Jacques Prévert là một nhà thơ mà cũng là một nhà điện ảnh nổi tiếng của Pháp. Ông ra đời cùng với thế kỷ 20 và tạ thế năm 1977. Ða số người Việt chúng ta biết tới Prévert qua bài thơ Les Feuilles Mortes, được người bạn là nhạc sĩ Joseph Kosma gốc Hung Gia Lợi phổ vào nhạc, rồi được Juliette Gréco và Yves Montand trình bày để trở thành ca khúc cổ điển của mọi cặp tình nhân trên đời.
Quỳnh Giao
Thật ra, tình bạn giữa hai người còn bền chặt hơn giai điệu rơi rụng của chiếc lá úa.
Kosma là một nhạc sĩ đa điện, ông soạn nhạc opéra, ballets, nhạc thính phòng và nhất là viết nhạc phim. Vì ông có huyết thống Do Thái, khi Pháp bị Ðức chiếm đóng thì Prévert đã chứa chấp và giúp bạn tiếp tục viết nhạc, nhưng dưới tên giả. Ngoài Les Feuilles Mortes, Kosma còn phổ nhiều bài thơ khác của Jacques Prévert, như Barbara, En Sortant de l’École, Et la Fête Continue, Dans ma Maison, v.v…
Trong số này, có lẽ ca khúc ngắn nhất, hát trong một phút chín giây, lại có âm hưởng dài nhất, đến vĩnh cửu. Ðó là bài Le Jardin.
Cả ngàn năm và cả ngàn năm
Cũng không đủ
Ðể nói
Khoảnh khắc vĩnh cửu
Khi anh hôn em
Và em hôn anh
Một buổi sáng dưới ánh mùa Ðông
Tại vườn Montsouri ở Paris
Ở Paris
Trên trái đất
Ðịa cầu cũng là tinh cầu…
Nhiều nhà văn nhà thơ của chúng ta cũng cảm nhận như Prévert: tình yêu có thể biến khoảnh khắc thành vĩnh cửu. Nhưng, trao nhau nụ hôn rồi, “người trong cuộc” cũng sẽ có ngày thấy:
Chiều tan trên đường tối
Có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối
Im chờ phút đầu thai…
Phạm Duy đã viết thế trong Ðường Chiều Lá Rụng. Lúc ấy, nếu người trong cuộc đã thành gò mối, ai là người cảm nhận ra sự vĩnh cửu? – Chúng ta.
Chúng ta tiếp tục cảm nhận ra sự vĩnh cửu nhờ tác phẩm của người nghệ sĩ để lại, mà có lẽ cảm nhận dễ nhất nếu đó là một tác phẩm âm nhạc. Chúng ta có thể nghĩ đến điều ấy khi thiên hạ mừng Lễ Tạ Ơn và mình lẩm nhẩm lại bài Tạ Ơn Ðời của Phạm Duy.
Về tiểu tiết thì Phạm Duy viết bài này vào năm 1959, dường như sau một vụ tai tiếng đã gây đổ vỡ cho nhiều người thân. Ðấy là tiểu tiết không ai cần nhớ, trừ các nhà báo muốn viết… “nhạc sử”. Nhưng đời sau không biết vẫn thấy bài này quá hay, với lời quá đẹp. Ông mở đầu như một bản tình ca buồn đầy những luyến tiếc.
Thế rồi bỗng dứt ở một cảm nhận bất ngờ: “Ðời vắng xa như mẹ hiền…”
Phạm Duy nghĩ gì khi ấy mà từ những chuyện rong chơi lại thấy vắng xa như mẹ hiền?
Từ những nỗi niềm rất riêng tư, Phạm Duy mở ra không gian vĩnh cửu, để tuôn trào những tâm tư rất chung, của nhân thế.
Trong trăm mùa xuân héo
Tay hái biết bao niềm yêu
Dăm eo sèo nhân thế!
Chưa phai lòng say mê!
Với đôi ba lần gian dối!
Ðời vẫn ban cho ngọt bùi…
Ðấy là phần “tự thú” rất riêng tây của người nghệ sĩ. Thế rồi, ông chuyển đoạn, nhìn thấu chuyện tử sinh, từ khi còn là bào thai:
Ôi ơn đời chói vói!
Nhớ khi thân tròn ôm gối!
Ba trăm ngày trong gói
Ngóng trông ra đời góp mối chung vui….
