Món quà thơ đầu tiên

Tập thơ bìa màu xanh ngọc, ruột bên trong màu trắng, nhưng cả bìa lẫn ruột đều đã rất cũ, đã úa vàng, đã rơi ra từng tờ. Nếu không cầm nắm nhẹ nhàng, tập thơ sẽ rách tả tơi. Thơ Nguyên Sa. Tổ hợp Gió xuất bản, và năm Hoài có nó là 1969. Đã năm mươi năm chẵn.

Ngọc Bút

Xưa rất là xưa, một ngày giữa năm học lớp đệ tứ, Hoài bỗng-dưng nhận được tờ giấy, kẹp trong quyển vở, có mấy câu thơ sau được chép nắn nót:

Nắng Gò Dầu anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn

Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh

Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung

Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

Ôi, của ai vậy? Áo lụa Hà Đông nào? Hoài là nữ sinh trung học, đi học mặc áo dài trắng, mà phổ biến lúc ấy là loại vải gọi là “tơ sống”, chắc cũng giống như lụa (?). Âm thầm điều-tra tới lui rồi Hoài cũng tìm ra chủ nhân của tờ giấy có chép thơ ấy, là anh chàng Hiện trong ban báo chí của lớp. Nhưng mà năm ngoái, lúc cả nhóm tụ họp làm bích báo, Hiện nghịch phá như quỷ, sao có thể có những vần thơ “bay bướm” này? Hoài biết là Hiện chỉ giỏi các môn toán lý hóa thôi mà (khác với Hoài chỉ khá môn Việt văn!) Tự hỏi vậy thôi. Hoài chẳng “trả lời trả vốn” gì với Hiện, cũng chẳng kể lể gì với mấy đứa bạn thân, như chuyện vẫn thường xảy ra khi một cô bé nhận thơ hay thư từ một “anh” hay một bạn nam nào đó. Chỉ vậy thôi. Hoài già trước tuổi, nhưng cũng biết tự “che chắn” mình bằng sự im lặng. Mấy tuần sau, lại mấy câu thơ khác kèm trong quyển sách mà Hiện bỗng dưng chặn đường Hoài ở cuối hành lang lớp học và nói “cho Hoài mượn sách nè”. A, bây giờ thì không giấu mặt nữa rồi! Hoài đâu có mượn sách đâu mà bỗng dưng Hiện mang sách đến cho Hoài mượn! Nhưng Hoài vẫn cầm lấy quyển sách, như có ma đưa lối quỷ dẫn đường!

Hôm nay Hoài buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao chả là nước biển

Hoài đọc mấy câu thơ ngồ ngộ này, lần này có hơi xao xuyến. Nhưng vẫn im lặng, và vẫn giữ riêng trong lòng một mình. Lại vì già-trước-tuổi và vì nghĩ mình là con vịt xấu xí. Hoài chỉ khác những con vịt đẹp khác ở chỗ biết tập tành làm thơ và vừa được giải nhất thơ toàn trường dành cho học sinh khối trung học đệ nhất cấp vào dịp làm báo tết vừa qua. Nhưng những buổi sáng đi học hình như trời xanh hơn, nắng lung linh hơn, gió mát dịu hơn, và tình cờ đối mặt trong lớp hay thoáng gặp đâu đó trong sân trường ánh mắt hai đứa đã có gì khang khác… Tự  Hoài cảm thấy như vậy, và thực lòng là Hoài có thích những câu thơ Hiện chép gởi cho Hoài. Thực lòng là Hoài có thích cách Hiện gởi thơ cho Hoài kín đáo và điềm đạm như vậy. Nó không giống với kiểu nghịch phá của Hiện khi cả lớp cùng làm chung việc gì đó.

