Sài Gòn đâu phải của riêng ai

Buổi Giao lưu Ký ức về Sài Gòn tại Cà Phê Thứ 7 Trẻ do NES Education tổ chức vào buổi sáng hôm 4/10/2020 diễn ra trễ 15 phút. Sài Gòn hôm đó thời tiết có vẻ như mang sắc thu, dẫu xứ này chẳng có mùa thu. Có lẽ vì vậy mà căn phòng lầu 1, khách đến gần kín chỗ.

Khởi Thức

Buổi giao lưu này có dáng dấp của một buổi kể chuyện về Sài Gòn, qua nhiều góc ký ức của khách mời hơn là buổi ra mắt sách “Sài Gòn một góc ký ức và bây giờ” của tác giả Vũ Thế Thành. Tác giả muốn thế, và TS Nguyễn Thị Hậu, khách mời kiêm MC cũng muốn thế.

MC Nguyễn Thị Hậu giới thiệu về khách mời – BS Thân Trọng Minh, nhà báo Ngữ Yên và tác giả Vũ Thế Thành: “Bốn anh em tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình không phải là người Sài Gòn. Nhưng rất khó có thể nói được ai là người gốc Sài Gòn. Ông Vũ Thế Thành gốc Hà Nội, sinh ở Sài Gòn; TS Hậu gốc miền Tây, sinh ở Hà Nội; BS Thân Trọng Minh là người ở cái gốc mà nhà văn Túy Hồng từng nói nghe chém đinh chặt sắt: “Tôi yêu Huế nhưng không yêu người xứ Huế”; Ngữ Yên gốc Khánh Hòa. Tóm lại Sài Gòn là nơi qui tập dân tứ xứ, nhưng ai đã đến đây đều là dân Sài Gòn”.

Trước giờ giao lưu – Ba “đồ cổ” (hàng trên từ trái) : Thân Trọng Minh, Châu Văn Thuận, Hoàng Khởi Phong.
Và khán giả nhí 13 tuổi (cuối phòng)

Vũ Thế Thành nói: “Phải đợi cho đến khi tôi xa Sài Gòn lên sống ở Đà Lạt tôi mới có thể viết về một Sài Gòn rât đỗi đời thường”. Theo ông, Sài Gòn không có “thổ dân” – từ này và từ ‘dân thổ’ được người miền Nam đi khẩn hoang dùng để gọi người dân Khmer bản địa; ta vẫn thấy trong văn bản các cuốn sách của cố cụ Vương Hồng Sển. Sài Gòn đồng hóa những con người nhập vào nó. Ông Thành nói: “Chúng tôi đã sống qua giai đoạn chiến tranh. Sau 1975 biến động quá lớn. Chúng tôi bị dị ứng, khủng hoảng. Đến bây giờ chỉ có thể nói là mình qua cầu chớ hội nhập thì không”. Ông xúc động về một status của một bạn trẻ đọc bài “Sài Gòn, cà phê và nhạc sến” của ông: “Ba mình chưa bao giờ kể cho mình nghe chuyện này”.

Sách viết về Sài Gòn hiện nay rất ăn khách, nhưng toàn là vay mượn cảm xúc của người khác. Sài Gòn một góc ký ức và bây giờ là cuốn nói về cảm xúc hiện sinh của chính Vũ Thế Thành dọc theo chiều dài của Sài Gòn từ lúc ông nhận thức được cuộc đời cho đến nay.

E rằng TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu bị méo mó nghề nghiệp khi nói về Sài Gòn, buổi giao lưu đã được Vũ Thế Thành phân ra làm ba hạng khách tham dự: đồ cổ, đồ cũ và đồ mới. Đồ cổ có thể kể ra là BS Thân Trọng Minh, Nhà văn Hoàng Khởi Phong, tác giả cuốn Ngày N+1, Châu Văn Thuận, dịch giả cuốn sách vừa đoạt giải sách hay Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng2 … Họ đều xấp xỉ 80 cả. Đồ cổ thường thích lùi niên đại cổ của mình. Ông Thành tự xếp mình và TS Hậu là ‘đồ cũ’, những người thường có xu hướng lùi ngày sản xuất về gần hơn. Nhưng TS Hậu phản ứng, ông Thành đã mấp mé là đồ cổ.

BS Thân Trọng Minh là dân Huế viết lách từ nhỏ, có giải thưởng Văn từ thời học Quốc Học Huế. 18 tuổi vào học Y Khoa đại học đường Sài Gòn. Có thời kỳ là y sĩ trưởng Phú Quốc. Sau chuyển về Đại học Võ bị Đà Lạt. Đã qua cải tạo, nhưng theo ông Vũ Thế Thành, “không biết đã tốt chưa”. Là bác sĩ chuyên về tim mạch có tiếng. Sau này, khi không còn viết được ông chỉ vẽ. Năm rồi, ông cho biết, vừa họp mặt đồng môn khắp thế giới kỷ niệm ngày ra trường.

