Ở Á Đông, có thể nói Quan Vũ là vị nhân thần được tín ngưỡng bậc nhất. Chỉ tính về số lượng, thì Võ miếu (miếu thờ Quan công} riêng ở đại lục đã nhiều hơn Văn miếu thờ Khổng tử gấp mười lần. Nếu Khâu được tôn làm “Vạn thế sư biểu” thì Vũ cũng là “Vạn cổ trung tinh”. Ta cùng xem thử, bằng cách nào mà Quan Vũ được sùng kính nhường ấy.
Vinhhuy Le
1. VÕ THÁNH:
Năm 630, Lý Thế Dân (Đường Thái Tôn) hạ chiếu, lệnh toàn quốc phải lập Văn miếu, nhằm tôn vinh Nho học. Gần trăm năm sau, năm 722, Lý Long Cơ (Đường Minh Hoàng) lại cho xây Võ miếu, thờ Thái công Vọng (Khương Tử Nha). Vậy là việc thờ phượng đã đặng văn võ song toàn.
Năm 760, Lý Hanh (Đường Túc Tôn) truy phong Khương Tử Nha làm Võ Thành Vương, lệnh cho điển lễ cúng tế Võ miếu tương đương Văn miếu, cũng vào tiết Trọng xuân và Trọng thu hàng năm. Ngoài Thái công Vọng là thần chủ, lại đặt thêm Trương Lương làm phó tự, cùng đặt tượng 9 vị tướng các đời (gọi chung là “thập triết”) cùng phối hưởng là: Tả ban gồm Bạch Khởi, Hàn Tín, Gia Cát Lượng, Lý Tịnh và Lý Tích; Hữu ban gồm Trương Lương, Điền Nhượng Thư, Tôn Vũ, Ngô Khởi, Nhạc Nghị.
Năm 782, Lý Quát (Đường Đức Tôn) lại bổ sung thêm cả đống, thành ra Võ miếu quơ được tổng cộng 64 danh tướng phối hưởng. Và đây chính là lúc Quan Vũ bắt đầu chen vô được Võ miếu.
Qua đời Bắc Tống, năm 1123, ý hẳn cho xứng với “Thất thập nhị hiền” bên Văn miếu, Võ miếu lại được gia tăng sĩ số thành 72 tướng.
Sau khi Mông Cổ diệt Tống, lập nhà Nguyên (1271), thì triều đình nhận thấy dân gian hết lòng sùng bái vị tướng tinh trung báo quốc Nhạc Phi của Nam Tống, ảnh hưởng rất lớn. Họ bèn cho trùng tu các đền thờ Quan Vũ, khôi phục lại thanh thế của viên tướng nhà Hán xưa lắc hơn ngàn năm trước để làm đối trọng, ngõ hầu đánh bạt hình tượng Nhạc Phi – vị thần tướng của nhà Tống – và họ đã thành công.
Sang triều Minh-Thanh, để củng cố địa vị, các đời vua càng đua nhau đề cao trung nghĩa của Quan Vũ, đặng khuyến dụ lòng dân. Tiểu thuyết lịch sử Tam quốc Diễn nghĩa của La Quán Trung ra đời vào thời kỳ này (thế kỷ XIV), càng khiến danh vọng Vũ gia tăng, tước phong Vũ nhờ vậy cũng càng cao: từ tước hầu hồi Hán mạt, đã trực thăng một mạch lên vương công, rồi ngất ngưởng ngồi luôn bậc thánh đế.
Ngôi Chiến thần của Trung Hoa vốn chỉ dành cho bậc chủ soái điều binh khiển tướng. Thời huyền sử, đó là Xi Vưu, vị Ma tôn thống lĩnh bộ tộc Cửu Lê chinh phục Hoa Hạ. Thời Chiến quốc, đó là Thái công Vọng, người chỉ huy chư hầu diệt nhà Thương. Thời Nam Tống, đó là Nhạc Phi, vị nguyên soái dũng mãnh bất bại hừng hực hùng tâm khôi phục giang sơn. Nhưng từ đời Nguyên trở đi, tất cả các chiến thần tài ba thao lược đó đều phải xuống chiếu dưới. Toàn bộ lương tướng trong Võ miếu vì vậy lần hồi bị gạt bỏ, sau chót chỉ còn mỗi mình Quan Vũ, viên tướng lục lục thường tài chỉ có cái dũng của kẻ thất phu, trấn thủ một thành Kinh châu bằng cái bụm cũng chẳng xong; ấy vậy là Quan đế miếu từ đó soán ngôi, độc bá Võ miếu, với hai tùy tướng Quan Bình, Châu Thương được phối hưởng ăn ké.
2. TÔN SÙNG:
* Đời Hán:
– Năm 199, Lưu Hiệp (Hiến đế) phong Vũ tước Hán Thọ Đình hầu.