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…

 Cuối năm học cũng là đầu mùa mưa. Những cơn mưa bất chợt đến nhanh và đi nhanh nhưng cũng để lại lòng những cô bé mới lớn như Hoài nỗi buồn vu vơ khó tả. Hoài bận lắm. Em gái thứ nhất mới sáu tuổi. Em gái thứ hai chưa tròn một tuổi. Đi học về Hoài còn phải phụ giúp việc nhà, từ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc cho đến giặt giũ quần áo, chăm em. Tay chân bận rộn vậy, vậy mà cái đầu Hoài cũng bận rộn… lang thang, không kém. Đôi khi Hoài cũng xuất-ý-thành-thơ, nhưng không hay như thơ của Hiện chép gởi cho Hoài. Hoài ngờ ngợ… Hình như không phải thơ Hiện sáng tác đâu. Thơ lạ lắm. Thơ người-lớn lắm. Và hoàn toàn không giống với thơ Xuân Diệu hay Huy Cận hay Nguyễn Bính mà Hoài và bọn bạn thân vẫn chuyền tay nhau chép trong các cuốn sổ của riêng từng đứa.

Buổi học những ngày gần cuối niên khóa thường chơi nhiều hơn học. Một bữa, lúc sắp ra về, Hiện bỗng dưng chặn Hoài ở cửa lớp, lúc Hoài vừa một mình bước ra:

– Hoài rảnh không? Đi uống nước với Hiện một chút? 

Trời đất, Hoài thầm nghĩ, sao bữa nay lại có vụ uống nước này? Ở cái phố quận bé xíu này, chỉ cần một lần “đi uống nước” với một bạn nam ở đâu đó là nổi danh như cồn! Không được không được. Cái đầu Hoài kêu lên như vậy.

– Trễ rồi. Hoài phải về. Ở nhà còn vô số thứ phải làm.

Hình như giọng Hiện có hơi buồn buồn:

– Thôi vậy. Hoài giữ cái này nha.

Hiện đưa ra cái gói nhỏ nhỏ vuông vuông gói bằng giấy trắng giản dị có cái nơ cũng màu trắng. Về nhà, Hoài chui vào một góc mở ra cái gói của Hiện: tập Thơ Nguyên Sa, bìa màu xanh ngọc, ruột trắng, có phụ bản tranh của bốn họa sĩ Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Đồng, Nguyễn Quốc Thái. Nhưng Hoài không quan tâm đến tranh. Hoài nhìn thấy ngay bốn câu thơ ở bìa sau mà Hiện từng chép cho Hoài: Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm…Và ở ngay bài thơ đầu tiên là “Nắng Saigon anh đi mà chợt mát…”. Hóa ra bấy lâu Hiện đã “cải biên”  Áo Lụa Hà Đông và Nga của nhà thơ Nguyên Sa khi chép gởi cho Hoài! Rồi một tờ giấy kẹp giữa tập thơ với nét chữ mạnh mẽ mà phóng túng của Hiện:

“Hoài thân mến, Hiện sắp theo gia đình đến sống ở một tỉnh khác. Ba của Hiện đổi nhiệm sở. Có lẽ một tuần nữa Hiện sẽ đi. Chúc Hoài ở lại học giỏi. Hiện rất nhớ những ngày bọn mình làm báo tết cùng nhau. Và Hiện sẽ rất nhớ Hoài, cô bé làm thơ…

Hoài ngơ ngẩn một lúc lâu. Cô bé? Hiện lớn hơn Hoài có chút xíu mà đã gọi Hoài là cô bé. Sao mà kẻ-cả quá vậy! Mà cũng thật là lãng mạn, sao không là cái gì khác mà là thơ? Vô tình hay cố ý, mà tở thư ngắn của Hiện lại nằm ở ngay bài thơ Tương Tư?

Tôi đã gặp em từ bao giờ

Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya

Kể từ gió thổi trong vừng tóc

Hay lúc thu về cánh nhạn kia?

Có phải em mang trên áo bay

Hai phần gió thổi, một phần mây

Hay là em gói mây trong áo

Rồi thở cho làn áo trắng bay?

