Thi Tú Tài, sao mà nghiệt thế!

Nói chuyện với mấy vị giáo chức lớn tuổi, họ thường ân hận là trong đời đi dạy, họ đã chấm điểm ngặt nghèo quá. Vì mình mà có đứa phải đi lính, có đứa biết đâu vì thế chết ngoài mặt trận… (tựa bài của SGTC)

Nguyễn Văn Lục (trích “Nhìn lại việc thi Tú tài ở Miền Nam trước năm 1975”)

Sau đây là kết quả các kỳ thi Tú tài I và Tú tài II vào niên khóa 1954-1955, cho thấy kết quả thí sinh thi đỗ là bao nhiêu của hai chương trình Việt và Pháp lúc bấy giờ.(Nguồn: Việt Nam niên giám thống kê, trang 126-130)

Bảng 1: Kết quả kỳ thi tú tài I và 2, chương trình giáo dục Việt Nam 1953-1954, Sài Gòn-Nam Bộ (Nguồn: Việt Nam niên giám thống kê, trang 126-130)

Bảng 2: Kết quả kỳ thi tú tài 1 và 2 chương trình Pháp 1954-1955

Một vài nhận xét

Đây là năm cuối cùng (54-55) của việc thi cử trong hệ thống giáo dục của Pháp.

Tú tài Việt

Nên nhớ rằng, chính phủ quốc gia chỉ mới công bố chương trình thi lấy bằng Trung học phổ thông Đệ nhất cấp kể từ 1950. Khóa một vào 6/1950, khóa hai vào 9/1950. Vì thế không lạ gì số học sinh dự thi trường Việt ít hơn trường Pháp đến gần một nửa. Điều đó cho thấy việc học chỉ dành cho những người có tiền của, loại con ông cháu cha, khác hẳn kỳ thi năm 1955-1956. Trường Petrus Ký, Gia Long mới chỉ bắt đầu mở các lớp Đệ thất dạy chương trình Việt, nhưng vẫn duy trì một số lớp chương trình Pháp.

Tỷ lệ Tú tài I: Thí sinh thi đỗ Tú tài I, Việt Nam, kỳ một là 25% cộng cả hai kỳ là 35%. Thấp.

Tỷ lệ thí sinh bỏ dự thi Tú tài I, kỳ hai, rất cao. Điều đó cho thấy, người giỏi thì đỗ ngay kỳ đầu, người không học, sau khi thi thử kỳ đầu, không đậu đã bỏ luôn, không dự kỳ hai. Đáng nhẽ phải có hơn 800 dự thi khóa hai, chỉ còn hơn 500. Đã có khoảng 300 người bỏ cuộc. Cho dù thi lại, tỷ lệ thi đậu chỉ hơn 10% so với kỳ đầu là 25%.

Tỷ lệ Tú tài II: Những người thi Tú tài II đều giỏi vì đã được sàng lọc trong kỳ thi Tú tài I. Vì thế tỷ lệ thi đỗ rất cao so với Tú tài I, lên đến 70%. Số lượng những người tham dự kỳ thi Tú tài II, khóa hai cũng rất cao, chỉ vắng mặt vài chục người, vì họ tin rằng họ có thể thi đậu nên không bỏ cuộc.

Tỷ lệ thi Trung học đệ nhất cấp đậu cao, đến hơn 50%.

Những con số về tình hình đỗ đạt, thi cử này sẽ thay đổi nhiều trong các năm tới, khi có số đông học sinh miền Bắc di cư vào Nam, cũng như các trường trung học được mở ra khắp nơi.

Tú tài Pháp

Thi Tú tài Pháp gay go và khó đỗ hơn Tú tài Việt, vì họ chỉ thi có một kỳ, không có kỳ hai. Tỷ lệ thí sinh thi đậu chỉ đạt 20-25%. Vì thế sau này không lạ gì, nhiều học sinh đổi sang trường Việt. Tại đường Cao Bá Nhạ, gần đường Cống Quỳnh, Trần Hưng Đạo, có một trung tâm luyện thi dành cho học sinh chương trình Pháp thi tú tài Việt. Ai là người đã học trong hai lớp này?