– Năm 221, Lưu Bị phong Đãng khấu Tướng quân, Tiền tướng quân.
– Năm 258, Lưu Thiện truy tặng thụy hiệu Tráng mậu hầu; năm 263, lại truy tặng Nghĩa dũng Tráng mậu hầu.
* Đời Tùy:
– Năm 581, Dương Kiên (Văn đế) phong Trung Huệ công.
* Đời Bắc Tống, Triệu Cát (Huy tôn) nhiều lần truy tặng: Năm 1104, phong Sùng Ninh Chí đạo Chân quân; 1107, phong Vũ An vương, rồi Chiêu Liệt Vũ An vương; 1123, Nghĩa dũng Vũ An vương.
* Đời Nam Tống:
– Năm 1128, Triệu Cấu (Cao tôn) phong Tráng mậu Nghĩa dũng Vũ An vương.
– Năm 1187, Triệu Viện (Hiếu tôn) phong Tráng mậu Nghĩa dũng Vũ An Anh Tế vương.
* Đời Nguyên:
– Năm 1328, Thiết Mộc Nhi (Văn tôn) phong Hiển linh Nghĩa dũng Vũ an Anh Tế vương. Năm 1331, lại gia phong Tề thiên Hộ quốc Đại tướng quân, Kiểm hiệu Thượng thư, Thủ quản Hoài Nam Tiết độ sứ, kiêm Sơn Đông-Hà Bắc Tứ môn quan Chiêu thảo sứ, kiêm Đê điều Chư cung thần, Vô phận Địa xứ Kiểm hiệu quan, Trung thư môn Hạ bình chương Chính sự, Khai phủ Nghi đồng Tam ty, Giá tiền Đô thống quân, Vô Nịnh hầu, Tráng mục Nghĩa dũng Vũ an Anh Tế vương, Hộ quốc Sùng ninh Chân quân.
* Đời Minh:
– Năm 1394, Chu Nguyên Chương (Thái tổ) phong Tiền tướng quân Thọ Đình hầu.
– Năm 1578, Vạn Lịch (Thần tôn) phong Hiệp thiên Hộ quốc Trung nghĩa đại đế. Năm 1613, lại phong Tam giới Phục ma đại đế Thần uy Viễn chấn Thiên tôn Quan thánh Đế quân.
– Năm 1630, Sùng Trinh (Tư tôn) phong Chân nguyên Hiển ứng Chiêu minh Dực Hán Thiên tôn.
* Đời Thanh:
– Năm 1652, Thuận Trị (Thế tổ) phong Trung nghĩa Thần vũ Quan thánh Đại đế.
– Năm 1725, Ung Chính (Thế tôn) truy phong tam đại: ông cố của Vũ làm Quang Chiêu công, ông nội Vũ làm Dụ Xương công, cha Vũ làm Thành Trung công. Đồng thời hạ lệnh toàn quốc lập Võ miếu, sử dụng lễ nghi dành cho Khổng tử để cúng tế Quan Vũ. Từ đây, Vũ bắt đầu được hưởng quốc tế.
– Năm 1736, Càn Long (Cao tôn) phong Sơn Tây Quan phu tử. Năm 1767 lại gia phong thêm hai chữ “Linh hựu”.
– Năm 1813, Gia Khánh (Nhân tôn) gia phong thêm hai chữ “Nhân dũng”.
– Năm 1828, Đạo Quang (Tuyên tôn) phong Trung nghĩa Thần vũ Linh hựu Nhân dũng Uy hiển Quan thánh Đại đế.
– Năm 1855, Hàm Phong (Văn tôn) phong Trung nghĩa Thần vũ Linh hựu Nhân dũng Uy hiển Hộ quốc Bảo dân Tinh thành Tuy tĩnh Quan thánh Đại đế. Đồng thời truy phong tam đại Vũ thảy lên tước vương.
– Năm 1879, Quang Tự (Đức tôn) phong Trung nghĩa Thần vũ Linh hựu Nhân dũng Uy hiển Hộ quốc Bảo dân Tinh thành Tuy tĩnh Dực tán Tuyên đức Quan thánh Đại đế.
Sau ngàn năm, nhân vật võ biền thuở nào đã không còn nữa, những khiếm khuyết của Vũ đã được xóa sạch như chùi đít, để chỉ còn là một thánh nhân hoàn hảo, trung nghĩa thăng hoa. Địa vị tâm linh của Vũ giờ đây vượt cả Khổng tử, trở thành tinh túy của Tam giáo.
La Quán Trung đã tô điểm cho Vũ gồm đủ nhân nghĩa lễ trí tín, thành đấng quân tử mẫu mực; Phật giáo Trung Hoa tôn Vũ làm thần Hộ pháp với danh hiệu Già lam Bồ tát; Đạo giáo tôn Vũ vào “Ngũ Văn Xương”, ngang hàng với bốn vị Văn Xương đế quân, Đại Khôi tinh quân, Châu Y tinh quân, Thuần Dương đế quân.
