bằng câu thơ bất hủ của Đỗ Mục: Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều 銅雀春深鎖二喬.

Cung Vị Ương và đài Đồng Tước đều chịu nhiều tổn thất trong binh lửa liên miên, dân gian thường giữ lấy ngói hai nơi này làm nghiên mài mực.

[5] Hiến tổ Chương hoàng đế – Kỷ thứ ba, Quyển 25 (bản dịch Viện Sử học Việt Nam, Nxb Giáo Dục 2005).

[6] Những đoạn trích trong bài viết, nếu không ghi xuất xứ, thì là trích từ bài “Nghiên Tức Mặc hầu” của Vương Hồng Sển.

[7] Xem “The Gay Genius: The Life and Times of Su Tungpo” (Tô Đông Pha truyện – tập truyện ký của Lâm Ngữ Đường).

[8] Bộ Chính biên do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, nên đọc những lời vua nói đó, thấy rõ chính là lời các sử quan bồi thần bịa đặt ra thêm: Thiệu Trị vốn thông minh, giỏi chữ, đó là sự thật, nhưng vua đâu phải thiên tài toán học mà có thể trong phút chốc tính nhẩm ra đúng từng số lẻ thời gian từ khi xây dựng Thạch Cừ các tới sinh thời Tô Đông Pha là 1.149 năm chắc cú? Ý tôi là vậy, thiệt không dám giễu vua Thiệu Trị nói dóc.

[9] Có bài viết khoe vua Tự Đức tưởng nhớ nhà Trần nên lấy tên thôn Tức Mặc ở Nam Định làm tước hầu cho cái nghiên (tôi không thèm nhắc tên tác giả). Nên nhớ, Tự Đức từng đánh giá: “[Trần] Thủ Độ là công thần triều Trần, nhưng là tội nhân triều Lý. Huống chi tính nết [của Thủ Độ] như chó lợn, lòng dạ tựa sài lang. Dựng nước [mà như vậy] thì làm sao có thể lâu dài?” (nguyên văn: 守度陳之功臣, 即李之罪人. 況爲狗彘之行, 豺狼之心, 立國安能長久乎? – Khâm định Việt sử thông giám cương mục Chính biên, Quyển 6).

[10] Đơn cử, đời Tống có bài bát cú “Trừ dạ tẩy nghiễn” 除夜洗硯 (Trừ tịch rửa nghiên) của Vương Mại, nổi tiếng với hai câu:

多謝吾家即墨侯 Đa tạ ngô gia Tức Mặc hầu

朝濡暮染富春秋 Triêu nhu mộ nhiễm phú xuân thu

(Cám ơn cái nghiên của nhà ta; Chịu sớm tối nhọc nhằn [để giúp mạch thơ ta] dồi dào suốt cả năm).

[11] L’encrier de S. M. Tu-Duc: Traduction des inscriptions par Ngô-Đình-Diệm, cửu phẩm au Tân thư viện. Bulletin des Amis du Vieux Hué 4e année No 3, Jullet-Sept 1917. Hình chụp bài viết này (Hình 5, 6, 7, 8), tôi xin được của anh Lê Nguyễn.

[12] Với sức học trung bình, một học sinh Tàu 16 tuổi cũng không thể dịch nổi cổ Hán văn ra kim văn; vậy mà ở đây, cậu Diệm lại dịch được, và không phải dịch ra tiếng mẹ đẻ, lại là sang ngoại ngữ. Điều này không thể thực hiện được nếu không người khác giúp đỡ thêm. Cho nên bài báo Pháp ngữ này không phải công trình của riêng ông mà có.

[13] Trong “Hơn nửa đời hư”, Vương Hồng Sển có kể lại hồi đầu năm 1963, ông hai lần được Tổng thống Ngô Đình Diệm vời vào dinh Gia Long đặng nhận xét về những đồ cổ mà Tổng thống định mua. Trong số những đồ cổ ông thấy trong hai lần đó, không nghe ông nhắc đến cái nghiên nào.

[14] Ai thích thì tự tra lấy; tôi chán, không rảnh trích những lời lẽ của Xuân ra đây.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.