So sánh hai bảng thì kết quả thi cử Việt Nam cho đỗ nhiều hơn thí sinh người Pháp. Phải chăng học sinh Việt Nam học giỏi hơn, chăm hơn người Pháp? Tôi nghiêng về lý do giám khảo Việt Nam chấm rộng hơn giám khảo Pháp.

*

Thi cử qua các kỳ thi Tú tài I và II ở miền Nam công bằng, vì tổ chức chặt chẽ và vì lương tâm nhà giáo.

Tổ chức chặt chẽ, có phương pháp, có nề nếp là yếu tố quyết định trong thi cử. Cá nhân muốn gian lận cũng khó mà được. Chẳng hạn chuyển đổi người địa phương đi nơi khác là yếu tố quan trọng hàng đầu, hay phân biệt giữa hai tổ chức Hội đồng Giám thị và Hội đồng Giám khảo, không cho phép bất cứ quan chức địa phương nào, dù là tỉnh trưởng, dính dáng xa gần tới hai hội đồng này v.v… Hai hội đồng ấy từ trung ương gửi xuống, biệt lập với quan chức địa phương. Địa phương chỉ có bổn phận cung cấp phương tiện cho chánh chủ khảo và các hội đồng: máy bay quân sự, xe cộ, lính canh gác thùng đề thi, an ninh tại các trường thi…

Về việc chịu trách nhiệm: Chẳng hạn để tiết lộ thùng đề thi do trách nhiệm ông tỉnh trưởng thì việc trước tiên là ông tỉnh trưởng phải đổi đi chỗ khác.

Tổ chức ấy được tiến hành như sau:

Nha Khảo thí

Nha Khảo thí là nơi đầu não làm việc suốt quanh năm, nhằm mục đích tổ chức hai kỳ thi Trung học phổ thông và bốn lần thi Tú tài I và II. Cơ quan này chia ra nhiều bộ phận riêng rẽ, biệt lập như tổ chức các Hội đồng Giám thị và Hội đồng Giám khảo, phân phối điều động các giám khảo, giám thị… Riêng Sài Gòn, vì là trung tâm nên còn chia ra nhiều hội đồng khác như Hội đồng ban A, B, ban C và D. Các tỉnh lớn có các Hội đồng Giám khảo như Huế, Nha Trang, Cần Thơ v.v… Các địa phương như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Trị…,  có Hội đồng Giám thị. Khi các thí sinh thi xong, tất cả bài thi và hồ sơ của Hội đồng Giám thị sẽ được chuyển về Huế.

Nhưng bộ phận quan trọng của Nha Khảo thí là Hội đồng ra đề thi. Bộ phận này nằm riêng biệt trên lầu ba của Nha Khảo thí, được gọi đùa là một vương quốc thi cử; nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Tổ chức tại Hội đồng ra đề thi như sau: Trung bình mỗi môn có hai giáo sư trung học có kinh nghiệm phụ trách. Họ có bổn phận cân nhắc kỹ lưỡng từng câu hỏi giáo khoa, từng đề thi sao cho chính xác, không có kẽ hở… Đề cũng cần vừa trình độ học trò, không được quá khó. Có năm, đề toán ra quá hắc búa, nhiều học trò giỏi cũng ngắc ngư. Báo chí phản ứng, dư luận rùm beng. Riêng đề thi ban Triết, nhiều vị không dám tự mình đề xướng ra một đề thi mới, mà thường chọn các đề thi có bài luận giải đáp trong sách Foulquié cho chắc ăn. Vì thế, các giáo sư cũng lấy đề thi và bài luận trong sách này dạy cho học trò luyện thi. Không có “học tủ” đâu, vì có đến bốn, năm cuốn Foulquie với hàng trăm bài mẫu.

Sau khi đã quyết định đề thi, các vị ấy phải tự mình đánh máy, tự mình quay ronéo rồi để vào các phong bì, niêm phong, đóng khằn bằng xi. Phòng ra đề thi được bảo mật, có người canh gác, có hệ thống an toàn riêng để tránh sự đột nhập. Tất cả tổ chức khắt khe như vậy chỉ nhằm mục đích bảo đảm việc thi cử được bảo mật tối đa, giữ được công bằng.