Đời nhà Thanh, khi xem Kinh kịch, mỗi lần kép đóng vai Quan công ra màn, cả hoàng đế cũng phải đứng dậy cúi chào để tỏ lòng tôn kính. Chẳng những thế, có những nghành nghề không liên quan, như thầy bói, thợ mộc, thợ nề, buôn bán nhỏ lẻ v.v… cũng tôn sùng Quan Vũ; vậy là Vũ kiêm luôn thần Tài phù hộ mua may bán đắt. Đến bọn giặc cướp kết nghĩa anh em, cũng nhờ “Quan nhị ca” làm chứng cho lòng trung nghĩa của mình với tổ chức.
Trung Hoa loạn lạc, Quốc-Cộng giao tranh, người Tàu vượt biển tìm nơi đất lành lập nghiệp, Quan Vũ trở thành vị thần phò hộ biển lặng sóng yên. Khi họ đã an cư, thì Vũ thành thần linh độ trì gia đạo bình an.
Theo bước chân lưu lạc của người Tàu tứ tán muôn phương, đền miếu Quan Vũ nơi hải ngoại không chỉ hiện hữu ở Việt Nam mà còn tọa lạc khắp nơi: Nhật Bản, Triều Tiên, Kampuchea, Tân Cương, Mông Cổ, thậm chí cả ở Anh, Mỹ, bất cứ nơi đâu có dấu chân Hoa kiều là có đền thờ Quan Vũ.
3. CHÍNH SỬ:
Tiểu sử Quan Vũ được ghi nhận sớm nhất là từ bộ Tam quốc chí của Trần Thọ (sử quan nhà Tây Tấn, +233-297). Chương 6, Quyển 36, Tam quốc chí chép về ngũ hổ tướng nhà Thục, phần Quan Vũ truyện không đầy ngàn chữ:
(https://zh.wikisource.org/wiki/三國志/卷36#關羽)
QUAN VŨ TRUYỆN (theo “Tam quốc chí”. Tôi tạm dịch, phần trong dấu ngoặc đơn là lời chú của Trần Thọ):
Quan Vũ tự Vân Trường, hiệu Trường Sinh, người huyện Giải Lương quận Hà Đông. Phạm tội nên bỏ xứ lưu lạc đến Trác Quận. Tiên chủ [Lưu Bị] tập hợp người trong vùng, Vũ với Trương Phi cũng theo về phò tá. Tiên chủ làm Bình Nguyên tướng, lấy Vũ và Phi làm Biệt bộ tư mã, chia nhau thống lĩnh quân sĩ. Tiên chủ cùng với hai người ngủ chung giường, tình thân như anh em. Khi tiếp đãi khách, [hai người] đứng hầu trọn ngày, mọi thứ đều vì Tiên chủ lo chu toàn, chẳng nề gian khổ.
(Thục ký chép: Tào Tháo cùng với Lưu Bị vây Lã Bố ở Hạ Bì. Bố sai Tần Nghi Lộc đến xin cầu cứu, Quan Vũ bày tỏ với Tào công, xin được lấy vợ người ấy làm vợ, Công thuận cho. Khi Bố bị bại, Vũ lại tỏ ý ấy với Công. Công ngờ rằng người ấy hẳn có nhan sắc, mới sai đón trước về xem, thầm tính giữ lại cho mình, Vũ vì vậy trong lòng chẳng yên. Việc này sách Nguỵ thị Xuân Thu cũng ghi tương tự).
Tiên chủ đánh úp Từ châu của Thứ sử Xa Trụ, sai Vũ giữ thành Hạ Bì, trông nom việc Thái thú (Nguỵ thư chép: Lấy Vũ quản Từ châu), còn Tiên chủ về huyện Bái.
Kiến An năm thứ 5 [+200], Tào công Đông chinh, Tiên chủ chạy về với Viên Thiệu. Tào công bắt được Vũ, kính làm Thiên tướng quân, ban thưởng cực hậu. Thiệu sai Đại tướng quân Nhan Lương đánh thành Bạch Mã, thuộc Đông quận của Thái thú Lưu Diên. Tào công sai Trương Liêu và Vũ làm tiên phong chống lại. Vũ từ xa thấy Lương ở dưới lọng chỉ huy, liền thúc ngựa xông tới đâm chết Lương giữa vạn quân, chém lấy thủ cấp mang về, các tướng của Thiệu không ai cản nổi, thành Bạch Mã được giải vây. Tào công liền phong cho Vũ làm Hán Thọ đình hầu. Lúc đầu, Tào công thấy Vũ là kẻ mạnh mẽ, nhưng xem ra không có ý muốn lưu lại lâu dài, mới bảo Trương Liêu: “Khanh lấy cái tình của ta thử dọ ý hắn”. Liêu liền hỏi Vũ, Vũ than rằng: “Ta biết rõ Tào công đãi ta rất hậu, nhưng ta vốn mang ơn nặng của Lưu tướng quân, thề cùng sống chết, chẳng thể phụ nhau. Ta thà chết chứ không ở lại, nhưng còn đợi lập công đền ơn Tào công xong mới ra đi”. Liêu thuật lời Vũ với Tào công, Tào công cảm phục nghĩa khí ấy.