Ôi ơn đời mãi mãi!
Thoát thai theo đời vun xới
Bao nhân tình thế giới
Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời…
Như một kẻ lãng tử hư đốn trở về nhà, người nghệ sĩ bật khóc tạ ơn đời, tạ ơn từ lúc sinh thành, từ ba trăm ngày còn nằm trong gói cho đến khi lớn lên trong vườn ân ái muôn đời!
Tình yêu có thể biến người đàn ông thành một đứa trẻ thơ, điều ấy ai cũng có thể biết. Nhưng trở thành một bào thai cuộn tròn trong lòng mẹ thì không có thiền cũng phải có tâm phân học mới giải thích được. Ca khúc quả là đẹp bất ngờ.
Thế rồi, gã tình si ấy – giờ đây không còn là chuyện của người nhạc sĩ nữa, ông nói cho mọi kẻ tình si của nhân thế vĩnh cửu – lại từ bào thai tìm đến chỗ chết.
Mang ơn đời chăn vỗ!
Dâng cho người yêu goá!
Dâng cây đàn bơ vơ!
Dâng biết bao ân tình xưa.
Mang ơn đời nâng đỡ!
Dâng nấm mồ thô sơ
Với dâng hương hồn thương nhớ
Còn vấn vương trong chiều tà…
Thơ Ðỗ Quý Toàn, “Mùa Xuân Yêu Em”, cũng có giây phút dọa nạt đó:
Có cành hoa đẹp
Anh hái cho em
Em không thèm nhận
Anh chết cho xem!…
Ở Phạm Duy, đây không phải là giây phút ăn vạ.
Ông thành thật nghĩ mình sẽ chết, sẽ dâng lời tạ ơn cho người yêu goá bụa… Khi ông viết, cách đây gần nửa thế kỷ, chúng ta không cần biết là ông viết cho ai, nhớ đến ai. Nhưng sau này, Thái Hằng đã ra đi trước ông và những người thân ở chung quanh đều chứng kiến sự suy sụp của ông từ đấy.
Tình yêu và cái chết là hai đề tài hay thắm quyện vào nhau. Thường thì người ta ưa dùng cái chết để bày tỏ cái tình. Nhưng, chết thì hết chuyện, còn đâu giây phút hạnh phúc sẽ thành vĩnh cửu nữa!
Còn tác phẩm. Còn bài Tạ Ơn Ðời đã bay khỏi khung cảnh của tiểu tiết thời xưa để trở thành ca khúc khiến cho đời sau lưu luyến mãi. Cái “mãi” ấy là sự vĩnh cửu.
Về nhạc thuật, thông thường, cung thứ (mineur, minor) đều có âm hưởng u buồn ủ dột không tươi không sáng như âm giai trưởng (majeur, major). Các nhạc sĩ thuộc loại thiên tài của nhân loại đều có soạn nhạc trên cung thứ. Mozart thường dùng “ton” Sol khi viết những bài cung thứ. Beethoven hay viết trên “ton” Do những bài cung thứ u uẩn.
Riêng các nhạc sĩ Việt Nam, không hiểu sao lại ưa viết trên cung Ré thứ (D minor).
Tạ Ơn Ðời của Phạm Duy không ra khỏi khuôn thước đó, với nhịp 4/4 thật chậm, thật buồn. Nói rằng hát như một bài “thánh ca” thì hơi quá và có thể xúc phạm những người sùng đạo, nhưng hát như một bài kinh cầu siêu – requiem – có lẽ không sai. Một lời nguyện cầu dâng lên đời như một nén nhang tạ ơn.
Tạ Ơn Ðời hợp với giọng nam hơn là nữ, vì cả lời lẫn tâm cảnh của bài hát. Và hai người đã trình bày rất thành công ca khúc này là hai ca sĩ của hai khung trời khác biệt, từ không gian đến thời gian, là Anh Ngọc của ngày trước và Trần Thái Hòa ngày nay. Khi Trần Thái Hoà trình bày Tạ Ơn Ðời mà người nghe vẫn thấy xúc động dù chẳng cần biết gì về tiểu tiết ra đời của ca khúc, chúng ta biết rằng khoảnh khắc ngày xưa đã có thể trở thành vĩnh cửu…
Quỳnh Giao
___
Quỳnh Giao viết bài này ngày 20 tháng 11, 2006
Từ FB Nguyễn Xuân Nghĩa