Những ngày sau đó, Hoài thường giở tập thơ đọc đi đọc lại nhiều lần, không phải chỉ mấy câu Hiện chép cho Hoài, mà toàn bộ tập thơ. Ôi, Hiện chỉ lớn hơn Hoài một tuổi, hiện chỉ giỏi toán lý hóa, mà lại đọc và mua tặng Hoài thơ như thế này ư? (Thực ra, ý nghĩ này chỉ có khi sau này Hoài lớn lên, vào đại học Văn Khoa và đọc nhiều thứ hơn). Hoài đọc nhẩn nha, Nguyên Sa viết ở Paris và viết cho ai đó mà cứ ngỡ như Hiện nhắn gởi gì đó với Hoài:

Mai tôi đi chắc trời mưa

Tôi chắc trời mưa mau

Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội

Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau…

 Có những bài thật là “cao siêu” so với tuổi của Hoài. Hoài không hiểu hết nhưng rất “cảm”. Vỉ đó là quà của Hiện tặng Hoài, vì đó là món quà thơ đầu tiên trong đời Hoài. Những chiều mưa, Hoài đọc thơ Nguyên Sa và mông lung nghĩ đến Hiện. Có khi nào Hiện về thăm lại chốn xưa? Hoài tự hỏi mà không biết mình có mong đợi hay không…

Người về đêm nay hay đêm mai

Người sắp đi chưa hay đi rồi

Muôn vị hành tinh rung nhè nhẹ

Hay ly rượu tàn run trên môi

Người về trên một giòng sông xanh

Trên một con tàu hay một ga mông mênh

Sao người không chọn sông vắng nước

Hay nước không nguồn cho sông đi quanh

Quê của Hoài cũng có một giòng sông xanh, rất thơ rất mộng không kém gì sông Seine trong thơ Nguyên Sa. Lớn lên, Hoài đã bao lần ra đứng nhìn sông chảy, miên man nhớ bao nhiêu chuyện từ thuở thiếu thời. Thấp thoáng hình bóng Hiện… Một tập thơ và mấy giòng ngắn ngủi. Và chỉ vậy thôi. Và Hiện xa xôi từ đó. Cũng không hiểu vì sao hai đứa không thư từ liên lạc nhau. Hiện sẽ rất nhớ Hoài, cô bé làm thơ…Vậy mà mất biệt tăm hơi! Hoài còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện tình yêu hay chuyện đợi chờ. Giòng đời đã cuốn Hoài đi…

 Đã tròn năm mươi năm. Con vịt con xấu xí bây giờ đã là một bà nội hạnh phúc, nhưng vẫn không thôi bồi hồi mỗi lần cầm lại trên tay món quà thơ đầu tiên ngày cũ. Thơ Nguyên Sa cũng không còn quá cao siêu khó hiểu mỗi lần đọc lại, nhưng cảm xúc rưng rưng trong lòng Hoài thì không bao giờ cũ.

Rồi trong ngôi nhà ký ức em sẽ đặt anh ở vị trí nào? Bên cạnh lớp học ngày xưa hay khu vườn tuổi nhỏ? Bên cạnh hình ảnh đôi guốc cao gót đầu tiên hay con búp bê gẫy tay trên gác bếp?

Khóa cửa ngôi nhà, viễn du vào cuộc đời thường nhật, bao nhiêu lâu em trở lại một lần? Ấy có phải là những ngày mưa, những buổi cuối tuần không có phim hay? Ấy có phải những lúc chồng em không trở về nhà vào buổi tối?

Chiếc chìa khóa mắt buồn đưa vào đêm vắng. Trong những gian phòng dĩ vãng em sẽ tìm đến nơi anh. Anh đã nghe thấy tiếng chân em đi: đúng là âm thanh của đôi giày ngần ngại, đúng là bước chân nai trên lá thu vàng.

Em sẽ đặt vài ngón tay tình cảm lên vai anh rồi vội vã đẩy lui vì chợt nhận thấy rằng anh chỉ còn là một công trình điêu khắc. Trong ngôi nhà cũ của tâm hồn em sẽ bỏ đi mau như một người khách lạ để tránh những nỗi buốn xưa cũ vướng vào vai.(Bài Giã Biệt) 

Hiện à, sẽ không bao giờ là giã biệt, dù chúng ta xa nhau đã năm mươi năm và không một lời hẹn ước. Bởi vì ký ức và thơ vẫn xanh như thuở ban đầu.

Ngọc Bút

*Tất cả các phần in nghiêng được trích tứ tác phẩm THƠ NGUYÊN SA, tổ hợp GIÓ xuất bản, Saigon 1969.

2 thoughts on “Món quà thơ đầu tiên

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.