(Phó Tử bảo: Liêu muốn bẩm lại Thái tổ [tức Tào Tháo. Con Tháo là Phi soán ngôi nhà Hán lập nên nhà Ngụy, truy phong cha làm Ngụy Vũ đế Thái tổ] thì sợ Thái tổ giết Vũ; còn không bẩm lại sợ trái đạo quân thần, mới than rằng: “Tào công là chúa ta; Vũ là anh em ta”. Đành bẩm báo. Thái tổ nói: “Thờ chúa không quên gốc, thật là nghĩa sĩ trong thiên hạ vậy. Khi nào thì kẻ ấy đi?” Liêu đáp: “Vũ chịu ơn chúa công, quyết lập công đền đáp rồi mới đi”).
Đến khi Vũ giết Nhan Lương, Tào công biết y tất bỏ đi, nên tặng thưởng thêm rất hậu. Vũ gói hết những thứ được ban thưởng để lại, viết thư cáo từ, tìm đến Tiên chủ đang ở bên Viên Thiệu. Tả hữu muốn đuổi theo, Tào công nói: “Người ấy bỏ đi là vì chủ mình, chớ nên đuổi theo.”
(Thần là Tùng Chi cho rằng: Tào công biết Vũ không muốn ở lại mà vẫn khen ngợi chí kia, khi Vũ bỏ đi lại chẳng khiến người đuổi theo, cốt thành tựu cho nghĩa khí ấy; vậy mà Công còn tự cho rằng mình chưa đủ độ lượng của bậc bá vương, ai có thể làm được vậy? Đó quả là Tào công đã cư xử rất cao đẹp).
Vũ theo về chỗ Lưu Biểu với Tiên chủ. Biểu chết, Tào công bình định Kinh châu. Tiên chủ từ Phàn Tương vượt sông chạy về phía Nam, sai Vũ đốc xuất mấy trăm thuyền chiến, hẹn gặp nhau ở Giang Lăng. Tào công đuổi đến Đương Dương Tràng Bản, Tiên chủ chạy đến bến Hán Tân, vừa may gặp chiến thuyền của Vũ ở đó, cùng nhau đến Hạ Khẩu.
(Thục ký chép: Lúc trước, Lưu Bị ở đất Hứa cùng với Tào công đi săn. Trong khi săn bắn, mọi người tản mát, Vũ khuyên Bị giết Công, Bị không nghe. Đến khi ở Hạ khẩu, trôi giạt trên sông, Vũ giận nói: “Lúc trước đi săn, nếu theo lời kẻ này, thì có đâu khốn cùng như hôm nay”. Bị nói: “Là bởi lúc bấy giờ vì nước nhà mà tiếc [Tháo] đấy thôi; ý trời xui khiến, biết đâu là họa phúc”. Thần là Tùng Chi thấy khi Bị với Đổng Thừa đồng mưu nhưng việc không ngờ bị lộ, chứ nếu vì nước nhà mà tiếc Tào công, nói vậy mà cũng được! Như Vũ khuyên Bị như thế mà Bị chẳng nghe theo, ấy là bởi bên cạnh Tào công có kẻ tâm phúc thân thích, quân sĩ đông đảo, dẫu cho đề phòng chẳng nghiêm nhặt, nhưng việc cũng chẳng dễ phải làm. Dù giết được Tào, thì chính mình cũng khó thoát chết, rốt chỉ có thế, sao nói là tiếc được! Việc đã qua rồi, bèn nói thác lời khuyên kia là trái vậy).
Tôn Quyền phát binh giúp Tiên chủ chống Tào, Tào công phải lui quân về. Tiên chủ thu được các quận ở Giang Nam, bèn phong thưởng huân công, Vũ được làm Đãng Khấu tướng quân, Thái thú Tương Dương, đóng giữ Giang Bắc. Tiên chủ sang bình định Ích châu ở phía Tây, giao Vũ đảm trách mọi việc ở Kinh châu. Vũ nghe Mã Siêu đến hàng, là người mới lại được chức cao. Vũ gửi thư cho Gia Cát Lượng, hỏi Siêu là nhân tài thế nào mà được chung vào hạng ấy. Lượng vốn đoán trước ý, bèn đáp thư rằng: “Mạnh Khởi tài kiêm văn võ, anh dũng hơn người, là hào kiệt một đời, ví như Kình, Bành [tức Kình Bố, Bành Việt, dũng tướng của Hán Cao tổ Lưu Bang], tuy có thể so tài nghệ cao thấp với Dực Đức, song chẳng thể so sánh được với ông Râu dài tuyệt luân siêu quần được”. Vũ có bộ râu dài rất đẹp, nên được Lượng khen vậy lấy làm thích thú. Vũ đọc thư xong rất đắc ý, lại đưa cho bọn tân khách cùng xem.