Từ phải qua – Ngữ Yên, BS Thân Trọng Minh – Vũ Thế Thành, TS Nguyễn Thị Hậu

BS Minh kể lại chuyện học hành: Hai vấn đề ông gặp phải là ngôn ngữ và đại học nói chung và Đại học đường Y Khoa nói riêng. Về ngôn ngữ, trường Y là hậu duệ của trường y Hà Nội, nên giảng bằng tiếng Pháp, một thuận lợi cho dân trường Tây, nhưng không thuận cho dân trường Việt. Năm đầu tiên đánh vật với tự điển, năm thứ hai chúng tôi cả học tây lẫn học ta bình đẳng. Về đại học đường, đại học là tự trị. Làm bậy bạ đâu ở ngoài, chạy vào trong trường chẳng ai được phép bắt bớ. Ông nói: “Năm 1964, sinh viên chúng tôi rất thao thức về chiến tranh, hòa bình, giáo dục và phê bình chính quyền, tôn giáo.” Lúc đó, trường y Sài Gòn ra tờ nguyệt san Tình Thương, tất cả được 26 số. Ngay trong số 1 đã chỉ trích chính quyền. Có ông tướng cảnh sát kêu chủ nhiệm và chủ bút tờ báo lên gặp. Ông rút súng ra kê vào màng tang chủ bút Ngô Thế Vinh3, mới 22 tuổi, và nói: ‘Mày tiếp tục hỗn láo là tao bắn’. BS Minh nói: “Tôn giáo chúng tôi cũng không tha. Ngô Thế Vinh từng ra Huế phỏng vấn thượng tọa Thích Trí Quang về vụ biểu tình ở Huế.”

Ông cho rằng thế hệ của ông  trải qua tai ương nhiều hơn là hạnh phúc. Rồi ông ngậm ngùi lẩy Kiều: Những điểu trông thấy mà đau đớn lòng”. Tiếp lời ông, TS Hậu nói: “Mỗi chúng ta là một thân phận. Nhìn lại không hiểu sao mình vẫn vượt qua được”.

TS sinh học phân tử Lê Học Lãnh Vân, người cùng thế hệ với Vũ Thế Thành chia sẻ: “Tôi sinh ở Sài Gòn nhưng tôi “Bắc” hơn ông Thành. Khi tôi có dịp ra Bắc, nhìn thấy những ngôi nhà ở Bắc giống hệt nhà mình, tôi mới nhận ra rằng tôi sống theo chính mẫu hình từ Bắc đem vào”… Ông nói: “Sài gòn có nhiều chất fusion từ nhiều miền Huế, Hà Nội, Quảng, Lục tỉnh. Có một khoảng thời gian tôi gặp nhiều trí thức Việt Nam nổi tiếng. Theo thống kê của họ, không biết vùng đất đó như thế nào mà khi vào Sài Gòn ai cũng đều mở ra hết. Rồi trở thành những con người xuắt sắc”.

Nhà thơ Hoàng Khởi Phong kể lại sự học của mình và nhận định về giáo dục miền Nam. Lúc vào Nam ông đã đậu tiểu học. 12 tuổi học Trung học Chu Văn An. Đậu tú tài, mới vào đại học năm nhứt đã bị động viên vào lính. Theo ông giáo dục miền Nam gồm ba chuẩn: nhân bản, khai phóng và tự trị. Ông nêu ví dụ, năm 1973, ông làm việc tại Đà Lạt. Ông được lịnh đón bắt một người khi y vừa xuống máy bay. Tội: đương chức trung úy, bỏ ngũ theo Linh mục Trần Hữu Thanh biểu tình. Sau khi bắt hai ngày, Hoàng Khởi Phong đã thả Chu Sơn, Trần Hữu Lục, bạn Thân Trọng Minh đến chở ông ta đi bằng xe honda. Ông nói: “Biết thả là mình bị phạt, nhưng tôi vẫn thả. Hậu quả là tôi bị 15 ngày trọng cấm.”

Lâm Minh Trang, giáo viên ở Gò Vấp, chia sẻ: “Tôi gốc Hoa, con kề út trong một gia đình bốn gái một trai. Có lẽ cha mẹ tôi kỳ vọng tôi là con trai, nên tôi sinh ra từ nhỏ tới lớn tôi như con trai. Tôi còn nhớ có bữa trưa tôi qua Cầu Sạn bắn ăn bi và ăn lính nhựa. Bọn con trai chơi với tôi hôm đó toàn thứ dữ, nhưng khi tôi chơi ăn đậm, không đứa nào tỏ vẻ gì “bắt nạt”, “ăn hiếp” hòng cướp bi và lính nhựa lại. Sài Gòn theo tôi là như vậy đó.

