An toàn thực phẩm – Các viên, các gói hay các lọ thực phẩm bổ sung là một hình thức của thực phẩm chức năng, không phải là thuốc trị bệnh. Chắc chắn thế. Nhưng gọi đó là thực phẩm như cơm gạo bánh mì bơ sữa thịt cá,… nghe cũng không ổn. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem thực phẩm bổ sung là loại thực phẩm đặc biệt. Đặc biệt hay không đặc biệt thì cũng là thực phẩm, không phải là thuốc.
Vũ Thế Thành
Thuốc phải chứng minh là an toàn
FDA xem bất cứ loại thuốc mới nào cũng đều không an toàn, cho đến khi nhà bào chế đưa ra bằng chứng qua nghiên cứu lâm sàng trên những người tình nguyện. Thuốc chưa an toàn, chưa được phép bán.

Thực phẩm bổ sung được xem là an toàn cho đến khi được chứng minh là không… an toàn (khác với thuốc trị bệnh, phải chứng minh hiệu quả và an toàn trước khi lưu hành)
Không những phải đưa ra bằng chứng an toàn, mà còn phải đưa thêm bằng chứng hiệu quả của thuốc, bao gồm trong những điều kiện nào thì thuốc có hiệu quả, các phản ứng phụ, chống chỉ định sử dụng thuốc trong trường hợp nào, tương tác không an toàn với các loại thuốc khác,…
Chưa hết, thuốc được phép lưu hành rồi, nhà sản xuất vẫn phải theo tiếp tục theo dõi qua kênh phân phối qua bác sĩ kê toa, dược sĩ bán thuốc để thu thập thêm thông tin về các phản ứng phụ, cũng như những phát sinh khác của thuốc.
Thuốc bán theo toa hay không cần toa (như thuốc cảm, thuốc ho,…) cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trên.
Với thực phẩm bổ sung, an toàn tính sau
Khác với thuốc trị bệnh, thực phẩm bổ sung lại được xem là an toàn, được phép lưu hành thoải mái cho đến khi được chứng minh là không an toàn. Sướng ở chỗ, cứ bán đi, cứ xài đi, chừng nào phát hiện có hại tính sau.
Thực phẩm thì cứ việc chế biến và bán buôn thoải mái miễn là tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, như không sử dụng chất cấm, không có vi sinh gây bệnh,…
Nhưng thực phẩm bổ sung được xem là thực phẩm đặc biệt, nên được FDA đối xử cũng hơi.. đặc biệt một chút, nhưng so với thuốc trị bệnh thì nhẹ hều.
Đây là cách mà FDA “làm bộ” khó tính với thực phẩm chức năng:Thực phẩm bổ sung được xem là “mới”, nếu trong thành phần của nó có một chất gì đó không được xem là thực phẩm. FDA yêu cầu nhà sản xuất phải cung cấp bằng chứng hợp lý rằng, thành phần “mới” này là an toàn, nhưng không cần phải có thực nghiệm lâm sàng,…, nghĩa là cứ chứng minh dựa trên lý thuyết vô tư. Nhẹ hều là ở chỗ đó.
Luật cho phép FDA được quyền cấm sản xuất một loại thực phẩm bổ sung nào đó, nhưng với điều kiện FDA phải chứng minh được sản phẩm đó là không an toàn.
Muốn chứng minh là không an toàn đâu phải dễ. Thực phẩm chức năng được mua bán thoải mái như bánh mì, jambon, thịt cá, đâu có được theo dõi qua bác sĩ, dược sĩ để biết hiệu quả điều trị, hay phản ứng phụ,… Không theo dõi, không lập hồ sơ thì làm gì có thống kê tác hại, phản hồi có ý nghĩa.
Thực phẩm bổ sung thì đủ loại, thiên hình vạn trạng, từ loại bổ sung vitamin, chất xơ, chất khoáng, protein thể hình cơ bắp,… cho đến các loại thảo mộc, giảm mỡ máu, tăng sức đề kháng,…
Thảo mộc mơ hồ
Trong số các loại thực phẩm chức năng thì thảo mộc (herbs) được tô điểm như là “tự nhiên” hoàn toàn, khỏi lo có hóa chất độc hại, nhưng thảo mộc cũng là loại mà các cơ quan an toàn nhức đầu nhất.
Lo ngại trước tiên là nhiễm khuẩn, thuốc trừ sâu và kim loại nặng. Tuy nhiên, những e ngại này có thể kiểm soát tương tự như trồng rau củ quả.
Điều lo ngại khác, đó là thành phần ghi trên nhãn thảo mộc lại không đúng với nội dung. Trong khi phân tích thảo mộc lại là điều không dễ dàng như phân tích protein trong thịt cá. Năm 2003, các nhà nghiên cứu ở Toronto đã lấy mẫu 44 mẫu thực phẩm bổ sung, dạng thảo mộc, có thành phần là duy nhất một loại thảo mộc. Phân tích qua DNA cho thấy, thành phần chỉ có 48% đúng là loại thảo mộc ghi nhãn, phần còn lại là thảo mộc gì đó chưa thể xác nhận.
Chưa hết, các loại hỗn hợp thảo mộc tự nhiên được bào chế thành “thuốc”, quảng cáo là thần dược cường dương bổ thận,… Hiệu quả chứ không đùa. Những thực phẩm bổ sung này đã được phát hiện là trong thành phần có “bổ sung” Viagra hoặc Cialis. FDA ra lệnh thu hồi hết thần dược này vì vi phạm luật chơi thực phẩm bổ sung.
Thực phẩm bổ sung không phải là điều xấu. Cũng có những loại sản xuất, dán nhãn kê khai tử tế như các loại multi-vitamin, whey protein,…, nhưng nhiều loại thực phẩm chức năng hiệu quả mơ hồ, quảng cáo quá sự thật, bán hàng đa cấp, rỉ tai, giá cao ngất trời.
Cần nhớ rằng, thực phẩm chức năng chỉ là thực phẩm, và cơ quan chức năng chỉ kiểm soát nó như kiểm soát thực phẩm về mặt an toàn. Còn hiệu quả trị bệnh, bổ béo thì giới khoa học chưa dám xác nhận và khuyên dùng, trừ một số bác sĩ, tiến sĩ “bán thân” trong các seminar, hội thảo khoa học (huyền bí) về thực phẩm chức năng.
Vũ Thế Thành