Vũ từng bị trúng tên xuyên cánh tay trái, về sau vết thương tuy khỏi, nhưng những lúc trở trời vẫn thường thấy đau nhức trong xương. Thầy thuốc bảo: “Mũi tên có độc, chất độc đó ngấm vào xương, giờ phải khoét cánh tay bị thương, nạo xương khử độc, mới trị được tuyệt gốc”. Vũ bèn duỗi cánh tay sai thầy thuốc chữa trị. Lúc ấy Vũ đang cùng các tướng đối ẩm, máu từ cánh tay chảy đầm đìa, hứng đầy cả chậu, Vũ vẫn cắt thịt uống rượu cười nói như không.
[Kiến An] Năm thứ 24 (+219), Tiên chủ xưng Hán Trung vương, phong Vũ làm Tiền tướng quân, ban cho tiết việt. Năm ấy, Vũ xuất binh đánh Tào Nhân ở Phàn thành. Tào công sai Vu Cấm đến giúp Nhân. Sang thu mưa dầm, nước sông Hán ngập mênh mông, bảy cánh quân của Cấm đốc suất đều bị dìm cả, Vu Cấm hàng Vũ. Vũ lại chém được tướng Bàng Đức. Bọn quần đảng đạo tặc vùng Lương, Giáp, Lục đều theo về với Vũ, kết thành bè đảng, Vũ oai chấn Hoa Hạ. Tào công định dời về Hứa Đô để tránh mũi nhọn, nhưng Tư Mã Tuyên Vương và Tưởng Tế khuyên rằng Quan Vũ đang đắc chí, tất Tôn Quyền sẽ không cam lòng. Bèn sai người khuyên dỗ Quyền đánh tập hậu, hứa sẽ cắt đất Giang Nam cho Quyền, như thế tự nhiên Phàn thành sẽ được giải vây. Tào công nghe theo. Lúc trước, Quyền sai sứ đến hỏi con gái của Vũ cho con trai mình, Vũ không chịu gả con, còn nhục mạ sứ giả, Quyền cả giận.
(Điển lược chép: Vũ vây Phàn thành, Quyền sai sứ xin trợ giúp, nhưng Quyền chẳng vội tiến binh, chỉ phái chủ bạ báo tin cho Vũ. Vũ giận vì phải đợi lâu, lúc ấy vừa bắt được bọn Vu Cấm, bèn mắng: “Tên giặc kia dám vậy, đợi nhổ xong Phàn thành, ta không thể diệt được hắn ư!” Quyền nghe lời ấy, biết Vũ khinh thường mình, bèn vờ viết thư xin lỗi Vũ, hứa sẽ tự dẫn quân đến giúp. Thần Tùng Chi cho rằng: Kinh Ngô tuy ngoài mặt hòa hiếu, mà bên trong vẫn ngờ vực đề phòng lẫn nhau, nên việc Quyền tập kích Vũ, ắt phải giấu kín như bưng. Như “Lữ Mông truyện” chép rằng: “Ém phục tinh binh nơi kín đáo, sai lính mặc áo trắng cầm chèo, giả dạng làm khách buôn”, theo như lời ấy, thì nếu Vũ chẳng xin Quyền giúp, Quyền ắt sẽ chẳng nói với Vũ là sẽ đến. Như đã hứa cho viện quân, còn phải giấu kín hình tích như vậy là sao?)
Lại nói Thái thú Nam quận là My Phương ở Giang Lăng, cùng tướng quân Phó Sỹ Nhân đóng ở Công An, vốn có hiềm khích vì bị Vũ coi rẻ. Khi Vũ xuất quân, Phương, Nhân cung cấp quân nhu chẳng đủ. Vũ bảo khi trở về sẽ trị tội. Phương, Nhân trong lòng lo sợ chẳng yên. Thế nên khi Quyền ngầm dụ hàng, Phương, Nhân liền sai người nghênh đón Quyền. Tào công bèn sai Từ Hoảng đến cứu Tào Nhân.
(Thục ký chép: Vũ cùng Hoảng vốn rất quý trọng nhau, từ xa bắt chuyện, chỉ nói những việc bình thường, không nhắc đến việc quân. Lát sau, Hoảng xuống ngựa truyền lệnh: “Ai lấy được đầu Vân Trường sẽ thưởng nghìn cân vàng”. Vũ cuống lên, hỏi Hoảng: “Đại huynh, sao nỡ nói vậy?” Hoảng đáp: “Đây là việc nước”).