Tuy nhiên tổ chức bảo mật có khắt khe đến đâu đi nữa, vẫn có yếu tố con người. Vì thế, vấn đề còn lại vẫn là cá nhân, tư cách người thầy.

Khác biệt giữa các trường công lập và tư thục

Thầy trường công và nhất là học trò trường công, thì khác xa về trình độ học vấn so với học trò trường tư. Một đằng trình độ tương đối đồng đều, có chọn lọc khi thi tuyển vào lớp đệ thất. Một đằng hỗn tạp, giỏi thì ít mà dở thì nhiều, kỷ luật cũng kém. Nói chung kém mọi mặt.

Cho nên tỷ lệ thi đỗ ở trường tư chỉ  từ 15%-30% tùy trường. Tỷ lệ thi đỗ ở trường công từ 75% trở lên.

Sự đồng đều ấy cho thấy không có nạn chạy chọt, đút lót để cho con vào đệ thất trường công. Có những gửi gấm rất con người mà dù ta khó tính đến đâu cũng phải chấp nhận như con bác cai trường, con thầy giám thị… nhưng thú thực, chưa một ai gửi gấm tôi trong các kỳ thi đệ thất, dù chỉ một lần; gửi ai khác tôi không biết!

Điều đó chỉ ra tính cách nghiêm chỉnh của các kỳ thi, dù là thi đệ thất. Các kết quả dưới đây tự nó nói lên điều ấy mà không cần một lời biện minh.

Ngoài việc học giỏi, đừng quên một điều không kém quan trọng: Có kỷ luật. Nhờ kỷ luật mà thầy – trò làm nên chuyện. Không thuộc bài phải thuộc bài. Không thể lười; muốn lười cũng không được. Trường nào kỷ luật kém thì việc học cũng sa sút. Dưới đây xin được nêu ra vài bằng chứng cụ thể.

Giai phẩm xuân Gia Long 1968-1969 cho thấy một vài số liệu sau đây:

Kỳ thi Tú tài I năm 1968 có 89,73% trúng tuyển trong tổng số 760 học sinh dự thi, trong đó có 16 thí sinh đậu hạng Ưu, 98 đậu hạng Bình và 198 đậu hạng Thứ.

Kỳ thi Tú tài II năm 1968 có 79,10% trong tổng số 536 học sinh dự thi, trong đó có 7 đậu Ưu, 38 đậu Bình và 114 đậu Bình Thứ (bình thường thì tỷ lệ thi đậu của Tú tài II thường cao hơn Tú tài I, vì đã được sàng lọc, như trường hợp trường Petrus Ký).

Trong số đó, 159 thí sinh đậu Ưu và Bình trong cả hai kỳ thi được nhà trường thưởng một mề đay bằng vàng tây có khắc chữ G và L lồng vào nhau.  Bà Trần Thị Tỵ, hiệu trưởng trường Nữ Trung học Gia Long, trường nữ lớn nhất Sài Gòn trước 1975, trong bài trả lời phỏng vấn của một cựu nữ sinh Gia Long, bà Võ Thị Hai, cũng nhìn nhận rằng:

“Trường học là nơi phải đạt mục tiêu hàng đầu là giáo dục học sinh, có nghĩa là phải rèn luyện để học sinh có đạo đức, có kỷ luật, có trật tự. Phải có trật tự thì các em mới chú tâm nghe giảng, mới có thể học giỏi được. Và cũng phải rèn luyện để các em đi dần đến ý thức tôn trọng kỷ luật một cách tự giác”.

Nói như thế, không có nghĩa là không có ngoại lệ đáng tiếc ngoài dự liệu của nhà trường và lòng mong mỏi của ban giám hiệu nhà trường.

Nguyễn Văn Lục (trích “Nhìn lại việc thi Tú tài ở Miền Nam trước năm 1975”)

(*) Tựa của Sài Gòn Thập Cẩm)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.