Nhà tôi ở ấp Tây Nhì, khu công xy heo, trong một xóm nhà sáu căn. Hai căn là của các cô gái bao, được ông bồ mua cho, một căn là của một cô cho vay nặng lãi… Vậy mà ở nhiêu năm chẳng có một lần cãi cọ. Hàng xóm vẫn gọi ba má tôi là thầy Hai, cô Hai”.

TS Nguyễn Thị Hậu, chia sẻ thêm về cái tình hàng xóm Sài Gòn đó: “Tôi vào Nam năm 1976, ở khu Phú Nhuận, cũng có thứ tình hàng xóm in hệt. Nền tảng gần gũi với nhau là từ nền giáo dục của gia đình”.

Dịch giả Châu Văn Thuận nói về cái nghề giáo ở Sài Gòn: “Nghề giáo lúc đó có thế giá. Năm 1965, thời đệ nhị Cộng hòa, thật lộn xộn. Có lần tôi đi chơi khuya đến 12 giờ mới về, gặp mật vụ hỏi giấy. Tôi xuất trình giấy giáo sư4 của mình cho họ xem. Họ xin lỗi và để tôi đi. Năm 1967, phải động viên vào Thủ Đức. Ra trường, chẳng hiểu sao tôi là người được thuyên chuyển lên Đà Lạt. Lúc đó, phải nhận sự vụ lệnh ở đường Cường Để (bây giờ là Tôn Đức Thắng). Rồi chờ mấy bay mấy ngày không có, tôi tới gặp một ông tướng nổi tiếng. Trên bàn ông để toàn sách triết học bằng tiếng Pháp. Ông hỏi tôi: “Anh résumé (tóm tắt) cuốn này mất bao lâu.” Lúc đó tôi phát run, vì đó không phải là chuyện lính tráng”.

Một độc giả hỏi về văn hóa ẩm thực Sài Gòn. Ngữ Yên trả lời: “Nói văn hóa ẩm thực Sài Gòn khó. Tôi đã từng hỏi ông Huỳnh Ngọc Trảng, đặc sản của Sài Gòn là gì. Ông trả lời: “Tròa đóa”. Nhưng trong cuốn hồi ký của mình, Hồ Ngọc Nhuận, người từng thầu nước đá cho lính Mỹ, cho rằng chính người Mỹ sáng chế ra món trà đá. Vì nóng quá, chịu không nổi, họ uống trà kiểu đó. Trải qua một thời gian nhiều món ăn ở Sài Gòn cũng mất đi, và nhóm người nhập cư mới du nhập món mới vào”.

TS Nguyễn Thị Hậu: “Kể cả ẩm thực, Sài Gòn dung chứa tất cả. Ẩm thực và ngôn ngữ nhập cứ và biến tấu chút chút cho hợp. Có lần, trong một hội thảo của tờ tạo chí Tia Sáng, tôi được hỏi: Hãy nói về Sài Gòn từ góc nhìn của tôi không phải gốc Sài Gòn. Tôi suy nghĩ và chọn cách giải thích theo phản đề: Không thể nhìn Sài Gòn bằng tâm thức khác như nhìn Hà Nội”.

Điều đáng ghi nhận, đa số người tham dự là giới trẻ, dưới 40. Cá biệt có một khán giả nhí 13 tuổi, theo cha đến dự. Đến để nghe đồ cổ, đồ cũ kể lại ký ức một thời của họ về Sài Gòn. Thật tiếc, khi bầu không khí nóng lên, nhiều bạn trẻ giơ tay đặt câu hỏi thì lại hết giờ. Chỉ kịp một câu hỏi “Giáo dục khai phóng là gì? Cháu chưa nghe từ này bao giờ…” Câu hỏi nhỏ, nhưng lại là một chủ đề lớn. Dịch giả Châu Văn Thuận lúng túng khi tìm cách giải thích khái niệm “giáo dục khai phóng” trong vài phút ngắn ngủi. Có lẽ cần một buổi giao lưu cho riêng đề tài này.

Khởi Thức

Chú thích
1 Có thể đọc ở đây: http://vanviet.info/van/ngy-n-ky-1/
2 Nguyên tác: In Defense of a Liberal Education của Fareed Zakaria.
3 Bác sĩ, nhà văn.
4 Trước 1975, dạy từ trung học trở lên được gọi là giáo sư.

2 thoughts on “Sài Gòn đâu phải của riêng ai

  1. Nên tiếp tục những buổi giao lưu về Saigon, xưa và nay và sau này… .nhiều người như tôi, bà xã tôi đều tiếc vì ko đc tham dự. Các bạn sẽ đc tôi nói NỖI NHỚ SAIGON NGAY KHI ĐANG Ở SAIGON. Chắc là chưa ai thuật lại hoàn cảnh nào như thế phải không ? Vậy pls, tổ chức tiếp tục đi nhé ….

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.