Vũ chống không lại, phải dẫn quân lui về. Quyền chiếm được Giang Lăng, bắt sống vợ con tướng sĩ của Vũ, quân của Vũ chạy tản mát cả. Quyền sai tướng chận đường đón đánh Vũ, chém chết Vũ và con của Vũ là Bình ở Lâm Thư.
(Thục ký chép: Quyền sai quân tập kích Vũ, bắt được Vũ cùng con là Bình. Quyền muốn dùng Vũ để địch với Lưu, Tào, tả hữu thưa rằng: “Sói dữ không nên nuôi, bằng không sau sẽ bị hại. Tào công không trừ bỏ gã ấy, tự rước họa lớn, đến nỗi phải tính dời đô. Nay có thể dung hắn sống sao!” Quyền bèn sai chém. Thần Tùng Chi thấy Ngô thư có ghi: Tôn Quyền sai tướng Phan Chương chận đường đón bắt được Vũ, Vũ bị chém chết, vả lại Lâm Thư cách Giang Lăng hai ba trăm dặm, sao lại dung cho chẳng giết ngay lúc ấy, phải đợi đến bàn việc sống chết của Vũ vậy? Còn bảo rằng: “Quyền muốn dùng Vũ để địch với Lưu, Tào”, lời nói ấy chẳng qua là để bịt miệng kẻ trí mà thôi. “Ngô lịch” chép: “Quyền sai đem thủ cấp của Vũ cho Tào công, Tào công lấy lễ chư hầu để an táng thi hài của Vũ”. Vũ được truy tặng thuỵ hiệu Tráng mục hầu.
Thục ký lại chép: Vũ ban đầu xuất quân vây Phàn thành, mộng thấy bị đàn lợn cắn chân, nói với Bình rằng: “Ta nay đã yếu, nay đi chắc không thể trở về!” (Giang Biểu truyện chép: Vũ thích xem Tả truyện, thường thích chí ngâm nga tụng đọc).
Con nối dõi của Vũ là Hưng. Hưng tự An Quốc, lúc trẻ làm huyện lệnh ở Vấn, được Thừa tướng Gia Cát Lượng quý trọng khác thường. Sau làm quan Thị trung Trung giám quân. Được vài năm thì mất. Con Hưng là Thống nối dõi, lấy công chúa [con Hậu chủ Lưu Thiện], làm quan đến Hổ bôn Trung lang tướng. Khi chết không con nối dõi, con thứ của Hưng là Di được kế tập.
Thục ký chép: Con Bàng Đức là Hội, theo Chung, Đặng đánh diệt được Thục, cho giết sạch cả họ nhà Vũ.
4. CHÂN TƯỚNG:
Tiểu thuyết Tam quốc Diễn nghĩa của La Quán Trung là thành tựu lớn của văn học Trung Hoa. Giới thống trị đã lợi dụng những hư cấu trong đó để dựng nên hình tượng Quan Vũ vạn toàn vô khuyết. Đây chỉ kể sơ mấy chỗ hư cấu của La Quán Trung:
– Chuyện “Đào viên kết nghĩa” là bịa. Trong Tam quốc chí, Trần Thọ ghi rõ Quan Vũ là tên tội phạm trốn truy nã, nhờ vậy mà gặp Lưu Bị; và Quan, Trương chỉ được Lưu Bị COI NHƯ anh em mà thôi, làm gì có chuyện kết nghĩa huynh đệ!
– Chuyện đốt đuốc canh cửa cho hai chị dâu càng hoang đường. Tam quốc chí chép: Khi thất thế bại tẩu về với Tào Tháo, Vũ chỉ đi một mình. Chẳng những thế, Vũ còn là kẻ háo sắc, khi cùng Tào Tháo bao vây Lữ Bố ở Hạ Bì, y đã có dã tâm muốn đoạt Đỗ thị, vợ của Tần Sĩ Nhân – nha tướng Lữ Bố.
– Hoa Hùng không phải chết dưới đao Quan Vũ, mà bị giết bởi Tôn Kiên.
– Quan Vũ chỉ giết Nhan Lương, không hề chém Văn Xú. Chuyện “Quá ngũ quan trảm lục tướng” toàn là tưởng tượng của nhà văn.
– Bản mặt Vũ không hề đỏ như trái bồ quân (trừ phi Vũ mắc bệnh Lupus ban đỏ hoặc hội chứng Haber). Chính sử không hề tả hình dong Vũ, chỉ thấy trong thư Gia Cát Lượng gửi Vũ có một chữ “Nhiêm” 髯 cho thấy Vũ là người râu ria rậm rạp mà thôi.
– Ngựa Xích Thố là sáng tạo của La Quán Trung, sau này thành chiêu trò cho bọn nhà văn dã sử Tàu thêm mắm dặm muối trợ oai dũng tướng. Bởi ngựa chiến của Tàu hầu hết đều ngựa thiến, là thứ ngựa chỉ dùng xông thẳng trực diện đối phương, không thể đủ sức rong ruổi ngàn dặm.
– Thanh Long Yển Nguyệt đao của Quan Vũ, cũng như Bát xà mâu của Trương Phi, Phương thiên họa kích của Lữ Bố, đều là những thứ vũ khí cán dài. Theo Vũ kinh Tổng yếu, bộ sách nghiên cứu quân sự được soạn vào đời Tống (khoảng 1040-1044), thì thời Tam quốc thông dụng đại đao, đao của quân Đông Ngô dài dộ 6 tấc; của Bắc Ngụy khoảng 1 thước; của Thục Hán dài nhất, ước thước hai. Loại trường đao Yển nguyệt hơn hai thước mốt mà Tam quốc Diễn nghĩa miêu tả đó phải tới 800 năm sau, vào thời Đường-Tống mới bắt đầu xuất hiện.
– Quan Vũ dù có tài chém tướng giữa vạn quân, thì cũng chỉ là kẻ võ biền thô lỗ. Trên bia mộ ông nội của Vũ (Quan hầu tổ mộ bi ký) có ghi nội tổ Vũ là Quan Thẩm, vốn mạch thư hương, thường dùng Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu để dạy con cháu. Điều đó không có nghĩa là Vũ cũng thạo kinh sách. Huống chi Vũ còn tỏ ra khinh thị bọn văn nho, đến nỗi gây hiềm khích với My Phương và Phó Sĩ Nhân mà chuốc họa sát thân.
– Chiến công dìm bảy cánh quân Vu Cấm ở Phàn thành khiến oai danh của Vũ vang lừng Hoa Hạ, vốn là nhờ tiết thu mưa dầm khiến nước sông dâng cao mà có, là hên thôi, chứ đách phải do thần cơ diệu toán như La Quán Trung ca tụng.
Dìm hàng Quan Vũ đến đây đã đủ, bởi bới hết chỗ khuyết của Vũ ra, e 10.000 chữ còn là ít, nên tạm dừng.
5. LÝ GIẢI:
Vì sao người ta lại thành công trong việc cải tạo một kẻ thất phu nên bậc thần nhân chí thánh? Đây là hiện tượng tâm linh-văn hóa, là thứ tôi không đủ khả năng phân tích, chỉ mạo muội nêu vài lý do.
– Cưỡng bức thông tin: giai tầng thống trị cùng bọn Nho-Tăng-Đạo hiệp lực tuyên truyền, chỉ thông tin một chiều, ra sức tán dương thánh hóa Quan Vũ. Bọn cần lao bá tánh phần đông lại mông muội mê tín, nên chúng lâu dần chịu tập nhiễm mà tôn sùng hình tượng Quan Vũ, coi Vũ không chỉ “anh hùng dân tộc” mà còn là thánh đế cứu đời.
– Thân phận lương dân bèo bọt trầm luân trong khổ hải, chỉ còn mỗi cách là hy vọng sẽ có “vị cứu tinh”, giúp diệt ác trừ gian, thay đổi số kiếp cho mình, nên họ dễ dàng nương theo ơn đức của Quan thánh Đế quân, một kiểu “cha già dân tộc”.
– Dân nghèo muốn đoàn kết đấu tranh chống lại ác bá, buộc phải duy trì chữ “Nghĩa” để giữ vững đội ngũ. “Quan nhị ca” với lớp son phấn trung can nghĩa khí đã đáp ứng nguyện vọng này.
6. QUAN VŨ TRONG TIẾU LÂM DÂN GIAN:
Dân Tàu không phải ai cũng kính ngưỡng Quan Vũ, họ đặt đủ chuyện tiếu lâm về anh râu đẹp, đây trích đọc chơi vài chuyện cho vui.
* * *
Chư hầu hội quân thảo phạt Đổng Trác. Trong tiệc rượu, Thái thú Bắc Hải là Khổng Dung mang đến một xe lê mời mọi người tráng miệng, số lê còn dư đều bị liệng ra cửa sổ. Lưu Bị lấy làm tiếc thì Khổng Dung bảo:
– Không hề gì, ở xứ tôi toàn là lê.
Lát sau, Viên Thiệu lôi ra một hòm vàng tặng mọi người, số vàng còn dư cũng vất ra cửa sổ. Lưu Bị tiếc hỏi thì Thiệu đáp:
– Không hề chi, xứ tôi toàn vàng bạc.
Lưu Bị ngồi trầm ngâm một hồi, xong lẳng lặng đến nắm đầu Quan Vũ, Trương Phi liệng ra cửa sổ.
* * *
Ba anh em Lưu-Quan-Trương chiêu binh mãi mã mưu đồ nghiệp lớn. Họ cất một cái chuồng chà bá, thả ngựa vô đó. Bữa sau, ba đứa phát hiện ngựa đều chạy hết ra ngoài, bèn xây hàng rào cao thêm cả thước. Qua hôm sau, ngựa vẫn sút chuồng, ba anh em hè nhau xây hàng rào cao thêm 5 thước. Tuy cực nhưng trong bụng họ khấp khởi mừng thầm, vì chuyến này mua được toàn tuấn mã, nhảy cao quá mạng.
Chừng ba đứa đó đã đi ngủ, tụi ngựa mới hỏi con đầu đàn:
– Theo đại ca thì ba thằng ngu đó còn phải nâng hàng rào thêm nhiêu cao nữa?
– Cái đó khó đoán, nếu chúng ngày nào cũng quên đóng cửa chuồng!
* * *
Quan Vũ bị thương ở cánh tay phải, mới nhờ Hoa Đà nạo xương trị độc. Vũ lo lắng hỏi:
– Thần y ơi, liệu vết thương này có ảnh hưởng tới sinh hoạt tình dục của ta chăng?
Hoa Đà đáp:
– Cái đó còn tùy ở tướng quân thuận tay nào!
* * *
Quan Vũ bị thương ở cánh tay, tới nhờ Hoa Đà nạo xương trị độc, nhưng nửa chừng Vũ lại hoảng hồn vùng bỏ chạy. Lưu Bị chận lại hỏi nguyên do. Vũ nói:
– Rõ ràng ban nãy đồ đệ của Hoa Đà có trấn an rằng: “Không sao đâu, đừng sợ, đây chỉ là phẫu thuật đơn giản thôi!”
– Nếu vậy sao chú còn sợ tới té chạy?
– Tại đó là lời tên đồ đệ trấn an sư phụ nó!
* * *
Hoa Đà sau khi nạo xương Quan Vũ xong thì đổi nghề, chuyển qua làm nha sĩ. Một hôm, Quan Vũ ôm hạ bộ nhăn nhó đến nhờ giúp đỡ, Hoa Đà bèn khuyên:
– Tại hạ giờ chỉ chuyên việc nhổ răng, hay là Hầu gia đi tìm bác sĩ nam khoa, nên chăng?
– Thì ta nhờ người nhổ cái răng trong khố ra dùm đây!
* * *
Gia Cát Lượng tinh thông kỳ môn độn giáp, lại luyện được biệt tài giả đủ thứ tiếng kêu của các loài thú. Lần nọ đang nghị sự trong trướng, Lượng bỗng mắc rắm nhưng xấu hổ, không muốn để mọi người biết, bèn thưa với Lưu Bị:
– Tâu chúa công, tôi chợt nổi hứng, muốn giả tiếng cọp gầm cho mọi người nghe thử, dám hỏi đặng chăng?
Bị gật đầu. Lượng bèn gầm lớn một tràng, đồng thời thả hơi trong bụng ra. Quan Vũ đứng cạnh nghe xong, bèn yêu cầu:
– Quân sư làm lại lần nữa đi, ban nãy ngài đánh rắm to quá, tôi nghe tiếng gầm không rõ!
(Tiếng Trung, đánh rắm [phóng thí] còn có nghĩa bóng là nổ văng miểng; lại có câu thành ngữ “Gia Cát lượng đánh rắm” để chỉ kẻ ba hoa).
* * *
Ba anh em Lưu, Quan, Trương bị quân Tào bắt được. Tháo sai lính bưng ra mâm trái cây. Trương Phi chộp lấy trái xoài tính ăn, nào dè Tháo bắt phải nhét trái cây vô hậu môn, nếu làm không được sẽ bị chém. Kết quả là Phi cụt đầu.
Quan Vũ thấy vậy, nhón lấy trái nho, nhưng đang lúc nhét vô lại sặc cười không nhét được, nên cũng bị bêu đầu.
Chừng xuống âm ty, Diêm vương hỏi lúc đó sao cười để phải chịu chết? Quan Vũ đỏ mặt lên đáp:
– Tại vừa lúc đó, tôi thấy anh Lưu Bị đang lựa trái sầu riêng!
* * *
Quan Vũ níu Lưu Bị than thở:
– Ca ca, lần sau xin đừng bắt tôi phải đi công cán với quân sư nữa, lão ấy đánh rắm hoài, tôi chịu không nổi!
– Hoang đường! Ngươi thân là đại tướng, xông pha lằn tên mũi đạn còn không sợ, lại đi sợ phát rắm hay sao?
– Ca ca không biết đó thôi, vết thương trên da thịt chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là cái thể diện kia: Mỗi lần lão ấy thả bom, tụi chung quanh nhìn thấy mặt tôi đỏ như gấc, chúng thảy cho tôi là thằng thả địt!
Vinhhuy Le
Nguồn: Facebook Vinhhuy Le